CÔNG ĐOÀN ngành ĐƯỜNG SẮT Việt Nam: 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
75 năm qua, không thể kể hết những hy sinh, mất mát, những đóng góp to lớn của các thế hệ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành Đường sắt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ đã nối tiếp nhau viết lên trang sử hào hùng của ngành Đường sắt Việt Nam. Với truyền thống của công đoàn ngành đầu tiên trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Công đoàn ngành Đường sắt đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của ngành; thể hiện tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. |
Ngành Đường sắt hiện có gần 27 nghìn CNVCLĐ |
Trang sử vẻ vang
Từ những năm cuối của thế kỷ 19, với sự phát triển của các tuyến đường đã có nhiều cuộc đấu tranh của phu xây dựng đường sắt. Ban đầu, họ đấu tranh tự phát để đòi trở về quê hương, chống đánh đập, bãi bỏ việc cúp lương... Sau đó, họ tự giác tham gia các tổ chức như Hội Ái hữu tại các nhà ga, đề pô, nhà máy... Trong thời kỳ thành lập Đảng, nhiều Chi bộ đã ra đời rất sớm trong các cơ sở hỏa xa như: Đề pô xe lửa Sài Gòn, Tháp Chàm; Đề pô Dĩ An (Bình Dương), Kẻ Rấy (Quảng Bình), Trường Thi (Nghệ An), Gia Lâm (Hà Nội)… Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và tổ chức Công đoàn đã lựa chọn các cơ sở đường sắt làm nơi hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng của công nhân như các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Mai, Trần Danh Tuyên. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, tại nhiều cơ sở hoả xa, Uỷ ban Công nhân cứu quốc đã được thành lập bên cạnh bộ máy quản lý chuyên môn để cùng khôi phục vận tải đường sắt. Tổ chức Công nhân Hoả xa cứu quốc nhanh chóng phát triển rộng rãi thêm nhiều hội viên mới và ra sức tuyên truyền về đấu tranh cho nền độc lập, tự do, kiến quốc. Trước yêu cầu cấp thiết của việc thống nhất tổ chức, ngày 25 tháng 2 năm 1946 tại phòng họp Ga Huế, 20 đại biểu của tổ chức Công nhân Hoả xa cứu quốc ở ba miền Bắc, Trung, Nam với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Xứ uỷ Trung Kỳ đã bầu Ban Chấp hành lâm thời của "Việt Nam Công nhân Hoả xa cứu quốc". Tháng 7 năm 1946, Công đoàn Hỏa xa được công nhận là công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam. Từ đó, ngày 25 tháng 2 năm 1946 trở thành ngày thành lập Công đoàn Đường sắt Việt Nam, công đoàn ngành đầu tiên trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam. |
Đề pô xe lửa Tháp Chàm - Ảnh tư liệu |
Ngày 31 thág 5 năm 1946, trước khi lên đường sang Pháp, tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò CNVCLĐ Hoả xa Việt Nam “Đoàn kết - Kỷ luật - Công tác”. Nhớ lời Bác, "Việt Nam Công nhân Hoả xa cứu quốc" đã tập trung thực hiện nhiệm vụ cấp bách là chuyên chở lương thực cứu đói, đảm bảo vận chuyển quân đội, vũ khí chi viện cho Nam bộ kháng chiến và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập nước nhà. Ngày 16 thág 6 năm 1946, Đại hội đại biểu Việt Nam Công nhân Hoả xa cứu quốc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội đã vinh dự đón đồng chí Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch Chính phủ và đồng chí Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội đến dự và phát biểu. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 19 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đăng được bầu vào Ban Thư ký Ban Chấp hành Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc. Ngày 21 tháng 10 năm 1946, một vinh dự lớn cho CNVCLĐ ngành Đường sắt là được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyến xe lửa đặc biệt từ Hải Phòng về Hà Nội. Mặc dù việc nước rất bận nhưng Bác vẫn gửi thư khen ngợi, trong đó có đoạn “Công việc hoả xa là công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hoả xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”. Bác căn dặn “Công hội Hỏa xa phải là kiểu mẫu cho các công hội khác. Đoàn kết, thân ái!” |
