Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài cuối)

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định các mục tiêu cụ thể gồm: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

NQĐH XIII cũng đã chỉ rõ, để đạt được các mục tiêu trên thì phải “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt...”.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đó chủ yếu phải là đội ngũ những người trong giai cấp công nhân hiện đại - giai cấp vô sản tri thức như chỉ dẫn của Ph.Ăng-ghen.

Hiểu đúng về khái niệm giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đạị cách mạng công nghệ lần thứ tư thì cần có quan niệm đúng về vai trò của trí thức.

Căn cứ vào định nghĩa giai cấp của Lênin, từ trước đến nay, khi sắp xếp lực lượng và vai trò của các giai cấp trong các cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng của giai cấp công nhân – lãnh đạo, thì trong cách mạng dân tộc, dân chủ thực hiện chuyên chính công nông, xác định: Công nông liên minh, giai cấp nông dân được coi là quân chủ lực, đoàn kết với tầng lớp trí thức; trong cách mạng XHCN thực hiện chuyên chính vô sản, xác định: giai cấp vô sản (công nhân) là giai cấp lãnh đạo liên minh với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. (Một số năm gần đây thì gọi là đội ngũ trí thức).

Cả hai cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa đều thấy cần thiết phải lôi kéo cho được những người trí thức tham gia, không thể thiếu họ trong lực lượng cách mạng.

Trong cách mạng XHCN vai trò của trí thức ngày càng được đề cao, được ghi nhận đậm nét trong các văn bản của Đảng. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI).

Dù đánh giá cao vai trò của trí thức như thế nào chăng nữa, nhưng theo quan niệm truyền thống ở các nước XHCN, cho tới nay, trí thức vẫn không bao giờ được coi là một giai cấp.

Theo nhận thức chung, phổ biến thì trong các chế độ cũ (phong kiến địa chủ, tư sản) hầu hết trí thức xuất thân từ giai cấp bóc lột, tuyệt đại bộ phận trong số họ đều là tay chân phục vụ cho chính quyền của giai cấp thống trị.

Khi cách mạng do giai cấp vô sản phát động, trong số họ có một bộ phận đi theo cách mạng nhưng dễ hoang mang dao động, ngả nghiêng; vì vậy khi cách mạng thành công thì cần cải tạo họ để họ phục vụ cho giai cấp vô sản.

Dưới chế độ XHCN, nhà nước chuyên chính vô sản cần phải đào tạo ra một lớp trí thức mới xuất thân từ công nông, tuy họ xuất thân từ những thành phần “cốt cán” ấy nhưng khi đã là trí thức thì bản thân họ lại không còn là công nông nữa, mà chỉ là một tầng lớp (hay đội ngũ) cần liên minh để xây dựng chủ nghĩa xã hội?!

Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài cuối)

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên công nhân, người lao động Công ty Kefico (Hải Dương). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ở Việt Nam thì có khác, người trí thức cùng chung số phận với dân tộc mình, bị đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai đàn áp; không chịu mãi kiếp đời nô lệ nên đã cùng nhân dân đứng lên, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt mấy cuộc kháng chiến giành độc lập tự do.

Có một đặc điểm quan trọng là trong số những người tham gia ngay từ buổi đầu dựng Đảng, dựng nước thì đại bộ phận họ đều là trí thức, đều xuất thân từ những gia đình trí thức hoặc tầng lớp “khá giả” (nghĩa là không xuất thân từ công nông); có một số người đã trở thành những yếu nhân của phong trào cách mạng. Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… là những người như thế.

Trải qua gần một thế kỷ, có biết bao trí thức nước ta đã tham gia phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, họ đã trưởng thành từ những phong trào ấy, không ít người đã có những đóng góp to lớn, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Nhưng cho tới nay, theo tư duy truyền thống, lấy định nghĩa giai cấp của Lênin làm hệ quy chiếu thì dù có đánh giá trí thức quan trọng như thế nào thì đương nhiên chúng ta vẫn không thể coi họ là một giai cấp (?!)

Thời đại công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã đưa tới nền văn minh tin học, thế giới đã chuyển thành nền kinh tế tri thức, một bộ phận ngày càng nhiều những nhà bác học, nhà công nghệ, kỹ sư, công trình sư và nhân viên kỹ thuật đều là trí thức.

