Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân

1. Từ bấy tới nay, lịch sử thế giới đã qua biết bao cuộc “bể dâu”, chủ nghĩa Mác cũng thăng trầm qua nhiều năm tháng trong tư duy của loài người, nhưng với thái độ khoa học khách quan nghiêm túc, nhiều nhà khoa học danh tiếng vẫn đưa ra những nhận định về Mác một cách chân thực.

Năm 1992, GS.TS Mi-chen Va-des, nhà triết học, thành viên của Trung tâm nghiên cứu và tư liệu về Hê-ghen và Mác thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp đã viết trong lời nói đầu cuốn sách của ông, Mác – nhà tư tưởng của cái có thể, như sau: “Sức sống của một tư tưởng được tính bằng con số những cuộc tranh luận mà nó gây ra. Về mặt này, chủ nghĩa Mác thật đáng ao ước”.

Trong phần “Dẫn luận” (sách nói trên) Mi-chen Va-des viết tiếp: “Tác phẩm của Mác phải được nhận thức đúng đắn hơn. Hơn thế, chủ nghĩa Mác thuộc vào nền văn hóa đương đại… tư tưởng của Mác đã được biết đến nhiều, nó đã cắm sâu vào thế giới”.

Nhà triết học nổi tiếng Giăng Pôn Sác (Jean Paul Sartre - khá quen thuộc với Việt Nam trong những năm tháng nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược) thì coi chủ nghĩa Mác “vẫn là triết học của thời đại chúng ta. Nó không thể bị vượt qua bởi vì những hoàn cảnh sinh ra triết học ấy còn chưa bị vượt qua” (Phê phán lý luận biện chứng, Pa-ri; Gallimard, 1960, tr.29).

V.I Lênin là học trò xuất sắc của Mác và Ăngghen. Ông đã kế thừa bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác.

Đầu thế kỷ XX, khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Chủ nghĩa Lênin là “trí khôn” của Đảng. Tháng 5-1955, trong một bài trả lời phỏng vấn của báo nước ngoài, Người nói chủ nghĩa Mác – Lênin “là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”(2).

Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài 1)

Dân tộc Việt Nam có một Đảng cách mạng do nhà Mácxít Lênin-nít lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh dẫn dắt cho nên con thuyền cách mạng đã vượt qua biết bao sóng gió, thác ghềnh, luôn đi đúng giữa dòng của thời đại, đã chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.

Chúng ta biết ơn Mác bởi ông đã trao cho lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta “cái cẩm nang thần kỳ” là lý luận cách mạng tiên tiến, bởi vì ông “là một nhà cách mạng của khoa học, nhà cách mạng nhờ khoa học, Mác đã đạt tới những đỉnh cao nhất của khoa học, để từ đó đi xuống nhân dân và làm cho khoa học trở thành tài sản chung của nhân dân”(3).

Có thể mượn lời của Ph.Ăng-ghen để nói lên tấm lòng của người Việt Nam hôm nay đối với Mác rằng: “Chúng ta được như ngày nay chính là nhờ có Mác... không có Mác chúng ta hẳn còn đang mò mẫm trong bóng tối”.

2. Nếu tư tưởng của Mác về vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp thể hiện trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) rằng: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản... lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc... giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền,... phải tự mình trở thành dân tộc”(4) thì 93 năm sau, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh (5-1941), đã khẳng định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp, đến vạn năm cũng không đòi lại được”(5).

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn bị thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, Đảng ta xác định hai nhiệm vụ chiến lược, trong đó đặt lên hàng đầu là đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Rõ ràng tư tưởng của Mác về mối quan hệ giai cấp và dân tộc đã soi sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta.

3. Nếu như Mác tìm ra quy luật của lịch sử là “mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo thành một cơ sở trên đó người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền...”(6) thì từ bước đầu dựng nền cộng hoà dân chủ cho đến ngày nay, tùy từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều xác định mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị.

Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài 1)Biểu tình của những người theo chủ nghĩa xã hội vào Ngày Quốc tế lao động 1912 tại Union Square ở New York. Ảnh: Tư liệu.

Từ Đại hội VI tới nay, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta luôn lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, trên cơ sở đó, từng bước đổi mới hệ thống chính trị (xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách hành chính, xây dựng Đảng...).

4. Mác không đưa ra lời giải sẵn cho mọi vấn đề của hôm nay nhưng để lại cho chúng ta phép biện chứng duy vật, đặc biệt là quan điểm thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy thực tiễn làm cơ sở, làm tiêu chuẩn và thước đo để sửa chữa sai lầm, tiến hành đổi mới tư duy, hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bởi đó là những đòi hỏi bức xúc của toàn dân tộc.

Mác đã viết: “Trong một dân tộc, lý luận bao giờ cũng chỉ được thực hiện theo mức độ mà cách mạng là sự thực hiện những nhu cầu của dân tộc ấy”(7).

