e magazine
08/08/2021 18:14
Trải lòng của nữ công nhân thu gom rác về nỗi sợ bóng tối

08/08/2021 18:14

Khi bóng tối buông xuống, những con đường vắng người qua lại khiến chị Lê Thị Trâm cũng như bao người lao công khác càng e dè hơn, lo lắng hơn về những rủi ro, nguy hiểm.
Nữ công nhân gom rác và nỗi sợ hãi trong đêm giãn cách

Đối với những công nhân thu gom rác như chị Lê Thị Trâm, điều đáng ngại nhất không phải là xe chở rác nặng mà là nguy cơ, rủi ro khi bóng tối buông xuống, đường phố trở nên vắng vẻ, ít người qua lại.

“Tôi mong muốn các con của mình học giỏi để tìm được công việc an toàn, nhàn hạ và sạch sẽ hơn”, chị Lê Thị Trâm trầm ngâm nói với chúng tôi sau vụ cướp xe máy mà chị là nạn nhân.

Ở tuổi 39 tuổi, chị Trâm nhìn khắc khổ bởi những năm tháng vất vả lo toan. Làn da chị đen sạm. Những nếp nhăn hằn sâu nơi khóe mắt sau những năm tháng dãi dầu nắng gió, làm phụ hồ tại các công trình xây dựng khiến chị già hơn nhiều so với tuổi.

Cuộc sống của vợ chồng chị long đong, thiếu thốn đủ bề, "ráo mồ hôi hết tiền". Đến một ngày, anh chị nghĩ về sự ổn định, phải có việc làm, thu nhập và nơi ở ổn định. Họ rời quê (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) ra Hà Nội tìm việc làm. Nhờ người quen, chị Trâm được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco).

Từ tháng 3/2021 đến nay, chị làm việc tại Chi nhánh Urenco 7, thu gom rác trên tuyến đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đầu tháng 8 vừa qua, chị gặp cướp.

"Thấy nhóm thanh niên phóng nhanh trước mặt, tôi đã có ý đề phòng, liền chạy xe chậm lại. Ai ngờ, chỉ vài giây sau họ quay lại cướp xe. Tôi run rẩy chân tay, chỉ biết khóc và van xin nhóm cướp", chị Trâm nhớ lại.

nỗi vất vả của người thu gom rác

Trải lòng về những vất vả, rủi ro của công nhân vệ sinh môi trường, chị Lê Thị Trâm nói: “Để thành phố sạch, đẹp, công việc của công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi rất vất vả. Người lúc nào cũng bốc mùi do thường xuyên tiếp xúc với đủ thứ rác. Trời nắng, mồ hôi đổ ra như tắm nhưng vẫn chưa vất vả bằng những lúc làm việc dưới trời mưa. Lúc ấy xe chở rác thêm nặng, đường trơn, tối hơn và nhiều khi mưa táp vào mặt không nhìn rõ đường, người ướt đẫm. Những hôm mưa to gió lớn lại thêm nỗi lo cây đổ, sét đánh. Lúc nào trên xe chở rác của tôi cũng có chiếc áo mưa để phòng khi trời bất ngờ đổ mưa”.

Đêm nào cũng vậy, vừa làm việc, chị vừa thấp thỏm với những rủi ro. Chị được đồng nghiệp phổ biến kinh nghiệm, hễ thấy ánh sáng chiếu vào người là phải chú ý quan sát. Nghe tiếng xe rồ ga là phải dừng quét dọn, chạy lên vỉa hè. Công nhân vệ sinh môi trường rất sợ những lái xe say xỉn, phóng nhanh có thể đâm vào mình.

Nữ công nhân nhặt rác và nỗi sợ hãi trong đêm giãn cách

Chị Lê Thị Trâm và chiếc chìa khoá xe máy mới được tặng sau vụ cướp

Chị Trâm phụ trách thu gom rác ở đường Đại Mỗ. Những lúc đẩy xe rác, cả thân hình gầy gò của chị vươn về phía trước. Những ngón chân bám chặt vào mặt đường để dấn lên từng bước.

Khi chưa giãn cách xã hội, chị phải vừa làm vừa chú ý những chiếc xe phóng nhanh vượt ẩu trên đường. Bây giờ thì đỡ hơn bởi trời vừa chập tối, đường đã vắng vẻ. Nhất là sau 22 giờ, con đường càng thêm vắng lặng, người qua lại thưa thớt. Điều đó lại khiến chị cảm thấy lo lắng hơn, nhất là sau khi bị cướp xe.

“Chỉ mong sao có sức khỏe để tiếp tục công việc. Khi hoàn tất công việc trở về nhà được lành lặn tay chân. Những ngày qua, tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, công ty, công đoàn và đồng nghiệp. Điều đó khiến tôi vượt lên những khó khăn trong công việc để gắn bó với nghề", chị Lê Thị Trâm nói.

Nữ công nhân nhặt rác và nỗi sợ hãi trong đêm giãn cách

Công việc thu gom rác thầm lặng trong bóng tối. Ảnh: TTO

Sẽ tuyên truyền, phổ biến quy trình làm việc an toàn cho người lao động

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho biết, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có 4.800 công nhân lao động. Công ty đã trang bị bảo hộ lao động cho người lao động. Hằng năm, công ty đều tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Đơn vị cũng đã xây dựng các bước làm việc an toàn cho người lao động. Để phòng tránh tai nạn giao thông vào ban đêm, người lao động phải mặc áo có phản quang giúp người điều khiển phương tiện giao thông dễ phát hiện và chủ động tránh.

Đồng thời, công nhân lao động phải đặt chóp phản quang tại khu vực làm việc gần ngã ba, đường rẽ hoặc khu vực khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. Trong quá trình làm việc, các công nhân vẫn phải tập trung quan sát để tránh rủi ro. Tại một số địa điểm thường xảy ra tai nạn, công ty trang bị xe rác chuyên dụng để giảm thiểu tai nạn đối với người lao động.

Nữ công nhân nhặt rác và nỗi sợ hãi trong đêm giãn cách

Chị Lê Thị Trâm hạnh phúc với chiếc xe máy được mạnh thường quân ủng hộ

Đối với các lao động mới được tuyển dụng, công ty đã lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến quy trình làm việc an toàn. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty chưa tập huấn trực tiếp được mà tuyên truyền, động viên tư tưởng để công nhân đồng tình, chấp thuận.

Qua nắm bắt của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, người lao động gặp rủi ro trong quá trình làm việc ban đêm chủ yếu là tai nạn giao thông. Những sự cố như chị Lê Thị Trâm vừa qua là rất hi hữu.

Ngoài Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, còn nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia vào lĩnh vực này, mỗi doanh nghiệp có vài trăm lao động. Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai quy trình làm việc an toàn cho người lao động.

Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Nghệ An sống ở vùng dịch phía Nam Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Nghệ An sống ở vùng dịch phía Nam
Infographic: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới Infographic: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
Những con số buồn vui cuối tuần Những con số buồn vui cuối tuần
Ngừng việc hơn 1 tháng, nữ công nhân vẫn quyết tâm bám trụ TP HCM vì "chuyện bao đồng” Ngừng việc hơn 1 tháng, nữ công nhân vẫn quyết tâm bám trụ TP HCM vì "chuyện bao đồng”

Bài viết: Hà Vy

Xem phiên bản di động