Mẹ con nữ công nhân - bệnh nhân Covid-19 H Rốp BYĂ (quê ở ấp B.hra Êa Hning, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk) vừa thoát khỏi nguy hiểm nhờ sự giúp đỡ của công đoàn. Đây là một trong rất nhiều trường hợp công nhân, lao động gặp khó khăn được các cấp công đoàn tỉnh Long An hỗ trợ thông qua “đường dây nóng”. Đúng vào giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh, chị H Rốp BYĂ - công nhân Công ty TNHH Le Long Việt Nam (tỉnh Long An), cũng là một sản phụ mắc Covid-19 bỗng phát hiện thai nhi ngừng cử động. Trong lòng đầy hoang mang và bối rối, chị đã gọi điện cầu cứu chủ tịch công đoàn công ty. “Em ở trong ký túc xá của công ty. Không biết từ đâu, em bị nhiễm Covid-19 và được đưa về bệnh viện dã chiến. Chồng em đang làm ở một vựa nuôi tôm ở xa. Chị gái cũng đang cách ly vì Covid-19. Thật sự lúc đó em không biết xoay xở thế nào khi chỉ có một mình. Em sợ. Em thấy trong bụng khó chịu. Em gọi cho chồng nhưng chồng không làm được gì. Đồ sơ sinh em không chuẩn bị được món nào. Em chỉ biết trông chờ ở công đoàn công ty” – nữ công nhân ứa nước mắt nhớ lại giây phút đó. |
nữ công nhân f0 được mổ bắt thai kịp thời H Rốp BYĂ đã trải qua một đêm khó quên khi được bác sĩ mổ bắt thai thành công, cứu được con gái. Em bé nặng 1,9kg và phải tách mẹ sau sinh. Hằng ngày, H Rốp BYĂ đều đặn vắt sữa gửi vào cho con uống. Trong đêm H Rốp BYĂ sinh mổ, có hai người thấp thỏm ngóng tin hai mẹ con. Trong đó, một người trực “đường dây nóng” của công đoàn là chị Lê Thị Thu Cúc - Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An. Vui vì vừa giúp được một sinh linh nhỏ chào đời an toàn giữa “bão Covid-19”, chị Cúc kể với chúng tôi câu chuyện trong đêm hôm ấy. “Khi dịch bệnh lan rộng tại TP Hồ chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam, Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Long An đã tham mưu với Thường vụ LĐLĐ tỉnh thành lập một đường dây nóng do Cúc phụ trách. Số điện thoại đường dây nóng ở LĐLĐ tỉnh là của Cúc. Thêm vào đó là 19 đầu mối ở các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch phụ trách. Khi đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở có khó khăn cần tháo gỡ, điện thoại đến đường dây nóng sẽ được hỗ trợ. H Rốp BYĂ là một trong số những trường hợp đó”. |
|
19h tối ngày thứ bảy, thông qua đường dây nóng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Le Long Việt Nam báo có nữ công nhân F0 quê ở Đăk Lăk đang cách ly, cần được chuyển đến bệnh viện khám thai khẩn cấp vì thai chuyển biến bất thường. Chủ tịch công đoàn cũng loay hoay không biết lấy đâu ra bỉm, sữa, đồ sơ sinh khi địa phương giãn cách, không ai được ra khỏi nhà và cửa hàng bán sản phẩm này đóng cửa. Chị Cúc cho biết, vừa kết nối với bệnh viện để tiếp nhận trường hợp này, chị vừa hỏi khắp nơi để mua đồ sơ sinh cho em bé. Cuối cùng, nhờ người quen, chị đã mua được và mang đến tận cổng bệnh viện cho hai mẹ con. Sau ca mổ bắt thai thành công, em bé khỏe, mẹ dần phục hồi. Biết tin hai mẹ con đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, chị vui vì đã hỗ trợ được công nhân khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều chị trăn trở lúc này là sau khi sinh con, H Rốp BYĂ còn rất nhiều việc phải lo. Trước mắt là mỗi ngày nằm viện điều trị, số tiền chi trả lên đến 1,5 triệu đồng/ngày. Không còn tiền dự trữ, gia đình lại ở xa, H Rốp BYĂ sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Chị đã trao đổi với Chủ tịch công đoàn công ty làm sao vận động doanh nghiệp hỗ trợ cho nữ công nhân khi xuất viện để vơi bớt khó khăn. |
|
