e magazine
01/07/2021 14:00
"Nhiều lúc nghĩ quẩn, em nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"

01/07/2021 14:00

“Bố mẹ, em trai, các cháu em đều là F0. Cả nhà chồng cũng thành F2 khi em là F1. Trong khu cách ly, em khóc suốt nửa tháng trời vì thương cho tất cả. Nhất là cho đứa con gái mắc bệnh hiểm nghèo” – chị Nguyễn Thị Vân tâm sự với chúng tôi.
"Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"

“Bố mẹ, em trai, các cháu em đều là F0. Cả nhà chồng cũng thành F2 khi em là F1. Trong khu cách ly, em khóc suốt nửa tháng trời vì thương cho tất cả. Nhất là cho đứa con gái mắc bệnh hiểm nghèo” – chị Nguyễn Thị Vân tâm sự với chúng tôi.

“Bố đẻ là F0. Mẹ em là F0. Em trai em là F0. Các cháu em cũng là F0. Cả gia đình bên ngoại có 6 F0. Em là F1, may mắn không bị nhiễm bệnh. Dịch bệnh khiến gia đình bên nội, bên ngoại của em rất khó khăn” – chị Nguyễn Thị Vân (công nhân Công ty TNHH MTV Quốc tế Viet Pan Pacific, tỉnh Bắc Giang) phải mất vài câu mới đếm hết số người là F0, F1, F2 của nhà mình.

Ngấn nước mắt, chị Vân kể, mẹ chồng chị bán rau ngoài chợ. Vì tiếp xúc với F1 nên phải cách ly tại nhà 14 ngày. Sau đó, chị đi cách ly tập trung nên mẹ chị cũng là F2, tiếp tục cách ly tại nhà 21 ngày. Tổng cộng hơn một tháng, mẹ chị không buôn bán gì. Chồng chị là thợ xây, nhưng năm nay anh phát bệnh dạ dày, không làm được việc nặng. Ngày nắng, anh phải nghỉ làm do sức khỏe không đảm bảo. Nhà có 3 đứa con thì con gái lớn 13 tuổi mắc bệnh không có rốn bẩm sinh phải trải qua 6 cuộc phẫu thuật "thập tử nhất sinh".

Cả nhà có 6 F0... Suốt nửa tháng trời chỉ biết khóc

"Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"

Chị Nguyễn Thị Vân (áo màu cam) nhận hỗ trợ của Đại sứ quán New Zealand

Nhà mẹ đẻ chị cũng buồn không kém. Bố chị là thợ mộc, không may bị ngã từ trên cao dẫn đến chấn thương sọ não phải bỏ nghề. Mẹ chị đau yếu chỉ ở nhà trông cháu. Hai ông bà không có tiền tích lũy. Vừa rồi, em dâu chị phải nghỉ làm vì công ty ảnh hưởng do dịch bệnh. Cả nhà trông vào đồng lương của em trai thì em trai chị cũng phải nghỉ ở nhà do dịch bệnh. Nhà ngoại 6 người là F0. Chi phí cách ly, điều trị lên đến hàng chục triệu đồng.

“Thấy gia đình như vậy, em buồn khóc suốt nửa tháng vì cứ 2 ngày lại một người phải đi viện. Phần nữa, em lo nếu mình thành F0, cả nhà cũng mắc bệnh thì mọi người phải khổ theo mình. Nhất là con gái lớn đang mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không may mắc Covid-19 sẽ rất nguy hiểm” – chị Vân chưa hết buồn khi nghĩ lại những ngày tháng khó khăn.

Con gái chị khi mới 1 ngày tuổi đã mắc bệnh không có rốn bẩm sinh. Từ khi chào đời, bác sĩ đã dự báo con chị không thể nào sống được. Trải qua 6 lần phẫu thuật, cháu được đặt 1 chiếc túi “đựng ruột” trong người. Mỗi lần phẫu thuật là một lần cơ bụng lại bị cắt, lưng của cháu dần gù đi.

"Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"


Bản thân chị Nguyễn Thị Vân cũng mang bệnh u thực quản

Căn bệnh này quái ác ở chỗ, cháu không vận động được như các bạn cũng không ngồi được lâu. Suốt gần 10 năm đi học, cháu thường phải xin cô giáo cho nghỉ giữa giờ để nằm, để đứng nhằm giảm áp lực xuống bụng. Suốt ngần ấy năm, cháu không biết đến giờ ra chơi như các bạn. Bệnh tình tái phát đột ngột bất cứ lúc nào. Vì vậy, ở trong khu cách ly tập trung, chị lo lắng không sao ngủ được.

