e magazine
26/07/2021 10:00
Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, công đoàn

26/07/2021 10:00

“Những lần được cùng cán bộ công đoàn xuống cơ sở, xem công nhân ăn ca, ngủ trưa như thế nào, tôi thêm quyết tâm xây dựng những chương trình phúc lợi hướng về công nhân, lao động” - Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Chương trình Phúc lợi Agape, Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Minh) cho biết.
Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, công đoàn

“Những lần được cùng cán bộ công đoàn xuống cơ sở, xem công nhân ăn ca, ngủ trưa như thế nào, tôi có thêm ý tưởng xây dựng những chương trình phúc lợi hướng về công nhân, lao động”, ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Chương trình Phúc lợi Agape, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Minh cho biết.

Xây dựng hệ sinh thái phục vụ người lao động

Khởi động từ năm 2016, Chương trình Phúc lợi Agape đã định hướng xây dựng một hệ sinh thái dành cho người lao động. Tuy nhiên, mọi hiểu biết về công đoàn, công nhân thời điểm đó hầu như bằng… con số 0! Việc đó dẫn đến khó khăn là chương trình chưa đáp ứng được mong muốn của người lao động.

Nhớ lại buổi đầu khó khăn ấy, ông Nguyễn Hoàng Nam cảm ơn cán bộ công đoàn đã giúp ông và Chương trình Phúc lợi Agape đến gần hơn với người lao động.

“Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã tạo điều kiện để tôi xuống cơ sở, cùng ăn cơm với công nhân, coi công nhân ngủ trưa như thế nào. Khi làm việc với lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố, tôi luôn phải trả lời câu hỏi: Chương trình này mang lại lợi ích gì cho người lao động. Đó là câu hỏi rất khó khăn với tôi trong những ngày đầu. Nhưng cũng nhờ định hướng đó mà tôi đã xây dựng được những đề án chi tiết hơn, không hàn lâm mà thực sự thiết thực với người lao động. Tôi trân trọng các cán bộ công đoàn, những người luôn sát cánh cùng người lao động từ những điều bình dị ấy” – ông Nam xúc động nói.

Thông qua các hoạt động công đoàn, ông Nguyễn Hoàng Nam nhận thấy mục tiêu của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ người lao động ở nhiều khía cạnh. Mục tiêu ấy có sự tương đồng về giá trị mà Chương trình Phúc lợi Agape đang xây dựng.

“Câu nói nằm lòng mà tôi thường được nghe đó là công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Mỗi người cán bộ công đoàn tôi được gặp gỡ đều cho thấy điều đó và cho tôi những bài học sâu sắc” - ông Nam chia sẻ.

Ông Nam đặc biệt ấn tượng với Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” của Công đoàn Việt Nam nhằm kết nối doanh nghiệp mang lại lợi ích cho người lao động. Và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vai trò của tổ chức Công đoàn càng quan trọng hơn bao giờ hết. Công đoàn đã chủ động kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ cho đoàn viên của mình qua nhiều hình thức khác nhau.

Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, Công đoàn

Tổng LĐLĐ Việt Nam đón nhận sự hỗ trợ của Chương trình Phúc lợi Agape dành cho công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Dẫn một câu chuyện trong đại dịch, ông Nguyễn Hoàng Nam kể: “Hơn 10 giờ tối, tôi nhận được cuộc gọi từ chủ tịch công đoàn cơ sở một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Anh nói muốn nhờ Chương trình Phúc lợi Agape hỗ trợ. Công nhân đã ở lại nhà máy 20 ngày, dài hơn dự kiến ban đầu của công ty. Do vậy, công nhân thiếu một số vật dụng sinh hoạt và nhu yếu phẩm. Công nhân bên anh phần đông là nữ… Câu nói bỏ lửng của anh khiến tôi hiểu rằng, chị em công nhân cần vật dụng gì… Tắt điện thoại, tôi không cầm được lòng mình. Tôi nghĩ nhiều về anh – một người cán bộ công đoàn nam, chăm lo cho đoàn viên nữ của mình. Tôi càng yêu quý và thán phục những người cán bộ công đoàn”.

Ông Nam chia sẻ, chứng kiến tình cảm, nỗ lực của tổ chức Công đoàn dành cho đoàn viên, người lao động của mình, nhất là trong đại dịch Covid-19 khiến ông thêm tin tưởng vào “chiến lược dài hạn” hướng tới công nhân, lao động.

Đến nay, Chương trình Phúc lợi Agape ngày càng gần gũi với đoàn viên, người lao động. Đầu tiên, chương trình cung ứng dịch vụ hướng về công nhân thí điểm ở 1 - 2 tỉnh, sau đó nhân rộng ra 18 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Công nhân, lao động hưởng ứng rất tích cực về chương trình này.

