Chuyến xe cuối cùng
Kinh tế - Xã hội - 21/01/2023 14:30 Truyện ngắn của PHẠM XUÂN HÙNG
Toàn vừa lái vừa nhắc tôi:
- Anh xem bình hết than chưa, tiếp thêm. Dốc cao, trời mưa lây rây thế này hao than lắm.
- Chưa đâu, chắc gắng được đến Bảo Lâm. Đến đó nghỉ trưa rồi tiếp than luôn. Tôi trả lời.
Toàn tài xế nhưng nhỏ tuổi hơn tôi. Ngày đến xin việc, biết tôi tốt nghiệp đại học ngành văn chương, Toàn cười bỗ bã, anh dáng trí thức vậy có theo nghề phụ xe nổi không. Tôi cười, con nhà nghèo, kiếm củi đốt than là nghề rồi, em đừng lo. Nhà Toàn chỉ có độc chiếc xe rờ nôn này, trước ba Toàn lái, sau lớn tuổi ông giao lại cho Toàn. Xe chạy hai ngày một chuyến, lịch trình bất di bất dịch. Sáng sớm xuất bến ở thị xã tỉnh lỵ, chạy lên hướng Tây, tầm trưa đếnthị tứ Bảo Lâm giáp biên giới Lào. Chiều tối vòng sang phía Tây Bắc theo đường Đông Trường Sơn ra đến thị trấn Lệ Giang thì nghỉ đêm. Sáng sớm mai từ thị trấn Lệ Giang vòng qua huyện Vĩnh Sơn, Gio Hà rồi chiều tối trả những vị khách cuối cùng ở bến xe thị xã tỉnh lỵ. Cứ thế, mưa nắng gì cũng chạy, đều đặn. Khách hàng thì chủ yếu là mấy bà, mấy o buôn bán, cá khô, mắm ruốc ngược lên ngàn, rồi chuối, mít, măng nấm về xuôi. Thi thoảng cũng có vài ba khách lạ, thầy giáo lên nhận nhiệm sở, viên chức đi công tác, bộ đội nghỉ phép về thăm quê, thân nhân ở trong nam ra thăm dòng tộc.
Hình minh họa, (Nguồn: TG) |
- Cuối năm, hàng chi nhiều dữ vậy. Nghỉ sớm ăn Tết đi.
- Cha tổ mi. Hàng đem lên cho bà con ăn Tết chớ. Buôn bán thì năm nhờ tháng, tháng nhờ ngày. Tết nhất càng phải gắng mà kiếm ít đồng ít trự dắt lưng. Mụ Quýt cười nói rổn rảng.
Mụ Tâm đế theo:
- Họ nói Tết nhất. Tết là nhất. Cuối năm mấy anh công an, thuế vụ cũng nới tay. Chuyến ni về kiếm thêm ít cây thuốc Jet, bao đường hóa học bù lại mấy chuyến trước.
Xe chuyển bánh rồi, tôi mới để ý thấy gã ngồi trong góc, chỗ phía bình than. Ngạc nhiên bởi cuối năm thường chỉ có khách quen. Gã chừng năm mươi tuổi, có khi chưa đến, mặt chữ điền cương nghị. Ngồi chỗ bình than mùa hè rất nóng nên giá vé chỉ phân nửa, nhưng bây giờ tháng chạp ngồi chỗ đó có khi lại ấm áp. Xe chạy chừng hơn tiếng, bình than bắt đầu rực lên. Như thường lệ, tôi bắt đầu thu tiền. Mụ Quýt hôm nay 10 bao hàng, cả người nữa vị chi bảy đồng rưỡi, mụ Tâm 8 bao hàng, cả người nữa là sáu đồng rưỡi... Đến trước mặt gã, tôi cúi đầy lễ phép:
- Anh về đâu, cho nhà xe thu tiền ạ?
- Tôi lên Sa Mù.
- Dạ, Sa Mưu một đồng rưỡi.
- Không, tôi lên đến Sa Mù.
- Sa Mù? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
Ngạc nhiên là phải. Bởi cung đường này tôi thuộc như lòng bàn tay. Sa Mù nằm đoạn giữa của thị tứ Bảo Lâm với thị trấn Lệ Giang. Nơi đây núi cao cả ngàn thước, xe trước khi qua phải đổ đầy bình than. Mỗi lần qua đây, tôi phải chạy theo xe tay lăm lăm cục kê, xe chớm tụt là phải kê ngay vào bánh sau. Đợi xe đủ ga rồ lên thì cầm cục kê chạy tiếp. Sa Mù quanh năm mây phủ, phía ta luy dương núi cao dựng đứng, nhìn xuống phía ta luy âm thi thoảng có một bản làng của đồng bào dân tộc nhỏ bằng bàn tay.
