Vượt 1200km, hai bố con lái xe cứu thương vào TP HCM xin tình nguyện chống Covid

- Bố, lần này về, con chuẩn bị đi tiếp vào Nam, trong đó tình hình căng thẳng quá.
- Vậy được! Bố còn khoẻ, mượn cái xe rồi hai bố con cùng đi.

9 giờ 30 phút ngày 28/7

Chú Đặng Tri Thông và con trai Đặng Minh Trí bắt đầu hành trình hơn 1200km từ Quảng Bình vào TP Hồ Chí Minh. Qua cửa kính của chiếc xe cứu thương đi mượn, TP Đồng Hới lùi dần về sau, thay vào đó là cảnh đẹp đất nước hiện lên dọc hai bên đường.

Trên đường đi, hai bố con đổi lái, vừa đi vừa cảm thán trước cảnh núi non trùng điệp, biển cả bao la, đẹp đến nao lòng. Dịch bệnh quét qua nhiều tỉnh thành khiến các hoạt động phải chậm nhịp, đất nước đẹp nhưng nay còn thêm nét tĩnh mịch, man mác buồn.

Niềm vui lớn nhất trong suốt hành trình là những lần bắt gặp các đoàn xe trên quốc lộ. Xe chở hàng, chở đoàn, xe nhỏ và cả những xe tải trọng lớn, tất cả đều treo băng rôn hai màu vàng đỏ, ghi to và rõ ràng: Xe cứu trợ, xe ứng cứu, xe tiếp thực, xe thiện nguyện,… điểm xuất phát có thể khác nhưng tất cả cùng chi viện cho miền Nam thương yêu.

“Ngồi trong buồng lái chẳng thấy mặt nhau nhưng nhìn xe cùng vào TP Hồ Chí Minh, có cái gì nghẹn lại cổ, chực trào ở mắt. Lúc ấy, em tự nhủ được tham gia vào cuộc chiến này là vinh dự mà tuổi trẻ thời bình như em có được. Ngồi sau vô lăng mà lòng em nóng như lửa đốt, thấy xe cứu trợ là bấm còi chào nhau dù không ai quen biết trước đó nhưng đều là đồng bào mình mà. Tự hào lắm chị”, giọng Quảng Bình đặc trưng chân thành và đầy cảm xúc khi Trí kể lại cho tôi những khoảnh khắc mà cậu ấy bảo là liều thuốc tinh thần giúp hai bố con thêm vững vàng tiến vào tâm dịch. Qua đường dây điện thoại, tôi cảm nhận được ngọn lửa trong lòng của Trí.

Vượt 1200km, hai bố con lái xe cứu thương vào TP HCM xin tình nguyện chống Covid

Có mặt tại thành phố vào sáng sớm hôm sau, hai bố con được UBND Quận 10 tiếp đón, sắp xếp chỗ ở và nghỉ ngơi một ngày trước khi chính thức nhận công việc. Chú Thông được phân một xe 16 chỗ, còn Trí vẫn cầm lái xe cứu thương. Hằng ngày, hai bố con dậy từ 6 giờ sáng để kịp 7 giờ chạy chuyến đầu tiên. Ăn sáng cùng nhau rồi mỗi người một hướng, lên đường thực hiện nhiệm vụ từ chở vật tư y tế, mẫu bệnh phẩm đến đưa đón y bác sĩ và cả các trường hợp F0.

Thành phố đang trong những ngày cao điểm dịch bệnh khi hàng nghìn ca bệnh mới được phát hiện mỗi ngày. Tại nơi tuyến đầu chống dịch, cả hệ thống y tế đang gồng mình trong cuộc chiến chưa có hồi kết. Những đêm thức trắng lấy mẫu xét nghiệm, trực cấp cứu khiến các chiến sĩ áo trắng, áo xanh lưng đẫm mồ hôi khát một giấc ngủ. Sức khoẻ, tính mạng của người bệnh trước sự tấn công của loại virus mới là trách nhiệm không nhỏ trên vai mỗi cán bộ y tế.