Theo C.Mác và Ph. Ăng- ghen thì “giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp” hay nền “công nghiệp hiện đại”, “giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.1980, tr.5513).

Ngày nay giai cấp công nhân (giai cấp vô sản) không như giai cấp vô sản ở thế kỷ XIX, nghĩa là họ không chỉ là giai cấp của những người “lao động chân tay”, “lao động cơ bắp”, “lao động giản đơn” và “không có tri thức”… mà trên thực tế một số đông và ngày càng nhiều những người trí thức, như nói trên, đã trở thành công nhân, họ có quyền khai mình là giai cấp công nhân, tức là họ đã trở thành người công nhân hiện đại, họ ngày càng thể hiện mình trong nền sản xuất ra của cải vật chất của xã hội; họ đứng ở trung tâm của nền sản xuất hiện đại và luôn đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất của thời đại.

Nội hàm khái niệm “giai cấp công nhân” mà các nhà kinh điển nêu ra ở thế kỷ XIX đã và đang mở rộng theo đúng khuynh hướng phát triển của nền sản xuất hiện đại.

Nhưng cho dù như thế, thì vẫn còn một số đông những nhà trí thức không nằm trong nền sản xuất ra của cải vật chất như bác sỹ, nhà giáo, nhà hoạt động văn hoá, nhà hoạt động chính trị - xã hội, công chức, viên chức… vẫn không được xếp họ thuộc bất cứ thành phần giai cấp nào.

Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài cuối) Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài cuối)

Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Họ vẫn là “trí thức”, được gọi là “bộ phận” hay “tầng lớp” hay “đội ngũ” chứ không phải giai cấp trí thức, càng không thể coi họ là giai cấp công nhân?!

Chúng ta kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, thì dù tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội đã phát triển như thế nào, cơ cấu xã hội – dân cư có thay đổi thế nào thì giai cấp vẫn tồn tại cũng như Nhà nước và Đảng vẫn tồn tại vì thế trong sự phân định, quy định kê khai thành phần giai cấp cũng cần phải có sự minh định rõ ràng, sự vật vẫn cần có tên của nó.

Quy định một bộ phận dân cư thuộc thành phần giai cấp nào không phải chỉ là hình thức, mà nó liên quan đến tư tưởng chiến lược, đến việc xác định bản chất của Đảng, đến việc sắp xếp lực lượng cách mạng và chính sách nhân sự trong hệ thống chính trị. Chúng ta chẳng đang vẫn rất chú ý đến tỷ lệ cơ cấu giai cấp trong kết cấu nhân sự của Đảng và Nhà nước đó sao?

Hồ Chí Minh đã từng nói: Đảng phải là người tiêu biểu cho trí tuệ, tinh hoa, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc. Điều lệ Đảng đã và đang khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Vậy một bộ phận quan trọng trong dân cư là những người trí thức (như nói trên) cứ phải gán cho họ là một “bộ phận”, một “tầng lớp”, một “đội ngũ”, hoặc cứ “lơ lửng” là cán bộ, công chức không thuộc giai cấp nào, trong khi một bộ phận không nhỏ, họ đang đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ chính là những người tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc?

Nhưng nếu gọi họ là giai cấp thì là giai cấp nào, có trái với chủ nghĩa Mác – Lê-nin hay không?

Theo tôi, chúng ta cần theo phương pháp luận Mácxit, căn cứ vào thực tiễn để nghiên cứu vận dụng tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Trong khi nghiên cứu tư tưởng của Mác và Lênin về giai cấp, theo chúng tôi thì còn phải chú ý đến những luận điểm quan trọng của Ph.Ăng-ghen ở giai đoạn cuối đời (nghĩa là ở thời điểm ông đưa ra những chỉ dẫn, những lời bổ sung hoặc đính chính để làm rõ thêm những quan điểm của C.Mác và của ông trong các tác phẩm của hai ông đã xuất bản trước đó cùng những dự báo khoa học của riêng ông về sự phát triển tương lai của chủ nghĩa xã hội.

Trong một bài viết ngắn, cô đọng, Ph.Ăng-ghen đã nói rất rõ rằng giai cấp công nhân được hình thành cùng với quá trình phát triển của nền đại công nghiệp, trong đó hai nguồn nhân lực quan trọng và chủ yếu là từ công nhân thủ công nghiệp và các sinh viên.

