Nghệ nhân quất cảnh Tứ Liên: Chạm vào hồn Tết Việt

Giữa lòng Hà Nội ồn ã, tấp nập, làng quất Tứ Liên như một ốc đảo bình yên, nơi thời gian dường như chậm lại. Đây là "thủ phủ" của những vườn quất tràn ngập sắc xuân, nơi hồn Tết như bắt đầu từ rất sớm.

Những vườn quất xanh tươi với sắc vàng óng ánh của quả chín, kèm theo tiếng nói cười của khách hàng… đã vẽ nên một bức tranh ngày Tết đầy sức sống.

Cây quất, vốn được trồng ở đất Nghi Tàm (nay thuộc phường Quảng An, Hà Nội), đã có cơ duyên "thiên di" sang Tứ Liên từ những năm 1970. Khu vực ven sông Hồng với đất đai màu mỡ, phù sa trù phú, trở thành môi trường lý tưởng cho quất sinh trưởng.

Hiện nay, làng nghề quất Tứ Liên đã phát triển đạt hơn 100 ha, trong đó khoảng 40 ha dành cho quất cảnh, trải dài dọc bên sông.

Bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Làng nghề quất cảnh truyền thống Tứ Liên, chia sẻ, cả làng có gần 500 hộ trồng quất, tạo việc làm cho hơn 600 lao động. Vào vụ Tết, người làng phải thuê thêm lao động thời vụ.

"Theo chồng, tôi kế nghiệp gia đình, từng dáng cây như gắn bó với cuộc sống của mình rồi" - nghệ nhân Trần Thị Phương Thư mở đầu câu chuyện.

Khuôn mặt bà rám nắng, đôi tay chai sạn, từng nếp nhăn ánh lên những nỗi nhọc của 30 năm bên vườn quất.

Sinh ra trong gia đình nghèo, bà Thư không có cơ hội thực hiện ước mơ cầm phấn dạy học. Tuổi trẻ của bà đã phải chọn một con đường khác: theo nghề, bám đất. Khi đó, nghề trồng quất còn bấp bênh, nhiều người trong làng bỏ nghề đi xa.

Bà ở lại, tìm tình yêu trong những bụi cây sau vườn. Cái màu vàng tươi của quất, không khí nhộn nhịp ngày giáp Tết, người người tấp nập mua cây về trưng, tất cả đã nuôi lớn "ngọn lửa nghề" trong lòng bà lúc nào không hay.

Nó thôi thúc bà quyết tâm đi theo nghề, giữ gìn nghề, bảo tồn trải nghiệm quý báu từ gia đình, làng xóm.

Chặng đường ba thập kỷ làm nghề của một người “ngoại đạo” bắt đầu không dễ dàng. Ngày đó, nghề trồng quất chỉ là những bài học truyền miệng từ người già trong làng. Sách vở, tài liệu, khoa học còn là điều xa vời.

Bà Thư phải mất rất nhiều thời gian, công sức để hiểu được cây thích đất nào, bón phân gì, tưới bao nhiêu là đủ. "Thời gian đầu, có cây thừa nước, hỏng phải bỏ. Trong đầu chỉ ngẫm nghĩ xem loại phân nào giúp bộ rễ khỏe, rễ khỏe thì cây mới khỏe," bà nhớ lại ngày tháng chật vật.

Tâm niệm rằng muốn thành công phải có lòng yêu nghề, bà đã kiên trì học hỏi. Bà đến những vườn quất lớn, tìm tòi phương pháp trồng mới. Bà hỏi han từng chi tiết nhỏ nhất từ những người già, những bậc thợ lão luyện nhất trong làng.

"Muốn có cây đẹp, mỗi dáng cây tôi phải mất 3 đến 5 năm. Chăm cây như chăm con mọn, phải uốn nắn, tỷ mỹ vào từng chút. Mỗi năm phải sửa 2-3 lần, có khi cắt cả những cành lớn để làm lại. Đất trồng phải tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Chỉ khi tự tay chăm sóc, mới hiểu hết giá trị của từng chậu cây," bà chia sẻ.

