|
Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01//01/2021 (thay thế BLLĐ năm 2012) gồm 17 Chương, 220 Điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, tổ chức đại diện NSDLĐ trong quan hệ lao động (QHLĐ) và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến QHLĐ; quản lý Nhà nước về lao động. Đối tượng áp dụng là NLĐ, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có QHLĐ; NSDLĐ, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến QHLĐ. Theo đó, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra đối với hoạt động công đoàn. |
|
Nội dung tuyên truyền, vận động cần tập trung vào những điểm mới cơ bản của BLLĐ có tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ về hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ) loại HĐLĐ; Về quy định bổ sung thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Về bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn HĐLĐ; Về điều kiện đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ và NSDLĐ... Điểm đáng chú ý nữa là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm, cụ thể: Tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 4 tháng đối với nam kể từ năm 2021. Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
Phát tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho CNLĐ của Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam (thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định). |
Về tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, BLLĐ 2019 quy định tổ chức của NLĐ không thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong QHLĐ. Quy định có tính nguyên tắc đối với 3 vấn đề cốt lõi nhất: Quyền thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; điều kiện về tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ. Về làm thêm giờ, BLLĐ 2019 quy định tăng số giờ làm thêm tối đa theo tháng: Không quá 40 giờ trong 01 tháng. Trong đó, quy định cụ thể các trường hợp làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp. Về tiền lương, BLLĐ 2019 quy định NSDLĐ không được ép NLĐ dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định. NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, trong đó ghi rõ các nội dung tiền lương; tiền lương làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm; nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). NSDLĐ phải chịu chi phí mở tài khoản cho NLĐ nếu trả lương qua ngân hàng. Tiền lương ngừng việc khi NLĐ phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế. Về kỷ luật lao động, BLLĐ 2019 bổ sung thêm 01 trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với NLĐ bên cạnh các trường hợp khác theo quy định hiện hành, đó là: NLĐ có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động. |
|
Hình thức tư vấn cho NLĐ có thể trực tiếp thông qua Ngày hội tư vấn pháp luật; cho NLĐ tham gia vào các trò chơi bốc thăm trúng thưởng để tạo sự hứng thú trong ngày hội tư vấn. |
LĐLĐ tỉnh Trà Vinh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức ra quân tuyên truyền, triển khai BLLĐ sửa đổi năm 2019 đến công nhân, lao động. |
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin và dịch bệnh Covid-19 hiện nay, công đoàn có thể tư vấn trực tuyến, qua điện thoại, tư vấn thông qua mạng xã hội để giảm bớt sự tập trung đông người. Khác với hoạt động tuyên truyền, công tác tư vấn phụ thuộc nhiều vào nội dung NLĐ cần giải đáp. Do đó, công đoàn cần chủ động bố trí các chuyên gia am hiểu sâu sắc về pháp luật lao động, có kỹ năng tư vấn để giải quyết các tình huống mà NLĐ cần tư vấn. |
|
Đối với TƯLĐTT, tổ chức Công đoàn đại diện cho tập thể lao động có quyền tham gia thương lượng và ký kết TƯLĐTT với NSDLĐ. Tùy theo loại TƯLĐTT (doanh nghiệp, ngành hoặc nhiều doanh nghiệp) mà công đoàn tham gia cho phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và quy chế thưởng, công đoàn tham gia ý kiến với NSDLĐ. Đối với nội quy lao động, công đoàn tham gia ý kiến trước khi ban hành, sửa đổi, bổ sung. Ông Đinh Trần Thanh Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Bình, TP. HCM (bên phải) - ký kết thỏa ước lao động tập thể với Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GFK Việt Nam. Ảnh: Đức Long |
|
Để BLLĐ 2019 đi vào thực tiễn đời sống cần có các văn bản hướng dẫn thi hành như các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ (chủ yếu là Bộ LĐ-TB&XH. Muốn vậy, các cơ quan Nhà nước phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan trong đó có tổ chức Công đoàn. Với chức năng của mình, tổ chức Công đoàn tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến tổ chức Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của NLĐ. |
Kể từ khi BLLĐ năm 2019 được ban hành đến ngày 20/01/2021, tổ chức Công đoàn đã tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng các văn bản: Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và QHLĐ; Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ Quy định về NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Để hướng dẫn BLLĐ năm 2019, còn một số nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ LĐ-TB&XH chưa được ban hành; vì vậy, trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn còn tiếp tục tham gia ý kiến với cơ quan Nhà nước. |
Tài liệu tham khảo: 1. BLLĐ 2019. 2. Tài liệu họp báo công bố BLLĐ năm 2019 của Bộ LĐ-TB&XH ngày 16/12/2019. 3. Luật Công đoàn năm 2012. |
Ảnh minh họa. |