|
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cần vài phút luyện tập thể dục mỗi ngày là đủ để tạo ra sự khác biệt tích cực cho cơ thể, giúp giải trí đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng. Hiện nay, người lao động, nhất là nhân viên văn phòng với đặc thù công việc là ngồi nhiều đang có nguy cơ dẫn đến một số bệnh lý như đau cổ, vai gáy, nhức mỏi… hoặc thoái hóa đốt sống cổ, lưng. Các chuyên gia cho rằng, luyện tập thể dục sẽ giúp thay đổi tư thế, giảm mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như cải thiện sức khỏe. Tập thể dục giữa giờ làm việc giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, việc triển khai phát động phong trào tập thể dục giữa giờ làm việc có ý nghĩa rất lớn, nhằm giảm các bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Qua tìm hiểu, tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Y Dược Việt Nam - Vietmec Group luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên văn phòng nói riêng và tập đoàn nói chung có thời gian thư giãn, vận động giữa những giờ làm việc căng thẳng. Sau khoảng thời gian nghỉ trưa, nhân viên tại doanh nghiệp này có 15 phút đầu giờ chiều để tập thể dục. Tất cả cán bộ, nhân viên văn phòng đều phải tham gia, tạo tinh thần gắn kết vui vẻ. Bài tập được chọn là những bài khỏe khoắn, vận động toàn thân giúp cơ thể sảng khoái, tỉnh táo sau giấc ngủ trưa để tạo tinh thần hứng khởi cho buổi làm việc tiếp theo. |
Tập thể dục giữa giờ tại văn phòng Vietmec Group. Ảnh: Vietmec Group Vietmec Group cho biết thêm, các thành viên trong văn phòng sẽ thảo luận để lựa chọn video động tác và cùng nhau tập luyện cho phù hợp với khoảng thời gian nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Đây còn là dịp để phát hiện ra tài năng tiềm ẩn ở mỗi cá nhân, nhờ đó sẽ có dịp tỏa sáng ở những buổi giao lưu trong Tập đoàn như các buổi biểu diễn văn nghệ, hội thao, tiệc tất niên … Sau giờ thể dục, nhân viên văn phòng còn có 5 - 10 phút ngồi nghỉ ngơi, cà phê tán gẫu trước khi cuốn vào công việc buổi chiều. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình "Sức khỏe Việt Nam" với nhiều hoạt động nhằm nâng cao thể lực, cải thiện sức khỏe người dân. Một trong những hoạt động được khuyến nghị thực hiện thường xuyên là tập thể dục giữa giờ. Rajio taiso là bài tập có xuất xứ từ Nhật Bản với các động tác vươn cao tay và hít thở rất đơn giản. Thời gian qua, Bộ Y tế đã áp dụng và phổ biến bài tập này trong các giờ giải lao giữa cuộc họp để giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng và nâng cao sức khỏe. |
Bài tập thể dục giữa giờ do Bộ Y tế phát động có nguồn gốc từ Nhật Bản, bao gồm các động tác đơn giản, dễ thực hiện ngay tại nơi làm việc, chỉ mất 2 - 3 phút nên không ảnh hưởng đến thời lượng công việc. Chị Vũ Thu Trang (33 tuổi, làm việc tại Tòa nhà Serepok, TP HCM) chia sẻ: “Vốn dĩ tính chất công việc phải thường xuyên ngồi trong văn phòng, tiếp xúc với máy tính nên tôi thường hay đau mỏi vai gáy, đau cổ, mỏi mắt… Gần đây, xem các chương trình tập thể dục giữa giờ tôi thấy rất có ích nên đã làm theo. Tập luyện thường xuyên đã giúp cơ thể tôi khỏe mạnh, năng suất làm việc nâng cao hơn hẳn. Anh chị em trong công ty thường dành 15 phút mỗi ngày cho việc tập luyện, hiệu quả rõ rệt, nhiều người đã giảm được các cơn đau vai gáy và làm săn chắc các cơ”. Được biết, trong năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng đã tổ chức Cuộc thi "Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công nhân, viên chức, lao động". Tác phẩm dự thi là những video clip tập thể dục của nhóm ít nhất từ 3 người trở lên, được quay bằng máy quay, máy ảnh hay điện thoại thông minh có chất lượng, độ nét cao, có tính nghệ thuật và nội dung phù hợp. Với thông điệp “Khỏe để góp phần tăng năng suất, chất lượng lao động”, cuộc thi đã lan tỏa những lợi ích tích cực, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao giữ gìn sức khỏe, giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi, góp phần phòng tránh bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng công việc của người lao động. |
|
Kết quả Cuộc thi "Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công nhân, viên chức, lao động" do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức. Qua phát động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã có 59 LĐLĐ tỉnh, thành phố và 7 công đoàn (CĐ) ngành Trung ương triển khai, tổ chức, chỉ đạo CĐCS vận động cán bộ, đoàn viên và người lao động tham gia tập luyện, ghi hình, gửi tác phẩm dự thi. Tổng số tác phẩm video gửi về dự thi là 3.233, trong đó có 2.454 tác phẩm nộp đúng thời gian, đủ điều kiện để tham gia các vòng chấm chọn. Video clip dự thi đã được đăng tải trên website của Tạp chí Lao động và Công đoàn để khán giả tiến hành bình chọn. Ban Giám khảo đã lựa chọn ra 34 tác phẩm đạt giải gồm: 1 giải Đặc biệt thuộc về CĐ Bệnh viện Hùng Vương (LĐLĐ TP HCM), 1 giải Nhất thuộc về CĐ Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam (KCN Phúc Điền, LĐLĐ tỉnh Hải Dương), 2 giải Nhì được trao cho CĐ Bệnh viện Hữu Nghị (CĐ Y tế Việt Nam) và CĐ Bệnh viện 199 (CĐ Công an nhân dân). Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. |
Bài viết và thiết kế: Lê Tuấn
|