Những vòng xe tảo tần |
Dù mỗi người mỗi cảnh, nhưng trong trường hợp nào người phụ nữ Việt Nam luôn mang trong mình một đức tính hy sinh, nghị lực để vượt qua khó khăn nuôi dạy con khôn lớn. |
|
Thời tiết TP HCM những ngày này nắng như đổ lửa. Trên chiếc xe hai bánh, nhiều chị em vẫn ngược xuôi với những chuyến hàng để lo cho con một bữa cơm no, cái áo mới đến trường. 12h30, chị Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, quê Tiền Giang) vẫn chưa dùng bữa trưa. Đôi chân chị hoạt động hết “công suất” đạp xe đến các quán ăn để lấy vỏ lon bia, bìa các tông để kịp chiều nhập cho chủ cơ sở thu mua trên đường An Phú Đông, quận 12. Mặc dù gần đến giờ giao phế liệu nhưng sau xe của chị còn rất vơi, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều mối làm ăn quen của chị đang hoạt động cầm chừng vì ít khách. Lau vội giọt mồ hôi đọng trên hàng lông mi, chị Thu nói: “Như vậy là nhiều rồi anh à, tuần trước tôi đi từ sáng đến 3 giờ chiều mà chỉ có ít hộp giấy và đôi ba cái vỏ lon thôi. Mấy hôm nay hàng quán bán trở lại nên phải tranh thủ đi buổi trưa nữa để bù lại những ngày ế ẩm. Mình như vậy là còn may, chứ tôi thấy nhiều anh chị bây giờ vay lãi, trả tiền mặt bằng điêu đứng rồi”. Bất chấp nắng mưa rong ruổi trên khắp các tuyến phố thu mua phế liệu. Dù công việc mưu sinh vất vả, hằng ngày di chuyển liên tục nhiều cây số trên đường phố đông đúc, nhưng chị Thu luôn giữ cho mình một tâm thái lạc quan và nụ cười hiền dịu trên môi. Chị tâm niệm rằng mỗi nghề đều có vất vả riêng, không nên than trách gì cả. “Bản thân tôi sức khỏe không được tốt, mỗi lúc chiều về thường đau tức bụng. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình không đi làm thì con sẽ không có cái ăn, tiền trọ biết lấy đâu mà trả. Cho nên khổ cực đến mấy phải ráng mà làm. Cuộc đời ai cũng có số mệnh, tôi có các con chăm ngoan là mọi chuyện sẽ vượt qua hết”, chị Thu tâm sự. Trò chuyện được 5 phút, cũng là lúc người đàn bà đôn hậu này buộc xong số phế liệu. Trong dòng xe cộ qua lại như mắc cửi, dáng người nhỏ bé của chị Thu lướt đi đầy sức mạnh, rắn chắc. Những vòng xe của chị tiếp tục lăn bánh trên chặng đường mưu sinh. |
Giấc ngủ trưa vội trên vỉa hè. |
Hầu hết những người thu gom phế liệu mà chúng tôi gặp đều là phụ nữ. Nhiều chị cho biết, nghề này có thể cho thu nhập trên dưới 300.000 đồng/ngày. Cái quan trọng là phải chịu khó đạp xe đi khắp các con đường, ngõ hẻm và không ngại hỏi người này người khác, chẳng quản dơ bẩn thì mới mua được hàng. Tuy nhiên, việc này cũng nhiều rủi ro rình rập như: Không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp, do tiếp xúc với chất độc hại; nguy cơ tai nạn giao thông cao... Mặc dù vậy, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày nên người buôn bán ve chai vẫn phải làm. |
|
Những năm gần đây, khi dịch vụ mua bán online ngày càng phát triển thì nghề shipper (giao hàng) dần trở nên phổ biến. Nghề này không đòi hỏi bằng cấp, chỉ cần chăm chỉ và thông thạo đường phố là có thể làm. Tuy vậy, giao hàng còn đòi hỏi nhiều kỹ năng khác mà người theo nghề phải đáp ứng được. Shipper phải biết chính xác địa chỉ cần giao, ước lượng thời gian di chuyển đến nơi là bao lâu, phải tính luôn cả việc ùn tắc, hư xe… để tránh giao hàng cho khách không đúng giờ. Công việc với yếu tố sức khỏe và áp lực thời gian cao như vậy vốn chỉ dành cho nam giới, nhưng hiện nay nhiều phụ nữ cũng đang chọn nghề này và làm tốt. |
Mùa nắng nóng, shipper phải chạy nhiều cây số giữa trời oi bức để giao hàng. Đến mùa mưa là chuỗi ngày dầm mình trong nước lạnh và phải đảm bảo hàng hóa không bị ướt hay hư hỏng. |
Trò chuyện với chị Hà Thị Nguyệt (28 tuổi, thuê trọ ở quận 11, TP HCM) cho biết: “Lý do mình chọn nghề shipper vì thấy thời gian linh hoạt, vừa có thể bán hàng online, vừa chăm con nhỏ lại kiếm được thêm thu nhập. Và quan trọng hơn cả là làm shipper đỡ rủi ro hơn chở khách”. Theo chị Nguyệt, công việc này không hề đơn giản, muốn làm tốt thì chăm chỉ thôi là chưa đủ mà cần tính nhẫn nại cao. Khách hàng có rất nhiều đối tượng, có người dễ tính nhưng có người cực kỳ khó tính. Nhiều khách vì không muốn nhận hàng nữa mà tìm đủ mọi lý do để từ chối. Lại có người hẹn tới, hẹn lui hoặc bắt phải đợi rất mất thời gian. Nếu shipper không kiên nhẫn và chịu khó thì hỏng ngay. Vậy nên, công việc này cũng phù hợp với đức tính nhẫn nại, chịu thương, chịu khó của chị em. "Không chỉ khó khăn trên đường đi hay trở ngại của thời tiết khắc nghiệt mà còn từ chính cạm bẫy khó lường đến từ những khách hàng. Vậy nên, mỗi shipper nữ phải tự trang bị cho mình kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống”, chị Nguyệt chia sẻ thêm. |
Giữa trưa, ngại ra ngoài nên anh Nguyễn Tâm (nhân viên văn phòng, làm việc tại tòa nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP HCM) thường xuyên đặt cơm qua ứng dụng trên điện thoại. Anh Tâm cho biết: “Có một lần mình rất bất ngờ khi shipper mang đồ đến là nữ với khẩu trang, găng tay kín mít từ đầu đến chân, nhưng vẫn lộ rõ khuôn mặt đỏ bừng vì nóng và mồ hôi ướt đẫm trán. Nhận cơm xong, mình đã tặng bạn ấy thêm tiền vì rất đúng giờ và thái độ nhiệt tình”. Những công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ có “cánh mày râu” mới làm nhưng vì cuộc sống gia đình, các mẹ, các chị đã không quản ngại cực nhọc, nắng mưa tự mình làm tất cả. Chiếc khăn che mặt ướt đẫm mồ hôi chứng tỏ nghị lực làm việc phi thường của họ. Dù cuộc sống có khó khăn đến nhường nào đi nữa thì những người phụ nữ mưu sinh nơi phố thị ấy cứ âm thầm chịu đựng vất vả, gió sương để nuôi dưỡng niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng cho các con. |
Với nhiều phụ nữ, họ vừa làm mẹ, vừa làm cha để che chở cho đàn con thơ dại trước sóng gió cuộc đời. |