Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Tâm sự của nữ nhân viên y tế ở Hải Dương

"Chỉ mong dịch bệnh Covid-19 sớm đi qua, trả lại nhịp sống bình thường". Đó là tâm sự của những nữ nhân viên y tế nơi tâm dịch Hải Dương mà tôi đã trò chuyện.

Ai cũng có thể trở thành bệnh nhân

Ngày 27 Tết, khi những thông tin về ca nhiễm bệnh đầu tiên ở huyện Kim Điền, TP. Hải Dương có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid 19 phủ sóng dày đặc trên các mặt báo, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa TP. Chí Linh Nguyễn Thị Tâm phần nào dự cảm được về những ngày hết sức khó khăn phía trước. Những ngày mà cô và các đồng đội của mình khoác trên mình những "bộ giáp" trắng, bước vào cuộc chiến chông gai, đầy gian khổ nhưng cũng ấm áp tình người.

Chiều hôm đó, lãnh đạo TP. Chí Linh lập tức tổ chức họp và kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần vô cùng khẩn trương. Toàn bộ cán bộ, nhân viên của Trung tâm được lệnh phải gấp rút tập trung.

"Vượt qua lo lắng ban đầu, khi đã xác định đi làm nhiệm vụ, em không còn cảm thấy sợ hãi nữa!"

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Tâm tham gia vào đội truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Có những ngày cao điểm, số mẫu lấy được lên đến trên 2.000 mẫu.

Trung tâm Y tế TP. Chí Linh trở thành Bệnh viện Dã chiến số 1 của Hải Dương trong đợt dịch này. Cũng ngay trong ngày 28 Tết, Nguyễn Thị Tâm cùng gần 100 y bác sĩ của Trung tâm Y tế TP. Chí Linh đã có mặt tại hội trường bệnh viện với nhiều băn khoăn, lo lắng...

Những thông báo về các ca nghi nhiễm, các ca nhiễm từ cộng đồng dồn dập đưa về. Tâm được điều động tăng cường vào đội ngũ truy vết, lấy các mẫu xét nghiệm từ cộng đồng. Công việc của Tâm hàng ngày là hoạt động lấy mẫu kiểm tra với các ca nghi nhiễm, ca dương tính, các ổ dịch và mẫu bệnh phẩm.

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Tâm mong muốn các đồng nghiệp bảo vệ sức khỏe thật tốt để có thể tiếp tục chiến đấu và dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt hoàn toàn.

Mỗi ngày, Tâm cùng đồng nghiệp di chuyển đến các làng, xã, thôn, xóm. Cao điểm có những ngày Tâm lấy đến trên 2.000 mẫu xét nghiệm Covid-19. Hơn ai hết, Tâm hiểu mình là đối tượng rất dễ lây nhiễm virus nCoV trong quá trình làm việc.

- Em có sợ rủi ro không Tâm? Khi hôm nay em lấy mẫu, ngày mai em có thể là bệnh nhân luôn đấy?

- Không chị ạ! Phút ban đầu còn lo lắng nhưng khi đã xác định mình đi làm nhiệm vụ, em không hề sợ. Hơn nữa... Khi dịch đã lan ra cộng đồng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một bệnh nhân Covid-19. Em cũng có thể. Em kỳ thị bệnh nhân Covid-19, cũng có người sẽ kỳ thị em.

Đúng thật! Trong cuộc chiến còn chưa thấy hồi kết này... ai cũng có thể là bệnh nhân Covid-19. Y bác sĩ phơi nhiễm trong các đợt dịch trước, ở Hà Nội, Đà Nẵng không phải không có. Có điều, cuộc chiến bắt buộc ta phải lựa chọn, dù có sợ hãi thì lời thề Hippocrates được tuyên thệ khi bắt đầu vào nghề là kim chỉ nam đã ghim chặt trong tiềm thức nhắc nhở cán bộ, nhân viên y tế về đạo đức và trách nhiệm của mình.