Tuy nhiên, để đáp ứng ngày càng đa dạng hơn nhu cầu của công nhân, lao động, ông Nguyễn Hoàng Nam cho rằng, cần phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp để tạo nên một hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của công nhân, lao động.

Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, Công đoàn


Ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Chương trình Phúc lợi Agape

“Xét về góc độ kinh doanh, công nhân là đối tượng chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Vì thu nhập của công nhân, lao động ở mức không cao. Nhu cầu của đối tượng này đặc thù hơn so với người tiêu dùng thông thường. Và để đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn công nhân, lao động như vậy thì cần một nguồn lực lớn mạnh mới đáp ứng được” – ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, hiện có không nhiều doanh nghiệp hướng tới đối tượng công nhân, lao động để tập trung phục vụ. Nhưng xét về mặt xã hội, công nhân, lao động là lực lượng chủ đạo làm ra của cải vật chất cho đất nước. Do đó, Chương trình Phúc lợi Agape đã kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia hệ sinh thái hướng về người lao động. Đó là đơn vị cung ứng dịch vụ y tế, ngân hàng, các nhà cung cấp… nhằm chung tay hỗ trợ người lao động.

“Tôi tin rằng, các doanh nghiệp khi tham gia hệ sinh thái này sẽ gia tăng thêm nhiều giá trị khác. Ngoài vấn đề lợi nhuận, họ sẽ có thêm được tình cảm của người lao động. Trong quá trình vận động các doanh nghiệp đồng hành, chúng tôi luôn phân tích những lợi ích khi tham gia hệ sinh thái này. Đơn cử, bệnh viện sẽ có thêm nhiều khách hàng. Nhà phân phối nếu chấp nhận giảm giá thêm cho người lao động thì có lượng đầu ra lớn hơn. Người lao động cũng sẽ chú ý hơn đến doanh nghiệp coi họ là đối tượng được quan tâm” – ông Nam cho biết.

lắng nghe để hiểu nhu cầu thiết yếu của công nhân

Qua triển khai các chương trình phúc lợi cho công nhân, lao động, ông Nam nhận thấy, công nhân ở một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm đến sức khỏe. Do đó, khi mới bắt đầu, Agape đã xây dựng chương trình "Siêu thị phúc lợi di động" cho người lao động.

“Ban đầu, chúng tôi đưa mô hình này vào một khu công nghiệp với rất nhiều sản phẩm như quần áo, nhu yếu phẩm. Sau khi nắm bắt mong muốn của người lao động, chúng tôi hiểu rằng họ cần thêm dầu ăn, xà phòng, bột giặt… từ đó rút ra kinh nghiệm. Chúng tôi cũng thông qua cán bộ công đoàn cơ sở để nắm bắt phản hồi của người lao động. Nhờ đó mà chúng tôi đã hình dung rõ hơn về một “bản đồ nhu cầu của công nhân”. Có khu vực này, công nhân thích dầu ăn Tường An. Khu vực khác công nhân thích dầu ăn Cái Lân… Trên cơ sở những thông tin thu thập được, Agape đã tập trung có sản phẩm cung ứng đáp ứng tối đa nhu cầu. Đồng thời làm việc với nhà cung cấp để có giá tốt nhất cho công nhân” – ông Nam kể về những ngày đầu phục vụ nhu cầu của công nhân, lao động.

Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, Công đoàn Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, Công đoàn
Chương trình Phúc lợi Agape cùng công đoàn và công nhân vượt qua đại dịch Covid-19

Ông Nguyễn Hoàng Nam kể: “Một lần, chúng tôi tổ chức Chương trình Siêu thị phúc lợi di động" dành cho công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Vĩnh Long). Chúng tôi thiết kế các sản phẩm giảm giá 50.000 đồng, 25.000 đồng dành cho công nhân. Trong một buổi chiều diễn ra chương trình, tôi thấy đôi công nhân trẻ, đi xe đạp, cầm phiếu giảm giá của siêu thị. Họ đứng ở bên ngoài, vẻ ngượng ngùng. Người nam nói: Em vào xem đi. Người nữ thẹn thùng nói: Anh vào xem đi. Nói qua, nói lại, cuối cùng người nam đứng từ xa nhìn, thấy người ta mua sắm một hồi mới bước vào. Hình ảnh đó khiến tôi rất cảm động”.

Ông Nam cho rằng, người công nhân dù ở hoàn cảnh khó khăn nhưng họ luôn lạc quan và có động lực sống mạnh mẽ. Năng lượng tích cực của họ tỏa ra khiến bản thân ông có thêm quyết tâm với những chương trình dành cho người lao động.

