|
Sắp bước qua tuổi 51, bà Ngô Thị Mỹ (trú tại thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết bị Công ty CP Ô tô 1-5 nợ lương suốt 14 tháng và không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 8/2016. Dịch bệnh kéo dài, khó càng thêm khó khi gia đình 5 miệng ăn của bà Mỹ suốt mấy tháng qua sống dựa vào đồng lương hưu 3,7 triệu của chồng. |
bị nợ lương, BHXH |
Nhiều ngày qua, bà Ngô Thị Mỹ đều có mặt tại cổng Công ty CP Ô tô 1-5 để chờ đợi phản hồi từ phía công ty. Trong số hơn 100 người lao động bị công ty nợ lương, bà là người bị nợ nhiều nhất (14 tháng). Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình bà. Giữa trưa ngày tháng 7 oi ả, ngồi tạm dưới tán cây ven đường, bà Mỹ kể: “Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh, nghe người quen giới thiệu nên đã khăn gói ra Hà Nội làm thuê từ những ngày còn trẻ. Tôi bắt đầu làm ở Công ty CP Ô tô 1-5 từ năm 2003, ở phân xưởng Sơn. Công việc cứ ngày này qua ngày khác. Tôi đều đặn đi làm và gắn bó với công ty đến nay cũng đã 18 năm rồi. Trong mấy năm gần đây, khi công ty ít việc hơn, tôi được chuyển sang làm công tác vệ sinh, dọn dẹp khắp nhà máy, khi lại đi cắt cỏ... Nói chung là chẳng nề hà việc gì. Lương của tôi khi chưa bị nợ là hơn 4 triệu đồng/tháng, đã trừ BHXH”. |
Bà Ngô Thị Mỹ là người lao động bị Công ty CP Ô tô 1-5 nợ 14 tháng lương và nhiều tháng không được đóng BHXH. |
Vừa nói vừa quệt ngang giọt mồ hôi lăn dài trên trán, bà Mỹ bộc bạch: “Tôi bị nợ lương 14 tháng và gần đây mới biết mình không được đóng BHXH từ tháng 8/2016. Tính đến thời điểm nghỉ việc từ cuối tháng T4/2021 là 56 tháng tôi không được đóng BHXH. Ban đầu khi bị nợ lương mấy tháng, tôi cũng tính nghỉ nhưng nghĩ đến việc gắn bó với công ty đã chừng ấy năm, lại sắp đến tuổi nghỉ hưu nên cố gắng đi làm. Ngoài bữa trưa, hằng tháng tôi đi làm không được công ty trả lương. Đợt 30/4 vừa rồi, gặp phải trận ốm, cực chẳng đã, tôi đành xin nghỉ việc. Không ngờ công ty đã dừng đóng BHXH cho công nhân lao động từ tháng 8/2016. Ốm đau, tiền thuốc men không có để chi trả, bảo hiểm y tế không có, loay hoay ngỏ lời mới được phía công ty cho tạm ứng 3 triệu đồng. Từ đó đến đầu tháng 7, tiền lương 14 tháng, tiền BHXH của tôi đều chưa được chi trả”. |
Do bị nợ lương nên cuộc sống của gia đình bà Mỹ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: DV |
3,7 triệu đồng – “phao cứu sinh” hằng tháng |
Đi làm ròng rã hơn 1 năm trời mà không được trả lương, bà Mỹ cho biết, nếu không có lương hưu của chồng thì không biết cuộc sống gia đình sẽ đi về đâu. Lương hưu 3,7 triệu đồng/tháng thật khó để chu toàn cho đời sống của một gia đình 5 miệng ăn, nhất là khi vợ chồng bà đang phụng dưỡng một mẹ già đã gần 100 tuổi, nay ốm mai đau. Mỗi khi trái gió trở trời không biết lấy gì để xoay xở. "Ông nhà tôi còn có bảo hiểm và lương hưu. Tôi không có bảo hiểm y tế nên chẳng may ốm đau thì biết trông vào đâu", bà Mỹ lo lắng. |
