e magazine
16/06/2022 09:42
Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

16/06/2022 09:42

Số hóa dữ liệu trong lĩnh vực lao động, việc làm hay cụ thể là xây dựng sổ việc làm điện tử mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất là một chủ trương hết sức thiết thực trong thời đại công nghệ. Tuy nhiên, để thực hiện, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và tư duy phải đặt lên trên công nghệ.
Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Số hóa dữ liệu trong lĩnh vực lao động, việc làm hay cụ thể là xây dựng sổ việc làm điện tử mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất là một chủ trương thiết thực trong thời đại công nghệ. Tuy nhiên, để thực hiện, chúng ta cần có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và tư duy phải đặt lên trên công nghệ.

Ba yêu cầu của số hóa dữ liệu trong một lĩnh vực: đồng bộ, an toàn và dễ sử dụng. Yêu cầu đầu thuộc về ý tưởng, chính sách, hai yêu cầu sau thuộc về thao tác xây dựng và bảo trì hệ thống.

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Thời gian qua Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động việc làm và Bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH Việt Nam

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Có một thực tế là trong các khóa học về công nghệ trình độ cao và chuyên nghiệp, tri thức chính yếu không nằm ở các thao tác về một công nghệ cụ thể hay kích thích khả năng sáng tạo mà là ở phương pháp tư duy về công nghệ. Bởi vì, mọi công nghệ đều sẽ trở nên lỗi thời sau một thời gian nhất định. Cũng tương tự, để thực hiện ý tưởng số hóa dữ liệu trong lĩnh vực lao động, việc làm, điều kiện tiên quyết không phải là các khía cạnh hiện đại hóa bằng công nghệ mà là bước đệm về tư duy.

Đa số các chương trình số hóa chưa thành công hoặc thất bại đều do không xác định rõ bước đệm này. Tình trạng phổ biến hiện nay là, một tổ chức muốn thực hiện số hóa thì mua một phần mềm và xem nó là cứu cánh cho mọi vấn đề của ý tưởng, sau khi ứng dụng và mọi thứ bị xáo trộn: nhân viên vẫn theo lối tư duy và cách làm việc cũ, khách hàng vẫn buộc phải theo thói quen cũ. Dữ liệu được cập nhật trong phần mềm chỉ là để đối phó. Hiệu quả vẫn như cũ, công việc thì gấp đôi nhưng chúng ta tuyên bố là đã số hóa thành công.

Vấn đề hàng đầu của chương trình số hóa trong lĩnh vực lao động, việc làm là gì? Có phải là lưu trữ quá trình làm việc, trình độ, sự dịch chuyển của tất cả lao động trong thị trường, QR Code, kết nối dữ liệu, … như chúng ta đã đặt ra khi đề cập đến ý tưởng xây dựng sổ việc làm điện tử? Câu trả lời ở đây là không. Vì, đó chỉ là những thao tác mà các phần mềm, kỹ sư công nghệ đều có thể thực hiện được và đó chỉ là công việc hiển nhiên để hiện thực hóa ý tưởng. Có phải cần có công nghệ đình đám mới thành công trong số hóa. Câu trả lời cũng là không. Số hóa ở đây không phải là chúng ta sẽ dùng công nghệ gì mà là tối ưu hóa công nghệ đó trong liên đới với các yếu tố của nền tảng và với các chủ thể như thế nào.

Trong sáng tạo sản phẩm, giới chuyên môn làm ra công nghệ cần có khả năng thay đổi và bắt nhịp nhanh. Còn trong việc thực hiện một chủ trương số hóa dữ liệu hành chính thì tư duy đồng bộ là yêu cầu tiên quyết.

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Những thành công trong chương trình số hóa hành chính lĩnh vực lao động, việc làm ở Vương quốc Bỉ đã mang lại nhiều tiện lợi cho lao động. Ảnh: rtbf.be

Cần xác định một cách rõ ràng rằng: số hóa dữ liệu lĩnh vực lao động, việc làm chỉ là một nhánh của chủ trương “Chính phủ số”. Mọi nhánh đều thực hiện dựa trên nền tảng hoàn chỉnh “trái tim Chính phủ số” về dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi cho rằng: sổ việc làm điện tử kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư thì cần thống nhất ngay từ bước đầu là không phải kết nối dữ liệu theo dạng hai nền tảng song song, ngang bằng hoặc là chúng ta chỉ khai thác thông tin của dữ liệu dân cư mà sổ việc làm điện tử sử dụng dữ liệu dân cư như là điều kiện tiên quyết để số hóa lĩnh vực của mình.

