"Thiếu việc làm, thu nhập giảm thực sự rất khó khăn nhưng an toàn cho mọi người là trên hết"

Hơn một tháng qua, tình hình dịch bệnh ở Nghệ An diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, việc làm của công nhân lao động. Công việc giảm, thu nhập thấp cùng với nỗi lo dịch bệnh vẫn đang đeo bám họ. Thế nhưng điều đáng mừng là họ luôn ý thức và tuân thủ nghiêm túc quy định về phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê, đến nay Nghệ An có 10 đoàn viên, người lao động mắc Covid-19; 342 đoàn viên, người lao động là F1; 1.632 đoàn viên, người lao động là F2. Toàn tỉnh có 42 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động; có 8.445 người lao động phải ngừng việc và 36 lao động bị mất việc làm. Dịch bệnh xuất hiện trong khu công nghiệp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của nhiều công nhân lao động.

Khu nhà trọ của ông Nguyễn Đăng Linh, ở đường Đặng Thai Mai, xã Hưng Đông, thành phố Vinh có 14 gia đình công nhân thuê trọ, họ làm việc tại KCN Bắc Vinh và KCN VSIP. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, một số công nhân không thể đi làm và một số người thiếu việc làm nên thu nhập giảm. Chia sẻ với khó khăn của công nhân, gia đình ông Linh đã giảm 200 nghìn tiền phòng trong tháng 6 cho mỗi hộ gia đình.

Ông Linh chia sẻ: “Công nhân lao động ở đây đều từ các huyện đến thuê trọ để làm việc trong KCN. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều khó khăn, vất vả như nhau. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, công nhân phải nghỉ việc ở nhà, nhìn các cháu lo lắng, suy nghĩ về tiền sinh hoạt, tiền học cho con, tiền gửi về quê hỗ trợ cha mẹ, tôi cũng rất thương”.

Dãy trọ nhà ông Linh những ngày này vắng lặng, bởi một số công nhân chưa có việc làm nên đóng cửa về quê, những công nhân khác thì tăng ca khi công ty làm việc trở lại.

Chị Hà Thị Chinh nghỉ làm gần một tháng nay

"Thiếu việc làm, thu nhập giảm thực sự rất khó khăn nhưng an toàn cho mọi người là trên hết"

Vợ chồng chị Hà Thị Chinh thuê trọ ở nhà ông Linh gần 6 tháng qua. Hai vợ chồng chị Chinh là người dân tộc Thái ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Sau khi cưới nhau, anh chị quyết định xuống Vinh để tìm việc làm, ổn định cuộc sống và có thêm chút tiền phụ giúp gia đình nội, ngoại ở quê.

Thế nhưng, đi làm chưa được 2 tháng thì dịch bệnh bùng phát khiến ngày công của chị Chinh ít đi, chồng chị làm bảo vệ có thu nhập ổn định hơn nhưng cũng chỉ được 5 triệu đồng mỗi tháng. Thời gian này, chị còn gặp phải chuyện buồn khi bị sảy thai trong lúc đang làm việc ở công ty, rồi hai vợ chồng phải nghỉ làm nhiều ngày.

Chị Chinh nói: “Chúng tôi chỉ mong muốn tập trung làm việc để có thu nhập lo cho gia đình. Nhưng công nhân đi làm không tích cóp được bao nhiêu nên khi xảy ra những biến cố thì không biết phải xoay xở thế nào. Trước đó, mỗi ngày chúng tôi quen thuộc với công việc ở nhà máy nên khi phải ở nhà nhiều ngày cũng rất tù túng và lo lắng”.

Ở kế bên phòng của gia đình chị Chinh là gia đình anh Phạm Văn Bảo, cũng là một gia đình công nhân lao động khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.

Trước tháng 6, anh Bảo làm phụ hồ, dù thời tiết nắng nóng nhưng anh vẫn đi làm đều đặn 20-23 ngày công mỗi tháng, thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Hơn 1 tháng qua, thực hiện giãn cách xã hội, anh phải ở nhà, toàn bộ chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào số tiền lương ít ỏi của vợ ở công ty may mặc.

