Chip bán dẫn – cuộc chiến của thế kỷ 21

Kinh tế - Xã hội - Trần Thế Vinh (tổng hợp)

Con chip của thế kỷ 21 cũng quan trọng như dầu mỏ của thế kỷ 20. Công nghệ vi mạch đang nổi lên như là tài nguyên khan hiếm và quan trọng nhất.

Cơ hội “nghìn năm có một” để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023.

Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đô la Mỹ (khoảng 30 - 50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.

Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố Chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm. Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Điều này trước tiên đến từ quyết tâm chính trị cao từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, tiếp đến là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử.

“Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Nước ta có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Đáng chú ý, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện nêu rõ 02 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

“Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu” - Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.

Chip bán dẫn – cuộc chiến của thế kỷ 21
Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam (ngoài cùng bên trái), ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS (Sirius Network Solution) và ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) trao đổi về chủ đề Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ bán dẫn toàn cầu. Ảnh: Huy Minh.
Chip bán dẫn – cuộc chiến của thế kỷ 21
Ông Phùng Việt Thắng và các diễn giả trao đổi với các bạn trẻ tại Hà Nội. Ảnh: Huy Minh
“Việt Nam đã công bố con chip đầu tiên của mình, đánh dấu sự gia nhập vào thị trường vi mạch”, EETimes, tạp chí lâu đời của Mỹ chuyên về điện tử, bình luận trong một bài báo năm 2008. Chip vi xử lý là sản phẩm của một nhóm giảng viên cùng các kỹ sư trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, ra mắt ngày 16/1/2008. Sự kiện này trở thành một trong 10 dấu ấn khoa học công nghệ quốc gia năm đó.

Chip bán dẫn - “dầu mỏ” của thế kỷ 21

Đầu tháng 6 này, NXB Thế giới và Cty Nhã Nam đã ra mắt bạn đọc cuốn sách “Chip war – Cuộc chiến vi mạnh – Cuộc tranh đoạt công nghệ quyền lực nhất thế giới” của tác giả Chris Miller, tiến sĩ Đại học Yale.

Tác giả nhận định rằng, nếu như cán cân quyền lực của thế kỷ 20 xoay quanh tài nguyên dầu mỏ, thì đến thế kỷ 21, cuộc chiến này chuyển sang một thứ còn quan trọng và khan hiếm hơn gấp bội: Chip bán dẫn.

Chip bán dẫn, hay còn gọi là mạch tích hợp hay chất bán dẫn, là một miếng vật liệu bán dẫn nhỏ, thường là silicon, với hàng triệu hoặc hàng tỷ bóng bán dẫn được gắn bên trên.

Chất bán dẫn là một loại vật liệu độc nhất vô nhị. Hầu hết các vật liệu đều cho dòng điện chạy qua tự do hoặc chặn dòng điện, nhưng chất bán dẫn khi kết hợp với các thành phần khác sẽ có thể cho hoặc không cho dòng điện chạy qua, tạo cơ hội cho sự ra đời của các loại thiết bị mới có thể tạo ra và điều khiển dòng điện.

Ngày nay, chip bán dẫn có mặt trong hầu hết mọi thiết bị dù là nhỏ nhất trong cuộc sống của chúng ta. Chip bán dẫn đã tạo ra thế giới hiện đại ngày nay, và số phận của các quốc gia phụ thuộc vào khả năng khai thác sức mạnh tính toán của chúng.

Toàn cầu hoá như chúng ta biết sẽ không tồn tại nếu không có sự trao đổi thương mại chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử mà chúng tạo ra.

Ưu thế quân sự của Mỹ phần lớn bắt nguồn từ khả năng ứng dụng chip vào các mục đích quân sự. Sự vươn mình mạnh mẽ của châu Á trong nửa thế kỷ qua là dựa trên nền tảng silicon khi các nền kinh tế đang phát triển tại châu lục này bắt đầu tập trung vào sản xuất chip và lắp ráp máy tính cũng như điện thoại thông minh dựa trên các mạch tích hợp.