Xe vượt qua đèo Sa Mưu. Mưa lắc rắc. Đúng như tôi đoán, bình than còn đủ để đến Bảo Lâm. Bạn hàng trên xe bắt đầu gà gật. Tôi chọn chỗ trống ngồi bên cạnh gã, bắt đầu làm quen:
- Anh có chắc mình lên Sa Mù? Chuyến xe này đã là cuối cùng trong năm, ngoài ra không còn xe nào khác.
- Tôi hiểu.
- Trên đó mùa này lạnh lắm. Nếu anh ở lại phải mang theo nhiều đồ dùng. Tôi dò dẫm câu chuyện.
- Tôi có mang theo. Gã đáp, âm giọng trung tính, không hờ hững cũng không mặn mà.
Bây giờ tôi mới nhận ra gã ôm một túi xách to. Túi xách thời đó thường là bao cát xé ra may lại. Bao cát là thứ phế liệu đầy rẫy sau chiến tranh. Miệng chiếc túi xoè ra. Tôi liếc nhìn, chỉ toàn là sách. Gáy sách lật lên phía trên. Tôi đọc nhanh, cuốn “Alexis Zoocba, con người hoan lạc”, và “Một ngày dài hơn thế kỷ”, “Truyện Kiều”, một số sách triết học, sử...
- Anh là nhà văn à? Thấy anh mang nhiều sách? Tôi hỏi.
- Không, tôi chỉ là người đọc sách. Mang theo để đọc lại thôi.
Xe đến Bảo Lâm dừng ăn trưa. Mọi người lục tục kéo xuống. Bữa trưa của bạn hàng thường dùng là xôi ăn với lạp, món đặc sản của người dân biên giới Việt - Lào. Tôi mở nắp bình than, trút vào nửa bao cho đầy bình rồi vào ăn sau. Khi tôi vào quán, gã ra dấu mời tôi ngồi cùng bàn. Cũng như bạn hàng, trên bàn có tí xôi, khay lạp và thêm một chai rượu gạo nút lá chuối. Gã mời thân tình:
- Ăn đi em. Uống chút tửu nữa cho ấm bụng. Xe ăn than nóng thì người cũng phải uống rượu cho ấm.
Xe tiếp tục chạy, ậm ạch men theo những cung đường quanh co như rắn bò. Than đầy bình cũng bắt đầu rực lên. Chai rượu gạo dường như làm tôi và gã phấn khích, cuộc chuyện trò nhờ đó có phần gần gũi hơn. Tôi kể gã nghe chuyện học hành, chuyện vui buồn theo những chuyến xe. Gã nghe chăm chú, thi thoảng gật gật vừa như đồng tình vừa như tỏ ý, những chuyện chú mày kể anh biết hết. Qua chuyện trò tôi mới hay, gã là thủ thư của một thư viện lớn ở trường đại học. Gã không vợ không con, suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách. Gã bảo, anh đọc hết sách ở thư viện thì xin nghỉ hưu sớm. Nghỉ để đi lang thang, mở rộng tầm mắt.
Mải trò chuyện tôi quên mất bình than. Toàn phải hai lần nhắc tôi chêm thêm. May lần nào bình cũng còn than, nếu hết, tắt máy giữa chừng phải “đề” lại rất mất công. Gã hỏi tôi:
- Em có biết, vì sao xe chạy được bằng than không?
Tôi ngớ người ra, dù phụ xe vài năm nhưng tôi chẳng hiểu mấy về nguyên lý của động cơ đốt than. Gã giải thích cặn kẽ, rằng than khi cho vào bình nó chỉ cháy trong môi trường yếm khí. Vì là yếm khí nên quá trình cháy không hoàn chỉnh. Nếu than cháy hết trong môi trường bình thường sẽ tỏa ra năng lượng và khí CO2 , nhưng do thiếu ô xy nên chỉ tạo ra khí CO. Khí CO này được dẫn vào buồng đốt, cháy thêm lần nữa để tỏa nhiệt lượng và khí CO2 . Chính nhiệt lượng từ quá trình cháy hoàn chỉnh này làm cho động cơ hoạt động. Kết thúc câu chuyện về than gã buông một câu hờ hững:
- Anh cũng đã từng như hòn than trong bình than...
