|
Cầm trên tay giấy ra viện tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, kết thúc 21 ngày điều trị, chị T.M.T. (bệnh nhân 3646, nhân viên Công ty CP Trường Minh, KCN An Đồn, Đà Nẵng), rưng rưng trong niềm vui. |
Kết quả dương tính như “án tử” treo lơ lửng |
21 ngày điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, chị T.M.T. trải qua vô vàn những cảm xúc từ hoang mang, lo lắng, đến niềm vui vỡ òa cho mỗi lần nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Nhớ lại ngày nhận kết quả, chị T. tâm sự: “Hôm N.T.N. (PV - nhân viên đầu tiên của Công ty Tường Minh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2) có kết quả, mình không có ca làm việc. Nhận được điện thoại của công ty, mình tức tốc lên tập trung làm xét nghiệm. Lúc đó cũng tự động viên bản thân là chắc ổn thôi, sẽ không có chuyện gì đâu!”. Vậy nhưng, khi được các nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng thông báo kết quả dương tính, mọi thứ xung quanh T. như đang sụp đổ. |
|
“Mình lo lắng đến mức không biết phải làm gì tiếp theo, không cần mình điện báo mà gia đình đã chủ động liên hệ hỏi thăm và động viên. Ngay lúc đó, mình nghĩ kết quả dương tính như “án tử” treo lơ lửng với bản thân”, chị T. nhớ lại. Ngày đầu vào bệnh viện, nỗi lo vẫn chưa thể nguôi ngoai, chị T. tiếp nhận điều trị của các y bác sĩ chậm hơn mọi người, một phần vì tâm lý không ổn định, một phần vì thể trạng khá yếu ớt. Những ngày sau, việc điều trị tiến triển tốt hơn khi nhận được sự động viên từ các y bác sĩ, T. dần dần gạt được suy nghĩ tiêu cực và chăm chỉ, điều độ hơn. Chia sẻ về BN 3646, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết: "Những ngày đầu bệnh nhân có tâm lý không ổn định nhưng được sự động viên đã tiếp nhận điều trị tốt. Bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng đã khỏi Covid-19, không khó thở, không ho, không sốt, ăn uống tạm; X-quang phổi và các xét nghiệm chức năng gan, thận bình thường. Bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 có 3 lần âm tính liên tiếp vào các ngày 27/5, 29/5 và 31/5. Theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân sau khi xuất viện sẽ tiếp tục cách ly 14 ngày". |
“Từ nhỏ đến lớn, mình chưa bao giờ ở viện lâu vậy nên thật sự rất lo lắng. Mấy ngày sau, mình mới quen. Tâm trạng thoải mái hơn, mình tiếp nhận điều trị và chỉ dẫn của bác sĩ cũng tốt. Mình ăn ngủ nhiều hơn cả lúc ở ngoài”, chị T. cười lớn. Mỗi ngày, chị T. được các bác sĩ thăm khám sức khỏe thường xuyên, sẽ có nhóm Zalo để chị thực hiện việc đo thân nhiệt của bản thân và báo cáo kết quả hằng ngày. Nếu có bất cứ dấu hiệu gì bất thường, các y bác sĩ sẽ nhanh chóng có mặt để trực tiếp khám cho bệnh nhân. Các y, bác sĩ và tất cả mọi người phục vụ cho công tác điều trị đều dành sự quan tâm ân cần, chu đáo để các bệnh nhân yên tâm điều trị. Lo sợ dịch bệnh là vậy, tuy nhiên, khi được hỏi liệu có trách N.T.N. khi lây bệnh cho mình, T. lắc đầu. “Mình không trách N.T.N., không ai mong muốn dịch bệnh cả, trước khi có dịch bệnh, chúng mình là những đồng nghiệp thân thiết, bây giờ cũng vậy", T. cho biết. T. bật mí thêm là những đồng nghiệp cùng nhập viện đều hay nhắn tin động viên nhau trong suốt quá trình điều trị. Điều này phần nào đó đã giúp mọi người không cảm thấy mình cô đơn và tâm lý cũng thoải mái hơn. |