Không giống như dầu mỏ có thể được mua từ nhiều quốc gia, việc sản xuất sức mạnh tính toán về cơ bản phụ thuộc vào hàng loạt vị trí nút thắt: Công cụ, hóa chất và phần mềm thường được sản xuất bởi một số ít, và đôi khi chỉ một, công ty.

Không lĩnh vực nào của nền kinh tế phụ thuộc vào chỉ một số ít công ty đến thế.

Các con chip từ Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp 37% sức mạnh tính toán mới cho thế giới mỗi năm. Hai công ty Hàn Quốc sản xuất 44% chip nhớ của thế giới. Công ty ASML của Hà Lan sản xuất 100% máy quang khắc cực tím của thế giới, mà nếu không có chúng thì không thể tạo ra các con chip tiên tiến.

Nếu so sánh, thì con số 40% thị phần khai thác dầu mỏ thế giới của OPEC cũng không mấy ấn tượng.

Thuở mới ra đời vào khoảng hơn sáu mươi năm trước, số lượng bóng bán dẫn trên một con chip được cho là tiên tiến nhất là 4. Ngày nay con số đó là 11,8 tỷ.

Khi nghĩ đến thung lũng Silicon - nơi đầu tiên phát triển công nghệ bán dẫn ở Mỹ, người ta thường liên tưởng đến các mạng xã hội và công ty phần mềm hơn là về một loại vật liệu mà tên của nó được dùng để đặt tên cho thung lũng - Silicon Valley. Tuy nhiên, internet, điện toán đám mây, mạng xã hội và toàn bộ thế giới kỹ thuật số chỉ có thể tồn tại vì các kỹ sư đã học được cách phát triển nhanh chóng tốc độ của chip bán dẫn. Và các “ông lớn công nghệ” sẽ không thể tồn tại nếu chi phí xử lý và ghi nhớ của con chip không giảm một tỷ lần trong nửa thế kỷ qua.

Sự phát triển đáng kinh ngạc này một phần nhờ các nhà khoa học lỗi lạc và các nhà vật lý đã giành giải Nobel. Nhưng không chỉ có vậy, chất bán dẫn trở nên phổ biến bởi các công ty phát minh ra những kỹ thuật mới để sản xuất hàng triệu đơn vị bán dẫn một lần, bởi các nhà quản lý đầy tham vọng không ngừng cắt giảm chi phí, và bởi các doanh nhân khởi nghiệp đầy sáng tạo đã nghĩ ra nhiều cách sử dụng mới đối với chip bán dẫn.

Cuộc chiến về vi mạch là cuộc chiến không ngừng nghỉ, không chỉ là bài toán về cách để sản xuất hàng loạt nhiều hơn, nhanh hơn và ít chi phí hơn mà còn là bài toán về kích cỡ và tốc độ của vi mạch. Chế tạo và thu nhỏ kích thước chất bán dẫn là thách thức kỹ thuật lớn nhất trong thời đại của chúng ta.

Chip bán dẫn – cuộc chiến của thế kỷ 21
Kỹ sư Việt Nam làm việc tại nhà máy Lumi Smart Factory (khu công nghiệp Thăng Long 3 - Bình Xuyên
- Vĩnh Phúc). Ảnh: Việt Cường.

Cuộc đua công nghệ gay cấn và hệ trọng nhất thời đại chúng ta

Nhưng cuộc chiến chưa dừng lại ở đó. Bản đồ chất bán dẫn vẫn được cập nhật từng ngày, với sự thay đổi sát sao của các quốc gia.

Cuộc đua về công nghệ này cũng chính là cuộc đua gay cấn và hệ trọng nhất thời đại chúng ta.

Xin lược giới thiệu lời mở đầu của Chris Miller trong cuốn “Chip war – cuộc chiến vi mạch” tới bạn đọc.

“…Mỹ vẫn kiểm soát ngặt nghèo những con chip silicon đã mang lại tên tuổi cho thung lũng Silicon, mặc dù vị thế của nó đã suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, số tiền mỗi năm Trung Quốc chi để nhập khẩu chip nhiều hơn số tiền mà quốc gia này chi để nhập khẩu dầu mỏ. Những chất bán dẫn này được gắn vào tất cả các thiết bị, từ điện thoại thông minh đến tủ lạnh mà Trung Quốc tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu ra toàn thế giới...

