Điểm sáng việc làm: Không thiếu đơn hàng, không lo lương giảm |
Ngành Dệt may là một trong số các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp đã kịp thời biến thách thức thành cơ hội. Trò chuyện với phóng viên, cô Nguyễn Thị Mì (công nhân may Công ty TNHH YIC Vina, KCN Châu Sơn, Hà Nam) chia sẻ: “Covid-19 giờ phức tạp quá! Đọc báo thấy đâu cũng làm luân phiên, cho nghỉ việc. Ở dưới này (Châu Sơn, Hà Nam - PV) may chưa có ca nào mà việc lại luôn chân, luôn tay". Cô Mì vào làm tại công ty từ khi thành lập, tính đến nay đã bước sang năm thứ 8. Từ lúc dịch bùng phát, thu nhập của cô không bị cắt giảm mà ngược lại còn tăng nhẹ và ổn định. Bắt đầu một ngày làm việc lúc 7 giờ 30 sáng và rời nhà máy khi đồng hồ điểm 6 giờ tối, trung bình mỗi tháng cô Mì nhận 6 triệu tiền lương. Tháng cao điểm con số có thể lên đến hơn 7 triệu.
Công nhân chủ động đeo khẩu trang, vừa hạn chế bụi vải vừa đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Mùa dịch nhưng đơn hàng nhiều, số lượng lớn, công nhân làm không hết việc, thậm chí có hôm tăng ca đến 8 giờ tối. Trong giờ làm, công việc yêu cầu người thợ phải tập trung cao do sản phẩm được đặt hàng theo tiêu chuẩn của các thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy vậy không vì thế mà không khí làm việc tại xưởng ngột ngạt, căng thẳng. Ngược lại, công nhân ở đây được tự do trang phục khi đi làm, có thể trò chuyện thoải mái trong lúc làm việc, miễn đảm bảo hoàn thành định mức và đảm bảo an toàn, vệ sinh và phòng, chống dịch. "Công ty kiểm soát chặt chẽ lắm. Sau Tết, ai về quê đều phải khai báo rõ ràng. Trước khi làm phải sát khuẩn tay mới được vào xưởng. Ở đây, không ai bảo ai nhưng khẩu trang lúc nào cũng đầy đủ. Chưa có Covid-19 mọi người cũng đã chủ động đeo vì bụi vải trong lúc làm việc”, cô Mì chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Phương (công nhân may Công ty TNHH YIC Vina, KCN Châu Sơn, Hà Nam) có cùng ý kiến: “Từ ngày dịch quay trở lại, đơn hàng ngày một nhiều, anh chị em công nhân làm không hết việc. Công ty thì tuyển dụng liên tục, thậm chí còn đào tạo nghề cho công nhân khi mới vào. Đợt này, công nhân mất việc xin vào đây đông lắm". Công ty liên tục tuyển dụng. Có việc làm đều đặn đối với công nhân là điều quan trọng nhất trong thời điểm dịch bệnh khó lường. Vậy mà không chỉ đảm bảo cho người lao động có thu nhập ổn định, Công ty TNHH YIC Vina còn quan tâm tới đời sống tinh thần của công nhân. Ngay từ bữa cơm hàng ngày cũng có bộ phận tiếp nhận phản ánh chất lượng; các ngày lễ, Tết công ty đều thưởng tiền mặt để động viên mọi người. Với đặc thù hoạt động trong ngành May, đa phần công nhân là nữ. Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ công nhân nữ được Ban lãnh đạo và Công đoàn đặc biệt quan tâm. Lao động nữ mang thai hoặc có con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ sớm một tiếng và không phải làm việc tăng ca theo đúng quy định của Luật Lao động. Chuyên môn hóa trong sản xuất để đạt năng suất cao. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Công đoàn của Công ty cho biết: “Công nhân may rất nhiều nhưng người có tay nghề thì hạn chế. Khi được nhận vào làm, công nhân được phân công vào các chuyền riêng biệt, tập trung vào duy nhất một loại sản phẩm. Việc chuyên môn hóa trong sản xuất không những giúp cho công nhân chuyên sâu, nâng cao kỹ thuật mà còn tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, hệ thống chuyền may trong nhà máy là hệ thống chuyền LEAN. Mức lương nhận được theo hệ thống LEAN là mức lương không giới hạn, tùy thuộc vào năng suất của chuyền. Năng suất càng cao thì đơn giá cho một sản phẩm và hiệu suất của chuyền càng cao". Chị Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH YIC Vina. Mong muốn người lao động gắn bó lâu dài, dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định, Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ công nhân. Trong đợt dịch thứ nhất, công ty gặp phải một vài khó khăn do nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ phía Trung Quốc bị cắt giảm mạnh, một số đơn hàng lớn bị hủy gấp do ảnh hưởng của Covid-19. Để giữ chân người lao động, tất cả chính sách đảm bảo quyền lợi cho công nhân vẫn được thực hiện đầy đủ. Đến đợt dịch này, với kinh nghiệm trước đó, công ty nhanh chóng nắm bắt xu hướng mua sắm trang phục thể thao trực tuyến do người dân phương Tây có thói quen tập luyện tại nhà trong khi các cửa hàng đều đóng cửa vì yêu cầu giãn cách xã hội. Sự nhạy bén khi tìm kiếm cơ hội ngay trong thử thách đã giúp công ty có lượng đơn hàng đều, công nhân có việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch cũng được thực hiện theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng. “Công nhân không chỉ quan tâm tới tiền lương, với họ an toàn lao động mới thực sự là trên hết”, chị Duyên cho biết. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, công nhân tự có ý thức cảnh giác cao độ. Mọi người chủ động đeo khẩu trang trong nhà máy; giữ khoảng cách khi làm việc, sinh hoạt. Ban lãnh đạo, Công đoàn tuyên truyền, nhắc nhở và ngược lại, công nhân cũng giám sát chéo các hoạt động đảm bảo an toàn cho người lao động của công ty. Những khi xà phòng hoặc nước sát khuẩn gần hết, công nhân đều có ý kiến lên bộ phận chịu trách nhiệm để được bổ sung kịp thời.
Công nhân lựa chọn điểm đến an toàn để gắn bó làm việc. Có được tập thể đoàn kết, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, ý thức của từng cá nhân là rất quan trọng. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng có vai trò lớn trong việc phổ biến những chỉ thị, công văn của các cấp chính quyền cũng như động viên tinh thần cán bộ, công nhân viên kiên trì, bền bỉ trong công tác phòng, chống dịch. Dịch bệnh kéo theo sự suy giảm về kinh tế nhưng vẫn còn đó những điểm sáng việc làm khi doanh nghiệp đồng hành cùng người lao động. |
Bài viết & Ảnh: Ngọc Châm
|