e magazine
03/07/2024 13:49
Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

03/07/2024 13:49

Ai đã đến Trường Sa, đến với DK sẽ yêu Yổ quốc hơn. Tổ quốc Việt Nam rất đẹp và rộng lớn bao gồm cả vùng trời đất liền và biển đảo, ở đó có những con người ngày đêm xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương. Họ có thể là người lao động trông coi đèn biển, người dân trên đảo, các ngư dân trên các ngư trường… Mỗi người đến với Trường Sa sẽ là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc bằng cách riêng của mình. Và điều đó sẽ tiếp thêm động lực để ở nơi Tổ quốc phía mặt trời mọc này, quân và dân ta lại vững vàng chung tay dựng xây Trường Sa giàu mạnh, là niềm tự hào nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Những vần thơ tươi mới, chan chứa cảm xúc về biển đảo của tác giả trẻ Y Việt Sa trong “Thư gửi Trường Sa” đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đưa vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Cô gái dân tộc Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên lần đầu đến với Trường Sa đã sống trọn những hải trình đầy ý nghĩa với nhiều câu chuyện kể từ chính cán bộ, chiến sĩ về cuộc sống ở đảo, về tình yêu với Trường Sa và ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Tất cả đã làm rung động trái tim, bồi đắp thêm tình yêu đất nước của Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, để khởi phát những ý tưởng thật đẹp đẽ…

Y Việt Sa tâm sự: Đi Trường Sa là điều may mắn trong cuộc đời không phải ai cũng có thể đi, mình may mắn được đi trong hành trình vì biển đảo quê hương được đến với Trường Sa, đến với biển đảo quê hương được hiểu thêm về cuộc sống của các chiến sĩ. Về đất liền mình sẽ chia sẻ những cảm xúc của mình, để tình yêu biển đảo lan tỏa vang xa mãi…

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Những người “xây” Trường Sa xanh mãiNhìn từ xa, đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa yên bình, xanh mát hòa vào màu xanh của đại dương. Những hộ dân trên đảo cũng sống cuộc sống hiền hòa. Yêu biển, gắn bó với đảo, cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Châu Út ngày càng được cải thiện. Đảo có điện, có nước, có thông tin liên lạc. 2 con nhỏ của anh chị cũng được tới trường, anh chị thêm vững tâm, cùng cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo.

Chị Trần Thị Châu Út tâm sự: Khi ra tới đảo thì gia đình em luôn có suy nghĩ là công hiến cho biển đảo vì Tổ quốc quê hương, sống ở đây vui, hạnh phúc, không khí sạch tốt, con cái mạnh khỏe hơn, duy trì phát huy phối hợp quân và dân trên đảo để xây dựng đảo phát triển hơn.Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo ở đất liền, thầy Lưu Quốc Thịnh - giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây hiểu hơn ai hết nỗi khát khao con chữ của những đứa trẻ này. Đó là động lực để thầy vượt qua khó khăn, qua nỗi nhớ gia đình để bám lớp, bám đảo, xây dựng mái trường dưới tán cây bàng vuông lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười.

Thầy giáo Lưu Quốc Thịnh chia sẻ: Khó khăn của việc dạy lớp ghép thì phải phân bổ thời khóa biểu cho hợp lý, có học sinh học tốt, phải hoạt động nhiều hơn, yêu thương các cháu, cố gắng động viên các cháu học tốt hơn. Được Đảng - Nhà nước quan tâm, ở đây quân dân, thầy trò rất yêu thương nhau.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãiĐến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến cuộc sống bình dị ở nơi này, để cảm nhận ý chí kiên cường vượt nắng, vượt gió, vượt khó của con người, đã khơi dậy trong lòng mỗi cán bộ của Đoàn công tác những cảm xúc thiêng liêng cao cả.

Anh Chu Sỹ Chiều - Công ty TNHH ACCT Hoàng Ngân không khỏi xúc động: Đến giây phút này khi đến những nơi tâm linh như vòng tròn bất tử, nghĩa trang Gạc Ma, trong tâm thế của người lính cảm xúc thật khó tả, trong tôi hiện nguyên hình ảnh của các đồng đội, bạn học nằm trong số 64 chiến sỹ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm ấy.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Ở Trường Sa, chúng tôi còn gặp những con người lao động, những công nhân trông giữ hải đăng, điểm chỉ đường cho những con tàu vươn khơi bám biển và cho ngư dân và cả ngành Hàng hải.

Anh Nguyễn Văn Thuấn là công nhân đèn biển. Tuổi 36, anh đã có mười mấy năm gắn bó với những ngọn hải đăng trên biển, đảo Trường Sa. Từ nhỏ anh Thuấn đã thích biển, thích ra ngoài khơi xa. Khi lớn lên, anh được ra đảo làm nhiệm vụ giữ ngọn hải đăng như một cơ duyên.

