Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Dịch Covid-19 quay lại: Người bán vé số tiếp tục lao đao

Hiện nay, dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, người bán vé số dạo có cuộc sống vốn đã khó khăn thì nay càng thêm khổ sở hơn. Họ đang đối mặt với tương lai đầy bất ổn.

Trước diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn, thực hiện nghiêm Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chiều 8/2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo: Từ 12 giờ ngày 9/2 (tức 28 Tết), thành phố cho dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, quán nhậu, quán bar, beer club, phòng trà…; thời gian thực hiện đến khi có thông báo mới.

Được biết, đây là lần thứ hai thành phố phải dừng các dịch vụ không thiết yếu. Tháng 3/2020, khi Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành, trong đó có TP HCM đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội trong 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020.

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, người dân đã có ý thức tự bảo vệ chính mình và gia đình bằng cách hạn chế tới những nơi công cộng, tránh tụ tập đông người. Nhiều tuyến đường tại TP HCM trở nên thưa vắng khi dịch Covid-19 quay lại.

Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Anh Văn Hữu Nam (chủ một quán cà phê ở quận Tân Bình, TP HCM) cho biết: “Bây giờ tâm lý lo ngại bao trùm đời sống xã hội. Để phòng dịch, nhiều người đã tập thói quen mới, đó là uống cà phê và ăn sáng tại nhà, không còn ra quán như khi chưa có dịch Covid-19 quay trở lại. Chính vì thế, dù dịp Tết này là thời điểm vàng để kinh doanh nhà hàng, cà phê,... nhưng chúng tôi cũng phải đóng cửa để chống dịch”.

Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Đây thực sự là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với hàng ngàn lao động nghèo mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động và thu nhập của người bán vé số bị sụt giảm mạnh. Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Hoa (57 tuổi, quê An Giang) lo lắng: “Những năm trước chưa có dịch, mỗi ngày thu nhập cũng được khoảng 300.000 đồng. Chi tiêu chắt chiu, trả tiền trọ, ăn uống xong vẫn còn để ra được một khoản gửi về nuôi đứa cháu ở quê, cho cháu được đến trường không bị thất học như tôi. Vậy mà năm nay virus hành dữ quá, có ngày đi cả buổi sáng chỉ bán được 6 - 7 tờ, ngồi nhìn tập vé số mà chỉ biết ứa nước mắt", bà Hoa rưng rưng, nói.

Ông Trương Văn Thiện (66 tuổi, quê Quảng Ngãi) tâm sự: “Tôi vào miền Nam sống từ năm 1993. Vợ tôi bệnh nặng, mất sớm; bản thân cũng mất một cánh tay do thời trẻ đi rừng bị gỗ chèn. Sức khỏe yếu nên tôi đi bán vé số kiếm bát cơm qua ngày. Mấy hôm nay dịch quay lại tiếp, các quán cà phê, quán nhậu mà tôi hay tới đều vắng khách và đóng cửa. Người bán vé số như tôi không biết mời chào ở đâu nữa, ai cũng lắc đầu, né tránh. Bây giờ tôi cũng lớn tuổi rồi, không làm nghề này thì chẳng biết làm gì khác được”.

Người bán vé số tất bật mưu sinh trên đường phố một cách đầy rủi ro và chấp nhận thu nhập sụt giảm.

Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Bên cạnh đó, nhiều người bán vé số dạo cũng chia sẻ rằng, đây là thời điểm phải chấp nhận giảm thu nhập vì lợi ích chung, sẵn sàng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cơ quan chức năng. Song, với tình cảnh vô cùng éo le đang đối mặt, họ rất mong những tấm lòng hảo tâm đưa tay giúp đỡ, để có thể trụ được qua những tháng ngày khổ sở này.

Chia sẻ những giải pháp hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - Liên đoàn Lao động TP HCM Trần Văn Triều, các cơ quan Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ cho người lao động như giảm giá điện, giá nước, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng trọ...

Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Chính sách hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời đối với người bán vé số trên địa bàn trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, lãnh đạo tỉnh đối vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân lao động.

Tại Bình Dương, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh cho biết, người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh với đặc điểm đa số là từ các địa phương khác đến, đời sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát và lây lan trong cộng đồng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, các ngành, các cấp, các địa phương đã tập trung triển khai nghiêm ngặt các quy định, biện pháp theo chỉ đạo của Trung ương như tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động vui chơi giải trí, thực hiện giãn cách xã hội,… Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp.

Đối với xổ số kiến thiết, có thời gian phải thực hiện tạm dừng hoạt động phát hành đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người bán vé số trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhận định được tình hình khó khăn này, Sở LĐTB&XH đã kịp thời chủ động tham mưu UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người bán vé số lẻ trên địa bàn với mức hỗ trợ là 60.000 đồng/người/ngày, thời gian hỗ trợ là 15 ngày, tương ứng với số tiền là 900.000 đồng/01 người với nguồn hỗ trợ được trích từ Quỹ "Vì người nghèo" và kinh phí của Tổng Công ty Xổ sổ kiến thiết tỉnh Bình Dương.

Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Mới đây, Chi đoàn Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Dương tổ chức phát tặng 10.500 khẩu trang cho người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh. Các bạn đoàn viên đã đến những điểm kinh doanh của đại lý để trực tiếp tặng khẩu trang và vận động các cô, chú, anh, chị bán vé số tuân thủ tốt quy định về phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng. Ảnh: ĐTN.

Tiếp theo đó, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp hỗ trợ đến các đối tượng theo hướng dẫn của Trung ương đảm bảo kịp thời, công khai minh bạch, đúng đối tượng. Trong đó, đã có 6.839 người bán vé số lẻ trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí là 6,1551 tỷ đồng.

Đối với người bán vé số lẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện chính sách riêng theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh với mức hỗ trợ cao hơn là 1.500.000 đồng/người.

Trong thời gian tới, diễn biến tình hình dịch bệnh còn có thể ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống của nhân dân, người lao động thu nhập thấp; người bán vé số sẽ gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa trong phối hợp tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách, điều kiện cụ thể của tỉnh nhà trong từng thời điểm.

Dịch Covid-19 quay lại, người bán vé số lao đao

Phần lớn người bán vé số dạo tại TP HCM và tỉnh Bình Dương đều vì hoàn cảnh nghèo khó, không có vốn làm ăn,… phải rời quê lên thành phố mưu sinh bằng việc bán từng tờ vé số để lấy phần trăm hoa hồng, trang trải cuộc sống và gửi về lo cho gia đình.

Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn

98% người lao động trở lại làm việc, doanh nghiệp dành 7 tỷ đồng để lì xì đầu năm 98% người lao động trở lại làm việc, doanh nghiệp dành 7 tỷ đồng để lì xì đầu năm

Đầu năm Tân Sửu, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các biện pháp phòng, chống dịch đã được các doanh nghiệp triển khai ...

Clip học sinh tát cô: Điều gì đang diễn ra? Clip học sinh tát cô: Điều gì đang diễn ra?

Trên mạng xã hội đang xôn xao một đoạn clip ngắn. Theo đó, một nam sinh choai choai ngồi cuối lớp chửi người đứng ...

"Di chuyển khẩn cấp công nhân Công ty POYUN khỏi khu cách ly rất vất vả" "Di chuyển khẩn cấp công nhân Công ty POYUN khỏi khu cách ly rất vất vả"

Theo ông Nguyễn Văn Kiên – Chủ tịch UBND TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), ban đầu tâm lý công nhân Công ty TNHH Điện ...