“Hằng năm cháu đều phải tiến hành phẫu thuật. Sức khỏe rất yếu. Bác sĩ trong nước nói đã hết phương pháp. Cả nhà chỉ còn trông vào chuyên gia của Mỹ sang Việt Nam chữa trị. Nhưng dịch bệnh từ năm 2020 đến nay khiến chuyên gia Mỹ không sang được. Dù đã chuẩn bị tinh thần và tiền của để sẵn sàng cứu lấy con, nhưng ước nguyện đó chưa thể thực hiện được do dịch bệnh” – chị Vân tâm sự.

Mỗi lần con phẫu thuật là một lần đau

Suốt 13 năm qua, để chữa chạy cho con, hai vợ chồng chị phải vay mượn, thậm chí xin sự hỗ trợ của anh em, họ hàng, làng xóm.

“Nhiều lúc thấy xấu hổ, thấy nhục, thấy thương con, thương mình. Nhưng nhà ngoại không có khả năng, nhà nội cũng vất vả. Để cứu lấy con nên đành quên đi sĩ diện” – chị Vân cho biết.

Bố chồng chị mắc bệnh ung thư dạ dày. Hai vợ chồng phải vay mượn chữa chạy cho bố. Khoản tiền ấy vẫn còn chưa trả được. Căn nhà xây bằng đất từ nửa thế kỷ trước, nhiều vết nứt và có nguy cơ đổ. Dù khó khăn, hai vợ chồng lại phải gồng lên vay mượn làm nhà khi còn "chân tay trắng". Khi con chào đời lại bệnh tật nên anh chị phải tiếp tục vay mượn. Hết vay người này để trả người kia, rồi ông bà nội phải bán hết số đất ruộng ít ỏi chạy chữa cho cháu. Đến nay, anh chị vẫn còn mang nợ 300 triệu đồng.

- "Thấy con đau, không chịu nổi nên phải chạy vạy, xin hỗ trợ khắp nơi"

“Chưa bao giờ em dư ra một đồng nào, chỉ có âm. Lương tháng hơn 5 triệu mang về lại đi trả nợ. Nhớ lại những ngày đi vay, đi xin họ hàng từng đồng một để chạy phẫu thuật cho con mà thương thân phận mình nghèo khó. Nhưng hễ thấy con lên cơn đau thì không sao chịu nổi. Mới hơn 10 tuổi, con mặt đỏ bừng, lên cơn đau và gọi mẹ. Đứt từng khúc ruột, em rơi nước mắt nói con cố gắng. Nhưng cố gắng chỉ được vài tiếng đồng hồ. Hễ bụng con phồng lên là phải đi mổ cấp cứu lập tức” – chị Vân cho biết.

Nhiều năm qua, vừa đi làm, chị vừa canh cánh lo cho con ở nhà từ việc ăn uống hằng ngày đến dặn người nhà, hàng xóm quan tâm theo dõi con. Đi làm, nghỉ giữa ca là chị phải gọi điện hỏi han con. Hai vợ chồng thức trắng nhiều đêm khi con tái phát bệnh. Nỗi sốt ruột, lo lắng dày vò hai vợ chồng chị mỗi khi con phải đi phẫu thuật.

Nuôi con từ tấm bé, bao vất vả chị đều phải trải qua. Cho con ăn no cũng nôn trớ. Cho con ăn đổi khẩu vị cũng đau bụng. Số ngày mẹ con ở viện nhiều hơn ở nhà. Anh thì tranh thủ ai thuê gì làm lấy kiếm thêm tiền trang trải viện phí.

"Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"

Các con của chị Nguyễn Thị Vân

“Bố mẹ em đã bán ruộng vì nghĩ không ai có thể cho vay mượn mãi. Túng thiếu quá, em nghĩ quẩn có lẽ hai mẹ con không nên sống nữa cho cả nhà bớt khổ. Em cũng mang bệnh ung thư thực quản. Con gái thì bệnh hiểm nghèo. Nếu không phải cả nhà động viên cố gắng làm hết sức để cứu lấy con thì em cũng không muốn sống” – chị Vân rơi nước mắt nói.