Tôi nghĩ trong đầu gã hẳn phải có một thư phòng khổng lồ. Dọc đường, đoạn từ Bảo Lâm trở đi hoa lau nở dọc ven đường nhiều vô kể. Vùng này, trước đây chiến tranh tàn phá nặng nề, nghe nói cỏ lau lại là thứ ưa mọc trên hoang tàn, đổ nát. Tôi hỏi gã, có phải vậy không. Gã bảo, cũng có thể. Những bông lau trắng bạc nhìn qua như tóc chiến binh già. Màu trắng là màu binh đao. Cũng như nơi nào máu đổ xuống nhiều thì hoa phượng, hoa giấy, hoa ngũ sắc nếu có màu đỏ thì luôn phải là màu đỏ bầm. Nói cho cùng, cỏ cây là thứ ký ức không văn tự. Mà em biết không, Nguyễn Du trong Truyện Kiều có 3 lần nhắc đến cỏ lau...
Nhưng có điều gã cũng không biết. Gã hỏi tôi: - Sao lại có tên Sa Mù nhỉ? Tôi trả lời:
- Em chẳng rõ. Vùng này có nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Sa, như Sa Mưu, Sa Lung...
- Anh chưa đọc ở đâu có chữ sa mù. Chỉ nhớ Bùi Giáng có hai câu thơ xếp vào hàng tuyệt bút. “Em về rũ áo mù sa. Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay”. Nhưng đó là mù sa chứ không phải sa mù.
Xe đang chạy bỗng dưng khậc lên mấy tiếng rồi dừng lại. Mụ Quýt, mụ Tâm choàng tỉnh, í ới:
- Chuyện gì đó Toàn ơi, can chi không?
- Không can chi. Mấy o ngồi yên trên xe cho tôi nhờ. Toàn trả lời rồi gọi tôi:
- Anh ơi, có chuyện rồi, xuống em nhờ chút.
Đến đây tôi phải dừng lại giải thích với bạn đọc đôi chút. Hiện xe đang ở ngay dưới chân ngọn Đầu Mầu, nơi có cửa sông Khe Gió nối vào sông Sê Băng Hiêng. Đây là cung đường nguy hiểm bậc nhất vì chiếc cầu băng qua sông nằm ngay ở khúc cua tay áo. Thời trước, người Pháp cho xây cầu kiên cố nhưng rồi bom đạn đã phá huỷ. Người Mỹ giai đoạn sau làm lại chiếc cầu bên cạnh khá vững chãi. Sau chiến tranh, chiếc cầu người Mỹ vẫn còn được sử dụng. Cho đến khi Nhà nước chủ trương mở đường Đông Trường Sơn thì chiếc cầu người Mỹ làm được thay thế bằng chiếc cầu mới to rộng hơn, vòng cua tay áo được bạt núi mở thêm ta luy nhằm tăng độ an toàn. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn vẫn xảy ra. Tôi từng nghe có người sống sót kể lại, tai nạn là do tài xế gặp phải ảo ảnh. Đơn giản là khi đến đây thường cả ba chiếc cầu xuất hiện cùng lúc. Xe đang đổ dốc ngon trớn, không phanh kịp. Tài xế theo phản xạ nhắm mắt chọn một chiếc cầu và rồi cả người và xe lao xuống vực sâu.
Toàn và tôi vòng ra trước đầu xe. Bây giờ đã là nửa chiều. Mây vần vũ trên đỉnh Đầu Mầu. Những hạt nước li ti sà xuống bám vào tóc. Trên cao, lưng chừng núi, những khóm lau vật vờ xõa muôn triệu đầu tóc màu trắng bạc. Thoắt cái, mây ở đâu sà xuống, tầm nhìn vốn đã hẹp giờ chỉ còn giới hạn trong bán kính năm, mười mét. Tôi bảo Toàn bật đèn pha, rồ ga hết cỡ cũng chỉ nhìn xa hơn vài ba mét. Quả thật, phía trước, xuyên qua màn sương mờ ảo, cả ba chiếc cầu hiện ra cùng lúc. May mà than trong bình gần cạn, động cơ yếu nên Toàn đã kịp dừng phanh. Thường thì qua khỏi Đầu Mầu tôi mới chêm than đầy bình và tiếp tục chạy theo hướng Sa Mù.
