|
“Em lo lắm, sống trong khu vực phong tỏa đến 10 ngày rồi, loanh quanh trong gian nhà chật hẹp mà lòng rối bời. Nhà bao việc mà phải trói chân ở đây, không tiền, không lương thực vì dịch bệnh” - anh Giàng A Thu (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) chia sẻ với chúng tôi. |
Xã Liên Bảo (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có Công ty Cổ phần May Bắc Ninh thu hút hàng trăm công nhân lao động. 10 ngày qua, công ty phải tạm dừng hoạt động. Công nhân phải cách ly tại nhà do có ca bệnh Covid-19. Nóng lòng như lửa đốt, anh Giàng A Thu (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Hơn 10 ngày không được đi làm, cũng không được ra khỏi nhà. Cả ngày hai vợ chồng chỉ quanh quẩn ăn rồi lại nằm. Phòng trọ nóng bức không có điều hòa, chỉ có một chiếc quạt, con cả ngày lủi thủi ở nhà nghĩ rất thương”. Cả hai vợ chồng anh cùng làm ở Công ty Cổ phần May Bắc Ninh. Tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, tiền điện nước mỗi tháng tằn tiện cũng hết 4 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải lo các khoản con đi học, tiền sữa và một phần gửi về cho con trai lớn ăn học. Mỗi tháng, thu nhập của hai vợ chồng đạt 12, 13 triệu đồng, nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, anh chị không dành dụm được là bao. Vợ anh Giàng A Thu tại phòng trọ (thôn Hoài Thượng, xã Liên Bảo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: NVCC |
“Cuộc sống những ngày này rất tệ. May nhờ công ty hỗ trợ mỳ tôm, trứng và rau nên cả nhà có thể sống qua ngày. Con nhỏ cũng không được ăn uống “cải thiện” như trước. Tiền không có, mỗi tháng còn lo trả nợ. Bố mẹ lại ở xa, quê không về được. Con không gặp được. Cách ly ít nhất 21 ngày mà dài như cả năm. Mong là không phát hiện ca mắc mới, nếu phải cách ly lại từ đầu chắc mình không chịu nổi”. Vợ chồng anh Thu vừa làm được căn nhà đơn sơ trị giá 30 triệu đồng, để yên lòng cha mẹ và con nhỏ khi mưa nắng. Chỉ làm bằng chất liệu khung sắt, mái tôn nhưng vợ chồng anh đã phải vay ngân hàng 40 triệu đồng. “Em đã trả được một nửa rồi, nhưng còn phải mất một năm nữa mới hết nợ. Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, không có việc làm, không có lương, gia đình em không có tiền trả nợ, không có tiền cho các con ăn học và sinh hoạt hằng ngày. Dịch bệnh thế này không được về quê, phải ở nơi đất khách quê người. Lúc này, em mong được nhà hảo tâm ủng hộ chút chi phí, nhu yếu phẩm để vượt qua khó khăn” – anh Thu nói. Làm căn nhà này, vợ chồng anh Thu còn nợ ngân hàng. Ảnh: NVCC |
Sống tại nhà trọ thôn Hoài Trung (xã Liên Bảo, huyện Tiên Du), chị Lò Thị Pó Mỷ vừa từ Lai Châu xuống làm việc tại Công ty Cổ phần May Bắc Ninh được 3 ngày thì công ty tạm nghỉ vì dịch bệnh. Tiền nhà trọ 800.000 đồng, chị đã đóng từ đầu tháng. Trong túi không có tiền tích lũy. Số mỳ tôm, trứng, gạo mà công ty hỗ trợ ban đầu cũng sắp hết. “Xác định là tháng này phải nhờ ông bà nuôi cháu, em chỉ còn 200.000 đồng trong túi để cầm cự đến khi dịch bệnh được kiểm soát” – chị Pó Mỷ ngao ngán nói. Chung cảnh ngộ với chị Pó Mỷ, anh Thu, hai vợ chồng anh Tòng Văn Nên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, trọ tại huyện Thuận Thành) phải nghỉ làm, lâm vào cảnh khó khăn do không có thu nhập. Anh chị đi làm 2 năm nhưng không có tích lũy. Trong khi đó, tiền thuê trọ, điện nước hết 1,2 triệu đồng; con 6 tuổi nhờ ông bà nội trông mỗi tháng chi phí 2 triệu đồng. Công ty đóng cửa vì dịch bệnh khiến anh chị không có lương trong tháng này. |
Cán bộ công đoàn chuẩn bị bữa ăn cho công nhân bị cách ly. Ảnh: CĐ |
“Em buồn lắm, không về quê được. Nhớ con phải nén trong lòng. Mỗi lần gọi điện bố mẹ lại động viên, không đi làm được thì thôi, quan trọng lúc này là sự an toàn và chung tay phòng, chống dịch” – anh Nên cho biết. Lo lắng trước tình cảnh khó khăn của đoàn viên, người lao động, đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh đã có 255 ca mắc Covid-19, trong đó 9 trường hợp là công nhân. Toàn tỉnh có 454 công nhân là F1, 3.697 công nhân là F2. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm, thậm chí dừng sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ của các cấp công đoàn, đã có 5.663 công nhân lao động ngoại tỉnh phải cách ly y tế, không có việc làm, thu nhập giảm sút nghiêm trọng. Nhiều công nhân ngoại tỉnh phải nghỉ làm vì có con nhỏ phải nghỉ học. Công nhân thiếu thốn lương thực, thực phẩm. Đưa thực phẩm đến với công nhân xã Liên Bảo. Ảnh: NVCC |
Trước tình hình trên, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị các thị xã, thành phố, huyện có giải pháp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó đề nghị thống kê trường hợp công nhân, người lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng, là F2 phải cách ly tại khu nhà trọ và có biện pháp hỗ trợ như giảm giá nhà trọ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm miễn phí, giảm giá các mặt hàng thiết yếu... Công đoàn tham gia với doanh nghiệp tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng lao động, cho thôi việc để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch, ít nhất đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. |
|
Ngày 17/5/2021, tại buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các cấp công đoàn trước khó khăn của người lao động. Đồng chí cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ sớm ban hành chính sách kịp thời, trên tinh thần hỗ trợ người lao động đảm bảo toàn diện, tránh sót đối tượng. Thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã trao hỗ trợ tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 số tiền 100 triệu đồng.
|