Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Nhá nhem tối, hàng chục cán bộ, nhân viên y tế kiên nhẫn đứng trước cổng Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) yêu cầu trả lương. Khuất trong nhóm người ấy, dược sĩ Đỗ Thị Thanh, 33 tuổi, lập cập giữa cái lạnh hơn 10 độ C.

Video: Dược sĩ Đỗ Thị Thanh và đồng nghiệp tập trung trước bệnh viện để đòi quyền lợi.

Những người đứng ở đây, mỗi người một hoàn cảnh. Với mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, họ đã chọn giải pháp tập trung trước cơ quan để đòi lương. Trông thấy bóng dáng một người phụ nữ nhỏ nhắn đứng nép mình trong đám đông, tay run run vì lạnh, chúng tôi tiếp cận để phỏng vấn...

“Mong sao các cấp có thẩm quyền trông xuống, cùng vào cuộc để bệnh viện giải quyết tiền lương cho chúng tôi”, chị Thanh nói. Suốt cả buổi chị Thanh cứ thế lặng lẽ đứng bên các đồng nghiệp, tay cầm tờ giấy in dòng chữ “Hãy cứu lấy Blouse trắng”.

Ai cũng bảo chị hiền lành, nhút nhát, vậy mà chị cũng đứng ở đây được 3 buổi, trước sự hiếu kỳ của người đi đường và ống kính của phóng viên báo, đài. Chẳng ai biết, chị đã mất cả đêm đấu tranh tư tưởng, cố thoát ra khỏi sự ngượng ngùng, xấu hổ để hoà cùng tập thể với một niềm mong mỏi... tiền lương sẽ về.

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Chị Thanh đứng nép mình trong đám đông.

Nữ dược sĩ quê ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Là con út trong một gia đình làm nông, chị là người duy nhất được bố mẹ tạo điều kiện học hành tử tế. 13 năm trước, chị Thanh tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y, ra trường chị được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, sau đó một năm thì vào biên chế.

Chị nhớ lại, có những thời điểm tổng thu nhập một tháng cũng được chục triệu đồng, gồm lương, thưởng, thu nhập tăng thêm. Chị từng cảm thấy may mắn vì có được việc làm ổn định tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (đơn vị chủ quản của Bệnh viện Tuệ Tĩnh).

Từ năm 2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện cơ chế tự chủ có phần vội vàng và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thu nhập tăng thêm bị cắt một nửa, rồi cắt hẳn, thưởng thì càng không có.

Từ tháng 5/2021, Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương người lao động. Đằng đẵng 7 tháng chị Thanh chỉ được lĩnh 50% lương, khoảng 2,5 triệu đồng. Đến tháng 12/2021 thì không nhận được đồng nào nữa.

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Những ngày vừa qua, Chị Thanh và các đồng nghiệp đứng tập trung trước cổng bệnh viện để đòi quyền lợi chính đáng

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Chứng kiến chị Thanh và các đồng nghiệp tập trung trước bệnh viện mỗi ngày để đòi quyền lợi, nhiều người đi đường đồng cảm, họ xì xào, bàn tán "còn đâu câu nói: Nhất Y, nhì Dược".

“Bệnh viện nợ lương, cực chẳng đã tôi mới phải đứng giữa trời lạnh để đòi quyền lợi. Gia đình, hàng xóm ai cũng biết. Mọi người đều đồng cảm với nỗi khổ của tôi, họ cũng động viên, an ủi nhiều lắm”, chị Thanh chia sẻ.

Bà Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn 1 Bệnh viện Tuệ Tĩnh nói với chúng tôi, chị Thanh là trụ cột trong gia đình. Cách đây gần chục năm, chồng chị không may bị tai nạn, chấn thương sọ não, một thời gian dài không thể nói và đi lại được. Bây giờ, anh có thể nói chuyện và chống gậy đi lại nhưng không còn khả năng lao động.

Chúng tôi gọi điện cho bà Nguyễn Thị Chay (66 tuổi), mẹ chồng của chị Thanh, bà tâm sự: “Nó là đứa con dâu tốt, vậy mà sao đời nó cứ khổ mãi! Chồng bị tai nạn, què quặt, không biết làm gì, phải phục vụ như đứa trẻ con. Nó quần quật đi làm nuôi chồng con, mẹ chồng và bà nội chồng mà không bao giờ thấy một lời phàn nàn”.

“Tiền nong nó cứ xoay xở khắp nơi, nợ bà này một ít, bà kia một ít, rồi đến kỳ lĩnh lương thì đầu nọ vá đầu kia. Tôi thấy nó khổ quá, gần đây mới biết nó còn bị nợ lương. Khổ quá mất thôi!”, bà Chay thở dài.

