|
Vấn đề an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu cùng những Lễ hội Xuân 2021 luôn được người dân hết sức quan tâm. Đặc biệt là những nguy cơ mất an toàn có thể tồn tại trong các sản phẩm như thịt tươi sống, bánh, mứt, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… Mỗi dịp Tết đến, Xuân về thì nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao phục vụ nhu cầu ăn uống, tiệc tùng đón mừng năm mới. Để đảm bảo sức khỏe người dân và phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP HCM đã đưa ra các khuyến cáo để tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện, nhằm có một cái Tết an toàn, vui khỏe. |
Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện như: Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; có hệ thống xử lý chất thải được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;… |
Người dân yên tâm hơn khi mua sắm tại các địa điểm sạch sẽ, thoáng mát - Ảnh: Lê Tuấn. |
Đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm các phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch. Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm;… |
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản - Ảnh: Lê Tuấn. |
Ban Quản lý cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi, rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín, muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Nấu lại thức ăn thật kỹ, các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun lại. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. |
gặp ngộ độc thì xử lý ra sao? Theo BQL ATTP, trong trường hợp khẩn cấp, xử lý ngộ độc thực phẩm thì việc sơ cấp cứu thực hiện như sau: Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn, sơ cứu trước tiên phải làm cho người bệnh nôn hết thực phẩm đã sử dụng. Gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, bằng cách cho bệnh nhân uống 100-200ml nước sạch rồi dùng tăm bông, hoặc ống xông ngoáy họng, cúi thấp đầu nôn, tránh sặc vào phổi. Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy không nên uống thuốc cầm tiêu chảy, cho bệnh nhân tiêu ra hết. Khi bệnh nhân có biểu hiện mất nước nên cho bệnh nhân uống oresol pha với 1 lít nước hoặc nếu không có sẵn gói oresol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện hôn mê, co giật, sau khi sơ cứu bệnh nhân chưa có biểu hiện bình phục ngay mà có dấu hiệu bệnh nặng hơn hoặc biểu hiện hôn mê, co giật cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có những điều trị cần thiết. Đồng thời, BQL cũng đề nghị người dân, giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Không sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và cảnh báo những người thân xung quanh. Thông báo ngay đến cơ quan chức năng. Khi nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm phải khẩn trương tổ chức cấp cứu cho người bệnh và khai báo ngay đến cơ quan chức năng gần nhất: Các cơ sở điều trị (Bệnh viện, Phòng khám hoặc Trạm Y tế) gần nhất; Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Quận/huyện; Trung tâm cấp cứu 115; Sở Y tế; BQL ATTP, để được cấp cứu và xử lý kịp thời vụ ngộ độc thực phẩm. |
BQL ATTP đã đưa ra các khuyến cáo để tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện, nhằm có một cái Tết an toàn, vui khỏe. ảnh: Lê Tuấn. |
Được biết, dịp Tết Tân Sửu 2021, BQL ATTP thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành để tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các thực phẩm giả, kém chất lượng, đặc biệt là nhóm mặt hàng thực phẩm tết ở cả thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán Tân Sửu để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Trưởng BQL ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán Tân Sửu về TPHCM rất dồi dào. Các lực lượng chức năng đang làm hết công suất để thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước Tết 2 tháng, Ban đã thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất đặc biệt là ở các kho nguyên liệu. “Ngoài ra chúng tôi kết hợp với quản lý thị trường, công an kinh tế và lực lượng kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện tăng cường kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Có thể nói là một mạng lưới dày đặc thanh kiểm tra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nghiên cứu làm sao để không ảnh hưởng quá đến người hành nghề, tránh làm phiền doanh nghiệp”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay. Để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu, BQL ATTP TP đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm Tết, rượu bia, bánh mứt, rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, các kho lạnh tích trữ thực phẩm để phụ vụ Tết... |
Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn Ảnh: Lê Tuấn, internet.
|