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Hỏa xa ngày 8 /11 /1946
Ga Hà Nội năm 1946 |
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, CNVCLĐ ngành Đường sắt cùng nhân dân cả nước thực hiện tiêu thổ kháng chiến, phá máy, đốt kho, phá đường sắt để chặn bước quân thù. Nhiều máy móc, thiết bị được công nhân vận chuyển lên chiến khu để sản xuất vũ khí. Tại vùng Tây Bắc, Liên khu 4 và Liên khu 5, Hoả xa Việt Nam vẫn kiên cường, dũng cảm duy trì chạy tàu trong tình hình chiến sự ác liệt, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Công đoàn Hỏa xa Liên khu 5, Công đoàn đường goòng Tĩnh - Bình, Công đoàn Hỏa xa Liên khu Việt Bắc đóng vai trò trọng yếu trong việc động viên CNVCLĐ ngày đêm phục vụ sự nghiệp kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng CNVCLĐ đã hăng hái lao động không biết mệt mỏi trên các công trường kiến thiết, khôi phục lại hệ thống đường sắt. Trong hai năm 1955, 1956, các tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Lào Cai nhanh chóng được khôi phục. Đoàn viên công đoàn nhanh chóng phát triển, từ 1.200 đoàn viên đến năm 1956 đã có hơn 16 nghìn đoàn viên. Ở đâu cũng có vai trò của tổ chức Công đoàn. CNVCLĐ xem công đoàn là mái nhà chung ấm áp, người bạn thủy chung, người đại diện bảo vệ quyền lợi của mình. Năm 1962, sáng kiến tổ chức phong trào "Ngày thứ Bảy đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất nước nhà" khởi nguồn từ Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã nhanh chóng trở thành phong trào của CNVCLĐ toàn miền Bắc. Khi chiến tranh mở rộng leo thang ra miền Bắc, Công đoàn Đường sắt luôn có mặt trong các phong trào thi đua: "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"; "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm"; "Qua sông không cầu, chạy tàu không ga"; "Địch phá ta cứ đi"; "Tiếng hát át tiếng bom". Các phong trào thi đua luôn sát cánh cùng CNVCLĐ nêu cao truyền thống dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, vừa sản xuất vừa chiến đấu để đảm bảo giao thông thông suốt, vận tải liên tục trong mọi tình huống. Bằng những phong trào: "Xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa", "Đơn vị giao thông vận tải thắng Mỹ", toàn ngành đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường bám trụ, giữ vững mạch máu giao thông vận tải. |
Cán bộ, công nhân hoả xa tháo dỡ, vận chuyển hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị lên chiến khu lập công xưởng sản xuất vũ khí, phục vụ kháng chiến (Ảnh chụp năm 1947) |
Năm 1975, đất nước thống nhất hòa chung một dải, CNVCLĐ ngành Đường sắt cùng bộ đội, thanh niên xung phong ngày đêm viết nên bản hùng ca khôi phục đường tàu Thống Nhất; khắc phục những khó khăn về sức chở, sức kéo, vật tư, phụ tùng, nhiên liệu để tạo ra nhiều sản phẩm rất đáng tự hào. Khi toàn ngành bước vào công cuộc đổi mới, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lực lượng lao động, Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam đã vận động CNVCLĐ thi đua vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo an toàn vận tải, thực hiện phương châm “Đi sâu sản xuất, đi sát công nhân” hướng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất và cải thiện cuộc sống cho người lao động. Phong trào thi đua "Lao động giỏi" đã trở thành cốt lõi và thường xuyên trong sản xuất kinh doanh. Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” do Công đoàn Đường sắt Việt Nam phát động đã thu hút nhiều ngành nghề có vai trò trọng yếu tham gia; từ đó mở ra phương hướng đa dạng hóa phương thức vận tải, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, đưa cơ giới hóa vào sửa chữa đường sắt, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất. |
Cầu phà liên hợp trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ |
Tự hào tiếp bước