Trung Quốc đang dồn nguồn lực chất xám và hàng tỷ đô la để phát triển công nghệ bán dẫn riêng với nỗ lực thoát khỏi “nút thắt chip” của Mỹ. Nếu thành công, Bắc Kinh sẽ xoay chuyển nền kinh tế toàn cầu và thiết lập lại cán cân sức mạnh quân sự.

Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai được định đoạt bởi thép và nhôm, và không lâu sau là Chiến tranh Lạnh, được xác quyết bởi vũ khí nguyên tử. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được định đoạt bởi sức mạnh tính toán. Các chiến lược gia ở Bắc Kinh và Washington hiện đều nhận ra rằng tất cả công nghệ tiên tiến ‒ từ học máy đến các hệ thống tên lửa, từ các phương tiện tự động đến máy bay không người lái có vũ trang ‒ đều cần đến những con chip tiên tiến, còn được biết đến với những cái tên chính thức hơn như chất bán dẫn hoặc mạch tích hợp.

Chỉ có một số ít công ty kiểm soát hoạt động sản xuất những con chip này…

Chúng ta hiếm khi nghĩ về các con chip, nhưng chúng đã tạo ra thế giới hiện đại.

Cốt lõi của điện toán là việc đáp ứng nhu cầu về nhiều triệu ký tự số 1 và 0. Toàn bộ vũ trụ kỹ thuật số được tạo ra chỉ bởi hai ký tự số này. Mọi nút bấm trên iPhone của bạn, mọi email, ảnh và video trên YouTube rốt cuộc đều được mã hóa bằng các chuỗi ký tự khổng lồ gồm 1 và 0. Nhưng những con số này không thực sự tồn tại. Chúng là biểu thức của dòng điện, đang bật (1) hoặc tắt (0).

Một con chip là một mạng lưới gồm hàng triệu hoặc hàng tỷ bóng bán dẫn, những công tắc điện siêu nhỏ có thể bật và tắt để xử lý các kí tự số này, để ghi nhớ chúng và chuyển đổi các cảm biến thế giới thực như hình ảnh, âm thanh và sóng vô tuyến thành hàng triệu triệu ký tự số 1 và 0.

Các nhà máy và cơ sở lắp ráp ở cả hai bên Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) đều đang sản xuất ồ ạt linh kiện cho iPhone. Khoảng một phần tư doanh thu của ngành công nghiệp chip là từ điện thoại; phần lớn giá của một chiếc điện thoại mới là trả cho các chất bán dẫn bên trong.

Trong thập niên qua, mỗi đời iPhone lại được trang bị chip xử lý tiên tiến nhất thế giới. Tổng cộng, cần hơn chục mạch tích hợp để một chiếc điện thoại thông minh có thể hoạt động, với các chip khác nhau như chip quản lý pin, Bluetooth, Wi-Fi, kết nối mạng di động, âm thanh, camera, v.v.

Chính xác thì Apple không sản xuất những con chip này. Hãng hầu như mua chip bán sẵn trên thị trường: Chip nhớ từ Kioxia, Nhật Bản; chip tần số vô tuyến từ Skyworks, California; chip âm thanh từ Cirrus Logic có trụ sở tại Austin, Texas. Apple tự thiết kế các bộ vi xử lý cực kỳ phức tạp chạy hệ điều hành của iPhone.

Nhưng gã khổng lồ tại Cupertino, California, không thể sản xuất những con chip này. Cũng không phải bất kỳ công ty nào ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Ngày nay, các bộ vi xử lý tiên tiến nhất của Apple ‒ cũng được cho là những chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới ‒ chỉ có thể được sản xuất bởi một công ty duy nhất trong một tòa nhà duy nhất, nhà máy đắt đỏ nhất trong lịch sử nhân loại, ở Đài Loan (Trung Quốc).

Chế tạo và thu nhỏ kích thước chất bán dẫn là thách thức kỹ thuật lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Ngày nay, không có công ty nào chế tạo chip với độ chính xác cao hơn Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan – Trung Quốc (TSMC).

