|
Nữ công nhân tình nguyện vào tâm dịch: “Chưa bao giờ xa gia đình lâu thế” |
Hơn 1 tháng tham gia tình nguyện ở tâm dịch Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), gần 2 tuần “3 tại chỗ” tại công ty, chị Hoàng Thị Thuấn (38 tuổi, công nhân Công ty TNHH Tokai Trim, KCN Đình Trám) chia sẻ, gia đình luôn là động lực để chị cố gắng mỗi ngày. Chị tâm sự bản thân chưa bao giờ xa gia đình nhỏ của mình lâu đến thế. |
Ngay sau khi phải tạm ngừng việc ở nhà máy vào ngày 13/5, chị Hoàng Thị Thuấn (38 tuổi, công nhân Công ty TNHH Tokai Trim, KCN Đình Trám, Việt Yên, Bắc Giang) đã tình nguyện vào tâm dịch. “Lúc đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch, tôi giấu gia đình rồi sau đó mới “khai thật”. Những ngày đầu, chồng không đồng ý cho tôi làm tình nguyện vì lo ngại dịch bệnh ở thôn Vân Cốc 4, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, nơi có nhiều xóm trọ công nhân và nguy cơ lây nhiễm cao. Thậm chí có đôi lần chúng tôi cãi nhau. Thế nhưng sau đó anh vẫn âm thầm ủng hộ và thay tôi chăm sóc 2 đứa nhỏ trong hơn một tháng qua”, chị Thuấn chia sẻ. Công việc tình nguyện tưởng nhẹ nhàng nhưng hóa ra lại không hề đơn giản chút nào. Chỉ khi bắt đầu nhập cuộc, chị Thuấn mới thấm thía hết điều đó. Công việc bắt đầu từ 7h sáng và có khi kéo dài tới tận khuya. “Vì làm tình nguyện trong tình hình dịch mà, Việt Yên lại là tâm dịch, nên cứ hễ nơi nào cần hỗ trợ là chúng tôi có mặt thôi”, chị Thuấn cho biết. |
Chị Thuấn và các tình nguyện viên hỗ trợ tặng sữa và bỉm cho gia đình công nhân có con dưới 12 tháng tuổi ở thôn Vân Cốc 4. Ảnh: NVCC |
Chị Thuấn gia nhập đội tình nguyện viên của thôn Vân Cốc 4, nơi tập hợp hơn 30 người là phụ nữ cư trú ở thôn Vân Cốc 4. Các chị em làm nhiều ngành nghề khác nhau, có người làm công việc tự do, người làm giáo viên và có không ít những nữ công nhân như chị. Tất cả tập hợp lại ngay khi dịch ở Việt Yên đang trong giai đoạn “nóng bỏng” nhất. Dịch bệnh tấn công và lan rộng khiến nhiều người dân là phần lớn công nhân lao động ngoại tỉnh đang ở trọ buộc phải ngừng việc, thực hiện cách ly ngay tại phòng trọ khiến đời sống vật chất và tinh thần trở nên khó khăn. |
Đội tình nguyện viên ở thôn Vân Cốc 4 bắt đầu hoạt động từ ngày 13/5. Ảnh: NVCC |
“Tôi cũng xuất phát là công nhân và gắn bó với công việc này đã được 10 năm rồi. Chính vì vậy, tôi rất thấu hiểu cho những khó khăn, vất vả mà anh chị em gặp phải. Thú thực, cùng cảnh phải ngưng việc cả tháng trời, nhưng chí ít mình còn may mắn hơn họ vì không phải thuê trọ, có gia đình hỗ trợ hằng ngày. Tôi mong có thể đóng góp một chút sức mình để vơi đi phần nào khó khăn của anh chị em công nhân, chung tay cùng chống dịch”, chị Thuấn bộc bạch. Khi được hỏi “tham gia vào đội tình nguyện của thôn để vào tâm dịch hỗ trợ, chị có hình dung hết những việc mình làm không?”, chị Thuấn trả lời: “Lúc bấy giờ chẳng suy nghĩ thiệt hơn gì cả, làm được gì sẽ cố hết sức thôi”. |
Là bà mẹ có 2 con, chị Thuấn cùng đồng đội vui mừng vì giúp đỡ được nhiều bà mẹ trong tâm dịch. Ảnh: NVCC
Tập trung từ 7 giờ sáng mỗi ngày để họp, nghe phổ biến về tình hình dịch bệnh, những nơi cần hỗ trợ, thông báo về tình hình tiếp nhận của “Siêu thị 0 đồng”, quà hỗ trợ của các mạnh thường quân... các chị em trong đội tình nguyện từ đó chia nhau ra để cân đo đong đếm, ghi chép và phân phối lại nhu yếu phẩm cho từng công nhân, xóm trọ trên địa bàn thôn Vân Cốc 4. Một nhóm nhỏ khác lại tiến hành công tác thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe từng hộ gia đình, xóm trọ... với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Khó khăn có không? Có chứ! Chị Thuấn chia sẻ: “Nắng nóng có lẽ là chướng ngại vật lớn nhất đối với tôi và các chị em trong đội suốt hơn 1 tháng làm tình nguyện. Có hôm đỉnh điểm lên tới 40 độ C, trong khi phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi tuôn ra như tắm, khó chịu và mệt lả người đi, nhưng các chị em đều động viên nhau để cùng vượt qua. Hơn 30 chị em mà không ai bỏ cuộc hay vắng mặt hôm nào cả”. |
Nắng nóng lên tới 40 độ không làm vơi bớt tinh thần chiến đấu của đội tình nguyện ở thôn Vân Cốc 4. Ảnh: NVCC