Muốn có dáng quất đẹp, phải tư duy từ lúc bắt đầu. Chọn dáng long phượng, người thợ phải kiên nhẫn, hai mươi, ba mươi cây mới chọn ra được một. Cành trên, cành dưới phải uốn làm sao như rồng bay, không thể vài năm là xong.

Chồng bà Thư, ông Nguyễn Thế Mạnh, cũng là một nghệ nhân quất nổi tiếng. Hai vợ chồng vẫn nhắc về con số 10 năm – quãng thời gian "tạm gọi là thành công", mua được những vật dụng có giá trị đầu tiên trong nhà.

Ba mươi năm, tiếng lành vượt khỏi làng nghề, vườn quất nhà bà Thư đã trở thành một địa chỉ uy tín. Những khách quen lại tìm đến mỗi khi xuân về. Cây quất bà trồng không chỉ đẹp về dáng, thế, mà còn trĩu quả, vàng tươi, mang đậm hương vị truyền thống của ngày Tết.

Tại làng nghề quất Tứ Liên, nghệ nhân Ngô Thu Trang là một luồng gió mới. Chị không sinh ra ở làng nghề, nhưng với niềm đam mê cái đẹp, chị đã bén duyên với quất từ những ngày nhỏ. Nhìn các cây quất bày bán dịp Tết, chị Trang đã nảy sinh ý tưởng kết hợp mỹ thuật và nông nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, chị không theo con đường họa sĩ hay thiết kế, mà đã quyết định theo nghề trồng quất, mang cái đẹp độc đáo thổi vào nghề. Chồng chị là nghệ nhân cắm hoa nghệ thuật, hai vợ chồng đồng điệu tạo dựng một hướng đi mới: trồng quất trong chậu, bình nhỏ.

"Lúc đầu, mình phải học từ những "già làng", rồi tự đặt ra câu hỏi: sao không trồng quất trong châu nhỏ để phù hợp với nhà chật? Nghĩ nhiều đến nỗi mất ăn, mất ngủ," chị cười nhớ lại những ngày đầy trăn trở.

Trồng quất trong bình càng khó gấp bội. Chăm bón ra sao, lượng dinh dưỡng thế nào cho vừa, là những thách thức vợ chồng chị Trang đã trải qua. Sau 3 năm, sản phẩm đầu tay ra đời, tạo nên xu hướng mới. Làng nghề từ đó còn có thêm công việc sản xuất bình, chậu cảnh.

Đối với mỗi bình, chậu, người nghệ nhân phải tính toán sao cho hợp với dáng cây. Những chậu to thì dễ, nhưng những bình "thắt cổ chai" lại là cả một nghệ thuật. Ngay cả việc đưa cây vào chậu cũng đòi hỏi kiên nhẫn, tỷ mỹ từng chút. Sau khi bén rễ, cây bắt đầu phát triển thì nghệ nhân lại phải tính toán tạo dáng.

"Cây quất khi lên cao đến đoạn vừa phải, phải tỉa cành, sửa dáng. Số cành 3-5-7... tất cả là nghệ thuật," chị Trang giải thích.

"Thay vì đảo quất như ngày xưa, nay chúng tôi bón phân để rễ chùn lại, kích thích hoa phát triển. Nếu không yêu nghề, không yêu cái đẹp, thì không thể kiên trì được đến bây giờ," chị Trang nói.

Bằng cả trái tim và đôi tay, mỗi nghệ nhân trồng quất là một câu chuyện về nỗ lực không ngừng nghỉ. Ở đó, họ không chỉ nuôi dưỡng cây xanh mà còn gieo trồng niềm tin về giá trị bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Nghệ nhân Trần Thị Phương Thư, người phụ nữ sinh ra giữa làng quất Tứ Liên, vẫn luôn nhớ như in cú sốc năm 2004. Khi ấy, gia đình bà phải đối diện với tổn thất lớn từ một đợt phun thuốc bảo vệ thực vật bị lỗi. Những hàng cây đang xanh mướt bỗng nhiên cháy xém. Dù nhận được bồi thường, nỗi ám ảnh về hóa chất độc hại đã thôi thúc bà tìm hướng đi mới.