COVID-19 mẹ không sợ. Mẹ chỉ sợ nước mắt của em thôi!

27/1, sinh nhật Candy tròn 6 tuổi.

Covid-19, ngày thứ nhất.

28/1, Covid-19 về. Mẹ đang đi làm thì nhận nhiệm vụ đi chống dịch. Chưa chuẩn bị được bất cứ thứ gì cho bản thân hay các em ở nhà cả. Các em của mẹ ngơ ngác không thể hiểu được mẹ đi chống dịch là thế nào. Mỗi lần mẹ gọi về, các em đều hỏi: "Mẹ ơi, bao giờ mẹ về?". Mà mẹ chưa biết trả lời các em ra sao. Chỉ hứa với các em: "Hết dịch mẹ sẽ về!".

...

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Những ngày cách ly tại bệnh viện dã chiến, Trần Phương Du chỉ có thể gửi tình cảm đến hai con qua màn hình Facetime như thế này.

Covid-19 ngày thứ hai.

Hôm nay, mẹ gọi về, em không nói gì với mẹ. Giọt nước mắt em lăn dài trên má. Em cũng kìm nén cảm xúc không khóc, mẹ thương hai em của mẹ rất nhiều. Trong bệnh viện, các đồng nghiệp của mẹ chiến đấu hết sức kiên cường. Mong dịch tan để tất cả mọi người đều được đoàn tụ. Cố lên hai em của mẹ. Ở nhà ngoan để bố mẹ yên tâm đi chiến đấu. Hết dịch, cả nhà ta lại đoàn viên.

Những dòng tâm sự của Trần Phương Du gửi cho hai con nhỏ là Candy và Ken khiến cho nhiều người phải rơi nước mắt. Nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ trong tâm trạng rối bời, chỉ kịp thông báo với chồng qua điện thoại, cũng chưa kịp gửi cái ôm hay nụ hôn tạm biệt hai đứa con nhỏ - điều mà ngày nào Phương Du cũng làm với bọn trẻ.

Gia đình, bạn bè đều lo lắng khi Phương Du phải gấp rút vào khu cách ly, không kịp mang theo đồ dùng cá nhân. Với họ, Phương Du là một chiến binh dũng cảm. Nhưng với nỗi lòng và tình yêu của một người mẹ, Du thấy rằng chính Candy và Ken, hai đứa trẻ một lên 6, một mới lên 2 mới là hai chiến binh thực sự. Từ nhỏ, đám trẻ chưa bao giờ rời bàn tay mẹ...

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Hai bé Ken và Candy trưởng thành hơn rất nhiều khi mẹ vắng nhà làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, qua cái cách mà Phương Du kể về những đứa trẻ nhà mình trong dịch bỗng làm tôi vừa nể phục, vừa có chút ấm lòng: “Cũng may từ ngày dịch xuất hiện, vợ chồng em cũng đã có giáo dục và dặn dò cho các cháu trước các tình huống, nhất là khi bố mẹ vắng nhà. Thế nên, sau hơn một tháng trở về, em cảm giác các cháu trở nên hiểu chuyện hơn nhiều”.

Đến thời điểm này, khi Bệnh viện Dã chiến số 1 đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình và giải thể, Phương Du đã hoàn thành quá trình xét nghiệm và thời gian cách ly thì nguyện ước của người mẹ “Hết dịch, cả nhà ta lại đoàn viên” đã trở thành hiện thực.

Mong ước lớn nhất là dịch bệnh hoàn toàn kết thúc

Trong những ngày tháng cách ly cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Dã chiến số 1, không nữ chiến sĩ áo trắng nào lại không có những lời viết về trận chiến đặc biệt nhất trong cuộc đời này. Họ viết cho đồng nghiệp cũng là những lời động viên cho chính mình.

Trên những trang nhật ký của Nguyễn Nga, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa TP. Chí Linh, chia sẻ: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Cái lũ giặc mà cả thế giới đều muốn đánh, lũ giặc vô hình mắt không thấy, tai không nghe thấy mà sao nó cứ trèo từ nước nọ sang nước kia, giặc này đánh không súng, không gươm mà không đề phòng được...