Theo chị Thuấn, khó khăn thứ hai là “bài toán” về hỗ trợ cho các công nhân, hộ gia đình trên địa bàn. Làm sao để cân bằng, phân chia đồng đều, hỗ trợ đúng và kịp thời thực sự là một thử thách không hề nhỏ. “Cũng may có ‘Siêu thị 0 đồng’, sáng kiến của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, giúp chúng tôi có nguồn cung dồi dào, từ đó có thể hỗ trợ cho nhiều trường hợp, hoàn cảnh khó khăn trong thôn”, chị Thuấn cho biết. Chị Dương Thị Hồng, một trong những thành viên tích cực và năng nổ nhất của đội tình nguyện ở Vân Cốc 4 chia sẻ: “Cô Thuấn là một thành viên tích cực của đội. Hơn 30 ngày tham gia tình nguyện, có những khi chúng tôi còn vào khi nhà trọ có F0, F1, nhưng các chị em đều rất nhiệt tình, trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, khi là tặng sữa cho bà bầu, kiểm tra sức khỏe người dân, lúc lại luôn tay luôn chân bốc dỡ hàng hóa cứu trợ... Việc gì cần chúng tôi đều làm hết mình và chẳng nề hà gì cả. Cách đây hơn chục ngày, Thuấn chia sẻ phải trở lại nhà máy vì công ty gọi đi làm. Tôi và các chị em động viên cô ấy. Dù hiện phải ăn, ở và làm việc ngay tại nhà máy, nhưng Thuấn vẫn thường xuyên dõi theo hoạt động của đội tình nguyện qua Zalo”. Vừa chống dịch vừa sản xuất là mục tiêu kép để khôi phục lại cuộc sống bình thường. Chị Thuấn chia sẻ: “Lúc đầu hay tin mình được gọi đi làm trở lại, tôi cũng băn khoăn và do dự. Phần vì mình đang làm tình nguyện, phần vì cũng không muốn xa nhà vì nghe đâu phải ăn, ở, làm việc ngay tại công ty. Thế nhưng, được chị em trong đội tình nguyện và gia đình động viên, tôi quyết định trở lại nhà máy. Gắn bó lâu năm với Công ty TNHH Tokai Trim, nay công ty cần người để khôi phục sản xuất, tôi không thể làm ngơ được”. |
Đội tình nguyện thôn Vân Cốc 4 tiếp nhận quà hỗ trợ của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NVCC
“Đi làm tình nguyện được bao nhiều tiền 1 tháng?” |
Đây có lẽ là câu hỏi khiến chị Thuấn bất ngờ nhất khi trở lại công ty làm việc từ ngày 18/6. Vừa cười vừa nói trong điện thoại, chị Thuấn chia sẻ: “Tôi trả lời rằng đi làm tình nguyện thì không nghĩ đến vấn đề tiền nong. Mỗi người trong nhóm chúng tôi chỉ xuất phát từ suy nghĩ muốn góp một chút sức nhỏ để chung tay cùng chống dịch. Nếu giờ phát động ủng hộ quỹ vắc xin chống Covid-19, tôi sẽ lại ủng hộ. Dù chẳng được là bao nhưng tôi mong được đóng góp một phần của mình để đẩy lùi dịch bệnh”. |
Trở lại đi làm đã được gần 2 tuần, chị Thuấn kể được công ty hỗ trợ 200.000 đồng/ngày, cơm ngày 3 bữa với đầy đủ dinh dưỡng, chỗ ngủ thì có điều hòa, quạt máy và được trang bị các vật dụng thiết yếu như chậu, khăn mặt... |
Mỗi thành viên của đội tình nguyện đều tâm niệm muốn góp một chút sức nhỏ để chung tay cùng chống dịch. Ảnh: NVCC |
“Cuộc sống “3 tại chỗ” có phần không quen trong mấy ngày đầu. Thú thật là tôi chưa xa gia đình lâu như vậy, thấy nhớ nhà lắm. Tuy vậy, mỗi tối hễ có thời gian rảnh là tôi lại tranh thủ gọi điện về cho chồng và các con. Khi thì gọi thường để nghe giọng cho đỡ nhớ, lúc lại gọi video call qua Zalo để nhìn hai đứa nhỏ chơi đùa. Lúc chuyện trò, mấy mẹ con lại thủ thỉ: “Mẹ hứa sớm về với con nha!” và nước mắt lại rơm rớm rồi. Cả nhà cũng động viên tôi nhiều lắm! Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, tôi chỉ muốn nhắn nhủ mong cả nhà luôn khỏe, dịch bệnh sớm qua đi để cả nhà được đoàn tụ. Dù gần hay xa, gia đình luôn bên ta!”, chị Thuấn bộc bạch. Trời đã về khuya, bên tai chị Thuấn vẫn văng vẳng những giai điệu và ca từ của ca khúc "Bắc Giang đêm không ngủ" được phổ nhạc từ bài thờ "Gửi về mẹ" của nữ bác sĩ Hoàng Vân Yến (BV Sản Nhi Bắc Giang).... Mẹ yêu ơi... Bắc Giang đêm không ngủ Những người lính đi chưa biết ngày về Bầu trời Việt Yên rực sáng chân đê Ánh mắt con gầy trên điểm nóng Quang Châu *** Mẹ biết không... Dịch tràn về thôn xóm Những tình nguyện viên tuyến đầu tiếp lửa Cuộc chiến sinh tồn đau như dao cứa Khi biết bao ca đã mắc mới mỗi ngày ....
|
Chị Thuấn chia sẻ hình ảnh gia đình nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam - 28/6. Ảnh: NVCC |