Anh Thuấn tâm sự: "Mỗi lần đứng trên ngọn hải đăng nhìn những bãi san hô chìm giữa biển sóng mênh mông, mình mới cảm nhận hết được ý nghĩa công việc mình đang làm. Còn trẻ là phải cống hiến, chỉ sợ tuổi già thì không đứng giữ biển, giữ đảo được nữa thôi. Ở đây cũng là nhà của tụi mình mà. Khi nào xong việc thì về thăm gia đình sau. Với tụi mình, tình cảm giữa đất liền và Trường Sa luôn là một".

Điều đặc biệt, em trai anh Thuấn là Nguyễn Văn Thường cách đây 7 năm cũng làm nhiệm vụ canh giữ đèn biển ở đảo Đá Tây B và từ đó đến nay vẫn gắn bó với công việc này tại nhiều điểm đảo ở Trường Sa.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Anh Thường kể lúc đầu mới ra đảo cũng không nghĩ mình sẽ bám lâu đến thế này. Thật ra, nếu có nguyện vọng, Thường cũng muốn được chuyển về gần bờ. Nhưng mỗi lần đi phép về nhà khoảng 2 tháng, Thường lại nhớ tiếng sóng biển, nhớ anh em ngoài này. Nửa đêm ngủ ở đất liền mà cứ giật mình liên tục vì nhớ ca trực.

Mặc dù tuổi xuân của hai anh em đều gắn với biển, đảo, với ánh đèn hải đăng mỗi đêm nhưng cả hai đều chưa từng có suy nghĩ sẽ chuyển công tác về đất liền. Hai anh em luôn quan niệm: "Gia đình nuôi ta khôn lớn, các ngọn hải đăng lại giúp ta trưởng thành".

Với anh Thuấn và những người trẻ nơi đầu sóng ngọn gió thì đảo là nhà, biển cả là quê hương. Chính vì thế, họ dành trọn thanh xuân tươi đẹp của mình để cống hiến, để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi thấy trên nhà giàn DK-I/8, vườn rau xanh được trồng ngay phía dưới những tấm pin năng lượng mặt trời, chịu nắng, chịu gió Trường Sa, nhưng cây nào cây nấy sai trĩu quả.

Sừng sững giữa biển, một đợt mưa to, gió lớn các vườn rau trên nhà giàn chịu ảnh hưởng. Mưa chưa tới, các chiến sĩ đã phải thu hoạch sớm các loại rau, quả để đưa vào bảo quản, tích trữ.

Mùa nào thức đấy. Mùa mưa, các chiến sĩ trồng mồng tơi, rau muống, mướp, rau đay, cải, bầu, bí. Lúc nào những vườn rau trên các đảo của Trường Sa cũng được đảm bảo xanh tươi, vừa cung cấp thêm rau xanh cho bữa ăn của chiến sĩ, vừa giúp các chiến sĩ giải lao sau giờ làm nhiệm vụ.

Nhìn vườn rau tươi tốt là vậy nhưng để trồng rau trên đảo giữa bốn bề là biển khơi lại chẳng dễ dàng. Mùa mưa gió biển thổi ầm ào, sóng đánh đến 3-4m, có khi trùm qua cả vườn rau. Còn mùa khô, mọi người vừa chống gió mặn, chống nắng, vừa phải tiết kiệm nước tưới cho rau.

Đại úy Bùi Xuân Quốc, chính trị viên đảo Đá Thị chia sẻ, trồng rau là một trong những hoạt động tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống các chiến sĩ trên đảo. Các chiến sĩ đã khắc phục khó khăn bằng cách tận dụng đất, nước hiện có trên đảo, nước mưa và bổ sung chất dinh dưỡng để đất màu mỡ, sử dụng được nhiều lần.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi"Trời yên gió lặng thì canh tác thuận lợi. Còn thời tiết giông to, sóng lớn, chúng tôi phải dùng bạt che để ngăn sóng, nước biển, dùng nước ngọt rửa lá để đảm bảo rau, đất không bị nhiễm mặn. Có đợt sóng đánh lên tận tầng 2, phải căn cứ theo hướng gió, tận dụng các bức tường che chắn cho vườn rau. Lượng nước tự nhiên rất quan trọng với hoạt động trồng rau trên đảo. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo tận dụng tất cả các vũng, hố, vòi để dự trữ lượng mưa cao nhất", anh Bùi Xuân Quốc nói.

Sau khi thu hoạch lứa này, các chiến sĩ đã gieo hạt chuẩn bị cho lứa sau. Giữa muôn trùng sóng gió, sự hiện diện của vườn rau xanh càng khẳng định thêm ý chí kiên cường, không ngại khó, không ngại khổ của các chiến sĩ Trường Sa.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Những người “xây” Trường Sa xanh mãiCách bờ gần 400km, ít ai biết rằng giữa biển khơi bao la, đảo Đá Tây A quần đảo Trường Sa còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc diện lớn nhất quần đảo Trường Sa… Đây là một dự án của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm hỗ trợ tối đa ngư dân bám biển và là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền mỗi khi có bão.