Vừa mang bệnh, vừa là lao động chính, vừa chăm con ở viện, chị Vân chóng mặt với những món nợ hằng tháng. Vay được người này lại mang trả người kia. Đến chuyện ăn tiêu hằng ngày, túng thiếu quá lại nhờ anh em họ hàng hỗ trợ rồi trả nợ dần. Vòng vay nợ còn luẩn quẩn vì con gái lớn đau yếu. Anh chị thương con hết lòng và xác định “còn nước còn tát” đến khi nào không thể cứu được con nữa mới thôi.

“Dịch bệnh nên từ năm ngoái đến nay chỉ ở nhà chờ đợi chuyên gia Mỹ sang. Hai vợ chồng em nóng ruột như lửa đốt. Lỡ con lại trở bệnh đúng lúc này, thật sự không biết làm thế nào. Cả nhà đã tìm đến nhiều bác sĩ tại Hà Nội. Khám 10 bác sĩ thì 9 bác sĩ lắc đầu hết phương pháp. Chuyên gia Mỹ là giải pháp cuối cùng để cứu con em” – chị Vân tần ngần kể.

là số phận nên phải chấp nhận

Cũng may, trong hoàn cảnh bản thân đau ốm, gia đình khó khăn, con mang bệnh hiểm nghèo, chị được công ty tạo điều kiện, hỗ trợ 1,8 triệu đồng khi phải cách ly. Công đoàn các cấp của tỉnh Bắc Giang thường xuyên thăm hỏi, động viên. Có suất hỗ trợ khó khăn nào, công đoàn cơ sở đều đề xuất lên trên để chị được nhận nhằm bớt đi khó khăn. Lòng tốt của moi người đã cho chị niềm tin và nghị lực để vượt quá những khó khăn ấy.

“Lắm lúc nghĩ mình khổ quá. Nuôi con khốn khổ, bản thân mắc bệnh tiền thuốc tốn kém, khiến cả nhà khổ theo. Em ước rằng dù vất vả đến bao nhiêu nhưng trời cho khỏe mạnh, để khỏi vay mượn mãi thế này. Nhiều lúc phải đi vay của những người có hoàn cảnh khó khăn, em thấy nhục. Đến cửa nhà người ta lại phải quay về để xoay xở cách khác. Năm nay, dù khó khăn do dịch bệnh nhưng được công ty, công đoàn, Đại sứ quán New Zealand hỗ trợ, gia đình em có thêm sức lực để tiếp tục cầm cự”. – chị Vân chia sẻ.

"Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"
Chị Vân và con út

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Hạnh – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Quốc tế Viet Pan Pacific cho biết: “Công ty có gần 3.000 công nhân. Số công nhân lao động khó khăn ở nhiều cấp bậc khác nhau. Số người mắc bệnh hiểm nghèo, nuôi con nhỏ thì có khoảng 30 người. Trường hợp chị Nguyễn Thị Vân được Công đoàn hỗ trợ 2 triệu đồng, đồng thời đề xuất với Ban Giám đốc hỗ trợ thêm tiền giúp đỡ và vẫn đóng bảo hiểm trong thời gian chị Vân phải nghỉ làm để chăm sóc con hoặc điều trị bệnh tật của bản thân".

"Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi nghĩ hai mẹ con chết mới hết làm khổ cả nhà"

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang trao quà hỗ trợ công nhân lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 (chị Nguyễn Thị Vân mặc áo màu cam)

Bình Dương: Thêm 81 công nhân dương tính với Covid-19 Bình Dương: Thêm 81 công nhân dương tính với Covid-19

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương cho biết, chiều 30/6, toàn tỉnh có thêm 81 trường hợp dương tính với Covid-19. Các ca ...

Dấu hiệu cho thấy bạn gặp nguy hiểm sau khi tiêm vaccine Covid-19 Dấu hiệu cho thấy bạn gặp nguy hiểm sau khi tiêm vaccine Covid-19

Sau 4 ngày tiêm vaccine Covid-19, người nào còn đau nơi tiêm, đau nơi nào đó trên người nhiều thì nên đến cơ sở y ...

Nhọc nhằn cuộc đời nữ công nhân dùng chân làm giá đỡ cho cánh tay Nhọc nhằn cuộc đời nữ công nhân dùng chân làm giá đỡ cho cánh tay

Cánh tay trái bị tật, thõng xuống, không được linh hoạt như mọi người, chị Nguyễn Thị Nguyệt (công nhân Công ty TNHH OneChang Vina, ...

Bài viết: Duy Minh

Xem phiên bản di động