Vào năm 2020, khi thế giới còn chao đảo giữa những đợt phong tỏa do một chủng virus có đường kính đo được khoảng một trăm nanomet ‒ một phần một tỷ mét ‒ thì cơ sở tiên tiến nhất của TSMC là Fab 18 đã cấy được những mê cung siêu nhỏ gồm các bóng bán dẫn nhỏ, khắc những hình dạng nhỏ hơn một nửa kích thước của một virus corona, bằng một phần trăm kích thước của một ty thể.

TSMC đã nhân bản quy trình này ở quy mô chưa từng có trong lịch sử loài người.

Apple đã bán được hơn 100 triệu chiếc iPhone 12, mỗi chiếc được trang bị một chip xử lý A14 với 11,8 tỷ bóng bán dẫn nhỏ được khắc vào tấm silicon của nó. Nói cách khác, trong vòng vài tháng, cơ sở Fab 18 của TSMC đã chế tạo được mười lũy thừa mười tám bóng bán dẫn ‒ cụ thể là một con số có mười tám số 0 phía sau, cho một trong số hơn một tá con chip trong một chiếc iPhone.

Ngành công nghiệp chip đã sản xuất được số bóng bán dẫn nhiều hơn tổng số lượng của tất cả các loại hàng hóa được sản xuất bởi tất cả các công ty khác, trong tất cả các ngành khác, trong toàn bộ lịch sử loài người. Không gì có thể sánh kịp.

Sáu mươi năm trước, số lượng bóng bán dẫn trên một con chip tiên tiến không phải là 11,8 tỷ, mà chỉ là 4. Năm 1961, tại miền nam San Francisco, công ty nhỏ Fairchild Semiconductor đã công bố một sản phẩm mới được gọi là Micrologic (vi logic), một con chip silicon có gắn bốn bóng bán dẫn.

Chẳng bao lâu sau, công ty này đã phát minh ra cách để đặt một tá, rồi sau đó là hàng trăm bóng bán dẫn lên một con chip.

Năm 1965, nhà đồng sáng lập Fairchild là Gordon Moore nhận thấy rằng số lượng linh kiện có thể gắn được trên mỗi con chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm khi các kỹ sư học được cách chế tạo bóng bán dẫn với kích cỡ nhỏ hơn bao giờ hết.

Dự đoán này ‒ rằng khả năng tính toán của con chip sẽ tăng theo cấp số nhân ‒ được gọi là “Định luật Moore” và giúp Moore dự đoán được việc phát minh ra những thiết bị mà tại thời điểm năm 1965 có vẻ là tương lai bất khả thi, chẳng hạn như “đồng hồ đeo tay điện tử”, “máy tính gia đình”, và thậm chí là “thiết bị liên lạc di động cá nhân”.

Từ năm 1965, Moore đã tiên đoán về một thập niên phát triển theo cấp số nhân ‒ nhưng tốc độ tiến bộ đáng kinh ngạc này đã diễn ra liên tục trong hơn nửa thế kỷ. Năm 1970, Intel, công ty thứ hai mà Moore sáng lập, công bố một con chip nhớ có thể ghi nhớ 1.024 mẩu thông tin (“bit”).

Nó có giá khoảng 20 đô la, chừng hai xu mỗi bit.

Ngày nay, 20 đô la có thể mua được một ổ USB có thể ghi nhớ hơn một tỷ bit.

Các công ty chip thành công nhất của Mỹ hiện đã xây dựng được các chuỗi cung ứng rộng khắp thế giới, cắt giảm chi phí và tạo ra tri thức chuyên môn giúp Định luật Moore trở thành hiện thực.

Ngày nay, nhờ Định luật Moore, chất bán dẫn được gắn vào mọi thiết bị đòi hỏi sức mạnh tính toán ‒ và trong thời đại của Internet Vạn vật, điều này có nghĩa là gần như mọi thiết bị. Ngay cả những sản phẩm đã tồn tại hàng trăm năm như ô tô cũng thường được gắn những con chip trị giá hàng nghìn đô la. Phần lớn GDP của thế giới được tạo ra từ các thiết bị sử dụng chất bán dẫn.