“Phải làm sao để cây vừa khỏe, vừa bảo vệ môi trường?” – câu hỏi đó đã dẫn lối bà tìm đến sản phẩm sinh học và hữu cơ. Thay vì sử dụng đạm, bà chọn bón phân hữu cơ với lượng nhỏ, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến đất và nước.

“Tôi nuôi cây này một năm vẫn chưa được, thì nuôi lại. Có thể 5 năm mới được. Mình vừa chơi cây, nhưng cũng đặt nhiều tâm huyết ở đó. Cây quất đẹp đầu tiên phải nhìn từ dáng dấp, quả tròn, căng, vỏ mỏng, vàng ươm, lá xanh”, nghệ nhân Phương Thư cho biết.

Chính từ những thất bại, bà đã tạo nên một con đường mới – bền vững hơn, xanh hơn. Quất của bà không chỉ đẹp, mà còn gửi gắm thông điệp yêu môi trường, giữ gìn truyền thống, và phù hợp với thị hiếu hiện đại.

Bà không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng các nghệ nhân trong vùng, tạo nên cộng đồng trồng quất gắn bó. “Cây quất không chỉ là cây cảnh, mà là cầu nối văn hóa, là lối về cho những ai yêu quê hương, nhớ vị Tết xưa,” bà nói, tay nâng niu từng chiếc lá xanh.

Nhớ lại trước đây, tối 30 Tết, khi nhà nhà đều có những chậu quất trưng bày, những người thợ như bà Thư, chị Trang mới thực sự có phút giây nghỉ ngơi. Họ mang chính thành phẩm của mình về đặt trong góc nhà, vừa ngắm vừa thốt lên hai tiếng “đẹp thật”. Giây phút ấy, mọi mệt mỏi, lo toan như tan biến, nhường chỗ cho niềm tự hào lặng lẽ về thành quả của sức lao động bền bỉ.

Nhưng đằng sau mỗi chậu quất “đẹp thật” là hành trình không ngừng đổi mới. Người trồng quất không chỉ chăm chút để cây khỏe, lá xanh, quả mọng, mà còn phải thổi hồn vào cây, tạo ra những dáng thế mang ý nghĩa riêng. Điều này đòi hỏi họ phải hiểu từng nhành lá, từng gốc cây và quan trọng hơn cả là hiểu được người sẽ sở hữu nó.

“Với những khách hàng sành cây, tôi phải trò chuyện rất nhiều. Hiểu tính cách, không gian bày trí trong nhà rồi mới tư vấn cây phù hợp,” chị Ngô Thu Trang, chủ vườn quất Xuân Lộc, chia sẻ. “Cây dáng trực hợp với người thẳng thắn, bảo vệ lẽ phải. Cây uốn cong mềm mại lại phù hợp với người nhẹ nhàng, thanh thoát. Cây và người phải hợp nhau thì mới thực sự đem lại sự tươi mới và tương hợp trong không gian.”

Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao, những nghệ nhân như chị Trang không chỉ giỏi chăm cây mà còn tự biến mình thành nhà thiết kế. Họ tìm hiểu về kiến trúc, nội thất, ngoại thất, học cách nhìn tỷ lệ, cân đối sao cho cây hòa hợp với từng không gian.

Vườn quất Xuân Lộc của chị Trang không chỉ là nơi bán cây, mà còn là nơi khách hàng được chiêm ngưỡng, trải nghiệm những sáng tạo độc đáo qua từng năm. Gần đây, dòng quất ghép gỗ lũa – sự kết hợp giữa gỗ tự nhiên và cây quất – đang làm say lòng giới sành cây. Những miếng gỗ có vân đẹp được chị Trang cất công tìm kiếm khắp nơi, từ làng mạc đến núi rừng. “Phải đủ ‘ngũ hành’ trong một chậu cây, người mua mới thực sự ưng ý,” chị giải thích.