Đưa đón đoàn, chứng kiến nhiều bác sĩ vừa lên xe đã lả đi vì khối lượng công việc khổng lồ như vắt kiệt thể lực những người lính áo blouse trắng, Trí không khỏi cảm phục.

“Nếu không đi tình nguyện mà chỉ xem qua tivi, báo, đài, em không thể tin được thực tế lại khốc liệt đến như thế. Nhìn các cô chú, anh chị lên xe là ngủ, em không biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng đi thật nhanh, tránh hết các đoạn xóc nẩy hay ổ gà. Em chỉ mong được đưa đón các bác sĩ đi đến nơi về đến chốn cho đến ngày thành phố chiến thắng dịch bệnh”, Trí xúc động kể cho tôi về những chuyến xe không tiếng động khi cả người lái và những vị khách đặc biệt đều im lặng, cố gắng có một giấc ngủ ngắn trọn vẹn.

Vận chuyển và khuân vác vật tư y tế trong bộ đồ bảo hộ kín bưng và bàn tay đeo găng dính chặt, đều đặn không có ngày nghỉ nhưng Trí bảo chỉ là những công việc nhỏ bé, chẳng đáng được nhắc đến so với sự vất vả của các y, bác sĩ.

Chú Thông cùng suy nghĩ với con trai, chia sẻ với tôi rằng đã đi quá nửa đời người, trải qua nhiều khó khăn nhưng chỉ một tuần tham gia tình nguyện tại tâm dịch lớn nhất cả nước, chú không khỏi nể phục những người trẻ làm việc dưới áp lực lớn mà chú bảo là “quá kinh khủng” khi phải bảo vệ từng người bệnh trước sự công phá của đại dịch.

Kết thúc phần việc khi trời đã chuyển tối, hai bố con ngồi lại ăn nhanh bữa cuối ngày rồi lại tiếp tục lên đường. Hoá ra hai bố con tham gia hỗ trợ một số nhóm thiện nguyện trong thành phố.

“Giãn cách xã hội, nhiều nhóm giúp đỡ người vô gia cư không đủ điều kiện hoạt động trong dịch bệnh. Mình hơn người ta, vẫn còn cơm ăn áo mặc, nơi để nghỉ ngơi, lại có đồ bảo hộ và phương tiện đi lại, chẳng có lí do gì lại không góp sức cho cộng đồng”, chú Thông chia sẻ về công việc phát nhu yếu phẩm và cơm 0 đồng cho bà con.

7 giờ 30 tối, có mặt tại điểm tập kết, hai bố con nhanh chóng xếp thực phẩm và các suất ăn lên xe rồi di chuyển đến các xóm trọ nghèo, khu ổ chuột và không quên quan sát hai bên đường để không bỏ sót những người vô gia cư. Gặp và tiếp xúc với những người yếu thế trong xã hội vốn dĩ đã rất khốn khổ trong cuộc sống hằng ngày, nay vì dịch bệnh lại thêm phần “khốn nạn” hơn, chú Thông không khỏi nặng lòng.

Có lần chú và các tình nguyện viên ăn mì tôm cho kịp giờ đi làm, đến khi xong việc về lại nơi nghỉ ngơi mới biết nhà bếp chuẩn bị dư phần ăn. Xin phép mọi người, chú nhận hết mười mấy suất, chạy xe qua Bình Thạnh gửi tặng những người vô gia cư ở đó. Cả ngày chưa có gì bỏ bụng, họ ăn ngấu nghiến, thậm chí vội vàng ăn bốc bằng cả mười đầu ngón tay.

“Hôm đấy, đưa cơm xong bố nán lại. Bố im lặng lạ lắm, em cũng không hỏi. Lúc sau thấy nước mắt cứ thế chảy ướt hết hai bên má bố”, Trí hiểu cảm xúc của bố vì chính cậu cũng nhiều lần không kìm được mà bật khóc.

