|
Những quyết sách thuận lợi cho công nhân |
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham gia của 1.587 đại biểu chính thức, đại diện cho 5,1 triệu đảng viên trên cả nước. Nhân dịp này, PV Tạp chí Cuộc sống an toàn đã trao đổi nhanh với một số đại biểu tham dự Đại hội XIII về các vấn đề liên quan đến xây dựng giai cấp công nhân (GCCN), nguồn lực con người, lực lượng lao động nữ, lao động thanh niên và đào tạo nghề cho người lao động… |
Sẽ thu hút được người giỏi, lao động chất lượng cao |
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, các bài tham luận tại Đại hội XIII trong những ngày qua hết sức có chất lượng và rất trí tuệ, cụ thể hóa về những lĩnh vực, những vấn đề mà Văn kiện nêu ra ở tầm vĩ mô, góp phần hoàn thiện Văn kiện, giúp việc ban hành chủ trương, định hướng, chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp sát thực, góp phần đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH đất nước và thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Là người từng giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của tổ chức Công đoàn, theo ông, trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược thì phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, sẽ thúc đẩy bản lĩnh, khát vọng của con người Việt Nam. “Việc xây dựng nguồn lực con người đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII và cùng với đó sẽ có những giải pháp cụ thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới... sẽ thu hút được người giỏi, lao động chất lượng cao”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh. |
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk (thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk) trả lời phỏng vấn báo chí tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Minh Hằng |
Cần Bảo Đảm vấn đề bình đẳng giới |
Bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thuộc Đoàn đại biểu Khối các cơ quan Trung ương) đánh giá cao về công tác chuẩn bị của Đại hội XIII, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Phụ nữ là một nguồn nhân lực quan trọng của đất nước, chiếm hơn 50% dân số. Bà Nga cho biết, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%. Con số này cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng lao động nữ chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỹ thuật, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu cao của thị trường lao động. Theo bà Nga, vẫn còn khoảng 79,5 % lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Tỉ lệ thất nghiệp ở nữ cũng cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh và thu nhập thấp. "Để giúp lao động nữ có cơ hội có việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường”, bà Hà Thị Nga nói. |
Bà Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thuộc Đoàn đại biểu Khối các cơ quan Trung ương). |
Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân |
Ông Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội (thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội) nhận định: “Bây giờ là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số mà lao động của mình mới có 1/3 được đào tạo, 2/3 lao động chưa được đào tạo. Điều này đặt ra là cần phải có những chính sách, hỗ trợ công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề lại cho công nhân lao động, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ... để nâng cao khả năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu hóa”. Theo ông, sau Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương cần ban hành Nghị quyết chuyên đề mới về công nhân, công đoàn để phát huy hết vai trò, sứ mệnh của GCCN trong tình hình mới. Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân như nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, BHXH, BHYT, BHTN... “Ngoài ra, Quốc hội cũng cần sớm tiến hành sửa đổi một số điều của Luật Công đoàn, để tổ chức Công đoàn thực sự có đủ công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một cách tốt nhất”, ông Nguyễn Phi Thường nói. |
Ông Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội (thuộc Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội). |
Rất nhiều cơ hội mới cho công nhân lao động trẻ Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với vị thế, uy tín, cơ đồ của đất nước như hiện nay thì đặt ra rất nhiều cơ hội mới cho các bạn thanh niên, trong đó có các bạn thanh niên là công nhân lao động trẻ. Theo đó, công nhân lao động trẻ cần bồi đắp khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, từ đó nắm bắt cơ hội đào tạo, hoàn thiện các kỹ năng lao động của mình, đặc biệt là có nhiều cơ hội về việc làm. “Chúng tôi thấy ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động để trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho các bạn thanh niên, công nhân lao động trẻ, giúp các bạn có thể hội nhập vào đời sống lao động, việc làm ở trong khu vực và trên thế giới. Những định hướng đã đề ra của Đại hội XIII sẽ tạo ra cơ hội, điều kiện thuận lợi hơn để cho các bạn công nhân có thể tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở khu vực ASEAN và trên thế giới”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn (thuộc Đoàn đại biểu Khối các cơ quan Trung ương). Ảnh: TN |