Gã xuống xe, gương mặt vẻ như đã hiểu hết câu chuyện. Trong lúc Toàn và tôi lo lắng, trao đổi, gã lui tới vài bước rồi tập trung nhìn vào ba chiếc cầu. Nhìn như thôi miên. Thời gian chỉ vài phút mà cảm giác như dài lắm, dài hơn cả chuyến đi. Gã bảo tôi:
- Thôi được rồi, em chêm thêm than và quạt lửa lên. Quay sang Toàn gã nói:
- Em để anh xử lý vụ này. Khó lắm, nhưng yên tâm. Anh là người hiểu chuyện.
Tôi không nhớ chuyện vượt cầu mất bao lâu. Chỉ nhớ khi bình than bắt đầu nóng, tàn tro rơi lả tả thì tất cả đã yên vị trong xe. Động cơ rùng mình, chiếc xe chầm chậm bò đi. Mụ Quýt, mụ Tâm, tất cả bạn hàng ôm mặt, có người bật khóc. Tôi và Toàn nín thở không dám nhìn về phía trước. Cho đến khi bánh sau của xe tụt xuống mố cầu phía bên kia, tất cả chúng tôi đã cùng hét lên. Lạy ơn Trời, Phật. Chúng tôi như từ cõi chết trở về.
Xe qua khỏi Đầu Mầu phút chốc đã nhìn thấy chóp ngọn núi Sương Mãi. Với tốc độ này, không gặp trở ngại dọc đường thì tầm chạng vạng là đến Sa Mù. Tôi nhìn gã, tâm thế vẫn còn trong cơn bấn loạn vì cú thoát hiểm. Gã là ai, một thủ thư hay thiền sư, giang hồ hiệp khách hay đạo sĩ đầy pháp thuật, quyền năng? Bất giác tôi nhìn lên ngọn núi trước mặt. Sa Mù cao hơn mực nước biển cả ngàn thước nhưng cũng chỉ nằm dưới chân ngọn Sương Mãi. Đã ai từng lên đến đỉnh chưa, có gì trên đó. Lên đến đỉnh chắc gặp hư vô. Hư vô là có hay là không.
Tôi đỡ chiếc túi xách lên vai gã. Trời đã chạng vạng. Sa Mù hiện ra như tranh thuỷ mặc. Dưới kia dòng Sê Băng Hiêng như sợi chỉ khâu vào đồi núi chập chùng. Ngọn Sương Mãi quấn ngang đầu những vầng mây trắng xốp. Gió thổi ngang qua, những vầng mây trắng xốp thay đổi hình dạng. Ai đó đã gọi cảnh tượng này là tranh vân cẩu.
- Chúc anh may mắn. Tôi chào trong nước mắt mà không hiểu vì sao mình khóc.
- Tạm biệt. Chúc em và chuyến hành trình cuối năm suôn sẻ. Cho anh gởi lời chào năm mới đến mọi người trên xe. Gã nói. Trước lúc quay lưng tôi dè dặt hỏi gã:
- Anh à, lúc nãy anh đưa xe qua chiếc cầu nào, anh đừng giận em...
- Cầu nào nhỉ, có chiếc cầu nào đâu. Gã cười, tiếng cười nhẹ như hơi thở.
- Anh nói em biết đi. Em thề chỉ mình em biết. Tôi nói trong tuyệt vọng.
- À, không có chiếc cầu nào cả. Mà nếu có thì rồi em sẽ biết... Gã lại cười, tiếng cười nhẹ như không. Gã khoác túi xách lên vai, bước chân xa dần mất hút vào rừng lau xanh tốt.
Chuyến xe kết thúc hành trình vào chiều 29 tết. Dọc đường đi, hương xuân dậy lên theo những nếp nhà, vương vương mùi bánh trái và những lùm mai nở bói. Năm đó Nhà nước chưa cấm pháo. Chốc chốc lại nghe tiếng pháo ven đường. Ai tinh ý nhận ra, tiếng pháo nhỏ đanh, níu vào nhau là pháo Bình Đà, tiếng pháo to gọn, hơi thưa là pháo Nam Ô...