Vượt 1200km, hai bố con lái xe cứu thương vào TP HCM xin tình nguyện chống Covid

Công việc thiện nguyện xong xuôi khi đã quá nửa đêm. Hai bố con về phòng, lúc này mới có thời gian gọi về cho vợ, cho mẹ ở nhà lo lắng. Gia đình vốn chẳng khá giả, hai lao động chính lại xin đi tình nguyện. Lúc đầu mẹ không đồng ý, vừa lo lắng về kinh tế vừa sợ dịch bệnh nguy hiểm nhưng con trai kiên trì rồi đến cả chồng cùng thuyết phục, bà cũng chấp thuận ủng hộ. Có vợ, có mẹ ở nhà chăm lo gia đình, điện thoại động viên mỗi ngày, hai bố con yên tâm ở lại thành phố.

Tôi hỏi vậy hai bố con để mẹ ở nhà đợi đến khi nào. “Bố con em xác định chuyến này đi chưa hẹn ngày về. Trước khi đi, hai bố con cũng đã nói rõ đợi đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, đến lúc ấy mới tính đến chuyện về lại quê”, Trí thật thà nói.

Chú Thông tiếp lời, chú bảo Quảng Bình đến mùa mưa, người dân chạy lũ khốn khổ, nhà nào nhẹ thì hư hại đồ dùng, mất con bò con dê, tốc cái mái hoặc mất cả cái nhà, nặng thì có thiệt hại về người. Những lúc như thế, nhân dân cả nước huy động tổng lực hướng về miền Trung, nhiều người không nề hà đi ghe vào từng khu bị chia cắt phát thực phẩm cho bà con. Chính tình nghĩa những lúc khó khăn của đồng bào mình đã thôi thúc chú và con trai phải lên đường vào Nam hỗ trợ. Qua màn hình điện thoại, chú chỉ vào cậu con trai đang chuẩn bị đồ đạc cho công việc ngày mai, chú bảo “Chú đi còn vì cảm phục cả thằng con này nữa. Ở nhà thì lành chẳng nói câu nào mà ra ngoài cũng được việc lắm”, chú cười đầy tự hào khi nhắc đến Trí.

Quảng Bình, ngày 21/5

Vẫn thói quen cập nhật thông tin từ đầu mùa dịch mới, Trí thấy trên báo Bắc Giang kêu gọi hỗ trợ nhân lực và vật lực, tập trung dập dịch tại các khu công nghiệp. Không đắn đo, cậu xin bố mẹ cho mượn chiếc xe cứu thương của người quen để ra Bắc. Không người thân quen lại chưa từng đi xa đến như thế, quyết định của cậu không được gia đình ủng hộ.

“Có bao nhiêu người trẻ đã lên đường khi Tổ quốc gọi. Đọc những tin tức như thế, con không thể chỉ ngồi nhà, biết lo cho mỗi bản thân mình. Nếu không phải bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ vì nếu dịch bệnh lây lan, quê hương mình cũng không còn đuợc yên ổn”, Trí nhớ lại những lời ruột gan nói với bố mẹ trước khi một mình ra Bắc.

3 giờ sáng ngày 22/5, một mình từ TP Đồng Hới lái chiếc xe cứu thương mà sau này đã cùng hai bố con vào Nam, 12 tiếng sau, Trí có mặt tại Bắc Giang và nhanh chóng tiếp nhận công việc. Thời điểm Trí tham gia hỗ trợ tại Bắc Giang, dịch bệnh tại đây đang bùng phát mạnh, tốc độ lây lan nhanh chóng. Hàng chục nghìn công nhân bị cách ly tại các nhà máy đang chờ được xét nghiệm.

Khối lượng công việc khổng lồ đè nặng lên vai lực lượng y tế. Các chiến sĩ áo trắng kiệt sức giữa trưa hè nắng nóng, hàng trăm bàn tay phồng rộp vì ngâm trong mồ hôi,… được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đó, Trí âm thầm, lặng lẽ đóng góp theo cách riêng của mình.

Vượt 1200km, hai bố con lái xe cứu thương vào TP HCM xin tình nguyện chống Covid

Công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng, có ngày Trí chạy xe trong thành phố, ngày lại di chuyển giữa các khu công nghiệp và Trung tâm CDC Bắc Giang. Lục Ngạn, Quang Sơn, Núi Hiểm, nơi nào cũng có dấu xe của Trí. 11 giờ thậm chí có hôm 12 giờ, Trí mới về lại CDC để nghỉ ngơi. Tranh thủ chợp mắt 2-3 tiếng rồi lại tiếp tục đi ngay. Ròng rã suốt 2 tháng, Trí không nhớ mình đã chở bao nhiêu đoàn cán bộ, bao nhiêu trang thiết bị y tế, ...

