Trần Thị Thảo Sương (trái) và Hà Thị Cương (phải). Vụ Công ty Green Vina (bài 4): Công nhân tố bị công ty đuổi việc trái luật |
bị đuổi việc mà Không cần phải làm đơn xin nghỉ việc |
Công nhân Trần Thị Thảo Sương, sinh năm 1983, cho biết, cô vào Công ty Green Vina làm từ năm 2009, đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thời hạn với công ty này từ năm 2011. Tháng 6/2020, khi Sương đang làm ở phòng order (theo dõi đơn hàng) thì cả phòng của Sương nhận được mẫu (form) in sẵn danh sách tên công nhân, có các cột đồng ý nghỉ việc sau 15 ngày, 30 ngày, 45 ngày... yêu cầu công nhân ký vào đồng ý nghỉ việc, do công ty khó khăn bởi dịch Covid- 19. |
Đơn kêu cứu của Thảo Sương. |
Công nhân Trần Thị Thảo Sương cho biết, lúc đó cả phòng của cô rất hoang mang lo lắng, không ai muốn ký vào mẫu đơn đó, phòng nhân sự nhiều lần bắt mọi người ký vào và nhiều lần cả phòng trả lại cho phòng nhân sự, thì công ty nói là đồng ý nghỉ cũng ký, không đồng ý nghỉ cũng ký. Riêng Sương và 1 số người sau đó bị phòng nhân sự chọn ra đánh dấu sẵn là đồng ý nghỉ sau 45 ngày mà không hề có một khoản tiền phụ cấp nào. Thảo Sương cho biết, sau đó trưởng bộ phận order của cô gọi từng người lên phòng “nói nhỏ ngọt ngào” thuyết phục hãy làm đơn xin nghỉ việc với các lý do như “công ty khó khăn, sắp phá sản, người ra đi còn may mắn hơn người ở lại, nếu ở lại không khéo mất luôn cả sổ bảo hiểm...” ! Riêng cô vẫn không đồng ý viết đơn xin nghỉ việc, nhưng công ty vẫn đuổi việc cô với lý do dịch Covid- 19. |
Quyết định nghỉ việc của Thảo Sương. Mới đây, công nhân Trần Thị Thảo Sương đã làm đơn khiếu nại Công ty Green Vina gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Thuận An, với nội dung bị đuổi việc trái pháp luật. Ngày 22/4 vừa qua đã diễn ra buổi hòa giải vụ việc giữa cô và công ty, có sự tham dự của đại diện Công đoàn cơ sở Công ty, Liên đoàn Lao động Thành phố Thuận An, Công đoàn ngành Dệt may tỉnh Bình Dương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Thuận An... Buổi hòa giải bất thành. |
Biên bản hòa giải, ý kiến của Thảo Sương. |
Cô Sương đã nêu rõ ý kiến của mình đại ý là công ty buộc người lao động nghỉ việc với lý do dịch Covid- 19, nhưng công ty không khó khăn, không thiếu đơn hàng. Trao đổi với PV, Thảo Sương cho biết cô phải ký vào danh sách trên vì “nghỉ cũng ký không nghỉ cũng ký”, đó là danh sách công nhân đã bị đuổi việc mà thôi. Cô không làm đơn tự nguyện muốn nghỉ việc. Sương cũng nói, phòng order của cô có 14 người thì khoảng một nửa bị cho nghỉ việc như cô. Sau đó công ty ồ ạt tuyển mới công nhân (xem bài 1 “Công ty Green Vina bị công nhân tố không trả lương”). |
Bị đuổi việc, buộc phải làm đơn nhưng đã ghi rõ là “bị yêu cầu nghỉ việc do Covid” |
Đơn tố cáo của Hà Thị Cương. Công nhân Hà Thị Cương cho biết vào khoảng giữa tháng 5/2020, cô làm việc tại phòng QA- kiểm tra chất lượng sản phẩm Công ty Green Vina. Cũng như trường hợp của Sương, công ty cũng đưa cho nhiều người mẫu giấy chấp thuận nghỉ việc do Covid 19, và phòng nhân sự cũng nói “nghỉ cũng ký, không nghỉ cũng ký” nên Cương phải ký nhưng cô không đánh dấu vào cột nào vì cô miễn cưỡng ký, hiện tờ mẫu danh sách đó phòng nhân sự giữ, công nhân không được giữ. Nhưng trong phần nêu lý do nghỉ của đơn xin nghỉ việc, cô ghi rõ là “do công ty yêu cầu nghỉ do dịch Covid”. Hiện đơn đó công ty giữ, cô không được giữ. |
Quyết định nghỉ việc của Hà Thị Cương. |
Cô cũng kể, lãnh đạo trực tiếp người Hàn Quốc rất buồn khi chia tay với cô và nhận xét cô làm việc rất tốt. Cô ngậm ngùi kể khi cô vào Công ty Green Vina, công ty rất niềm nở, “đón em tận cổng”, thỏa thuận lương cao do cô đã có chuyên môn cao về kiểm tra chất lượng sản phẩm, rồi lại đuổi việc cô phũ phàng với lý do giả dối dù được lãnh đạo nhận xét làm việc tốt. Công nhân Hà Thị Cương cũng đã làm đơn khiếu nại Công ty Green Vina gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Thuận An, với nội dung bị đuổi việc trái pháp luật. Ngày 22/4 vừa qua đã diễn ra buổi hòa giải vụ việc giữa cô và công ty, có sự tham dự của các ban ngành như trường hợp của Thảo Sương. Buổi hòa giải bất thành. |
Biên bản hòa giải, ý kiến của Hà Thị Cương.
"Họ đuổi việc chúng tôi do chúng tôi có lương cao" Công nhân Trần Thị Thảo Sương và công nhân Hà Thị Cương đều cho rằng, Công ty Green Vina đã mượn cớ Covid-19 để đuổi việc khoảng 40% công nhân, kể cả các bà bầu thai sản, ưu tiên đuổi việc người có lương khá cao so mặt bằng chung trong công ty để tuyển mới công nhân. Khoảng tháng 10/2020, Công ty Green Vina tuyển công nhân ồ ạt. Nếu công nhân mới thì công ty chỉ phải trả khoảng 6- 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, việc sa thải nhiều và tuyển mới nhiều giúp công ty giảm nhiều tiền thưởng năm 2020 và còn những điều lợi khác nữa. Cả hai cô cùng khẳng định, họ không vi phạm bất cứ kỷ luật nào để công ty có cơ sở chấm dứt HĐLĐ với họ. Và ngược lại, Công ty Green Vina không hề khó khăn để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với công nhân. Nếu đúng là công ty gặp khó khăn tạm thời do Covid- 19 thì tại sao vào tháng 10/2020 khi tuyển mới công nhân ồ ạt, họ không gọi công nhân cũ vào làm việc tiếp. Cả 2 cô đều làm ở bộ phận kỹ thuật, quản lý, có hiểu biết khá cao nên khó ép buộc họ phải làm đơn xin thôi việc nhằm giả dối là công nhân tự nguyện xin nghỉ việc như đối với hầu hết công nhân khác. |
Việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động cần căn cứ vào các điều từ 38 đến 47 Bộ luật Lao động năm 2012, có bổ sung tại Bộ luật Lao động 2019. Về phía người lao động, các hình thức kỷ luật để bị chấm dứt HĐLĐ theo quy định pháp luật thì theo các bài báo mà Tạp chí Lao động và Công đoàn phản ánh, các công nhân bị chấm dứt HĐLD tại Công ty Green Vina đều không vi phạm Về phía người sử dụng lao động, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động quy định trong các trường hợp: Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc nhưng phải tuân theo lộ trình giảm việc, đổi việc... được quy định tại các Điều 31- 32- 33- 34 Bộ Luật Lao động 2012. Công ty Green Vina nêu lý do buộc công ty phải chấm dứt HĐLĐ với nhiều người lao động là do dịch Covid- 19, tuy nhiên theo phản ánh của công nhân và việc công ty liên tục tuyển mới lao động ít nhất là từ tháng 10/2020 đến nay, cho thấy công ty không giảm chỗ làm việc, không thu hẹp sản xuất do thiên tai địch họa. Để làm rõ là Công ty Green Vina có làm đúng quy định của pháp luật hay không, thiết nghĩ ngành chức năng phải vào cuộc . Lưu ý đặc biệt, với nữ công nhân đang có thai, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, đang nghỉ thai sản... thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với họ (khoản 3 Điều 155 Bộ Luật Lao động 2012) |
Chúng tôi xin ngừng bài viết này tại đây bằng lời nói đau buồn của công nhân Hà Thị Cương: “Tôi thương xót cho những người như tôi một, thương xót cho các bà bầu, chị em đang nuôi con nhỏ mười. Tôi tha thiết mong báo chí, cơ quan, ban, ngành đồng cảm và giúp những người yếu thế như chúng tôi đòi lại công bằng. Công ty Green Vina đã lừa dối chúng tôi, lừa dối xã hội và lừa dối cấp trên là khó khăn nọ kia để đuổi việc chúng tôi một cách trái pháp luật, trái đạo đức nhằm thu nhiều lợi nhuận”. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tiếng nói và đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động
Nhóm PV Văn phòng Phía Nam |