Lời cảm ơn từ tận trái tim |
Vô tình trở thành “ổ dịch” tại KCN, Công ty CP Trường Minh (KCN An Đồn, Sơn Trà, Đà Nẵng) đã có nhiều sự quan tâm sát sao đến những người lao động là F1 và đang điều trị của mình. Theo chị T., sau khi sự cố xảy ra, công ty đã liên hệ động viên chị rất nhiều. |
“Trong suốt quá trình điều trị, công ty và các anh chị công đoàn luôn gọi điện hỏi thăm mình. Biết mình lo lắng về công việc, các anh chị động viên là cố gắng trị mau khỏi rồi quay lại với mọi người. Công ty cũng hỗ trợ cho mình một khoản để chi phí sinh hoạt thêm”, chị T. cho biết. Không chỉ dành sự quan tâm với các nhân viên, công đoàn cũng như ban lãnh đạo công ty còn thường xuyên hỏi thăm về tình hình sức khỏe của người thân trong gia đình. “Với chúng mình, những sự quan tâm ân cần chu đáo đó thật sự là nguồn động viên vô cùng lớn”, chị T. chia sẻ. |
Nhắc về dự định của tương lai, chị T. luôn cảm thấy bản thân may mắn vì có công việc trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Vì vậy, trước mắt, ưu tiên hàng đầu của chị vẫn là đảm bảo cách ly y tế và sức khỏe thật tốt. Sau đó, chị sẽ trở lại với công việc đã gắn bó trong suốt thời gian qua bởi những tình cảm mà mọi người dành cho mình là vô cùng lớn. Dành lời tri ân sâu sắc nhất, chị T. gửi đến những y bác sĩ của Bệnh viện Phổi cũng như gia đình. Theo chị T. có lẽ, trong suốt phần đời còn lại, chị sẽ không bao giờ quên thời điểm khó khăn và cũng đầy ấm áp này. |
“Mình không may mắn khi được con virus “gọi tên”, đã có lúc mình thấy mọi thứ thật khó khăn, nhưng nhờ vậy, mình nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương, sự động viên chân thành từ người nhà và các y bác sĩ. Ở bệnh viện, mình không cảm thấy đơn độc trong “cuộc chiến” mà luôn có sự đồng hành, chia sẻ của mọi người. Từ tận đáy lòng, mình muốn gửi lời tri ân sâu sắc nhất tới mọi người ở đây, cũng như gia đình thân yêu. Chúc các y, bác sĩ thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình cứu chữa cho nhiều bệnh nhân khác”, chị T. chia sẻ. |
T. nhận giấy ra viện cùng 2 đồng nghiệp khác và một nhân viên của Thẩm mỹ viện A. |
Có lẽ, với nhiều người, dịch bệnh mang lại cho họ vô vàn những khó khăn. Vậy nhưng, sau tất cả, điều đọng lại nhiều nhất trong mỗi người lại chính là sự sẻ chia, động viên nhau cùng vượt qua. Trong “trận chiến” Covid-19 này, khi yêu thương, san sẻ trở thành nguồn cơn sức mạnh thì mọi thử thách đều có thể vượt qua. |
Tất cả đều mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. |
Đeo túi đá trên người, giải pháp giảm nhiệt có “1-0-2” của nhân viên y tế ở Bắc Giang
Mấy ngày qua, thời tiết ở một số tỉnh, thành, đặc biệt là tâm dịch Bắc Giang chạm ngưỡng 40 độ C. Để giảm ... |
Bỏ trốn khỏi khu vực cách ly có thể bị phạt từ 1-12 năm tù
Nếu người nào bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung làm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền ... |
“Thấy vợ khóc vì lo sinh con không có mẹ ở bên, em không cầm được nước mắt”
Có vợ mang thai ở tuần thứ 38, lại ở trong khu vực cách ly y tế, Lê Duy Tuấn (công nhân trọ tại thôn ... |