Vào tháng 8 năm 2020, thế giới mới bắt đầu nhận ra sự phụ thuộc vào chất bán dẫn ‒ và sự phụ thuộc vào Đài Loan (Trung Quốc), nơi sản xuất những con chip tạo ra một phần ba sức mạnh tính toán mới mà chúng ta sử dụng mỗi năm. TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất gần như tất cả các con chip xử lý tiên tiến nhất thế giới.

Khi đại dịch COVID bùng phát vào năm 2020, nó cũng làm gián đoạn ngành công nghiệp chip. Một số nhà máy tạm thời phải đóng cửa. Các giao dịch mua chip sử dụng cho ô tô sụt giảm mạnh. Nhu cầu về máy tính cá nhân (PC) và chip trung tâm dữ liệu tăng đột biến do nhiều người phải sẵn sàng để làm việc tại nhà.

Sau đó, sang năm 2021, một loạt vụ tai nạn ‒ hỏa hoạn tại một cơ sở bán dẫn của Nhật Bản; bão băng ở Texas, trung tâm sản xuất chip của Mỹ; và một đợt phong tỏa mới do COVID ở Malaysia, nơi nhiều chip được lắp ráp và thử nghiệm ‒ càng làm gia tăng những gián đoạn này.

Đột nhiên, nhiều ngành công nghiệp ở xa thung lũng Silicon phải đối mặt với tình trạng thiếu chip trầm trọng.

Các hãng sản xuất ô tô lớn, từ Toyota đến General Motors, đã phải đóng cửa nhà máy nhiều tuần vì không thể mua được chất bán dẫn cần thiết. Sự thiếu hụt ngay cả những con chip đơn giản nhất đã gây ra tình trạng đóng cửa nhà máy xí nghiệp ở phía bên kia của thế giới. Đây dường như là một hình ảnh hoàn hảo về quá trình toàn cầu hóa gặp trục trặc.

Suốt nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo chính trị ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã không nghĩ nhiều về chất bán dẫn. Giống như chúng ta, họ cho rằng “công nghệ” tức là các công cụ tìm kiếm hoặc truyền thông xã hội, chứ không phải các tấm silicon.

Khi Joe Biden và Angela Merkel hỏi tại sao các nhà máy sản xuất ô tô của đất nước họ đóng cửa, câu trả lời nằm ở chuỗi cung ứng chất bán dẫn phức tạp đến khó hiểu. Một con chip điển hình có thể được một nhóm kỹ sư ở California và Israel thiết kế theo bản thiết kế của công ty Arm thuộc sở hữu của Nhật Bản, có trụ sở tại Anh, sử dụng phần mềm thiết kế của Mỹ.

Khi một thiết kế hoàn chỉnh, nó sẽ được gửi đến một nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc), nhà máy này sẽ mua các tấm silicon siêu tinh khiết và khí đặc biệt từ Nhật Bản. Thiết kế được in khắc vào silicon bằng một số máy móc chính xác nhất thế giới, có thể khắc, làm lắng đọng và đo các lớp vật liệu dày chỉ vài nguyên tử.

Những công cụ này được sản xuất chủ yếu bởi năm công ty, một của Hà Lan, một của Nhật Bản và ba công ty của Mỹ, nếu không có họ thì về cơ bản, không thể chế tạo được những con chip tiên tiến. Sau đó, con chip này được đóng gói và kiểm tra, thường là ở Đông Nam Á, trước khi được gửi đến Trung Quốc để lắp ráp vào một chiếc điện thoại hoặc máy tính.

Nếu bất kỳ bước nào trong quy trình sản xuất chất bán dẫn bị gián đoạn thì nguồn cung sức mạnh tính toán mới của thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), người ta thường nói dữ liệu là một loại dầu mỏ mới. Tuy nhiên, hạn chế thực sự mà chúng ta phải đối mặt không phải là sự sẵn có của dữ liệu mà là khả năng xử lý dữ liệu.

Chỉ có một lượng nhất định các chất bán dẫn có thể lưu trữ và xử lý dữ liệu. Sản xuất chúng rất phức tạp và vô cùng tốn kém.