Thoạt tiên, chúng ta thấy đây chỉ là một ý kiến khá đại khái. Nhưng đây là điều tối quan trọng vì lẽ sẽ tránh được tình trạng chồng chéo và không ăn nhập của một loạt các thao tác về sau. Hãy hình dung một cách đơn giản: dữ liệu quốc gia về dân cư giống như một bộ khung đã được “số hóa”, và muốn “số hóa” nhu cầu nào của chủ thể thì chúng ta bắt đầu từ “chủ thể số hóa” đó để hiện thực hóa các “nhánh nhu cầu”.

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Mảng quan trọng nhất của việc thực hiện các dữ liệu hành chính trong lĩnh vực lao động, việc làm là Bảo hiểm xã hội. Thực tế, các quyết sách về an sinh xã hội trước hết liên quan đến mảng này. Trong các chương trình số hóa, các nước trên thế giới cũng dành nhiều công sức cho các giải pháp hành chính về: mức hưởng lương hưu, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn lao động.

Một nước có bộ khung dữ liệu khá ổn định và vận hành tốt, thực hiện chương trình số hóa từ rất sớm như Cộng hòa Pháp mà vẫn đã từng bị “vỡ trận” vì không nắm vững được nguyên tắc: thay vì theo trình tự “thực hiện nhiều chủ trương bằng một thao tác” thì lại làm ngược lại “thực hiện nhiều thao tác cho một chủ trương”.

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Bà Sandrine Godefroy, Giám đốc Chương trình Môi trường làm việc của Công nghệ số (Directrice du programme interministériel Environnement de Travail Numérique de l’Agent (ETNA) - Cộng hòa Pháp đang trả lời phỏng vấn tại Hội thảo Công nghệ số năm 2019. Ảnh: obsdesrse.com

Tiêu biểu như vào năm 2009, Chính phủ Pháp đã buộc phải tiến hành một kế hoạch hành động khẩn cấp để đối phó với tình trạng người bị mất việc gia tăng: giao hồ sơ của 320.000 người tìm việc thuộc cơ quan Pôle Emploi (Trung tâm lao động) đang bị quá tải cho những tổ chức tư nhân xử lý. Lúc đó, Trung tâm lao động có 45.000 nhân viên thực hiện hai nhiệm vụ: đón tiếp thêm mỗi tháng 100.000 người đi tìm việc làm và giúp cho họ lập hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, tìm việc làm mới hay tìm một khoá đào tạo chuyên môn. Xét ra, đây là một sự việc hết sức bình thường.

Dù trong bối cảnh đó, Nhà nước rất phân vân về tính nghiêm túc của các nhà thầu và phải đưa ra tiêu chuẩn để kiểm soát. Và vì chúng ta biết rằng, không phải chủ trương, giải pháp nào cũng “trơn ngọt bọt lành”. Tuy nhiên, lấy mốc thời gian 2009, tra lại lịch sử theo hai cách sau thì sẽ thấy:

(1) “Nhìn lui”: đầu năm 2009, Pôle Emploi được thành lập qua việc sáp nhập 2 cơ quan: ANPE (Agence Nationale pour l'Emploi - Trung tâm Quốc gia về Lao động), đặc trách tìm việc làm cho người thất nghiệp và ASSEDIC (Association pour l'Emploi dans l'Industrie et le Commerce - Hiệp hội Lao động Công nghiệp và Thương mại), đặc trách việc cấp trợ cấp thất nghiệp.

Trước đó, ANPE và ASSEDIC hình thành và phát triển độc lập, đều sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư. Sáp nhập dữ liệu các tổ chức đã có là tất yếu và bắt buộc trong số hoá đồng bộ nhưng đó là cách làm tốn kém vì chúng ta đã làm riêng lẻ và nay lại buộc phải cải tổ để sáp nhập. Đó là chưa nói đến những sự cố có thể xảy ra sau sáp nhập.