Hàng loạt vấn đề của đời sống thực tiễn đang đòi hỏi lý luận phải giải quyết. Chẳng hạn những vấn đề cụ thể của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước; tiêu chuẩn đảng viên trong điều kiện nền kinh tế thị trường; vấn đề Đảng lãnh đạo nhà nước pháp quyền... Không thể giải quyết những vấn đề nóng hổi của đời sống thực tiễn của “ngày hôm nay” chỉ bằng những kinh nghiệm của “ngày hôm qua”.

Ở đây chúng ta lại tìm thấy ở Mác những chỉ dẫn quan trọng: “Tư tưởng cố gắng biến thành hiện thực, vẫn chưa đủ; bản thân thực tiễn cũng phải cố gắng hướng tới tư tưởng”(8).

Vận dụng tư tưởng của Mác và Ăng Ghen vào xây dựng giai cấp công nhân (Bài 1)Phong trào công nhân Anh biểu tình đưa hiến chương đến Quốc hội ở thế kỷ XIX. Ảnh: Tư liệu.

5. Các Nghị quyết Trung ương 4 (các khóa XI, XII, XIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng đã được toàn Đảng, toàn dân đồng tình. Nhưng đấu tranh phê phán với thái độ như thế nào cho có hiệu quả?

Ở đây, chúng ta cũng có thể tìm thấy những chỉ dẫn của Mác. Mác đã viết trong Lời nói đầu của cuốn “Góp phần phê phán triết học pháp quyền” của Hê-ghen như sau: “...Sự phê phán không chỉ là nhiệt tình của đầu óc mà là đầu óc của nhiệt tình. Sự phê phán không phải là con dao mổ mà là vũ khí...”.

6. Trước tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong Đảng trong đó có cả cán bộ cấp cao thì một mặt, cần phải phê phán triệt để, trừng trị nghiêm khắc, mặt khác cần phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và nêu gương.

Trước hết, tất cả mọi cán bộ, ai cũng phải biết tự giáo dục, tự rèn luyện mình. Buông thả, tự mãn, không thường xuyên tự giáo dục thì bất cứ ai dù đã có quá khứ oanh liệt cũng có thể tự đánh mất mình.

Về vấn đề này, người học trò lỗi lạc của Mác - Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã nói: “...Có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở... Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân... Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(9).

Thứ hai, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, nhất là cán bộ trung, cao cấp không những phải biết tự giáo dục, tự rèn luyện mình mà còn phải là một chiến sĩ tuyên truyền, một nhà giáo dục; không những chỉ là người đầy tớ thật trung thành mà còn phải là người lãnh đạo, người thầy dẫn dắt quần chúng và cấp dưới; phải noi gương tiền nhân: Thầm lặng mà suy nghĩ, tự vấn lương tâm, biết xấu hổ, học không biết chán, dạy không biết mỏi. Để dạy được người khác thì nhất thiết phải tu dưỡng đạo đức và nêu gương.

Và cần ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(10) (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1/1995, tr 284) và “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(11) và “… Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(12)

Để có những cái phẩm chất đó thì ngoài việc tự giáo dục, Đảng và Nhà nước cần có phương sách để bất cứ ai cũng nhận được sự giáo dục của tổ chức, của tập thể, đặc biệt là của nhân dân. Không thể để một số cán bộ, đảng viên chỉ biết “ban phát chân lý”, rao giảng cho người khác, còn mình thì đứng ngoài sự giáo dục của tổ chức đảng, của kỷ cương phép nước.

Ở đây nữa, C.Mác đã để lại cho chúng ta, cho muôn đời sau lời dạy bất hủ: “Các học thuyết duy vật chủ nghĩa coi sự thay đổi là do hoàn cảnh và giáo dục gây ra, đã quên rằng cần phải có những con người để làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”(13).

Mác không chỉ là “nhà tư tưởng của cái có thể” mà ông còn là “nhà tư tưởng của đời sống hiện thực”.

(Xem tiếp bài 2: MÁC NÓI VỀ SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA ĐẢNG CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN)

CHÚ THÍCH:

(1, 3, 6) Các Mác - Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 5, NXB Sự thật, H.,1983, tr.661, 666, 662.

(4) Các Mác - Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, H.1983, tr.555 – 565.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng (1930-1945) do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, H.1997, tr.196.

(7, 8, 13) Các Mác - Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, NXB Sự thật, H.1983, tr.27 và 255.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12 (xuất bản lần 2), NXBCTQG, H.2000, tr.557-558.

(10) ( Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập1/1995, tr 284

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập.6/ 1995, tr16)

(12). NXB CTQG, H.2000, tập 7, tr.517.

Bài viết: PGS.TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ảnh: Tư liệu

Đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh Đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh

Trong không khí sôi nổi của đoàn viên (ĐV), công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn tỉnh đang tích cực lao động, sản xuất, ...

Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao Chỉnh Đảng, tăng bản chất giai cấp công nhân, xây dựng đội ngũ công nhân chất lượng cao

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích ...

Vận dụng chỉ dẫn của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng Vận dụng chỉ dẫn của Tổng Bí thư Trần Phú trong công tác xây dựng Đảng

Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí Trần Phú luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và những vấn đề ...