“Có lần em chở các cán bộ đi lấy mẫu xét nghiệm. Trong đoàn có một chị vừa tiêm vaccine ngay ngày trước đó, theo đúng quy định là được nghỉ nhưng vì thiếu người quá, chị đi làm luôn. Đến trưa chị bị sốc phản vệ, em đưa chị đi cấp cứu, may là không có chuyện gì xảy ra”, Trí kể lại kỉ niệm đáng nhớ và cũng sợ nhất trong thời gian sát cánh cùng y bác sĩ tại Bắc Giang.

Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Trung tâm CDC tỉnh Bắc Giang chia sẻ về Trí: “Tâm huyết, nhiệt tình vô cùng. Nó trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, phân công gì cũng làm, đúng tinh thần tình nguyện. Công việc thường bắt đầu lúc 3 giờ nhưng 1-2 giờ đã phải đi là chuyện bình thường. Thời điểm đó, nhân lực ở Bắc Giang rất thiếu, một người phải làm việc của 2-3 người. Đưa đón cán bộ nên Trí cũng phải theo guồng quay như mọi người”.

Ông cho biết thêm Trí là người thật thà, sống chan hoà, gần gũi, được các chị, các cô ở cơ quan rất quý. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, mọi người hỏi Trí có muốn về lại quê không, trung tâm sẵn sàng tạo điều kiện thì nhận được lời hứa rằng sẽ chỉ về khi Bắc Giang chiến thắng dịch bệnh.

Vượt 1200km, hai bố con lái xe cứu thương vào TP HCM xin tình nguyện chống Covid

Bắc Giang vừa vượt qua giai đoạn khó khăn, dần hồi phục sản xuất, Trí đã nhen nhóm ý định vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục xin tình nguyện. Biết ý định của Trí, mọi người ai cũng vừa lo vừa cảm mến, lo vì 2 tháng ăn không đủ no, ngủ không đủ giấc sợ sức khoẻ của cậu không trụ được, cảm mến vì tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết.

Giờ Trí đang tiếp tục sống những ngày tháng tuổi trẻ ý nghĩa khi không ngại gian khổ, nỗ lực đóng góp phần bé nhỏ vào hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại miền Nam. Từ Bắc Giang, ông Dũng gửi lời cảm ơn, lời chúc sức khoẻ và bình an đến hai bố con nơi tâm dịch.

Cuộc chiến Covid còn nhiều điều khó lường ở phía trước. Giặc thời bình cũng như giặc thời chiến, một khi đã đến thì bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt sẽ đứng lên, ra sức bảo vệ sự bình yên của đất nước như cách mà chú Thông và Trí đang làm. Với sức mạnh đoàn kết, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng, một lần nữa.

Ngọc Châm

Đường xa vạn dặm - quê nhà tôi ơi! Đường xa vạn dặm - quê nhà tôi ơi!

Sau công điện của Thủ tướng yêu cầu "ai ở đâu, ở đấy", nhiều tỉnh làm gắt, có nơi bà con đã lên đường để ...

Bộ Y tế quy định thay đổi cách xác định F0 và F1 Bộ Y tế quy định thay đổi cách xác định F0 và F1

Trong tình hình mới, các quy định phân loại F0, F1 của Bộ Y tế khoanh chặt hơn so với trước đây. Không phải cứ ...

Công nhân thực hiện “3 cùng”: Cuộc sống bị xáo trộn nhưng cần cố gắng vì sự an toàn Công nhân thực hiện “3 cùng”: Cuộc sống bị xáo trộn nhưng cần cố gắng vì sự an toàn

Các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh sẽ sắp xếp chỗ ở cho công nhân theo hướng "3 cùng": “Ăn cùng, ở cùng, làm cùng” ...