(2) “Nhìn tới”: FranceConnect - Cổng phục vụ thủ tục hành chính từ xa ra đời để đồng bộ và đơn giản hóa các bước hành chính được Direction Interministérielle du Numérique et du Système d’Information et de Communication (DINSIC - Tổ chức liên Bộ trưởng về Công nghệ số và Hệ thống thông tin và Truyền thông) thành lập.

Tổ chức liên Bộ này có ưu điểm: trách nhiệm đồng bộ của các ngành sẽ tạo ra tính đồng bộ cho dữ liệu, quá trình số hóa. Nhiều quốc gia bổ nhiệm một “bộ trưởng số hóa”, hậu quả là các bộ trưởng khác cho rằng số hóa thuộc về trách nhiệm của “bộ trưởng số hóa”. Một số quốc gia bổ nhiệm “giám đốc dự án”, hậu quả là dự án khó tương tác với các ngành vì tâm lý e ngại sự xáo trộn của việc thực hiện số hóa trong thiết chế của họ.

FranceConnect là một hệ thống đồng nhất và chính thức để người dân sử dụng các nền tảng hành chính số khác nhau. Hệ thống này bảo đảm an toàn và bảo mật cho các thông tin cá nhân của người dân. Dù việc dùng hay không các dịch vụ số hóa này đối với công dân Pháp mang tính tự nguyện, tùy chọn, nhưng cho đến nay, với hơn 1000 thủ tục số hóa, FranceConnect đã có 38.622.774 người sử dụng. Các dịch vụ công mà người dân ưa thích do chính phủ cung cấp là bằng chứng sống động cho việc số hóa thành công. Nếu không muốn lập tài khoản mới, một tài khoản của một nhánh dịch vụ bất kỳ nào của người dân mà họ đã có trước đó có thể trở thành tài khoản chính khi sử dụng FranceConnect. Bài học ở đây là nên có cách làm tối ưu: thực hiện chia nhánh số hoá sau khi đồng bộ dữ liệu.

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Các nhánh tiện ích đồng bộ trong nền tảng số của FranceConnect. Ảnh: latribune.fr

Vậy, đối với chúng ta, việc xây dựng sổ việc làm điện tử sẽ bắt đầu từ đâu?

Nếu muốn thực hiện ngay và để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, nghĩa là sự thiếu nhất quán giữa các “nhánh nhu cầu” gây phiền hà và bất tiện khi sử dụng, chúng ta có thể tích hợp với ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đã có Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội và nền tảng VssID. Sổ việc làm điện tử đi từ VssID sẽ có những lợi ích như sau:

(1) Tận dụng dữ liệu về người lao động đã có, mở rộng không gian để cập nhật về lao động, việc làm cho mỗi cá nhân là cách làm thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí. Vì thực ra, quá trình làm việc của người lao động đều được thể hiện rõ ở quá trình tham gia bảo hiểm.

(2) Chúng ta đang khuyến khích lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội. Cách làm này như là một hình thức tuyên truyền hiệu quả.

(3) Nếu chưa thực hiện được một cách đồng bộ “nhiều chủ trương bằng một thao tác” thì việc vừa hoàn thiện VssID vừa tích hợp sổ việc làm điện tử là phương án “nhất cử lưỡng tiện”, phần nào đi theo trình tự này. Bởi vì, cho đến nay, VssID vẫn chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu các nơi làm việc cũ của người lao động và nếu muốn thì người dân buộc phải trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục bổ sung thông tin với sổ Bảo hiểm xã hội bằng giấy.

Có thể kết hợp với một số nhánh dịch vụ đã có sẵn dữ liệu ban đầu cùng tiến hành như ngành thuế hoặc lĩnh vực ưu tiên như sức khỏe, y tế. Song song với cách làm này, để hoàn thành chủ trương xây dựng sổ việc làm điện tử, chúng ta có thể đi từ doanh nghiệp, người sử dụng lao động và giao cho doanh nghiệp ngay từ ban đầu. Tuy chúng ta có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng đây là một cách làm tiện lợi.

Cách làm thứ hai là tích hợp với cổng hành chính quốc gia trong đó chứa đựng nhiều nền tảng khác nhau nhưng đồng bộ dạng như FranceConnect. Chỉ với một tài khoản duy nhất, người dân có thể dùng toàn bộ các thủ tục, thông tin cần thiết liên quan đến các nhu cầu: lao động, việc làm, bảo hiểm, sức khỏe, thuế thu nhập, đăng ký phương tiện giao thông,…Yêu cầu đơn giản và dễ sử dụng trở thành điều kiện tiên quyết trong trường hợp này - yếu tố mà chúng ta chưa làm được.

