Trong khi thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân chưa cao thì ngoài phải chịu điều kiện làm việc khắc nghiệt, các anh chị lao công còn gặp áp lực trước khối lượng công việc lớn. Thậm chí, các chị phải đối mặt với nhiều tai nạn nghề nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, chia sẻ: "Một số cá nhân, gia đình ý thức chưa cao, chúng tôi vừa dọn sạch xong, đi khỏi chút là họ lại bỏ rác ra. Quy định có rồi nhưng một số người dân vẫn đổ rác không có giờ giấc rõ ràng, mà xe thùng đựng rác để đây họ cũng không cho vào tử tế, cứ từ xa quăng các túi rác vào thôi, rồi rơi xuống và tung tóe ra đường…".
Xe rác được đưa ra điểm tập kết để chuyển lên xe tải.
|
Theo chị Trần Thị Yên, việc làm ban đêm ẩn chứa nhiều tai họa, rủi ro rình rập từ những xe cộ qua lại trên các tuyến đường, rồi hiểm họa giao thông từ những người chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường hay các thanh niên sau mỗi trận nhậu say…
Rác thải được đẩy ra chuẩn bị cho lên xe tải chuyên dụng.
|
“Công việc này tuy vất vả, mệt nhọc và nguy hiểm rình rập nhưng được góp sức làm xanh, sạch, đẹp cho thành phố, đó là niềm vui…” - đôi mắt ánh lên niềm tự hào, chị Yên nói.
Mỗi ngày, công nhân môi trường phải tiếp xúc với rất nhiều loại rác thải.
Anh Phạm Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: "Chúng tôi thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để có những hoạt động thiết thực, hiệu quả với người lao động. Bên cạnh những hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, Công đoàn Công ty còn tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; thường xuyên thăm hỏi, kịp thời động viên CNVCLĐ ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo hoặc CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ yên tâm công tác".
|
Xe chuyên dụng chở toàn bộ rác của khu vực, chuyển vào nhà máy xử lý. Ngày làm việc của công nhân kết thúc là lúc thành phố chuyển sang ngày mới.
|
|