Quá trình tạo nên một cây quất ưng ý đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Đầu tiên, cần chọn những cây phôi có dáng đẹp. Sau đó, bằng đôi tay tài hoa và con mắt nghệ thuật, người thợ sẽ uốn tỉa từng nhành cây, biến chúng thành những tác phẩm như dáng “long chầu nguyệt” – hai cành uốn lượn tựa rồng ôm lấy mặt trăng, hay dáng “Tự Sơn Thuận Phát” – gửi gắm khát vọng vươn cao nhờ sức mạnh tựa vào non nước.

Mỗi chậu quất, vì thế, không chỉ là một món đồ trang trí mà còn là câu chuyện về những bàn tay tỉ mỉ, những trái tim tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu với nghề. Đó là câu chuyện của những nghệ nhân – những người không chỉ “chơi cây” mà còn “kể chuyện” bằng từng dáng thế, sắc màu.

Với những người làm nông nghiệp, câu thơ: "Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm" - không chỉ là lời nhắc nhở về sự bấp bênh của nghề, mà còn là tâm thế quen thuộc trong hành trình "làm giàu từ đất".

Thời tiết dường như nắm giữ đến 80% sự thành bại của cả mùa vụ. Một năm trời yên, mưa thuận gió hòa, cây sẽ ra dáng khỏe, quả đẹp. Nhưng nếu trời không chiều lòng người, rét sâu, mưa dầm, thì những người trồng cây chỉ còn cách dốc hết sức “cứu cây” mong vớt vát phần nào.

Năm 2024, với người trồng quất Tứ Liên, làng nghề nổi tiếng bậc nhất miền Bắc, có lẽ là một năm khó quên khi cơn bão lịch sử Yagi – bão số 3 – đổ bộ. Không chỉ mang theo những trận gió mạnh khủng khiếp, cơn bão còn kèm theo hoàn lưu gây mưa lớn và ngập úng diện rộng, khiến cả làng chìm trong thiệt hại.

Vào những ngày cận bão, từ trẻ nhỏ đến người lớn trong làng đều cùng nhau chạy đua với thời gian. Tiếng gọi nhau í ới: “Buộc cây nhanh, căng bạt thêm đi!” vang khắp các vườn quất. Cả làng như chìm trong một chiến dịch lớn, quyết tâm giữ cho những cây quất trụ vững trước thiên tai. Thế nhưng, những trận gió hung dữ vẫn không buông tha. Nhiều gốc quất khỏe nhất làng cũng bị bật rễ, nằm rạp xuống đất sau mỗi cơn gió giật.

“Bão qua chưa yên, hoàn lưu lại kéo về, mưa dầm không ngớt khiến vườn ngập úng. Cảnh tượng ấy, chúng tôi – những người trồng cây, chỉ biết chết lặng,” nghệ nhân Trần Thị Phương Thư nhớ lại.

Dẫu vậy, bà Thư và các nghệ nhân Tứ Liên đã chuẩn bị tinh thần và phương án ứng phó từ trước. “Mỗi cây được chăm chút từng chút một, nâng niu như con mình. Nhờ đó, dù thiệt hại nặng nề, số lượng cây còn lại vẫn đủ để cung ứng cho thị trường dịp Tết này,” bà chia sẻ.

Có những mùa, sâu bệnh bất ngờ ập đến, làm cây không đủ tươi tốt, dáng không còn hút mắt như mọi năm. Khách hàng chần chừ, thậm chí quay lưng, để lại nỗi buồn nặng trĩu trong lòng người trồng cây. Nghề này, đâu chỉ “trông trời”, mà còn phải đạt được sự hài hòa giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Nhớ lại lần đầu tiên ra mắt dòng sản phẩm quất trồng trong chậu, lọ nhỏ gọn, chị Ngô Thu Trang – từng ngập tràn hy vọng lại nhanh chóng hụt hẫng. “Người ta thắc mắc, bảo sao cây quất lại trồng được trong cái lọ bé xíu thế kia? Có phải cắm cành giả không?” – giọng chị trầm xuống.

Chị kể: “Có lúc buồn đến phát khóc, vì cảm giác mọi công sức của mình bị nghi ngờ. Nhưng rồi năm tiếp theo, những vị khách từng mua thử cây của tôi quay lại, bảo rằng cây rất bền, rất khỏe, lại đẹp mãi. Thế là họ truyền tai nhau. Cứ thế, trào lưu quất chậu lọ ra đời".

