“Em tự dặn mình phải nhẹ tay hơn, thao tác nhanh hơn để công nhân vơi bớt lo lắng về dịch bệnh khi được lấy mẫu” Nguyễn Thị Minh Huyền - sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng chia sẻ. |
Nguyễn Thị Minh Huyền là 1 trong 27 sinh viên tình nguyện của Đại học Y tế công cộng (Bộ Y tế) đi chống dịch ở tại tỉnh Bắc Ninh. Nơi Huyền chống dịch là huyện Quế Võ, tập trung đông công nhân ở trọ và khu công nghiệp. Nhóm của Huyền gồm 12 người (2 thầy cô và 10 sinh viên khoa Xét nghiệm). Công việc hằng ngày của cả đội là trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm liên tục trong khoảng thời gian từ 18h đến 24h hằng ngày để truy tìm Covid-19. “Một tuần nay em đã ở đây (huyện Quế Võ) để đi lấy mẫu. Xét nghiệm “thần tốc” có vai trò quan trọng trong việc phát hiện kịp thời các đối tượng liên quan đến Covid-19 để kịp thời có biện pháp ứng phó. Công việc của chúng em thuộc Tổ hỗ trợ điều tra, giám sát dịch và xử lý môi trường tại cộng đồng của Bộ Y tế tại Bắc Ninh” - Nguyễn Thị Minh Huyền kể. |
Huyền cho biết, với nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay, nhất là nguy cơ dịch từ cộng đồng tấn công vào khu công nghiệp thì toàn đội phải đạt được lượng mẫu xét nghiệm nhiều nhất, nhanh nhất đảm bảo cho công tác xét nghiệm. Bởi lẽ, chu kỳ nhân lên của virus SARS- CoV-2, đối với biến chủng Delta (xuất phát từ Ấn Độ) nhân lên rất nhanh, khoảng 3 ngày. Tương đương với các chu kỳ nhân lên và lây nhiễm trong quần thể dân có người nhiễm. Vậy nên việc triển khai xét nghiệm phải được thực hiện phù hợp với chu kỳ nhân lên đó của virus. Địa bàn nơi Huyền cùng thầy cô và các bạn được đánh giá là có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do có khu công nghiệp, nhiều nhà trọ tập trung đông công nhân, lao động, do đó, Huyền cùng các bạn được chỉ đạo thực hiện lấy mẫu theo phương án: Khu vực chưa có ca mắc lấy mẫu gộp. Khu vực có ca mắc nhưng chưa qua 14 ngày không có ca mắc mới thì lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình. |
Nguyễn Thị Minh Huyền đang là sinh viên nhưng đã xung phong vào tâm dịch |
Đồng thời, Huyền và các bạn phải thực hiện lấy mẫu theo những chỉ dẫn rất phức tạp như: Lấy mẫu theo khung thời gian khác nhau (khu vực chưa qua 14 ngày không có ca mắc mới; khu vực có ca mắc trong khoảng thời gian từ 8 - 14 ngày và khu vực có ca mắc trong 7 ngày... Đối với các thôn có ca mắc trong vòng 7 ngày được coi là có nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm 3 đợt vào các ngày 1, 4, 7, lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình... Thêm vào đó là các quy định như: Các địa điểm có nguy cơ thấp hơn như các thôn, xã có ca mắc trong 8 - 14 ngày xét nghiệm 2 đợt vào các ngày 1, 7. Với những địa bàn thôn, xã chưa ghi nhận ca mắc Covid-19, do đặc thù của bệnh này, 80% người nhiễm không có triệu chứng nên cần phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhưng chỉ lấy mẫu đại diện 1 người trong hộ gia đình để làm xét nghiệm... "Ban đầu chúng em đều hoa mắt vì những yêu cầu của công tác lấy mẫu xét nghiệm. Những quy tắc cứ nhảy múa trong đầu. Vì chúng em lần đầu tiên được thực chiến ở một địa bàn có dịch bệnh phức tạp như thế này nên em phải học thuộc lòng quy định về lấy mẫu để thực hiện chính xác theo yêu cầu" - Huyền chia sẻ. |
"Em cảm nhận nỗi lo lắng của công nhân khi lấy mẫu" |
"Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp với hơn 1.000 công ty, doanh nghiệp. Riêng khu công nghiệp Quế Võ có hàng trăm doanh nghiệp với hàng chục nghìn công nhân sống tại các nhà trọ trong khu dân cư. Nếu không nhanh chóng xét nghiệm, sàng lọc trường hợp mắc bệnh thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất là rất lớn. Đi kèm với đó là đời sống của anh chị công nhân rất khó khăn. Chúng em cảm nhận được tầm quan trọng đó nên rất khẩn trương lấy mẫu cho người dân và công nhân để có kết quả sớm, đưa công nhân trở lại làm việc" - Huyền cho biết. |