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Chị Thanh cầm tờ giấy in dòng chữ: "Trả lương cho chúng tôi"

Kết thúc buổi tập trung đòi quyền lợi của các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh Viện Tuệ Tĩnh chiều ngày 13/01, chúng tôi nán lại quầy thuốc của bệnh viện để trò chuyện với chị Thanh.

Chị kể, mỗi buổi sáng, chị đi 3 chuyến xe bus qua quãng đường hơn 50 km để tới bệnh viện làm việc. Nữ dược sĩ xách theo rau, trứng... ở quê ra bán cho đồng nghiệp để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Có những hôm mang nhiều đồ lên xe bus, người phụ xe cằn nhằn nhưng vẫn cho chị đi. Chị cười, không nói gì, vài lần thành quen. Giá mà họ hiểu được hoàn cảnh của chị lúc này.

Chị bảo: “Hoàn cảnh buộc tôi phải chắt chiu, được đồng nào hay đồng ấy. Các anh chị đồng nghiệp cũng thương nên mua ủng hộ nhiều. Công đoàn cũng động viên, chia sẻ, hỗ trợ để tôi vơi bớt khó khăn”.

Ở nhà, chị nuôi thêm đàn gà, 2 con lợn nái. Mỗi năm lợn đẻ 2 lứa. Năm ngoái còn lãi 7-10 triệu đồng mỗi lứa, năm nay giá lợn rẻ, chị Thanh nhẩm tính lỗ mất vài triệu tiền cám.

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Hỏi về dự tính cho cái Tết đang cận kề, chị nói: “Thế này thì còn Tết nhất gì nữa hả chú?”, rồi chị quay đi, cố ngăn giọt nước đang ầng ậc trong khóe mắt.

Nói đến đây, người phụ nữ thân hình gầy gò cũng đã thẫn thờ vì mỏi mệt, không khí trở lên lặng thinh. Không muốn làm phiền chị quá lâu, chúng tôi chào chị rồi rời khỏi bệnh viện. Lúc này, chị Thanh mở nắp hộp cơm mang theo từ sáng, bên trong có vài cọng rau và ít thịt băm đã nguội ngắt...

Nỗi lo “mất Tết” của nữ dược sĩ bị bệnh viện nợ lương

Chị Thanh ngồi tâm sự với PV Cuộc sống an toàn sau khi buổi tập trung đòi quyền lợi kết thúc.

Tháng 11/2021, Cuộc sống an toàn có loạt bài phản ánh “Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương”. Nội dung các bài viết phản ánh Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ 50% lương các cán bộ, y bác sĩ từ tháng 5/2021. Để có thêm thu nhập, nhiều người phải tranh thủ làm thêm để trang trải cuộc sống.

Nguyên nhân khiến Bệnh viện Tuệ Tĩnh rơi vào tình cảnh khó khăn và phải nợ lương hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế do Covid-19 bệnh viện không có nguồn thu và trước đó bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ có phần vội vàng, thiếu sự chuẩn bị. Giải pháp chính được hướng tới là đề xuất tạm ngừng thực hiện cơ chế tự chủ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Sự việc gần 160 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 50% lương đến nay đã được 8 tháng và lên đến đỉnh điểm từ ngày 11/01/2022 khi hàng chục nhân viên y tế căng băng rôn trước cửa bệnh viện để đòi quyền lợi.

Ngày 13/01, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (đơn vị chủ quản của Bệnh viện Tuệ Tĩnh) đã phải cầu cứu Bộ Y tế đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10,2 tỷ đồng để có tiền trả lương.

Bài & Ảnh: Ý YÊN - SỸ CÔNG

Bệnh viện Tuệ Tĩnh đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10,2 tỷ đồng để có tiền trả lương Bệnh viện Tuệ Tĩnh đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10,2 tỷ đồng để có tiền trả lương

Liên quan đến sự việc hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 50% lương từ ...

Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương: Cán bộ, nhân viên y tế tập trung đòi quyền lợi Vụ Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương: Cán bộ, nhân viên y tế tập trung đòi quyền lợi

Chiều ngày 11 và 12 tháng 01/2022, khoảng 50 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tập trung trước cổng ...

Cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn “nhùng nhằng” mặc dù đã tự chủ được 2 năm Cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Tuệ Tĩnh vẫn “nhùng nhằng” mặc dù đã tự chủ được 2 năm

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về pháp ...