Mạng lưới các công ty toàn cầu hằng năm sản xuất ra hàng nghìn tỷ con chip với kích cỡ nanomet cho thấy tính hiệu quả cực cao. Nó cũng bộc lộ tính dễ tổn thương lớn. Những gián đoạn do đại dịch đã phần nào cho biết những gì một cơn địa chấn ở khu vực trọng điểm có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Đài Loan (Trung Quốc) nằm trên một vết đứt gãy mà gần đây nhất là năm 1999 đã gây ra một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter. Rất may, trận động đất này chỉ làm ngưng trệ việc sản xuất chip trong đôi ba ngày. Nhưng nguy cơ một trận động đất mạnh hơn tấn công Đài Loan (Trung Quốc) chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một trận động đất kinh hoàng cũng có thể xảy ra với Nhật Bản, quốc gia nằm trong khu vực thường xảy ra động đất và cũng là nơi sản xuất 17% lượng chip của thế giới. Hay thung lũng Silicon, nơi ngày nay chỉ sản xuất một lượng nhỏ chip nhưng lại chế tạo ra máy móc quan trọng để sản xuất chip tại các cơ sở nằm trên vết đứt gãy San Andreas.

Tuy nhiên, sự thay đổi địa chấn gây tổn hại nhất đến nguồn cung chất bán dẫn ngày nay không phải là do sự va chạm của các mảng kiến tạo mà do sự đụng độ của các cường quốc.

Chip bán dẫn – cuộc chiến của thế kỷ 21

"Suốt nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo chính trị ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã không nghĩ nhiều về chất bán dẫn... Khi Joe Biden và Angela Merkel hỏi tại sao các nhà máy sản xuất ô tô của đất nước họ đóng cửa, câu trả lời nằm ở chuỗi cung ứng chất bán dẫn phức tạp đến khó hiểu", tác giả Chris Miller viết trong cuốn "Chip war - Cuộc chiến vi mạch".
Ảnh: Huy Minh.

Khi Trung Quốc và Mỹ tranh giành uy thế, cả Washington và Bắc Kinh đều tìm cách kiểm soát tương lai của điện toán ‒ và tương lai đó phụ thuộc đáng sợ vào một hòn đảo nhỏ mà Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn còn Mỹ thì cam kết bảo vệ bằng vũ lực… Trung Quốc chỉ cần phong tỏa một phần Đài Loan cũng sẽ gây ra những gián đoạn nghiêm trọng.

Một cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở sản xuất chip tiên tiến nhất của TSMC có thể dễ dàng gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ đô la khi việc sản xuất điện thoại, trung tâm dữ liệu, ô tô, mạng viễn thông và các công nghệ khác bị đình trệ…

Có thể dám khẳng định rằng chất bán dẫn đã định hình nên thế giới mà chúng ta đang sống, định hình nền chính trị quốc tế, cấu trúc của nền kinh tế thế giới, và cán cân quyền lực quân sự.

Tuy nhiên, thiết bị hiện đại nhất này lại có một lịch sử phức tạp và đầy tranh cãi. Sự phát triển của nó không chỉ được quyết định bởi các tập đoàn và người tiêu dùng mà còn bởi những chính sách đầy tham vọng và cả những đòi hỏi của chiến tranh…”

Phấn đấu đến năm 2030 có 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn

Khẩn trương ban hành và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; phấn đấu đến năm 2030 có 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn.

Chip bán dẫn – cuộc chiến của thế kỷ 21
Dám tem QC Pass tại nhà máy Lumi Smart Factory. Ảnh: Việt Cường

Nội dung trên được nêu tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Chia sẻ
In bài viết

Tin cùng chuyên mục

Giải Thi đấu âm thanh  EMMA HCM 2024, quy tụ 60 xe tham dự

Kinh tế - Xã hội -

Giải Thi đấu âm thanh EMMA HCM 2024, quy tụ 60 xe tham dự

Sự kiện thi đấu âm thanh xe hơi EMMA HCM 2024 màn với nhiều điểm mới lạ, mang đến trải nghiệm thú vị danh cho cộng đồng chơi xe.

