Vất vả, khó khăn, không có việc làm, chị Phan Thị Lan (công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1-5, trụ sở tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội) còn bất ngờ khi biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho chị trong suốt 3 năm 5 tháng khiến chị thiệt thòi về quyền lợi. Tháng 4/2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng là tháng cuối cùng chị Phan Thị Lan làm việc tại Phân xưởng Nội thất - Lắp ráp ô tô, Công ty Cổ phần Ô tô 1-5. Chị làm việc cho công ty từ năm 2002, đến nay đã gần 20 năm gắn bó. Công việc của chị là cắt vải, dán sàn ô tô. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị Lan được công ty bố trí việc làm từ tháng 1 đến tháng 4. Tuy nhiên, hết tháng 4/2020, chị được công ty cho nghỉ việc do không có đủ việc làm. Điều khiến chị Lan bức xúc là công ty cho chị nghỉ việc quá đột ngột và không có bất kỳ thông báo nào bằng văn bản. “Lúc phải nghỉ việc tôi rất lo lắng không biết phải sống ra sao. Việc này quá bất ngờ. Vì mọi sinh hoạt và cuộc sống của gia đình tôi trông cả vào lương của tôi. Hằng tháng, nếu công ty có đủ việc làm, có lương, tôi còn có tiền để nuôi 3 con ăn học. Đằng này, công ty cho nghỉ đột ngột, lương cũng không trả, bảo hiểm xã hội cũng không tham gia đầy đủ. Khi phải nghỉ việc, tôi mới ngã ngửa khi biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho mình từ năm 2016”, chị Lan nói. |
nghỉ việc không rõ lý do Chị Phan Thị Lan là một số 23 người lao động đồng loạt ký vào đơn đề nghị Thanh tra lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh vào cuộc, làm rõ những vi phạm của Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 đối với người lao động. Chị Lan cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2020, hằng tháng chị phải trích tiền lương để nộp bảo hiểm. Tuy nhiên trên thực tế, công ty không đóng bảo hiểm cho chị. Năm 2002, chị Lan vào công ty thử việc với bậc thợ 3/7. Đến năm 2020, chị giữ bậc tay nghề 4/7 với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, công ty bắt đầu làm ăn sa sút từ năm 2019. Người lao động ít việc, có người mỗi tháng chỉ được vài ngày công. Có những người nhiều ngày công nhất chỉ được 2,7 – 3 triệu đồng/người. Từ tháng 5/2019, công ty bắt đầu nợ lương của công nhân. Đến tháng 4/2020, công ty cho chị và một số công nhân nghỉ việc không thông báo lý do, cũng không đối thoại về giải quyết chế độ. |
Chị Phan Thị Lan lo lắng vì quyền lợi không được đảm bảo |
“Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều công ty ở xung quanh đây dù quy mô nhỏ nhưng cũng đều hỗ trợ 70% tiền lương cho người lao động trong những ngày phải tạm ngừng việc. Chúng tôi rất thiệt thòi khi phải nghỉ việc không lý do, bị nợ lương và giờ còn nợ cả bảo hiểm xã hội. Trong nhiều năm qua, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, công ty còn cắt giảm các khoản hỗ trợ dịp lễ, Tết. Thực sự, nghe tin bị nợ bảo hiểm xã hội, tôi quá buồn” – chị Lan kể. Chị Lan quê ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), lấy chồng ở Bắc Giang. Vợ chồng chị có với nhau 3 mặt con nhưng vẫn còn phải đi ở trọ. Trước, chồng chị làm việc ở trung tâm TP Hà Nội. Năm 2013, chồng chị bị tai nạn, mất 70% sức khỏe. Anh không có công việc và thu nhập ổn định, lại hỏng một mắt. Khi trái gió trở trời còn tốn thêm tiền thuốc thang. Mọi chi tiêu trong gia đình đổ dồn vào vai chị. Mất việc, chị phải đi vay mượn hơn 10 triệu đồng để khởi nghiệp với chiếc xe đẩy bán bánh mì. Hơn 1 năm qua, cả nhà chị bấu víu vào chiếc xe đẩy kẽo kẹt đó để sống, hết sức vất vả. |