Những âu tàu này còn được ngư dân trìu mến gọi là là “ngôi nhà chung” giữa biển khơi. “Ngôi nhà” giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi chuyến đi biển tại Trường Sa thường kéo dài hơn 1 tháng. Nếu như ngày xưa chuyến biển trúng mẻ cá lớn, anh Nguyễn Minh Để và ngư dân ở đây thường phải quay về đất liền tiếp thêm nhiên liệu hoặc mua đá lạnh bảo quản hải sản vừa mất thời gian, vừa mất thêm chi phí thì những năm trở lại đây, từ khi có những âu tầu trên quần đảo Trường Sa này, nhiên liệu, đá lạnh và các mặt hàng nhu yếu phẩm luôn sẵn sàng cho ngư dân khi có nhu cầu.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãiTrường hợp tàu của ngư dân bị nạn hoặc hỏng hóc trên biển, khi nhận được thông tin, những tàu cứu hộ ở đảo Đá Tây sẽ tổ chức tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn lai dắt về âu sửa chữa giúp… đã tạo thêm sức mạnh để bà con yên tâm làm ăn sinh sống.

Hiện, quần đảo Trường Sa có 4 âu tàu, khu neo đậu hiện đại kết hợp cảng cá tại các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây A. Có thể nói, bên cạnh sự giúp đỡ của bộ đội Hải quân đóng quân tại các đảo, nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam, hoạt động của các khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Trường Sa là nguồn tiếp sức lớn lao cho những chuyến vươn khơi, làm chủ biển Đông của ngư dân nước ta.

Đến với các đảo, các âu tàu trên quần đảo Trường Sa là đến với “ngôi nhà chung” của quê hương Việt Nam giữa mênh mông biển khơi. Nơi đây không chỉ giúp ngư dân thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là nơi tránh trú an toàn, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người “xây” Trường Sa xanh mãi

Trường Sa hôm nay cùng với sự quan tâm của đất liền đang ngày thêm khởi sắc. Dù đối với những người lần đầu đặt chân lên mảnh đất thiêng này hay ai đã có cơ hội nhiều lần đến với Trường Sa đều ngỡ ngàng, cảm mến. Với một tâm thế chung “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”, những hải trình đến với từng điểm đảo, mỗi nhà dàn đều chan chứa ân tình. Rất nhiều thương yêu, quan tâm, sẻ chia đã được gửi đến quân và dân các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A và Nhà giàn DKI/8 - Quế Đường bằng những món quà vật chất và tinh thần thực sự ý nghĩa.

Đồng chí Hà Sỹ Đồng - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Qua các đảo chúng ta thấu hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn về sự cống hiến của quân và dân quân đảo Trường Sa, chúng tôi thấy cần thiết phải chia sẻ nhiều hơn… Cảm phục bám biển, bám đảo, cảm phục tinh thần của quân và dân trên đảo Trường Sa, sau chuyến đi này tôi cho rằng các thành viên trong đoàn tiếp tục tuyên truyền chia sẻ, động viên quân và dân trên đảo Trường Sa củng cố vững chắc vùng chủ quyền biển đảo".

Những người “xây” Trường Sa xanh mãiĐó là lời hứa xuất phát từ trái tim, từ khối óc, từ tinh thần của những cán bộ, chỉ huy đảo và các chiến sĩ trẻ đang ngày đêm bảo vệ đảo xa. Lời hứa đã khiến trái tim của hơn 200 đại biểu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Trị và một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… cùng các phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên chuyến hải trình rưng rưng xúc động, để thương Trường Sa, yêu Trường Sa hơn bội phần…

Anh Lành Mạnh Khoa, Trưởng phòng Cơ yếu – Công nghệ thông tin, Văn phòng Tỉnh ủy Lạng Sơn không dấu nổi bùi ngùi: "Qua 7 ngày công tác, vượt hàng ngàn hải lý được tới thăm tặng quà động viên chiến sỹ quân và dân trên đào Trường Sa, đối với tôi đây là chuyến đi ý nghĩa, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và lan tỏa cảm xúc tốt đẹp đối với Trường Sa thân yêu".

Những người “xây” Trường Sa xanh mãiKhông chỉ riêng nhà thơ Y Việt Sa mà mỗi đại biểu sau những dịp đến với Trường Sa sẽ tích cực lan tỏa tình yêu và trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc bằng cách riêng của mình. Và điều đó sẽ tiếp thêm động lực để ở nơi Tổ quốc phía mặt trời mọc này, quân và dân ta lại vững vàng chung tay dựng xây Trường Sa giàu mạnh.


MAI CHÍ VŨ

Ảnh: M.C.V - Đ.V.C.C

Đồ họa: DŨNG CHOAI

Xem phiên bản di động