Xôn xao clip khách đấm tài xế taxi công nghệ tới tấp vì hủy cuốc

Kinh tế - Xã hội -

Xôn xao clip khách đấm tài xế taxi công nghệ tới tấp vì hủy cuốc

Thêm một clip quay bằng camera trong xe cho thấy cảnh khách đấm tài xế taxi công nghệ vì không chịu đặt lại chuyến đi mới theo yêu cầu.

Tăng lương cơ sở 30% từ 1/7, cao nhất từ trước đến nay

Kinh tế - Xã hội -

Tăng lương cơ sở 30% từ 1/7, cao nhất từ trước đến nay

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ 1/7 lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng (30%).

4  lầm tưởng dễ gặp phải khi lựa chọn phim cách nhiệt ô tô

Kinh tế - Xã hội -

4 lầm tưởng dễ gặp phải khi lựa chọn phim cách nhiệt ô tô

Dán phim cách nhiệt ô tô là khoản đầu tư thông minh hay “tiền mất tật mang” phụ thuộc vào cách lựa chọn của chủ xe. Dưới đây là những lầm tưởng phổ biến mà các chủ xe rất dễ mắc phải trong lần đầu chọn mua phim cách nhiệt.

Đưa giáo dục phòng cháy, chữa cháy vào trường học

Kinh tế - Xã hội -

Đưa giáo dục phòng cháy, chữa cháy vào trường học

Chiều 19/6 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Agribank giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Kinh tế - Xã hội -

Agribank giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Agribank đã nỗ lực điều chỉnh lãi suất huy động và tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

03 loại tiền lương đồng loạt tăng từ 01/7/2024, người lao động cần biết Tôi công nhân

03 loại tiền lương đồng loạt tăng từ 01/7/2024, người lao động cần biết

03 loại tiền lương quan trọng sẽ tăng từ ngày 01/7/2024 gồm lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp người lao động có thu nhập cao hơn, cải thiện đời sống.

Phụ cấp độc hại đối với người lao động được quy định như thế nào? Tôi công nhân

Phụ cấp độc hại đối với người lao động được quy định như thế nào?

Người lao động ở các ngành nghề nào sẽ được hưởng phụ cấp độc hại? Phụ cấp độc hại đối với người lao động được quy định như thế nào?

Talk Công đoàn: Ký thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp: Bí quyết nào? Talk Công đoàn

Talk Công đoàn: Ký thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp: Bí quyết nào?

Đồng chí Trần Văn Hiệu, Chủ tịch Công đoàn các KCN Bắc Ninh chia sẻ trong Talk Công đoàn.

Tổ chức tuyên truyền tập huấn về phòng, chống ma túy cho công nhân lao động Công đoàn số

Tổ chức tuyên truyền tập huấn về phòng, chống ma túy cho công nhân lao động

Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành kế hoạch số 91/KH-TLĐ về tổ chức tuyên truyền, tập huấn giáo dục về phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bản tin công nhân: Đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 12 năm tham gia, chưa từng nhận Bản tin công nhân

Bản tin công nhân: Đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 12 năm tham gia, chưa từng nhận

Bản tin công nhân ngày 29/5 gồm những tin chính: Trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 200.000 đồng – 280.000 đồng / tháng từ 1/7/2024; Điều chỉnh mức đóng BHXH sau cải cách tiền lương; Đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 12 năm tham gia, chưa từng nhận; 14 phường ở TP Thủ Dầu Một có bếp ăn "0 đồng" cho lao động nghèo...

Sẵn sàng cho ngày hội lớn của người lao động Đắk Lắk Video

Sẵn sàng cho ngày hội lớn của người lao động Đắk Lắk

Ngày hội Việc làm tỉnh Đắk Lắk năm 2024 đã hoàn tất, sẵn sàng tiếp đón trên 1.000 người lao động, đại biểu, quan khách tham dự. Chương trình do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, Tạp chí Lao động Công đoàn phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk tổ chức, chính thức diễn ra lúc 8 giờ ngày 14/6 tại số 9, đường 10 tháng 3 (đường Vành Đai).