Hơn hai, ba thập kỷ gắn bó với nghề, những người trồng quất như chị Trang hay nghệ nhân Phương Thư đã chứng kiến biết bao mùa cây, với muôn nỗi vui buồn đan xen. Công việc của họ không chỉ đơn thuần là lao động tay chân mà còn là sự kết tinh của kiên nhẫn, tỉ mỉ và sáng tạo. Từng gốc quất, từng nhành lá là sản phẩm của con mắt nghệ thuật và tâm huyết, nơi người thợ gửi gắm ý nghĩa tâm linh qua mỗi dáng thế.

“Mình nhớ những đêm thức trắng chăm cây, những sớm tinh mơ bước ra vườn ngắm nhìn từng quả quất vàng mọng, trĩu nặng. Cũng nhớ những vị khách quen, mỗi năm đều đến vườn, vui vẻ chọn mua cây mang về nhà đón Tết,” nghệ nhân Phương Thư bồi hồi kể.

Còn với chị Ngô Thu Trang, những cây quất không chỉ là sản phẩm mà còn là cầu nối tình cảm, gắn kết người với người. Chị xúc động nhớ về một vị khách đặc biệt: “Gần Tết, một người đàn ông đến vườn mua quất, trông buồn rầu. Hỏi ra mới biết anh gặp chuyện không vui trong gia đình. Tôi chọn cho anh một cây quất thế ‘phu thê hòa hợp’, rồi cẩn thận giải thích ý nghĩa mong cầu hòa thuận, ấm êm.

Vài ngày sau, anh gọi lại cảm ơn, bảo rằng không khí trong nhà đã vui vẻ hơn nhiều. Câu chuyện ấy khiến tôi thêm tin rằng, cây quất không chỉ là cây cảnh, mà còn mang đến những điều tốt lành. Mỗi lần nhớ lại, tôi đều xúc động như lần đầu".

Để có được những cây quất đẹp, là niềm vui cho mỗi gia đình, người trồng cây phải đi qua không ít thăng trầm. Nhưng chính niềm tin vào giá trị mà cây quất mang lại đã giúp họ kiên trì, sáng tạo. Bởi với họ, quất cảnh không chỉ là nghề, mà còn là sợi dây gắn kết yêu thương, trao đi những điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống.

Từ xưa, những cây quất Tứ Liên mang dáng thông, dáng tán đặc trưng đã gắn bó với bao thế hệ người dân trong làng. Nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, một sự thay đổi âm thầm nhưng mạnh mẽ đang diễn ra: quất bonsai – những cây quất nhỏ nhắn được trồng trong các bình gốm đa dạng kiểu dáng – dần thay thế diện tích quất truyền thống. Với ưu điểm gọn gàng, dễ vận chuyển và phù hợp với những không gian sống hiện đại như căn hộ nhỏ hay bàn làm việc, quất bonsai đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho làng nghề Tứ Liên.

Hiện nay, diện tích dành cho quất truyền thống dáng to, dáng tròn đã thu hẹp chỉ còn khoảng 10%, nhường chỗ cho quất bonsai. Loại hình này không chỉ đáp ứng xu hướng bài trí hiện đại mà còn mang lại thu nhập cao, thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia trồng.

“Để có được một chậu quất bonsai đẹp, chúng tôi cần chăm sóc và tạo hình từ 2-3 năm, khác hẳn với những cây quất ngoài thị trường chỉ trồng trong một mùa vụ,” bà Thư giải thích. Từng đường cắt, từng nhánh tỉa hay thậm chí việc giữ lại một chùm quả đều được cân nhắc kỹ lưỡng. “Có những lần, việc cắt tỉa một cành cây mà phải bàn bạc suốt cả tháng trời.”