Đến nay, hoạt động phong trào của CNVCLĐ ngành Đường sắt đã phát triển đồng đều cả bề rộng lẫn chiều sâu, tạo động lực thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp công đoàn với chuyên môn trong phát động thi đua, trong việc thực hiện vai trò của người đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động trở thành một yếu tố quan trọng. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã hướng tới mục tiêu bảo đảm thực hiện đúng mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi trong quan hệ lao động. Khẩu hiệu “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Trách nhiệm” cùng với việc thi đua “Chính quy - Văn hóa - An toàn” trở thành mục tiêu phấn đấu của hàng chục nghìn CNVCLĐ trong ngành Đường sắt Việt Nam. Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của CNVCLĐ ngành Đường sắt có nhiều đổi mới và đạt kết quả nổi bật. Cụ thể như các phong trào: "Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, quản lý tốt"; phong trào "Chính quy - Văn hóa - An toàn"; phong trào "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi" và những đợt thi đua đột xuất trên các công trình trọng điểm. Đặc biệt, phong trào thi đua thực hiện phương châm phục vụ khách hàng “An toàn – Thuận tiện – Thân thiện – Đúng giờ – Hiệu quả” theo tiêu chí 4 xin, 4 luôn đang được thực hiện tốt, nâng cao hình ảnh của ngành Đường sắt Việt Nam trong nhân dân. Trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã sát cánh cùng CNVCLĐ; đồng hành, chung sức, góp phần cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành cơ bản tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ, Hội đồng thành viên đề ra. |
Đại hội Công đoàn Đường sắt Việt Nam lần thứ XV (nhiệm kỳ 2018 – 2023) |
75 năm qua, CNVCLĐ ngành Đường sắt đã luôn dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong chiến đấu, lao động và sản xuất. Trên chặng đường xây dựng và phát triển, ngành Đường sắt Việt Nam đã có 15 tập thể được phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 13 tập thể và 10 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lao động; Đường sắt Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý nhất Huân chương Sao Vàng. Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và Huân chương Độc lập hạng Nhì. Để đạt được những thành tích nổi bật đó, Công đoàn ngành Đường sắt đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện rất lớn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Đảng uỷ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. |
Công đoàn ngành Đường sắt đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất |
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam lần thứ XV (nhiệm kỳ 2018 – 2023), các cấp công đoàn toàn ngành đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động. Theo đó, chú trọng “Đi sâu vào thực tiễn, nắm bắt tại cơ sở, phát hiện những tồn tại”, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có kiến thức, năng lực, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn; hàng năm xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình cam kết phối hợp với chuyên môn; vận động thực hiện tiêu chuẩn người lao động ngành Đường sắt học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “Đoàn kết - Kỷ luật - Cần kiệm – Sáng tạo”. |
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh và Chủ tịch Công đoàn ngành Đường sắt Mai Thành Phương trao quà cho người lao động bị thiệt hại do mưa lũ
Trao quà cho công nhân lao động làm việc trong đêm giao thừa
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, giá trị lớn nhất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, của Công đoàn Đường sắt Việt Nam chính là tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia, là sự cống hiến thầm lặng, là bản lĩnh kiên cường, không lùi bước trước những khó khăn của các thế hệ CNVCLĐ. Đó là niềm tự hào, là nguồn động lực to lớn để con tàu đường sắt vượt lên thách thức, vững bước hướng tới tương lai. |
Ngành Đường sắt đang không ngừng đổi mới để nâng cao sự hài lòng của hành khách |
Bài: Đ/c Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn ngành Đường sắt Thiết kế: Mai Liễu |