"Thiếu việc làm, thu nhập giảm thực sự rất khó khăn nhưng an toàn cho mọi người là trên hết"

Anh Phạm Văn Bảo mong đợi từng ngày được đi làm trở lại

Anh Bảo chia sẻ: “Chúng tôi đi làm, nhẩm tính tiền công từng ngày, nhận được tháng lương nào là mừng tháng đó. Hằng tháng, vợ chồng tôi tiết kiệm hết sức cũng tích góp được khoảng 2 triệu đồng. Nhưng khi ở quê có công chuyện, cũng phải đưa ra dùng và những ngày sau đó lại phải lo tiếp tục tích cóp. Tôi mong nhanh chóng hết dịch bệnh để được đi làm”.

Tại khu nhà trọ của ông Lương Đình Vĩnh, ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc có gần 30 công nhân lao động đang làm việc tại KCN Nam Cấm. Thời gian qua, thấy công nhân gặp khó khăn do dịch bệnh, gia đình ông Vĩnh đã cho họ chậm nộp tiền phòng và tính tiền phòng theo số ngày thực tế ở trong tháng.

Căn phòng trọ 10m2 là nơi ở của vợ chồng anh Vi Văn Thứ. Vợ chồng anh là người dân tộc Thái, từ huyện miền núi Con Cuông đưa nhau xuống KCN Nam Cấm làm việc.

Chị Khánh, vợ anh Thái chia sẻ: “Một tháng nay, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên số lượng hàng sản xuất tại công ty bị giảm, do đó thu nhập của mình cũng bị giảm. Chồng mình làm việc ở một công ty chuyên sản xuất nhựa, cũng không có đủ việc để làm nên thu nhập của hai vợ chồng rất bấp bênh. Thời điểm này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày nào ít việc làm thì hai vợ chồng về phòng trọ sớm, tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh. Thiếu việc làm, thu nhập giảm thực sự rất khó khăn nhưng an toàn cho bản thân và mọi người là trên hết. Vợ chồng mình động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn này”.

"Thiếu việc làm, thu nhập giảm thực sự rất khó khăn nhưng an toàn là trên hết"Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng công nhân lao động luôn động viên và hỗ trợ lẫn nhau.

Ông Lương Đình Vĩnh, chủ nhà trọ chia sẻ: "Từ tháng 5 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và tâm lý của công nhân lao động. LĐLĐ tỉnh và Công đoàn KKT Đông Nam đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho công nhân lao động tại khu nhà trọ. Công đoàn KKT Đông Nam cũng thường xuyên dặn dò tôi động viên công nhân lao động, nhắc nhở các cháu thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch bệnh. Hằng ngày, tôi cũng quan tâm, trò chuyện và dặn dò các cháu không hoang mang trước dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe và chờ đợi khi tình hình ổn định trở lại thì chăm chỉ làm việc để đảm bảo cuộc sống".

"Thiếu việc làm, thu nhập giảm thực sự rất khó khăn nhưng an toàn cho mọi người là trên hết"

Đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh Nghệ An và Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An đến nhà trọ thăm hỏi, động viên công nhân lao động

Cậu bé Sùng Mí Dìa và hành trình đi tìm ánh sángCậu bé Sùng Mí Dìa và hành trình đi tìm ánh sáng

“Chữ này là chữ gì?”, cô điều dưỡng hỏi. Nhoẻn miệng cười, Sùng Mí Dìa (SN 2015), cậu bé quê ở Hà Giang có vóc ...

Nữ công nhân F1 có 6 người nhà F0: “Đến bây giờ, nhà tôi vẫn nhìn nhau từ xa” Nữ công nhân F1 có 6 người nhà F0: “Đến bây giờ, nhà tôi vẫn nhìn nhau từ xa”

Ngay sau khi ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam bùng phát, chị Nguyễn Thị Nguyệt (khi đó là công nhân thuộc diện ...