Ra Giêng, Toàn sang xe cho người khác. Bạn hàng thân thiết như mụ Quýt, mụ Tân cũng bỏ nghề theo xe đò buôn chuyến. Tôi lao vào đọc sách, viết lách, quyết chí trở thành nhà văn. Lắm lúc mộng mị chữ nghĩa cứ nhớ về chuyến xe năm đó. Chuyến xe cuối năm và cũng là chuyến xe cuối cùng tôi làm nghề phụ xe. Mà ngẫm ra nhà văn cũng khác gì thằng phụ xe. Đưa nhân vật này vào tác phẩm này rồi tiễn họ xuống, đưa nhân vật kia vào tác phẩm nọ, rồi tiếp tục tiễn họ xuống.
Những năm về sau, tôi có nhiều đêm, rất nhiều đêm khó ngủ. Tôi thường hay bật dậy. Lặng nhìn trang bản thảo còn để trống, tôi thấy hiện ra xứ sở Sa Mù. Đường đến Sa Mù diệu vợi, quanh co đèo dốc. Và luôn thấp thoáng đâu đó, bóng dáng ba chiếc cầu...
Rủi ro từ những chuyến xe đưa đón công nhân Nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón công nhân tại các khu, cụm công nghiệp ngày càng cao. Dù biết chất lượng xe ... |
Doanh nghiệp dồn dập trả cổ tức tiền mặt trong tháng cuối cùng của năm 2022 Trong tháng cuối cùng của năm tài chính năm 2022, một loạt doanh nghiệp thông báo chốt quyền trả cổ tức tiền mặt với tỷ ... |
Cung đường vận chuyển hàng giả, hàng lậu ngày càng lắt léo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 26/11/2024 11:08
Vi chất dinh dưỡng – Nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại chuyến thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em của huyện Cao Phong (tỉnh Hoà Bình) hồi tháng 6 vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: Các vi chất dinh dưỡng nói chung, trong đó có vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Kinh tế - Xã hội - 25/11/2024 19:17
Cơ hội cuối sở hữu căn hộ nội đô Hanoi Melody Residences chỉ từ 62 triệu đồng/m2
Thị trường chung cư Hà Nội liên tục lập mặt bằng giá mới, trong khi nhiều chuyên gia dự báo chờ đợi giảm giá trong năm 2025 là bất khả thi. Bởi vậy, thời điểm này sẽ là cơ hội “quý hơn vàng” để sở hữu căn hộ nội đô có mức giá chỉ từ 62 triệu đồng/m2, trước khi thị trường chung vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Kinh tế - Xã hội - 25/11/2024 13:31
Vĩnh Phúc: Điểm sáng thu hút đầu tư với 15 dự án lớn, trọng điểm
Tỉnh Vĩnh Phúc đang nổi bật với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thu hút thành công 15 dự án lớn, trọng điểm, tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Kinh tế - Xã hội - 24/11/2024 15:03
Vụ xe 16 chỗ VTV vượt ẩu nhìn từ góc camera nhà dân tại địa điểm tai nạn
Clip từ camera an ninh đúng chỗ vụ tai nạn cho thấy nếu chiếc xe tải va phải xe 16 chỗ vượt ẩu, hậu quả có thể thảm khốc hơn nhiều.
Kinh tế - Xã hội - 24/11/2024 12:16
Fan Việt bùng nổ cảm xúc sau lời chào chính thức từ Imagine Dragons
Ban nhạc hàng đầu thế kỷ 21 Imagine Dragons vừa tạo nên một cơn “bão mạng” khi chính thức gọi tên 8WONDER trên trang Instagram chính chủ, một lần nữa xác nhận Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến trong lịch trình tour diễn LOOM đang làm mưa làm gió khắp toàn cầu.
Kinh tế - Xã hội - 24/11/2024 12:03
Xe tự chế Nhết TV mô phỏng siêu xe Koenigsegg Jesko chạy thử thành công
Chiếc xe tự chế của Nhết TV đã chạy thử sau 10 tháng, dự kiến sẽ được làm hoàn chỉnh trong hơn một tháng tới đây.
- Đoàn viên là trung tâm trong hoạt động chuyển đổi số của Công đoàn
- Doanh nghiệp muốn người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng có vi phạm pháp luật không?
- Những câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng của lao động Việt trên xứ sở kim chi
- Công chức, viên chức trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
- Lúc tôi tuyệt vọng nhất, Công đoàn luôn bên cạnh