Quất bonsai Tứ Liên không chỉ là cây cảnh, mà còn là tác phẩm nghệ thuật chứa đựng sự sáng tạo và kiên nhẫn. Những bình gốm làm nền cho cây được lựa chọn kỹ lưỡng để hài hòa với dáng cây, quả, lá và cả ý nghĩa phong thủy. Người nghệ nhân trồng quất phải có con mắt tinh tế, biết cách tạo ra sự cân đối hoàn mỹ trong từng chi tiết.

Nhờ vậy, quất bonsai ở Tứ Liên không chỉ đẹp mà còn mang giá trị đặc biệt, khiến chúng thường có giá cao hơn so với các vùng khác. Mỗi chậu quất mang về không chỉ là một món trang trí, mà còn là sự kết tinh từ bàn tay tài hoa và tâm huyết của những nghệ nhân làng nghề.

Làng Tứ Liên đang thay đổi từng ngày, nhưng trong từng bước chuyển mình, người trồng quất nơi đây vẫn giữ vững tinh thần truyền thống: làm việc từ tâm, sáng tạo với niềm đam mê và trách nhiệm với nghề. Chính điều đó đã và đang giúp quất cảnh Tứ Liên tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế trong lòng người yêu cây trên khắp mọi miền.

Ngay cả trong việc bán quất, người trồng ở Tứ Liên cũng đặt vào đó sự tinh tế hiếm thấy. Khi khách ghé vườn, họ luôn hỏi tỉ mỉ: cây sẽ được đặt ở đâu, góc nào trong nhà? Rồi họ tận tình tư vấn sao cho từng nhánh lá, từng chùm quả đều khoe trọn nét đẹp. Với họ, quất không chỉ là cây cảnh, mà còn là biểu tượng của truyền thống, là tinh hoa cần được giữ gìn trân trọng dù thời thế có đổi thay.

Thế nhưng, hành trình bảo tồn và phát triển làng nghề không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những năm gần đây, làng nghề đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, sự thiếu hụt lớp trẻ nối nghiệp khiến nhiều người không khỏi lo âu. “Con trẻ học hành thành tài đều rời quê đi làm xa. Làm nghề bây giờ chỉ còn những người lớn tuổi. Tương lai làng nghề không biết còn kéo dài được bao lâu,” bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội Làng nghề quất cảnh Tứ Liên, trăn trở.

Thứ hai, trong thời buổi kinh tế thị trường, việc cạnh tranh thiếu lành mạnh đang đe dọa uy tín của thương hiệu quất Tứ Liên. “Nhiều người học lỏm nghề, dùng tem mác Tứ Liên để bán sản phẩm giá rẻ, nhưng chất lượng không đảm bảo. Điều này ảnh hưởng lớn đến danh tiếng làng nghề,” bà Ngà bày tỏ.

Dẫu vậy, những người yêu nghề như bà Phương Thư hay chị Ngô Thu Trang vẫn âm thầm làm nghề với tất cả tình yêu và lòng kiên trì. Dù phong cách khác biệt, họ đều gửi gắm tâm huyết vào từng cây quất, biến mỗi sản phẩm thành một tác phẩm nghệ thuật. Qua những kỳ hội chợ, họ không chỉ quảng bá giá trị của quất Tứ Liên mà còn chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho những người thợ trong làng, nhân lên niềm đam mê với nghề.

Họ đã dành cả đời chăm sóc, uốn tỉa những mầm lộc mùa xuân, mang đến sự may mắn và hy vọng cho mỗi gia đình dịp Tết. Nhưng câu chuyện của họ không chỉ là chuyện về nghề trồng quất. Đó là câu chuyện về đam mê và sáng tạo, về nỗ lực giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tết Nguyên Đán đang cận kề, làng Tứ Liên lại rực rỡ trong sắc vàng xanh của những cây quất cảnh. Mỗi cây quất là kết tinh của cả một quá trình miệt mài, sáng tạo và yêu nghề. Những nghệ nhân Tứ Liên, với bàn tay tài hoa và trái tim đầy nhiệt huyết, chính là những người lặng lẽ giữ “hồn quất Việt” để “hồn Tết Việt” mãi trường tồn.

Phóng sự của Phương Mai

Ảnh, Video: Phương Mai, Lê Phú

Thiết kế: An Nhiên