Hiện nay, chúng ta đã có Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhưng ngay ở bước đăng ký tài khoản, chúng ta đã thấy sự bất tiện của tình trạng thiếu đồng bộ. Nếu một thông tin nào đó của chứng minh nhân dân cũ mà bạn đã đăng ký với nhà mạng không khớp với dữ liệu khi làm căn cước công dân thì một thông báo hiển thị như “Thông tin đăng ký không khớp với thông tin thuê bao tại nhà mạng” hoặc những tình huống tương tự sẽ khiến người dùng bỏ cuộc hoặc trì hoãn. Huống gì một người dùng phải lập nhiều tài khoản, mỗi tài khoản một dịch vụ. Đó là chưa nói đến những người không thành thạo các thao tác.

Sổ việc làm điện tử: tư duy và công nghệ

Lễ ra mắt DINSIC - Tổ chức liên Bộ trưởng về Công nghệ số và Hệ thống thông tin và Truyền thông, từ năm 2020 gọi là DINUM - La Direction Interministérielle du numérique - Tổ chức liên Bộ về Công nghệ số.

Còn nhớ, nhiều năm trước đây, Google phải thay đổi cách làm: họ không còn yêu cầu mật khẩu Gmail thường xuyên nữa. Vì qua quan sát, các kỹ sư công nghệ thấy sau mỗi lần như vậy có một số lượng lớn khách hàng đã “một đi không trở lại”. Thay vào đó là các phương án an toàn bảo vệ người dùng mà bên cung cấp dịch vụ phải tính toán. Còn nhớ, trong hai năm đối mặt với đại dịch Covid-19, chúng ta có nhiều ứng dụng chống dịch, tiêm chủng và chúng ta đã rút ra được nhiều bài học quý khi triển khai trong thực tế. Đây cũng là một lưu ý cần thiết cho việc xây dựng sổ việc làm điện tử: sự tiện lợi phải được bảo đảm cho người dùng và tính an toàn thuộc về trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ.

Dẫu biết rằng, kể cả sống ở thung lũng Silicon - trung tâm về công nghệ thông tin của thế giới với những Google, Apple, Facebook, … thì chúng ta vẫn có thể phải đến xếp hàng trực tiếp để làm một thủ tục hành chính nào đó. Nhưng, một khi đã có sổ việc làm điện tử mà người lao động vẫn phải đến trực tiếp để trình xuất bản chính hoặc bản sao có chứng thực của quyết định thôi việc/quyết định sa thải khi họ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hay như một khi chúng ta đã có căn cước công dân gắn chip điện tử mà vẫn phải đi xin giấy của cơ quan công an xác định 2 số chứng mình nhân dân cũ và mới là của một người thì tư duy đồng bộ trở thành điều kiện tiên quyết cho mọi quá trình số hóa.

Nhiệm vụ của nhà hoạch định chủ trương, chính sách số hóa không nằm ở tính toán mức độ hiện đại của công nghệ mà là ở tư duy: làm sao để tối ưu hóa công nghệ trong liên đới với các yếu tố của nền tảng và với các chủ thể.

QUỐC THẮNG

Bảo hiểm hưu trí: Một số bài học kinh nghiệm từ Singapore Bảo hiểm hưu trí: Một số bài học kinh nghiệm từ Singapore

Trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH), bảo hiểm hưu trí (BHHT) được đánh giá có vị trí đặc biệt quan trọng và giữ ...

Quyền lợi bảo hiểm cho người lao động: Một số kiến nghị từ thực trạng báo động Quyền lợi bảo hiểm cho người lao động: Một số kiến nghị từ thực trạng báo động

Tình trạng trốn đóng, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho NLĐ của các ...

Chấn chỉnh việc mượn hồ sơ người khác để tham gia Bảo hiểm xã hội Chấn chỉnh việc mượn hồ sơ người khác để tham gia Bảo hiểm xã hội

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra kịp thời chấn chỉnh, xử ...

Xem phiên bản di động