e magazine
30/01/2021 19:50
Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

30/01/2021 19:50

Thanh Huyền (25 tuổi) đang làm việc tại TP.HCM dự định về quê vào ngày Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), vé máy bay đã đặt nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát với số ca nhiễm tăng qua từng ngày, cô chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”, bán lại vé máy bay đã đặt trước đó.
Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

Thanh Huyền (25 tuổi) đang làm việc tại TP.HCM dự định về quê vào ngày Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp). Vé máy bay đã đặt nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát với số ca nhiễm tăng qua từng ngày, cô chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”, bán lại vé máy bay đã đặt.

Thanh Huyền quê ở Thanh Hóa, do nơi làm việc của cô cho nghỉ Tết sớm nên cô hẹn với bạn đang sống ở Hà Nội cùng đi du lịch ngắn ngày trước khi về quê đón Tết cùng gia đình. Kế hoạch của cô là mua vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội vào ngày 23 tháng Chạp. Cô dự định sẽ đi chơi ở Hà Nội và một số điểm du lịch ở các tỉnh gần Hà Nội, sau đó mới về quê ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, khi đọc thông tin dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh, sau đó các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh cũng ghi nhận ca nhiễm, gia đình đã gọi điện cho Huyền đề nghị thay đổi lịch trình, hạn chế di chuyển.

Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

Nhiều tin nhắn rao bán lại vé máy bay về các tỉnh phía Bắc được đăng lên các nhóm sang nhượng vé.

Thanh Huyền cho hay: “Tôi quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết. Ngay lúc này, mỗi người dân hạn chế di chuyển là cách tốt nhất cùng với cả nước chống lại dịch Covid-19”. Thanh Huyền lên các hội nhóm chuyên chuyển nhượng lại vé máy bay để bán lại vé, một đại lý đồng ý mua lại vé, cô chịu phí sang tên. Cô với người bạn hủy chuyến du lịch cận Tết ở các tỉnh phía Bắc. Thanh Huyền cho hay, về Tết với bố mẹ được thì vui nhưng không về được cũng không có gì phải buồn. Thời điểm này, an toàn phải được đặt lên trên hết!

Thanh Huyền giống như rất nhiều người lao động xa quê khác đã chọn phương án “ăn Tết tại chỗ” tức Tết này không về quê mà chọn ở lại tỉnh, thành nơi mình đang làm việc. Nhiều doanh nghiệp đông công nhân, có quê ở các tỉnh ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong đợt bùng phát dịch vào ngày 28/1 cũng vận động công nhân, người lao động xem xét lại kế hoạch về quê, du Xuân vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu này.

Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

Người lao động tại Công ty Esquel Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, Bình Dương) được vận động ở lại Bình Dương ăn Tết.

Ngày 30/1, ông Nguyễn Văn Tọa – Giám đốc Nhà máy Công ty TNHH MTV Thép VAS An Hưng Tường (Bình Dương) đã có thông báo gửi toàn thể công nhân viên. Theo đó, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại và lây lan nhanh hơn nên công ty sẽ dừng việc tổ chức thuê xe đưa rước cán bộ, công nhân viên về quê vui Tết 2021. Để khuyến khích công nhân, người lao động ở lại Bình Dương đón Tết, công ty sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng/người. Tất cả người lao động về quê dịp Tết Tân Sửu phải khai báo thông tin cho Trưởng bộ phận và Thống kê xưởng theo dõi.

Ông Tạ Kim Đoan – Chủ tịch Công đoàn Công ty Esquel Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, Bình Dương, doanh nghiệp có hơn 6.000 lao động) cho biết, khi thông tin về dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh, công đoàn phối hợp với bộ phận nhân sự của công ty tuyên truyền, khuyến khích công nhân “thật sự cần thiết thì mới về quê” nhằm hạn chế thấp nhất việc di chuyển, góp sức cùng cả nước chống dịch. Đặc biệt khuyến khích công nhân có quê ở các tỉnh, thành có ổ dịch, ghi nhận ca nhiễm Covid-19 không về quê để đảm bảo an toàn. Ông Tạ Kim Đoan cho biết thêm, từ khi Việt Nam ghi nhận có ca nhiễm Covid-19, Esquel Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, khử khuẩn… Tất cả các biện pháp đó được duy trì liên tục cho đến nay.

Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

Duy trì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn... được nhiều doanh nghiệp áp dụng để phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Công ty Astro Việt Nam (Khu công nghiệp Kim Huy, Bình Dương, doanh nghiệp có hơn 3.000 lao động) ngay từ sáng 29/1, từng xưởng, chuyền đã tuyên truyền, vận động anh, chị, em công nhân hạn chế về quê, hạn chế di chuyển vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu. Anh Trần Văn Hoạt – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho hay, ngoài ra, Ban Giám đốc còn phát tờ rơi, phát loa thông tin về tình hình dịch bệnh, ghi nhận các ca nhiễm mới, các địa phương có ghi nhận ca nhiễm để anh, chị, em công nhân nắm được tình hình dịch bệnh.

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này quyết định dừng tổ chức chương trình Tết Sum vầy, theo kế hoạch là tổ chức tối 30/1, dự kiến hơn 2.000 người tham dự. Đơn vị cũng ra công văn chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với địa phương và doanh nghiệp triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở nhà máy.

Thông tin từ tổ chức Công đoàn Bình Dương cho hay, Tết Tân Sửu năm nay, có khoảng 250.000 lao động ở lại Bình Dương ăn Tết Nguyên đán (tăng 100.000 lao động so với năm ngoái).

Lo ngại dịch Covid-19, người lao động chọn phương án “ăn Tết tại chỗ”

Người lao động Công ty Astro Việt Nam được vận động ở lại Bình Dương ăn Tết.

Chiều 30/1, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tuyên truyền, vận động công nhân lao động có quê thuộc những vùng có dịch ở lại Bình Dương ăn Tết. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, nếu công nhân di chuyển trong dịp cao điểm này về quê - vùng đang xảy ra dịch bệnh (Hải Dương, Quảng Ninh...) khi trở lại Bình Dương thì rất khó kiểm soát. Vì vậy cần vận động người dân ở tại chỗ để thuận lợi cho công tác phòng, chống, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân và cộng đồng.

Tại TP.HCM, Liên đoàn Lao động thành phố cùng phát đi thông báo đề nghị các cấp công đoàn, các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như tạm hoãn các hội nghị không cần thiết, các hoạt động họp mặt cuối năm; Tăng cường tuyên truyền trong công nhân, viên chức, lao động, nhất là đối với các trường hợp về quê ăn Tết, cần tuân thủ nghiêm các quy định khai báo, cách ly, phòng, chống dịch… của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương; ghi lại lịch trình di chuyển, tiếp xúc trong thời gian về quê, nhất là tại các vùng có dịch khi quay trở lại thành phố làm việc. Các hoạt động thường niên của các cấp công đoàn vào dịp cuối năm như Tết Sum vầy, “Hội trại mùa xuân” cũng thay đổi cách thức tổ chức hoặc không tiếp tục tổ chức…

Bài, ảnh: LÊ TUYẾT

Ngắm ảnh anh Đam Ngắm ảnh anh Đam

Suốt cả ngày, cả đêm hôm qua, bức ảnh dưới đây ngập tràn trên mạng xã hội. Bức ảnh được chụp vào đầu giờ sáng ...

Kiên quyết đưa công nhân Công ty POYUN đi cách ly tập trung trong chiều tối nay Kiên quyết đưa công nhân Công ty POYUN đi cách ly tập trung trong chiều tối nay

Phản ánh khó khăn trong quá trình kiểm soát dịch bệnh tại TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), Tổ công tác của Bộ Y tế ...

Sẽ truy vết trên diện rộng để tìm ra những người mắc mới Covid-19 Sẽ truy vết trên diện rộng để tìm ra những người mắc mới Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, quan điểm của ngành Y tế là phải ...

Xem phiên bản di động