|
Hơn 1 tháng qua TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ và Chỉ thị 10 của thành phố khiến cho người lao động tự do khó khăn muôn phần. Bình thường cuộc sống của họ khá chật vật, khi thành phố giãn cách, họ luôn trong tình trạng ăn bữa nay, lo bữa mai, nhiều người trông chờ vào những phần cơm từ thiện của nhà hảo tâm. Những lúc này, người ta mới thấy rõ tấm lòng nhân ái mà con người dành cho nhau. |
Hơn 1 tháng nay, Nguyễn Thị Thanh Khoa, sinh viên năm thứ 3 của Đại học Hutech đã cùng nhóm bạn của mình hỗ trợ những phần cơm chay cho người lao động, người vô gia cư, khó khăn, cơ nhỡ tại TP HCM. Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lần thứ 4, Khoa cùng các bạn của mình đã đi phát khẩu trang, găng tay cho người lao động ngồi ở vỉa hè, chân cầu. Khoa luôn mong muốn rằng mình sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho người lao động. Khoa kể, nhóm thiện nguyện của mình hoạt động từ 31/5 khi thành phố bắt đầu giãn cách xã hội. Đối tượng mà nhóm thiện nguyện của Khoa hướng đến là cô chú bán vé số, thu gom ve chai hay những cô chú xe ôm ngồi ở vỉa hè. Khoa đã liên hệ tới một cơ sở nấu cơm chay và đặt hàng chục suất cơm mỗi ngày. |
Những người lao động nghèo nhận cơm chay miễn phí từ nhóm bạn của Khoa |
“Những ngày đầu chỉ có tôi và một bạn nữa đi phát cơm nên mỗi ngày chỉ phát khoảng 50 suất. Sau đó, tôi huy động được nhiều bạn hơn nên chúng tôi có ngày phát được trên 160 suất cơm. Chúng tôi phát cơm theo các bữa, mỗi bữa sẽ chia ra khoảng 3 bạn đi lấy cơm và phân phát tại các điểm tại trung tâm thành phố. Vì không được tập trung đông nên chúng tôi phải chia nhau theo nhóm, theo ca để làm việc. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, ở thời điểm này người dân TP HCM rất cần được hỗ trợ, đặc biệt là những cô chú vô gia cư, lao động tự do”, Khoa kể. Kinh phí mua cơm cho người lao động nghèo chủ yếu được Khoa kêu gọi trên mạng xã hội. Khoa có kết hợp với một bạn là “hot facebooker” để kêu gọi tài trợ, quyên góp từ mọi người. Hằng ngày Khoa sẽ lên kế hoạch hỗ trợ số suất cơm cho người lao động và bạn của Khoa sẽ phụ trách kêu gọi nguồn kinh phí. Vì cả hai đều là những bạn trẻ, năng động, có sự nổi tiếng nhất định nên việc kêu gọi hỗ trợ được đông đảo sinh viên tham gia. Mỗi phần cơm chay Khoa đặt nấu với giá 10.000 đồng nên nhiều khi Khoa cùng các bạn trong nhóm tự bỏ tiền ra để mua trước khi kêu gọi hỗ trợ từ mọi người. |
Khoa (thứ 2, từ trái sang) cùng nhóm bạn đi phát cơm từ thiện |
Là người trực tiếp đi tham gia phát cơm tặng cho người lao động, Khoa luôn ý thức các biện pháp phòng dịch. Có những người lao động không có khẩu trang, Khoa đã mua và tặng cho họ. Có lần trông thấy một bà cụ ngồi co ro trú mưa gần Công viên 23/9, Khoa đã ghé vào hỏi thăm và mua cơm tặng bà cụ. Nghe cụ kể chuyện không có người thân, Khoa ngỏ ý đưa cụ vào Viện Dưỡng lão ở và lo tiền, nhưng cụ không chịu. Từ đó, mỗi lần đi qua công viên, Khoa thường tìm bà cụ và hỗ trợ những gì mình có thể làm. Không chỉ tặng cơm cho người lao động, Khoa cùng các bạn còn kêu gọi mọi người đi hiến máu. Bản thân Khoa cũng nhiều lần hiến máu để hỗ trợ mọi người. |
Cô Dương Hồng Út (46 tuổi, quê ở Cà Mau) làm nghề nhặt ve chai ở TP HCM nhiều năm nay, cho đến khi dịch bệnh trở lại, thành phố giãn cách xã hội, cuộc sống của cô lâm vào khó khăn. Hiện cô đang ở trọ cùng với 3 người nữa cũng là lao động tự do ở quận 4, TP HCM. Cuộc sống khó khăn, nhưng cô không thể về quê. Mỗi ngày cô vẫn lóc cóc cùng chiếc xe đạp đi nhặt phế liệu, ve chai kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhiều ngày nay cô tìm được chỗ phát cơm từ thiện và chỗ bán rau củ "0 đồng" nên cũng đỡ lo về cơm ăn hàng ngày. Nhưng tiền thuê trọ và bao thứ chi phí không tên cũng đủ khiến cô đau đầu. “Cũng chẳng biết sẽ thế nào nữa. Dù gì thì vẫn cứ phải sống nên tôi cố gắng, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Cũng may được phát cơm từ thiện, chứ không tôi sợ đi làm bây giờ không đủ tiền ăn. Chợ thì đóng, cả đời tôi nào biết siêu thị như thế nào để đi mua đâu”, cô Út than thở. |
Tại TP HCM hiện nay có nhiều điểm phát cơm từ thiện, gian hàng "0 đồng" hay ATM gạo hỗ trợ người lao động khó khăn, lao động tự do, người vô gia cư. Những tấm lòng đó thật đáng trân quý. Anh Nguyễn Thế Mỹ - người triển khai một điểm phát cơm chay tại số 96 Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, TP HCM chia sẻ, chương trình phát cơm trong mùa dịch đã được anh và cả nhóm thực hiện từ ngày bắt đầu giãn cách xã hội, dự kiến sẽ làm hàng ngày cho tới khi hết dịch. Mỗi khi đến giờ cơm trưa, người lao động ở quanh khu đó sẽ đến nhận cơm chay. Trên gương mặt người đến nhận đều hiện rõ sự vất vả mưu sinh. Những quán cơm từ thiện như của anh Mỹ là đã “cứu trợ” khẩn cấp cho bữa ăn hằng ngày của họ. |
Lao động tự do chật vật mưu sinh khi giãn cách xã hội
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP HCM vẫn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ ngày 29/6/2021 và không nêu cụ ... |
Những vòng xe tảo tần của mẹ nuôi dưỡng giấc mơ con
Thời tiết TP HCM những ngày này nắng như đổ lửa. Trên chiếc xe hai bánh, nhiều chị em vẫn ngược xuôi với những chuyến ... |
Những đốm lửa trong lòng phố
Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm đầu tiên. Nhiệt độ nhiều nơi đã dưới 10 độ C. Nền nhiệt Hà Nội những ngày ... |