Nhân rộng hơn nữa doanh nghiệp an toàn tiêu biểu
Sáng ngày 5/5, tại trụ sở Công đoàn Dệt May Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức Chương trình bình chọn “Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu ngành Dệt May Việt Nam” năm 2020. |
Toàn cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị gồm các lãnh đạo, đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ba đơn vị tổ chức: Công đoàn Dệt May Việt Nam, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ: “Chương trình là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và bảo vệ môi trường (BVMT). Đồng thời, chương trình đã tạo nên một phong trào thi đua tích cực, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của doanh nghiệp và đông đảo công nhân, lao động”. |
Ông Lê Nho Thướng, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Đại diện Ban tổ chức, bà Trần Thị Ngọc Dung – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn đã báo cáo kết quả thực hiện chương trình. Trong đó, nêu rõ các ưu điểm và nhược điểm cần khắc phục. Theo bà Dung, về cơ bản, tất cả các doanh nghiệp tham gia bình chọn đều thực hiện khá đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ và BVMT; một số doanh nghiệp coi trọng đổi mới, đầu tư công nghệ mới; công tác truyền thông và minh bạch thông tin liên quan tới ATVSLĐ, BVMT, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động được chú trọng; tất cả các doanh nghiệp tham gia bình chọn đều coi công tác ATVSLĐ và BVMT không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn trực tiếp góp phần ổn định sản xuất, làm nên thương hiệu của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững. |
Bà Trần Thị Ngọc Dung – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và công đoàn báo cáo kết quả thực hiện chương trình
Tuy nhiên, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cũng cho hay, một số đơn vị chưa cập nhật kịp thời các văn bản quy định pháp luật, dẫn đến việc thực hiện không đầy đủ; còn tình trạng sai sót trong thống kê, báo cáo và lưu trữ tài liệu về ATVSLĐ; công tác khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động ở một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đo kiểm môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động nhưng chưa nắm vững những nội dung cần phải thực hiện, phụ thuộc vào đơn vị làm dịch vụ. Thay mặt Ban tổ chức, bà Trần Thị Ngọc Dung đề xuất, kiến nghị Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho ý kiến chỉ đạo và quan tâm triển khai Chương trình bình chọn "Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu" ở quy mô toàn quốc, nhằm thúc đẩy hoạt động ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao vai trò và vị thế của tổ chức Công đoàn. |
TS. Đỗ Trần Hải (đứng) – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.
Thông qua quá trình thực hiện chương trình, cũng như báo cáo tổng kết, đánh giá, lãnh đạo các đơn vị tổ chức đã đưa ra các ý kiến đóng góp về chương trình. TS. Đỗ Trần Hải – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đánh giá: “Chương trình tạo ra động lực cho các đơn vị quan tâm hơn nữa tới công tác ATVSLĐ, mà sâu xa hơn nữa là quan tâm tới quyền, lợi ích của người lao động. Cần phải xếp hạng doanh nghiệp, xếp hạng để doanh nghiệp biết mình đang ở đâu và phấn đấu phát triển”. |
Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Nhà báo Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho biết: “Để làm nên một chương trình thực sự hiệu quả, cần phải có phản hồi ngược lại của người lao động. Tôi mong muốn chương trình tiếp tục được thực hiện với quy mô lớn hơn và đạt hiệu quả cao hơn nữa, thực sự góp phần giải quyết các vấn đề về ATVSLĐ và BVMT còn tồn đọng, đảm bảo sức khỏe và môi trường làm việc cho người lao động”. |
Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sau khi lắng nghe báo cáo và các ý kiến đóng góp, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất ủng hộ chương trình này, đặc biệt hơn khi đây là chương trình được phối hợp tổ chức bởi ba cơ quan của Tổng Liên đoàn. Chương trình đã không còn giới hạn ở hồ sơ, giấy tờ, mà đã đi vào thực tế sâu sát”. “Để tiến tới triển khai chương trình ở quy mô lớn hơn, chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, mở rộng ở các ngành nghề, để tất cả các cấp tỉnh thành đều có thể tham gia, trước khi tiến tới toàn quốc”, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động nói thêm. |
Ba đơn vị tổ chức cùng thảo luận, đóng góp ý kiến trong hội nghị. |
|