Ngày 19 tháng chạp năm 1893, trong thư “Gửi Đại hội Quốc tế các sinh viên xã hội chủ nghĩa”, lần đầu tiên Ph.Ăng-ghen đã nêu ra một cách khẳng định khái niệm “giai cấp vô sản trí thức” là bộ phận hợp thành của giai cấp công nhân hiện đại và chỉ rõ chính giai cấp công nhân ấy (chứ không phải như chúng ta hiểu một cách cụ thể về hình ảnh người công nhân ở thế kỷ XIX như Ph.Ăng-ghen đã mô tả trong tác phâm “Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh” của ông) là lực lượng duy nhất hoàn thành sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài cuối)

Công nhân sản xuất tại khu chế xuất Linh Trung 1, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Trong bức thư này Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra mấy luận điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, Hội sinh viên xã hội chủ nghĩa phải làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản trí thức phải được hình thành từ hàng ngũ các sinh viên.

Thứ hai, sinh viên sẽ trở thành giai cấp vô sản trí thức, nó sẽ hình thành bên cạnh và trong hàng ngũ những người bạn của nó là các công nhân thủ công nghiệp (công nhân thủ công nghiệp cũng sẽ trở thành giai cấp công nhân hiện đại trong quá trình công nghiệp hóa).

Thứ ba, giai cấp vô sản giành quyền lãnh đạo không phải chỉ bộ máy chính trị mà phải cả toàn bộ nền sản xuất xã hội và những kiến thức vững chắc chứ không phải chỉ là những luận điệu về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Ông viết: “Các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản trí thức phải được hình thành từ hàng ngũ các sinh viên, bên cạnh và trong hàng ngũ những người bạn của nó - các công nhân thủ công nghiệp… sự nghiệp giải phóng công nhân đòi phải có những bác sĩ, kỹ sư, nhà hoá học, nông học và các chuyên gia khác; vấn đề là ở chỗ giành quyền lãnh đạo không phải chỉ có bộ máy chính trị, mà còn phải cả toàn bộ nền sản xuất xã hội nữa, và ở đây cần đến những kiến thức vững chắc chứ không phải là những luận điệu huênh hoang rỗng tuếch” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, tập 6, NXB ST, H.1984, tr.552-553).

Từ những chỉ dẫn quan trọng nói trên của Ph.Ăng-ghen và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay, tác giả xin nêu ra mấy điều sau đây để mong góp vào việc nghiên cứu chung:

- Trong các văn bản chính trị - pháp lý của Đảng và Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, cần nhấn mạnh tới định hướng đào tạo trong hàng ngũ sinh viên thành giai cấp vô sản trí thức. Đào tạo giai cấp vô sản trí thức phải là mục tiêu của nhà trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

- Giai cấp vô sản trí thức cũng cần được đối xử và tôn vinh như “những người bạn” cùng giai cấp của nó là công nhân công nghiệp…

- Từ nay không nên gọi họ là “tầng lớp” hay “đội ngũ trí thức” nữa mà nên theo Ăng-ghen khẳng định họ là một bộ phận của giai cấp công nhân hiện đại bao gồm: Công nhân công nghiệp, công nhân nông nghiệp, công nhân (vô sản) trí thức…

- Khẳng định giai cấp vô sản trí thức cùng với những người bạn của nó là giai cấp công nhân các ngành khác, chính là người có sứ mệnh giành và giữ vững quyền lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản bởi vì Đảng Cộng sản là đội tiên phong của chính họ và đội tiền phong của cả dân tộc.

Nói Đảng Cộng sản Việt Nam mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học, là người tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc chính bởi vì Đảng là đội tiên phong của một giai cấp công nhân có kết cấu như trên – một giai cấp bao gồm những phần tử tinh hoa của thời đại và đại diện cho khuynh hướng phát triển hợp quy luật của lịch sử./.

Bài viết: PGS.TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh Đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh

Trong không khí sôi nổi của đoàn viên (ĐV), công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn tỉnh đang tích cực lao động, sản xuất, ...

Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích ...

Vận dụng chỉ dẫn của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng Vận dụng chỉ dẫn của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng

Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí Trần Phú luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và những vấn đề ...