e magazine
25/03/2021 09:30
Phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

25/03/2021 09:30

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 3 vào cuối tháng 01/2021 tại Công ty TNHH điện tử POUYOU (TP. Chí Linh - Hải Dương), trên 350 người nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0) và 2.300 người trở thành F1. Thực trạng này, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc:

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 3 vào cuối tháng 01/2021 tại Công ty TNHH Điện tử POYUN (TP. Chí Linh - Hải Dương) khiến trên 350 người nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0) và 2.300 người trở thành F1. Điều đó cho thấy rằng, nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Khi dịch Covid-19 bùng phát lần 3, Công ty TNHH Điện tử POYUN có hàng trăm công nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: Viettimes.vn

Để kịp thời nhắc nhở, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong công nhân lao động, kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch tại nơi làm việc, ngày 03/02/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn số 1612/TLĐ yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 tại doanh nghiệp. Các công đoàn cơ sở phải phối hợp với người sử dụng lao động đề cao cảnh giác, không chủ quan lơ là, bám sát tình hình công nhân lao động để chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ngành ứng phó với “làn sóng mới” lây nhiễm nhanh, dập dịch triệt để trong thời gian sớm nhất.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động người lao động ủng hộ, chủ động tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc, cách ly tập trung hoặc tại nhà theo yêu cầu của cơ quan chức năng và đặc biệt thường xuyên có ý thức tuân thủ nguyên tắc “5K” (gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) trong sinh hoạt cộng đồng và tại nơi làm việc.

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế góp phần quan trọng trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: tinhte.vn

Do thời điểm bùng phát dịch cận kề ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn thay đổi phương thức tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Ở những nơi phải dừng việc tổ chức các hoạt động như: Tết Sum vầy, Chuyến xe Xuân nghĩa tình, Tấm vé nghĩa tình, Phiên chợ công nhân…, các tổ chức Công đoàn cần có hình thức phù hợp để chăm lo cho người lao động sao cho kịp thời và đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công đoàn các cấp chủ động tuyên truyền, vận động, kêu gọi công nhân, viên chức, lao động cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết, nhất là đối với những địa bàn nơi đi hoặc nơi đến đang có người nhiễm virus SARS-CoV-2, nên lựa chọn phương án ở lại đón Tết tại địa phương, hạn chế di chuyển để góp phần cùng cả nước kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe và việc làm bền vững, lâu dài. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức thăm hỏi, đồng hành, chia sẻ, tổ chức Tết cho người lao động di cư ở lại ăn Tết tại cơ quan, địa phương. Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và người sử dụng lao động để tạo nguồn lực, điều kiện chăm lo Tết cho người lao động theo phương châm “không để người lao động nào không có Tết”.

Các cơ quan báo chí trong hệ thống Công đoàn tiếp tục tuyên truyền cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, địa phương, ngành và Tổng LĐLĐ Việt Nam để người lao động thực hiện, tránh tình trạng người lao động hoang mang, đưa tin không chính xác trên trang mạng xã hội. Vận động đoàn viên, người lao động nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Tăng cường vận động người lao động nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Ảnh: Báo Long An

Ngay sau Tết Nguyên đán, từ ngày 01/3/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cử cán bộ tham gia Đoàn công tác liên ngành do Bộ Y tế chủ trì để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh và Thái Nguyên.

Thông qua hoạt động kiểm tra giám sát, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kịp thời phát hiện khá nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch tại nơi làm việc như: Một số doanh nghiệp chưa thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc hoặc đã thành lập nhưng thiếu thành phần là cán bộ y tế và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở. Một số doanh nghiệp chưa nắm rõ hoặc chưa phổ biến công khai số điện thoại liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, y tế dự phòng hoặc đường dây nóng theo quy định. Có doanh nghiệp chưa phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 còn khá hình thức, chưa căn cứ vào kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 tại doanh nghiệp hoặc xây dựng theo các tiêu chuẩn của công ty mẹ, của tập đoàn ở nước ngoài mà không theo đúng quy định của Việt Nam. Việc bố trí phòng cách ly tạm thời chưa đảm bảo an toàn phòng dịch, chưa phân luồng bệnh nhân trước khi vào phòng y tế doanh nghiệp. Một số dung dịch rửa tay sát khuẩn chưa đảm bảo nhãn mác và nồng độ theo quy định. Chưa ban hành các quy định về phòng, chống dịch tại nơi làm việc và chế tài xử lý vi phạm khi có người không tuân thủ…

Trước tình hình trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG. Đặc biệt, Đoàn kiểm tra nhấn mạnh yêu cầu bổ sung đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trong thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Bởi cán bộ công đoàn cơ sở có vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cho công nhân lao động, thường xuyên nhắc nhở người lao động phải đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, không tập trung đông người...

Đồng thời, tổ chức Công đoàn còn có trách nhiệm phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy định phòng, chống dịch tại doanh nghiệp. Phản ánh các kiến nghị của đoàn viên, người lao động, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phương án phòng, chống dịch của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, giảm nguy cơ và ứng phó để đảm bảo sản xuất an toàn trong mùa dịch.

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo sản xuất an toàn trong mùa dịch. Ảnh: thanhnien.vn

Trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm chắc dư luận trong công nhân lao động; trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (nghỉ việc, mất việc, thiếu việc làm…) kịp đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động. Chủ động tham gia với người sử dụng lao động có phương án đảm bảo sản xuất trong mùa dịch. Tham gia xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh để bảo đảm việc làm cho người lao động. Đồng hành cùng đơn vị, doanh nghiệp động viên công nhân lao động thi đua lao động sản xuất để giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra với mục tiêu “Chủ động ứng phó để vượt qua đại dịch Covid-19 thành công”.

Bài viết: ThS. Hồ Thị Kim Ngân

Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam

Những đứa trẻ ‘rơi tự do’ Những đứa trẻ ‘rơi tự do’

Vụ việc 2 nữ sinh ở TP HCM rơi từ tầng cao chung cư rồi tử vong đang khiến dư luận xôn xao. Đáng nói, ...

Nghệ An trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh dự án Khu công nghiệp WHA Nghệ An trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh dự án Khu công nghiệp WHA

Dự án KCN WHA Industrial Zone 1 Nghệ An là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An với diện tích quy ...

Phát động "Trai xinh - Gái đẹp các khu công nghiệp" tuần 6 trong năm 2021 Phát động "Trai xinh - Gái đẹp các khu công nghiệp" tuần 6 trong năm 2021

Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn tiếp tục phát động cuộc thi ảnh "Trai xinh - Gái đẹp các khu công nghiệp" tuần ...

Xem phiên bản di động