Người ta thường nói: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn đơn côi một mình”. H Rốp BYĂ còn phải một mình trải qua cuộc vượt cạn đầy khó khăn trong “bão Covid”. Chưa hết đau mỏi trong người, H Rốp BYĂ nhớ con và cố gượng ngồi dậy vắt từng giọt sữa để bác sĩ cho con bú. Cô cảm ơn các "chị cán bộ công đoàn" đã tận tình, thay người thân giúp 2 mẹ con qua cơn nguy hiểm. Sự quan tâm của công đoàn khiến cô vơi đi cảm giác trống trải khi không có người thân bên cạnh. Chị Lê Kim Dung Trang - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Le Long Việt Nam chia sẻ: “Công ty có 2.600 công nhân. Do dịch bệnh Covid-19, công ty phải ngưng hoạt động. H Rốp BYĂ là sản phụ mắc Covid-19 và được điều trị tại bệnh viện dã chiến. Trong những ngày chị H Rốp BYĂ cùng các công nhân ở ký túc xá được công ty lo 3 bữa/ngày và miễn phí tiền ở. Giờ dịch bệnh, công nhân không về nhà được nên công ty, công đoàn không thể bỏ rơi họ. Công ty và công đoàn theo sát tình hình sức khỏe hai mẹ con. Khi có dấu hiệu bất thường, tôi đã gọi điện đến đường dây nóng và nhờ chị Cúc giúp đỡ. Rất may hai mẹ con đã được cấp cứu kịp thời...”. |
“Cô ơi, con chỉ ước sao cô cho xe rước con về” Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, tỉnh Long An đã có hàng ngàn ca mắc Covid-19, trong đó nhiều người là công nhân lao động. Trước tình hình đó, các cấp công đoàn đã đi thăm, động viên tuyến đầu chống dịch, thăm các đoàn công tác tại bệnh viện dã chiến cùng cơ sở y tế nơi có khu, cụm công nghiệp… và hỗ trợ công nhân, lao động. LĐLĐ tỉnh đã trao hàng chục nghìn suất quà, nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo các quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đối với công nhân, lao động thực hiện “3 tại chỗ”, Công đoàn đã mua nước, đường, cam, trứng gà, vitamin C... để công nhân tăng cường sức khỏe. Đặc biệt, từ khi được thành lập đến nay, đường dây nóng hỗ trợ công nhân, lao động của các cấp công đoàn tỉnh luôn hoạt động hết công suất. |
Chị Lê Thị Thu Cúc (đứng, đội mũ tai bèo) cùng các cán bộ công đoàn ăn trưa trên đường hỗ trợ công nhân, lao động. |
“Liên tục từ sáng đến nửa đêm, đoàn viên, người lao động có thắc mắc, băn khoăn, khó khăn đều gọi đến đường dây nóng. Khi đường dây bận do nhận được nhiều cuộc điện thoại cùng một lúc, công nhân nhắn tin vào số điện thoại hay nhắn qua fanpage của công đoàn. Mỗi cuộc điện thoại của công nhân đều được lắng nghe chi tiết. Từ đó, cán bộ phụ trách đường dây liên hệ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết. Có những lao động tự do cũng tìm đến công đoàn để hỏi về điều kiện, hồ sơ, thủ tục hưởng hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Cán bộ công đoàn đã lập tức liên hệ với Sở LĐ – TB và XH để có thông tin chính xác tư vấn cho người lao động”. Chị kể, mỗi một câu chuyện gửi gắm qua đường dây nóng đều ẩn chứa một thân phận rất đáng thương. |
Ở tuổi ngoài 50, chị cùng cán bộ công đoàn vác những thùng tôm từ Bạc Liêu hỗ trợ tuyến đầu tỉnh Long An chống dịch vào lúc 1h30' sáng. |
“Tỉnh Long An có hơn 300.000 công nhân, lao động. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Có anh công nhân gia đình có 3 người là F0 nằm ở bệnh viện tư nhân chi phí điều trị hết 40 triệu đồng cũng gọi điện nhờ công đoàn cứu giúp. Có em công nhân tuổi mới 18, vừa đến khu công nghiệp làm việc được 2 tháng lấy tiền phụ giúp cho mẹ thì xảy ra dịch bệnh. Nơi em ở có hơn 60.000 dân thì có tới 47.000 người là dân nhập cư, với hơn 5.000 trường hợp là F0. Em gọi điện vừa khóc vừa nói “Con nói thiệt với cô, con chỉ ước cô có xe cô rước con về quê làm ruộng. Con thấy người ta chết con sợ”… - chị Lê Thị Thu Cúc kể. "Đường dây nóng" của công đoàn theo chị mọi lúc, mọi nơi và "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" những cảnh đời công nhân khốn khó trong đại dịch Covid-19. LĐLĐ tỉnh Long An tặng quà hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 5.300 y, bác sĩ, cán bộ y tế trên toàn tỉnh trị giá 1 triệu đồng/suất. Ngoài hỗ trợ người lao động qua đường dây nóng, chị Cúc cũng như nhiều cán bộ công đoàn của tỉnh không ngần ngại kêu gọi, giúp đỡ người lao động từ những nhu yếu phẩm như gạo, cá, sữa cho em bé... Mỗi một gói quà trao đi, là chị cũng như những cán bộ công đoàn của tỉnh Long An lại thêm ấm lòng. ------
|
Bài viết: DUY MINH |