|
mất ngủ vì thiếu tiền Bé Nguyễn Thị Mai Hương – học sinh lớp 6, con gái chị Lan kể: “Mẹ vất vả dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bán hàng. 12 giờ trưa mẹ mới về. Mỗi lần con xin mẹ tiền mua đồ dùng học tập, mẹ nói từ từ mẹ lo. Nhiều lần cô giáo nhắc đóng tiền học, bố mẹ lại xin cô cho chậm 1 - 2 tuần. Con thương mẹ lắm”. Hơn 2 năm nay, cuộc sống của chị Lan càng thêm khó khăn. Tháng nào chị cũng vay mượn. Cuối tháng chị phải trả đủ thứ tiền: Tiền điện, tiền học của con, tiền lãi… Công việc ổn định chưa tìm được. Việc bán bánh mì trong thời dịch không trang trải đủ 5 miệng ăn. “Nhiều lần tôi buồn và khóc thầm. Những lúc không có tiền, thấy bất lực, lại cáu với cả chồng con. Trong lúc dịch bệnh thế này kiếm tiền rất khó khăn. Các con nói: Mẹ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền. Nhưng tiền ăn, tiền học của các con mà không đóng được, tôi xấu hổ lắm chứ! Tôi không ước mong gì, chỉ mong có được việc làm, cuộc sống đủ ăn và các con được đi học đã là hạnh phúc” – chị Lan chia sẻ. Không chỉ thương con, chị Lan còn đau đáu nỗi buồn khi nghĩ tới cha mẹ và các em gái. Vì thương chị vất vả, lận đận mà cha mẹ chị đã thế chấp sổ đỏ vay giúp chị 70 triệu đồng, đến nay, chị mới trả được 10 triệu đồng. Các em gái cũng phải cho chị vay mượn để chị trang trải cuộc sống. Một người họ hàng còn cho chị mượn nhà để ở. |
- “Tháng nào tiền thiếu quá, tôi lo lắng không ngủ được. Tôi giận bản thân mình. Vì mình mà bố mẹ phải vất vả lây, tuổi già không được thảnh thơi. Là con, tôi rất đau khổ vì điều đó” - nói đến đây, chị Lan rơi nước mắt. Điều chị sợ hãi lúc này là nếu tiếp tục suy nghĩ và mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, bệnh tim của chị dễ tái phát. Nói rủi, nếu có ốm đau thì chị không biết phải xoay xở ra sao. Nói về việc công ty nợ bảo hiểm xã hội, chị Lan cho biết: "Ngày Nhà nước trả sổ bảo hiểm, tôi mới biết trong suốt 3 năm 5 tháng, công ty không hề tham gia bảo hiểm cho mình. Khi chúng tôi hỏi ban lãnh đạo thì được trả lời qua loa, không rõ ràng. Nếu công ty có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho tôi thì khi tôi nghỉ việc, vẫn còn có khoản tiền để trang trải. Giờ phải nghỉ như thế này, tôi hết sức thiệt thòi về quyền lợi". |
Chị Lan phải cặm cụi mưu sinh bằng chiếc xe đẩy chở nước và bánh mì |
“Sau 2 lần chúng tôi gửi đơn lên cơ quan chức năng, công ty hẹn đến ngày 20/7 sẽ trả lời. Và công ty hẹn sẽ trả nốt những tháng lương còn nợ. Tuy nhiên lại chưa có phản hồi về vấn đề nợ bảo hiểm xã hội. Đó là điều mà chúng tôi quan tâm nhất. Chúng tôi đóng bảo hiểm đầy đủ, vì sao công ty lại không đóng cho chúng tôi? Rõ ràng bảo hiểm xã hội là vấn đề quan trọng của người lao động. Vì sao họ có thể làm như vậy?” – chị Lan bức xúc đặt câu hỏi. Nói về việc Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, ông Trần Thanh Nam – Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty lấy lý do tình hình sản xuất kinh doanh kém và “do còn nợ bảo hiểm xã hội từ trước nên khi đóng, số tiền đó bị trừ vào phần nợ cũ, chính vì vậy phần đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ được tính đến tháng 8/2016". |
Chồng chị Lan mất 70% sức khỏe từ năm 2013 đến nay |
Hiện tổng số tiền bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp nợ là gần 15 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 8,1 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh là hơn 6,8 tỷ đồng. |
|
Căn nhà nơi Chị Lan và gia đình ở nhờ |
|
Bài viết: Duy Minh |