4 chương trình nâng cao đời sống người lao động

Hiện nay, Chương trình Phúc lợi Agape tiếp tục kiên định với hệ sinh thái của mình và vạch ra 4 giá trị trọng tâm trong kinh doanh. Đó là: Chăm sóc sức khỏe, phúc lợi, cải thiện cuộc sống và giải pháp tài chính cho người lao động với chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng hoàn thiện để người lao động có chất lượng cuộc sống thêm tốt đẹp.

Ông Nam cho biết: “Trong quá trình thực hiện những giá trị cốt lõi nhằm nâng cao đời sống người lao động, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là phải làm sao truyền tải thông điệp rộng rãi nhất tới người lao động. Hai là thuyết phục được doanh nghiệp hợp tác tham gia. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tập hợp các công nhân vào một sự kiện offline rất khó khăn và doanh nghiệp thì lao đao vì dịch bệnh. Và chỉ doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng mới được mời tham gia vào hệ sinh thái này”.

Ông Nam dẫn một ví dụ, Agape mong muốn mang đến cho người lao động một ưu đãi chăm sóc sức khỏe, đó là hỗ trợ người lao động đi khám bệnh trả chậm kinh phí. Để người lao động được hưởng lợi ích này, Agape phải đứng ra vận động đơn vị tài chính, bệnh viện hỗ trợ, mà không phải đơn vị nào cũng sẵn lòng. Tuy nhiên, cũng đã có một số tín hiệu tốt, một số doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến vấn đề này.

Một khó khăn khác, đó là có những doanh nghiệp phát triển mạnh thị phần ở phía Nam, có doanh nghiệp lại phát triển mạnh thị phần ở phía Bắc. Chương trình Phúc lợi Agape phải giải quyết bài toán về logistic để làm sao công nhân, lao động miền Bắc và miền Nam đều được hưởng lợi ích như nhau.

Vị giám đốc dành nhiều tình cảm cho công nhân, Công đoàn
Ông Nguyễn Hoàng Nam (giữa) cùng các cán bộ công đoàn mang nhu yếu phẩm đến với công nhân, lao động

Hay sự khác biệt về nhu cầu của người lao động cũng là một khó khăn. Đơn cử, mô hình chuyến xe vì sức khỏe người lao động đã từng thực hiện ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giảm giá 50% dịch vụ rất thu hút công nhân. Nhưng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, công nhân lại không mặn mà…

“Chúng tôi vẫn đang phải tìm hiểu, vừa làm vừa lắng nghe, vừa điều chỉnh vì chưa có điều kiện nghiên cứu, đánh giá, khảo sát toàn diện. Do đó, ý kiến của cán bộ công đoàn là kênh thông tin rất hiệu quả giúp chúng tôi tìm ra con đường để hiểu nhu cầu người lao động” - ông Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Trung Tính – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster (tỉnh Bình Dương), hiện nay, do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, công ty đã tổ chức cho hơn 600 người lao động “3 tại chỗ” tại nhà máy. Do tỉnh Bình Dương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên thời gian người lao động làm việc tại nhà máy kéo dài hơn dự tính ban đầu. Việc đi lại, mua sắm nhu yếu phẩm khó khăn. Do vậy, Công đoàn công ty đã nhờ sự hỗ trợ của Chương trình Phúc lợi Agape, đặc biệt là vật dụng cho chị em công nhân. Sự hỗ trợ của chương trình đối với công nhân rất có ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp và công ty phải căng mình đối phó với dịch bệnh.

Hà Nội cấm nhân viên giao hàng, ưu tiên 3 nhóm đối tượng trong thời gian giãn cáchHà Nội cấm nhân viên giao hàng, ưu tiên 3 nhóm đối tượng trong thời gian giãn cách

Hà Nội tạm thời cấm đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) bởi chưa kiểm soát được lực lượng này và xác định 3 đối ...

Hà Nội thí điểm “Xe buýt siêu thị 0 đồng” phục vụ công nhânHà Nội thí điểm “Xe buýt siêu thị 0 đồng” phục vụ công nhân

Nhằm kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, LĐLĐ TP Hà Nội ...

Gắn bó suốt 18 năm, nữ công nhân bị công ty nợ 56 tháng bảo hiểm xã hộiGắn bó suốt 18 năm, nữ công nhân bị công ty nợ 56 tháng bảo hiểm xã hội

Sắp bước qua tuổi 51, bà Ngô Thị Mỹ (trú tại thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết ...

Bài viết: Duy Minh

Xem phiên bản di động