Trước đây, giặc đến thì người già, trẻ em đi sơ tán, chạy xuống hầm... Giờ thì trẻ em, người già, người trẻ, cả gia đình, tập thể, cô trò, cả làng, cả xã đi cách ly tập trung...”.

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Trong bộ trang phục bảo hộ nhưng nhiều bất tiện này, Nga và các đồng nghiệp vẫn kiên trì làm nhiệm vụ trong khu cách ly.

Có thể nói rằng, 34 ngày qua là những ngày tháng không thể quên với các nữ điều dưỡng Bệnh viện Dã chiến số 1. Những công việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, hậu cần, điều trị... khiến ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng rơi nước mắt.

Nước mắt của sự bàng hoàng khi Hải Dương lại thành tâm dịch ngay trước thềm năm mới. Nước mắt của nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân... mong về nhịp sống yên bình như trước khi có dịch.

Tôi có hỏi Tâm, hỏi Du và Nga rằng, điều các em mong muốn nhất bây giờ là gì? Thật không có gì là kỳ lạ khi tất cả đều có cùng một câu trả lời: "Không mong muốn gì hơn là dịch bệnh sớm được dập tắt. Để chúng em, người dân Hải Dương và người dân cả nước có thể hoàn toàn quay trở về nhịp sống bình thường".

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Đây là những hình ảnh không bao giờ quên trong cuộc đời những nữ nhân viên y tế của Hải Dương.

Giống như lời tâm sự trên dòng trạng thái viết vội, Nga cũng như nhiều đồng nghiệp khác tin tưởng: "Hỡi đồng nghiệp của tôi ơi ! Lấy mẫu ơi! Trực cách ly ơi! Xét nghiệm ơi! Hậu cần ơi! Điều trị ơi! Phòng khám Thái Học ơi! Anh chị em ta nhất định phải cố gắng. Phải chiến đấu, phải mạnh mẽ đến cùng để chiến thắng giòn giã. Để sau này, khi nhìn lại, đã có những lúc trong quãng đời công tác, chúng ta mạnh mẽ đến thế, chúng ta sống dốc lòng đến thế, chúng ta đoàn kết, vững vàng đến thế. Chắc chắn sau này khi hết dịch, sẽ có những ly rượu được nâng lên, những bó hoa được tặng, những câu chuyện về ngày tháng ấy, những ngày tháng cách ly ấy, được kể mãi, kể đi kể lại. Để cho thế hệ sau biết chúng ta đã có những ngày tháng mạnh mẽ như thế nào. Nhất định thắng lợi! Nhất định phải sớm chiến thắng".

Tâm sự của những nữ nhân viên y tế Hải Dương

Những nữ nhân viên y tế cùng các đồng nghiệp của Bệnh viện Dã chiến số 1, Hải Dương làm nhiệm vụ. Tất cả luôn vững vàng một niềm tin chiến thắng!

Bài và Ảnh: Khuê Nguyệt Minh

Vụ hất hoá chất lên đầu công nhân: Quyết định tạm đình chỉ công việc đã đúng pháp luật? Vụ hất hoá chất lên đầu công nhân: Quyết định tạm đình chỉ công việc đã đúng pháp luật?

Liên quan đến vụ va chạm giữa Tổ trưởng tổ Nhuộm và công nhân Công ty TNHH Tai Ryong Việt Nam, 4 người liên quan ...

“Gáo nước lạnh” của chị Thảo VJ “Gáo nước lạnh” của chị Thảo VJ

Ngày qua ngày, giới đầu tư và cả các công ty chứng khoán lại tiếp tục sống trong nỗi lo âu trong những ngày ...

Nói về công đoàn với tất cả niềm tự hào Nói về công đoàn với tất cả niềm tự hào

Đó là điều ấn tượng khi trò chuyện với chị Lê Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh và chị Nguyễn ...