|
Theo kiến giải của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm trả nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01 hoàn toàn thuộc về Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên. Chủ tàu Việt Tín 01 là Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín (trụ sở chính tại 14 Phan Tôn, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) không có nghĩa vụ liên quan đến vụ việc này. Về vụ việc nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01, ngày 23/11/2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã có Công văn số 4443/CHHVN-TTHH về việc xử lý trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng xem xét, xử lý trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động theo đúng quy định và có biện pháp để đơn vị sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người lao động. Trong đó có trách nhiệm của chủ tàu Việt Tín 01 là Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín (trụ sở chính tại 14 Phan Tôn, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Liên quan đến vấn đề phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam giải quyết nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có công văn phúc đáp Tạp chí Lao động và Công đoàn. |
Tàu Việt Tín 01 hiện vẫn đang ở Malaysia. |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, chế định tiền lương được quy định tại khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019. Đó là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”. Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”. |
|
Bên cạnh quy định trên, căn cứ nội dung Công văn số 443/CHHVN-TTHH ngày 23/1/20202 của Cục Hàng hải Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh xác định việc nợ lương thuyền viên chủ yếu thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên, không liên quan đến Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc tranh chấp lao động cá nhân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng viện dẫn Khoản 4 Điều 214 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nội dung thanh tra lao động, trong đó có nội dung về giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động. “Theo đó, thẩm quyền tiếp nhận giải quyết vụ việc nợ lương thuyền viên tàu Việt Tín 01 thuộc về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng là nơi đơn vị sử dụng lao động đăng ký trụ sở” - anh Trần Ngọc Đông - chuyên viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, người trực tiếp xử lý vụ việc cho biết. Theo anh Trần Ngọc Đông, thuyền viên là đối tượng lao động đặc thù. Mặc dù Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định đối tượng điều chỉnh là người lao động Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài… Tuy nhiên, đối với những vấn đề vướng mắc liên quan đến lao động thuyền viên thì có rất ít vụ việc cơ quan này có thông tin để tiếp nhận, xử lý. Đối với các đơn vị cung ứng lao động thuyền viên trên địa bàn, Thanh tra Sở cũng không kiểm tra được. |
Bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và ông Lương Quyêt Thắng - Thuyền trưởng tàu Việt Tín 01 (ảnh trái). |
Từ đầu tháng 12/2020, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng đã thụ lý và xem xét khiếu nại của thuyền viên tàu Việt Tín 01 về nội dung Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên nợ lương người lao động theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam. Ông Trần Trung Hòa - Thanh tra viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng - người trực tiếp giải quyết vụ việc cho biết: “Từ ngày 21/12/2020, Thanh tra lao động của Sở đã đặt lịch làm việc và đến trụ sở Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên. Sau nhiều lần liên hệ, ông Bùi Hữu Huấn - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên đã “xuất hiện” và làm báo cáo đầy đủ về vụ việc với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội". Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đang tới gần. 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 đã trải qua một năm làm việc khó khăn và không may mắn. Đến giờ phút này, họ vẫn bị nợ lương và câu trả lời của doanh nghiệp vẫn còn chìm trong im lặng. Hầu hết trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ mong chờ được trả nợ lương để duy trì cuộc sống. Ông Bùi Văn Cường - Nguyên Phó ban Quản lý Khai thác tàu biển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, thành viên của Liên hiệp Công đoàn quốc tế (ITF) cho biết: “Theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006), chủ tàu không được nợ lương thuyền viên. Pháp luật Việt Nam cũng đã cụ thể hóa, nội luật hóa nội dung công ước nhằm bảo vệ lao động nói chung và thuyền viên nói riêng khi tham gia quan hệ lao động. Ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, trách nhiệm phải ưu tiên thanh toán, chi trả tiền lương cho thuyền viên đầu tiên mà không phụ thuộc vào bất cứ khoản nợ nào của doanh nghiệp. Thuyền viên có thể khiếu nại đến các cơ quan chức năng trong nước đề nghị được hỗ trợ hoặc thuê luật sư khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án nước sở tại nơi con tàu đang neo giữ. Trong trường hợp tài sản của doanh nghiệp bị Tòa án quốc tế khu vực phán quyết phát mại thì tiền lương của người lao động sẽ được ưu tiên trả trước". |
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |