Vợ chồng công nhân tích lũy mua nhà

Vợ chồng công nhân tích lũy mua nhà

Có được một chỗ “chui ra chui vào” chính chủ là mơ ước của rất nhiều công nhân. Với thu nhập không cao, những công nhân có ý định mua nhà, mua căn hộ phải nỗ lực kiếm tiền, tăng thu nhập gấp nhiều lần so với đồng nghiệp. Sự nỗ lực được đền đáp xứng đáng khi nhiều vợ chồng công nhân có được một căn nhà nhỏ, không còn nỗi lo tiền trọ, chuyển nơi ở thường trực!

“Cục nợ mua nhà” là động lực để cố gắng

Chị Trần Thị Tâm có quê ở Nghệ An, vào Đồng Nai lập nghiệp đã hơn 20 năm. 20 năm làm công nhân, vợ chồng chị cũng đã có được căn nhà nhỏ, là nơi tá túc của vợ chồng và 3 đứa con. Chị Tâm cho hay, năm 18 tuổi, chị rời quê vào Nam, đã xác định nơi đến sẽ là quê hương thứ hai của mình nên chị có mơ ước mua được đất, xây được nhà để ổn định cuộc sống.

Qua một vài công ty, cuối cùng chị gắn bó với Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa I). Chị Tâm chia sẻ: “Thu nhập ở công ty khá tốt, ổn định nên tôi bắt đầu để dành. Dù lương thấp hay cao, tăng ca nhiều hay ít tôi đều để dành ra một ít và không tiêu bất cứ đồng nào vào đó”. Cách chị Tâm tiết kiệm là chị đi mua vàng. Chị bảo, 3 phân, 5 phân, 1 chỉ… có bao nhiêu mua bấy nhiêu rồi cất kỹ, không đụng đến! “Có hết tiền mua gạo thì ăn mì tôm chứ không bán vàng ra để ăn”, chị cười. Đến khi kết hôn, tiền tiết kiệm mỗi tháng tăng lên do có hai người cùng làm, cùng để dành. Chồng chị là người Đồng Nai, chị bảo, lấy chồng ở Đồng Nai nên tiết kiệm được một khoảng về quê vào dịp Tết, lại dư ra được một khoản cuối năm. Tuy nhiên, theo chị Tâm, để mua được nhà thì chỉ tiền tích lũy, để dành là không đủ mà phải vay ngân hàng, mượn người thân.

Những căn hộ nhỏ, giá vừa phải là lựa chọn của nhiều công nhân

Vợ chồng công nhân tích lũy mua nhà

“Bố mẹ ở quê cầm sổ đỏ để vay ngân hàng cho chúng tôi một khoản. Các chú, các bác ở quê có tiền dư cho mượn thêm một khoản nữa. Cách đây gần 10 năm mà số tiền nợ lên gần 100 triệu đồng đối với một vợ chồng công nhân là quá nhiều nhưng cục nợ mua nhà lại trở thành động lực để vợ chồng tôi cố gắng làm việc, chi tiêu tiết kiệm, không phung phí. Sau 5 năm, vợ chồng tôi mới trả xong số nợ đó” – Chị Tâm cho hay.

Cũng là vợ chồng công nhân tích lũy mua được căn nhà nhỏ ở phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), vợ chồng chị Lương, quê Quảng Bình, công nhân Công ty Chang Shin VN (Đồng Nai) cho hay: “Người nhập cư mà còn là công nhân, thu nhập không cao, việc tích lũy mua nhà quả là thử thách và phải có quyết tâm lớn, đặc biệt phải thêm một chút may mắn nữa”. Vợ chồng chị Lương gắn bó với Đồng Nai gần 20 năm. Chị kể, lúc chị mới vào, đất ở Đồng Nai vẫn còn trống, những khu vực xa xa giá đất rẻ. Vừa lúc đó, người anh của chị đi lao động ở Hàn Quốc gửi về ít tiền để giữ hộ. Chị trao đổi với anh là cho chị mượn để mua đất, trong vòng 5 năm, khi anh về nước, chị sẽ trả lại đủ. Anh trai chị đồng ý nên chị có được miếng đất nhỏ. 5 năm để dành trả nợ miếng đất, 5 năm để dành cất nhà. Chị bộc bạch: “10 năm đó, vợ chồng tôi tiết kiệm tối đa, áo quần chỉ sắm sửa cơ bản.

Vợ chồng công nhân tích lũy mua nhà

Khu nhà ở xã hội ở Bình Dương dành cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp

Ăn uống, chi tiêu dè sẻn. Rất may là mẹ chồng vào phụ trông cháu nội nên vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được 1 khoản gửi trẻ. Thấy con để dành tiền cất nhà, ông bà hai bên cũng khuyên Tết đừng về quê mà để dành tiền”. Theo chị Lương, nếu người có thu nhập cao thì thời gian tích lũy mua nhà nhanh hơn, công nhân thì lâu hơn chỉ cần quyết tâm!