“Nhà tôi hiện giờ có 5 người. Tôi bị nợ lương, không có thu nhập, tất cả kinh tế gia đình giờ đều phải trông chờ vào đồng lương hưu của chồng. Cuộc sống giờ khổ quá, mẹ chồng tôi lại hay đau ốm, tôi và chồng cũng đang nuôi 2 cháu nhỏ, con của đứa út. Trận ốm hồi cuối tháng 4/2021 cũng khiến sức khỏe của tôi suy giảm nhiều. Không lương, không bảo hiểm, không có công việc, giờ đây tôi không biết phải làm thế nào để lo cho gia đình”, bà Mỹ nói trong nước mắt. |
Ông Nguyễn Diên Hoài (sinh năm 1961, chồng của bà Mỹ) cho biết: “Tháng 5/2019, vợ tôi bắt đầu bị công ty chậm lương, sau đó là tháng 6/2019, rồi nhiều tháng trong năm 2020... Tổng cộng là 14 tháng. Ban đầu, khi vợ có ý định nghỉ việc, tôi động viên vợ cố gắng đi làm, công ty đang khó khăn, anh em chịu được thì mình cũng chịu được. Nhưng sau đó, suốt nhiều tháng qua, công ty vẫn không trả lương, cuộc sống gia đình tôi ngày càng trở nên khó khăn. Với số tiền 3,7 triệu đồng, tôi không biết gia đình mình sẽ cầm cự thế nào, lo nhất là khi mẹ ốm, 2 cháu nhỏ còn đang tuổi ăn học. Rồi còn bà nhà tôi nữa. Nói dại, nếu bà ấy ốm đau, đi viện vào lúc này thì gia đình không biết tính sao nữa. Con cái thì cũng đã lập gia đình rồi, đều khó khăn, không có gì dư dả cả. Vợ chồng tôi đi làm mấy chục năm, luôn động viên nhau cố gắng để sau này có đồng lương hưu, có BHXH để vơi bớt khó khăn khi về già. Nào ngờ, vợ tôi lại bị nợ BHXH trong thời gian dài như thế”. |
Ông Nguyễn Diên Hoài chia sẻ về những khó khăn mà gia đình ông đang gặp phải kể từ khi vợ bị nợ lương, nợ BHXH suốt nhiều tháng qua. |
“Vay mượn mãi cũng khó, bởi ai có tiền mãi mà cho mình mượn đâu. Tôi chỉ mong sớm được trả lương để trang trải cuộc sống gia đình và mong công ty sớm thanh toán nợ BHXH. BHXH là điểm tựa cho người lao động khi về già. Tôi cũng có tuổi rồi, giờ không có bảo hiểm thì lúc đau ốm biết trông vào đâu. Đi bệnh viện nào tiền thuốc, tiền viện phí... tốn kém lắm”, bà Mỹ chia sẻ. Đồng hồ điểm gần 12h trưa, bà Mỹ lại cùng chồng lo cơm nước cho mẹ già đã gần 100 tuổi. Bữa cơm những ngày dịch giã, chắt bóp chi tiêu cũng chẳng có gì. “Bữa nào sang thì có trứng, thịt cho mẹ và hai cháu nhỏ. Còn lại hai vợ chồng chỉ cơm rau qua ngày”, bà Mỹ vừa trò chuyện vừa quay sang đút thìa cơm cho mẹ chồng. Vợ chồng bà Mỹ đang ở cùng mẹ chồng gần 100 tuổi và 2 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học. Ảnh: NVCC Trong nhà còn có tiếng cười của hai đứa cháu nhỏ. Ngoài sân vườn vọng lại tiếng “cục tác”, ông Hoài buông đũa chạy ra nhặt quả trứng gà mới đẻ, lòng khấp khởi: “Mẹ và các cháu lại có trứng ăn rồi!”. “Công ty đã có phương án chi trả lương rồi. Mong thời gian tới tôi sẽ nhận được lương và công ty trả nợ BHXH. Có tiền tôi sẽ trang trải nợ nần và lo cho cuộc sống gia đình. Rồi tôi cũng phải tìm một việc khác mà làm nữa chứ”, bà Mỹ vừa nói vừa ngẩn người nhìn vào bộ quần áo đồng phục của Công ty CP Ô tô 1 -5 treo cạnh góc tủ. |
Người lao động Công ty CP Ô tô 1-5 tập trung, căng băng rôn, hô hào khẩu hiệu đòi quyền lợi tại cổng công ty. |