Nguyễn Thị Minh Huyền khi lấy mẫu về. |
Từ một sinh viên học trên giảng đường, 7 ngày qua với Huyền đầy ắp những trải nghiệm về chuyên môn về cuộc sống. Với em, trong quá trình lấy mẫu, nhiều người rất vui tính làm em bật cười. Khi lấy mẫu, Huyền còn cảm nhận được sự khó khăn, thiếu thốn của công nhân nơi nhà trọ. Họ mong muốn được đi làm, được an toàn để có tiền trang trải cuộc sống. “Chúng em ở tâm dịch nhưng vẫn được đảm bảo nơi ăn, chốn ở. Buổi chiều, khoảng 17 – 18h, khi mặt trời bớt chói chang, chúng em lên đường đi lấy mẫu trong những bộ trang phục kín mít. Ngày mát mẻ như hôm nay, em lấy được 300 mẫu. Có những ngày, em lấy 150 mẫu. Trong đó, chủ yếu là công nhân thuê trọ và người dân ở Nghiêm Thôn, Phương Liễu. Em thấy mình vẫn còn hạnh phúc, đủ đầy hơn công nhân rất nhiều. Các anh chị ấy mong chờ từng lần xét nghiệm để được về nhà hoặc đi làm trở lại” – Minh Huyền nói. |
chưa được về nhà đã 3 tháng nay |
Huyền kể, lần đầu tiên khi em lấy mẫu khiến một nữ công nhân mang thai 7 tháng giật mình vì đau nhức. Rồi có em nhỏ là con công nhân sợ hãi, quẫy đạp, em bất chợt thấu cảm với nỗi sợ hãi, lo lắng của họ. Những ngày qua, gia đình những người công nhân đã trải qua khoảng thời gian khó khăn do dịch bệnh. Công việc không có, họ không được ra khỏi nhà. Những đứa trẻ nhìn thấy cô chú “áo trắng” với bộ đồ kín mít, cầm chiếc bông chỉ chực bắt chúng ngửa cổ lên và... ngoáy khiến chúng sợ hãi. Huyền còn nghe thấy công nhân thở dài vì chưa được về quê do nhà trọ ở trong “rốn dịch”. Em thấy lòng mình trĩu nặng. Em lấy mẫu thật nhanh và nhẹ tay để công nhân nhanh chóng quên đi cảm giác đau nhức. Với trẻ con, Huyền hết sức dỗ dành để các em bớt sợ khi lấy mẫu xét nghiệm. |
Nguyễn Thị Minh Huyền lấy mẫu cho công nhân |
Ở tâm dịch, Huyền vẫn mang sách vở theo để ôn bài. Sau bữa sáng, em vẫn học online để kịp nắm bắt kiến thức của thầy cô, áp dụng vào thực tế lấy mẫu. Có những lần mải đi lấy mẫu, mẹ em thức đến nửa đêm, chờ Huyền gọi lại mới đi ngủ được. Vượt lên nỗi sợ ban đầu, Huyền bước vào tâm dịch với tâm thế tự hào khi được góp công sức cho công cuộc phòng, chống dịch lần này. “Đi lấy mẫu không mệt đâu ạ. Càng lấy mẫu, em càng hăng hái hơn. Em mong cho các công nhân sớm được về nhà, vì em cũng ở trong hoàn cảnh đó nên em hiểu hơn bao giờ hết” - Huyền cho biết. Thì ra, từ đầu năm đến giờ, đã 3 tháng Huyền không được về quê. Dịch bệnh bùng phát, em đăng ký đi hỗ trợ tình nguyện nên ở lại Hà Nội chờ đợi. Một thời gian sau, em muốn về thì tỉnh Thái Bình (quê em) có dịch nên em không về được. Sau đó, thành phố Hà Nội có ca nhiễm nên em không về quê. Đợt dịch này, em được gọi đi Bắc Ninh hỗ trợ. Nếu dịch kết thúc sớm, em cũng phải cách ly 28 ngày mới được về nhà... Huyền cho biết, em đi săn Covid-19, mệt nhưng rất vui. “Tối tối, chúng em ngồi chia sẻ với nhau những chuyện vui khi đi lấy mẫu. Em thương những công nhân vất vả và mong sao, họ sớm được về nhà. Em lại kể chuyện gia đình, bố em là thợ mộc, mẹ là thợ may, còn em lại đi làm nghề... săn Covid-19. Em nghĩ rằng, nghề Y là đam mê và theo đuổi suốt cuộc đời" - Nguyễn Thị Minh Huyền tâm sự. Huyền rất vui khi cùng các chiến sĩ áo trắng săn Covid-19 nơi tâm dịch “Toàn huyện Quế Võ hiện có 111 ca mắc Covid-19 tại 16 xã, thị trấn với 26 điểm dịch từ 7 nguồn lây. Qua rà soát các trường hợp F1, F2, F3 có 14.071 người, trong đó F1: 817 người, F2: 6676 người, F3: 6387 người. Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, lũy tích đến nay, huyện Quế Võ đã tiến hành lấy 123.508 mẫu. Kết quả đó đã đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của những sinh viên như Minh Huyền" - ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cho biết.
|
Bài viết: Duy Minh