Gia đình công nhân trẻ chọn căn hộ nhỏ, phù hợp với thu nhập

Những công nhân vào Nam lập nghiệp khoảng 20 năm thì việc mua đất, cất nhà dễ hơn những công nhân trẻ, tuy nhiên, không phải không làm được. Hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng công nhân lựa chọn mua căn hộ mini, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp…

Vợ chồng anh Xuân Tùng, chị Hải Lý, cùng quê Hà Tĩnh mua căn hộ ở tầng 3 block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương đến nay đã được hơn 5 năm. Căn hộ 30m2 được sắp xếp gọn gàng. Ngày nghỉ, chị ở nhà nấu cơm, anh đưa hai con xuống chơi dưới sân chung. Chị Lý cho hay, anh chị mua căn hộ này khi hai vợ chồng chỉ có 15 triệu đồng! “Nói ra chắc không ai tin bởi chuyện thật mà cứ như mơ!”, chị cười.

Nhiều gia đình công nhân lựa chọn giai đoạn đầu ở những căn phòng trọ giá rẻ để tích lũy tiền

Vợ chồng công nhân tích lũy mua nhà

Anh chị làm thủ tục mua căn hộ ở tầng 3, giá 170 triệu, trả trước 15 triệu, được chủ đầu tư Becamex IDC giao nhà. “Phần còn lại chúng tôi chọn phương án trả dần trong 7 năm, hai năm đầu mỗi tháng chỉ phải trả 1 triệu, các năm còn lại trả hơn 1,8 triệu/tháng. Anh chị ở đây đã được hơn 5 năm, còn chưa đến hai năm nữa là trả xong nợ. “Nghe đến nợ tiền nhà thì nặng nề nhưng thực ra không có gì đáng ngại vì số tiền trả nợ tiền nhà còn thấp hơn tiền thuê trọ. Công nhân trẻ mua đất cất nhà thì khó chứ mua nhà ở xã hội vài trăm triệu đồng thì trong khả năng”, anh Tùng chia sẻ.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Cao Hữu Trí, câu chuyện của những anh chị em công nhân lương 5 triệu đồng/tháng vẫn mua được nhà sẽ không còn là chuyện hiếm nếu anh chị em công nhân nắm được nguyên tắc “6 chiếc lọ”. 6 chiếc lọ tức là thu nhập hàng tháng nên được chia làm 6 phần. Theo đó, chiếc lọ thứ nhất chiếm 55% tổng thu nhập dành cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như tiền nhà, điện, nước, ăn uống, đi lại. Chiếc lọ thứ hai là tiết kiệm dài hạn chiếm 10% thu nhập. Tương tự, các lọ còn lại sẽ là 10% dành cho giáo dục, cập nhật kiến thức, trình độ. 10% nữa dành cho hưởng như đi nhậu, uống bia, cà phê với bạn bè. 10% là phần để dành để cá nhân được tự do tài chính trong tương lai ví dụ như đầu tư vào một cái gì đó phù hợp. Chiếc lọ thứ 6 là 5% thu nhập còn lại sẽ dùng cho từ thiện, giúp đỡ người khác, hỗ trợ cha mẹ cũng được tính vào phần này.

Vợ chồng công nhân tích lũy mua nhà

Ở những căn phòng trọ nhỏ, giá cả phù hợp với thu nhập cũng là 1 cách để tích lũy tiền cho tương lai!

Chuyên gia Nguyễn Cao Hữu Trí cho rằng: “Có một thực tế là rất nhiều bạn thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng mua 1 chiếc điện thoại gần 30 triệu, tức là bằng 3 tháng làm việc cật lực của mình. Thực tế, mình không bao giờ xài hết các chức năng trên chiếc điện thoại 30 triệu đồng đó nhưng vẫn cứ mua. Nhiều bạn mua bằng cách trả góp, đến khi trả xong góp thì chiếc điện thoại sắp lỗi thời, hãng điện thoại lại chuẩn bị ra mẫu mới. Chúng ta lại rơi vào cái vòng mua, làm, trả nợ. Với nguyên tắc 6 chiếc lọ, 55% cho thu nhập cơ bản và 10% tiết kiệm cho tương lai đó là nguyên tắc dành cho phần thu nhập cơ bản, ngày làm 8 tiếng đồng hồ. Nếu các bạn tăng ca, làm thêm thì phần để dành cho tiết kiệm phải tăng lên, có thể 55% phần thu nhập từ tăng ca phải dành cho tiết kiệm, đầu tư để mình được tự do tài chính cho tương lai vì để có phần thu nhập đó, mình phải tốn nhiều sức lực hơn, sử dụng thời gian nghỉ ngơi để làm việc. Cho nên, khi chi tiêu hợp lý, tài chính an toàn thì mua đất, mua nhà trả góp phù hợp với thu nhập, khoản để dành là chuyện hoàn toàn trong tầm tay với anh chị em công nhân”

Bài viết: AN PHƯƠNG

Tài lộc của tuổi Dần năm 2021: Bùng nổ vận may, được quý nhân phù trợ Tài lộc của tuổi Dần năm 2021: Bùng nổ vận may, được quý nhân phù trợ

Người tuổi Dần trong năm 2021 hứa hẹn gặp nhiều may mắn do có quý nhân phù trợ.

“Tết này con không về, bố chờ các con và cháu ngoài tết cùng sum vầy” “Tết này con không về, bố chờ các con và cháu ngoài tết cùng sum vầy”

“Ở Hà Nội - nơi đất khách, các con phải cố gắng ăn uống đầy đủ, chăm lo cho các cháu được tốt. Cô gắng ...

Đêm giao thừa của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhân dân trong khu cách ly Đêm giao thừa của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhân dân trong khu cách ly

Đêm 30 Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cùng đoàn công tác của ...