Trần Đề là cửa sông cuối cùng của dòng Cửu Long Giang hùng vĩ. Nơi đây có Cảng Trần Đề nằm tại vàm Kinh Ba (nay thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là một khu phố mới, nhà cửa sầm uất, tàu bè tấp nập, xe cộ dập dìu, cá khô đầy ắp. Mỗi khi tàu cá về bến, cả khu vực cảng rộn rã tiếng cười, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Còn những lúc biển động hoặc qua mùa đánh bắt cá, thuyền của ngư dân lại về đậu kín từ vàm cho tới cống Kinh Ba. Anh Nguyễn Hoàng Tánh (ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) là thế hệ thứ 3 trong gia đình đã 3 đời hành nghề đi biển ở xứ này. Theo anh, nghề biển nơi này đã có từ lâu, trước đây gọi là xóm Lưới và xóm Đáy. Xóm Lưới là xóm chuyên đánh lưới, bẫy cá… Còn xóm Đáy thì chuyên đóng đáy. Đóng đáy thì có muôn hình vạn trạng, từ dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông gọi là “đáy sông” hay dùng dây neo đáy gọi là “đáy neo”. Nếu dùng thuyền kết bè để căng đáy gọi là “đáy bè”, còn đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là “đáy hàng cạn”. Giăng ra trên biển từ 10 đến 20 hải lý, nước sâu trên 10 sải tay được gọi là “đáy hàng khơi”. |
Các đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề đang làm việc trên cầu cảng - Ảnh: Trần Lưu |
Theo dòng chảy của phát triển, nghề đánh bắt đã ngày càng hiện đại. Từ vài chục, đến nay, thị trấn Trần Đề đã có hơn 410 tàu đi biển, trong đó có 334 chiếc đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu hậu cần chuyên vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt. Ông Trần Văn Tiến (56 tuổi, thị trấn Trần Đề) kể: Mấy chục năm trước, vùng quê này còn heo hút lắm. Khi các tàu ra khơi, thanh niên trai tráng và phụ nữ ở nhà không có việc gì làm thì ra cảng cá. Cửa biển Trần Đề được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy, hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Không chỉ cưu mang, nuôi sống ngư dân mà còn tạo ra công ăn việc làm cho những người trên đất liền tham gia vào các dịch vụ hậu cần. Ngư dân sửa lưới sau những chuyến ra khơi Gần 40 năm trước, ông Tiến ra cảng làm công nhân bốc xếp, rồi gắn bó với nghề cho đến tận nay. “Xung quanh cảng có hàng chục vựa mua bán thủy hải sản, rồi đơn đặt hàng của các mối ở xa. Mỗi ngày, khi tàu thuyền cập bến, cá tôm đầy ắp, thì những người bốc xếp như tui giống là “một mắt xích” trong khâu lên cá, phân loại, cân - đếm số lượng theo yêu cầu của chủ vựa… “Ngày đó chưa có máy móc hỗ trợ, lao động chủ yếu là chân tay với sức người là chính, mỗi khay hàng được khiêng lên nặng mấy chục kg, đòi hỏi phải có sức khoẻ dẻo dai mới làm được. Để bảo quản, ướp cá, người ta toàn dùng đá cây (nước đá nguyên cây) nặng tới 50kg, nhân công phải hì hục khuân vác. Nơi cầu cảng trơn trượt, tấp nập người ra kẻ vào, chuyện trợt té cũng như…cơm bữa”, ông Tiến kể. |
Một bữa ăn trưa của các đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề - Ảnh: Trần Lưu
Bà Trần Thị Lạc (SN 1966, vợ ông Tiến) thì nói: “Hồi còn con gái, tui và ổng chưa quen nhau thì mỗi ngày cũng ra cảng cá mưu sinh. Mình là phụ nữ, không khuân vác nổi thì đi lựa cá. Công việc này không đòi hỏi sức lao động nặng nhọc, nhưng người làm buộc phải ngửi cho được mùi tanh nồng của cá. Đã mấy lần tui bị ngất xỉu khi xuống hầm cá, ở đó vừa lạnh, còn mùi tanh nồng... Nhưng làm riết nhiều năm, ngửi riết rồi cũng quen. Cực dữ lắm! Nhưng nghề cá là vậy, không thể khác được”. Câu nói của bà Lạc khiến cổ họng tôi như nghẹn lại, bởi vừa khi nãy khi cúi thấp để xem hầm cá tôi đã “nhợn cổ” khi ngửi thứ mùi tanh nồng này. Một mùi đặc trưng của những bến cá! Trên luồng nước, những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá tôm. Từng tổ bốc vác hơn chục thanh niên, đàn ông lực lưỡng nhanh chân ra sát mép nước nhận cá từ ghe rồi vội vàng kéo lên bờ. Những phụ nữ cũng không kém bận rộn đi đi lại lại. Anh Võ Văn Bình - Chủ tịch đầu tiên của Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Võ Văn Bình (46 tuổi) - Chủ tịch đầu tiên của Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề chia sẻ: “Với ngư dân, biển là cuộc sống, cuộc đời, mỗi chuyến vươn khơi, họ luôn mong muốn trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi về bến. Nhưng xưa nay, nghề đi biển chưa bao giờ là dễ dàng. Đã bao lần, gió lớn ập đến cướp đi biết bao sinh mệnh của ngư dân, rồi hư hỏng tàu, sự cố giữa trùng khơi cũng nhiều vô số kể”. “Mỗi chuyến ra biển mất tới vài tháng, các chủ tàu phải thuê hàng chục nhân công (ngư phủ) đi theo. Trước khi rời bến, chủ tàu phải ứng trước tiền để ngư phủ lo cuộc sống gia đình trong những ngày xa đất liền. Cùng với đó là chi phí xăng dầu các thứ… có thể lên đến hơn 500 triệu đồng. Do vậy, chỉ cần một chuyến ra khơi “thất mùa” là chủ tàu đổ nợ. Dân ở đây hay nói vui: “Làm giàu từ biển, nhưng chết cũng vì biển” là vậy! Anh Bình cho biết thêm, dù là ngư dân đánh bắt ngoài khơi, hay công nhân bốc xếp trên bờ đều có quan hệ mật thiết, “sinh tử” với nhau. Những chuyến tàu về, nếu đầy ắp cá tôm đồng nghĩa với việc ngư dân trúng đậm, anh em trong nghiệp đoàn có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Còn gặp khi tàu ra khơi “thất mùa”, các anh em trong bờ kể như cũng “đói” theo”. |
Anh Bình quê ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Hồi nhỏ học đến nửa năm lớp 6 thì nghỉ, lớn lên anh từng là công nhân bốc xếp tại cảng từ năm 2003. Qua năm sau, khi huyện Long Phú (trước đây) thành lập nghiệp đoàn bốc xếp, được sự giới thiệu của Ban quản lý Cảng, anh Bình trở thành Chủ tịch đầu tiên của Nghiệp đoàn bốc xếp. Ngày đó, khu vực cửa biển Trần Đề còn hoang sơ và nghèo lắm, bà con đi làm thuê, làm mướn rất vất vả mới đủ trang trải cuộc sống. Từ khi có cảng cá rồi nghiệp đoàn thành lập đã trở thành điểm tựa cho người lao động khu vực phi chính thức. Vốn gần gũ |