Đọc thêm

Ly hôn - lối sống hiện đại hay suy thoái nhân cách?

Kinh tế - Xã hội -

Ly hôn - lối sống hiện đại hay suy thoái nhân cách?

Mấy năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 trăm ngàn cặp kết hôn và ly hôn khoảng 60.000 cặp. Tức là cứ hơn 3,3 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ra Tòa, tương ứng 0,75vụ/1.000 dân.

Audi Q8 e-tron ra mắt, xe điện hạng sang rẻ nhất Việt Nam

Kinh tế - Xã hội -

Audi Q8 e-tron ra mắt, xe điện hạng sang rẻ nhất Việt Nam

Mẫu xe SUV hạng sang Audi Q8 e-tron ra mắt với duy nhất một phiên bản 55 quattro, công suất 408 mã lực cùng tầm hoạt động lên tới 582 km sau mỗi lần sạc.

Bảo hiểm tai nạn xe ô tô và những điều cần biết

Kinh tế - Xã hội -

Bảo hiểm tai nạn xe ô tô và những điều cần biết

Bảo hiểm tai nạn xe ô tô rất cần thiết cho mỗi chủ sở hữu xe, bao gồm 5 loại hình bảo hiểm dưới đây.

Vietcombank ra mắt ngân hàng số thế hệ mới

Kinh tế - Xã hội -

Vietcombank ra mắt ngân hàng số thế hệ mới

Ngày 18/6, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới dành cho khách hàng cá nhân. Đây được coi là đợt cập nhật lớn nhất kể từ khi ra mắt lần đầu năm 2020 với toàn bộ giao diện và luồng trải nghiệm được thiết kế mới hoàn toàn cho từng phân khúc, cùng với những dịch vụ, tiện ích mới lần đầu tiên xuất hiện trên VCB Digibank.

Ô tô, xe máy phóng nhanh, vượt ẩu bị phạt bao nhiêu?

Kinh tế - Xã hội -

Ô tô, xe máy phóng nhanh, vượt ẩu bị phạt bao nhiêu?

Nguyên nhân phóng nhanh, vượt ẩu, dù chủ quan hay khách quan, người vi phạm đều bị phạt tiền theo quy định của Pháp luật.

Không để hàng hóa “té nước theo lương", khiến người lao động mừng ít, lo nhiều

Kinh tế - Xã hội -

Không để hàng hóa “té nước theo lương", khiến người lao động mừng ít, lo nhiều

Việc tăng lương sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, tăng lương không tạo ra lạm phát.

Bảo hiểm hành khách đi xe taxi bị tai nạn

Kinh tế - Xã hội -

Bảo hiểm hành khách đi xe taxi bị tai nạn

Bảo hiểm hành khách đi xe taxi bị tai nạn sẽ nằm trong hợp đồng bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Dưới đây là những lưu ý về loại bảo hiểm này.

Honda báo cáo nhầm, Suzuki Ertiga mới là xe hybrid bán chạy nhất 2 tháng vừa qua

Kinh tế - Xã hội -

Honda báo cáo nhầm, Suzuki Ertiga mới là xe hybrid bán chạy nhất 2 tháng vừa qua

Với 287 chiếc bán ra, doanh số Suzuki Ertiga hybrid tiếp tục dẫn đầu, trở thành mẫu xe hybrid bán chạy nhất thị trường Việt Nam trong tháng 5/2024.

Đã đến lúc không thể không sửa đổi Luật thuế 71

Kinh tế - Xã hội -

Đã đến lúc không thể không sửa đổi Luật thuế 71

Những bất cập của Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) là rõ ràng, kéo dài nhiều năm gây rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp nước nhà. Đã đến lúc, sắc thuế này cần phải được thay đổi.

BYD tổ chức lái thử các dòng xe sắp được bán tại Việt Nam

Kinh tế - Xã hội -

BYD tổ chức lái thử các dòng xe sắp được bán tại Việt Nam

BYD, thương hiệu đến từ Trung Quốc, đã đánh dấu sự có mặt tại Việt Nam bằng sự kiện lái thử ba dòng xe điện.