Trước sóng gió cuộc đời, những người không ruột rà máu mủ, thậm chí không quen biết nhưng họ sẵn sàng san sẻ, hỗ trợ nhau như anh em trong gia đình. Gia đình đó chính là tổ chức Công đoàn. |
Dìu nhau qua sóng gió Với Vũ Hoàng Anh, 4 tháng vừa qua là 4 tháng khó khăn nhất trong cuộc đời. Mẹ của Hoàng Anh – cô Cao Thị Tố Nga, giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu bị tai nạn nghiêm trọng, trong khi Hoàng Anh cùng em trai đều đang ở Hà Nội. Khi trở về biết rằng mẹ có thể sẽ phải sống thực vật suốt quãng đời còn lại, Hoàng Anh đã không thể nào đứng vững. Cô Lưu Thị Thoa, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Tân Sơn chia sẻ: “Hoàn cảnh chị Nga rất khó khăn. Chồng mất sớm, một mình chị Nga nuôi 2 con ăn học và chăm sóc bà mẹ đã già yếu, một trong hai người con của chị cũng gặp vấn đề về sức khỏe. Ngay sau khi công đoàn nhà trường cung cấp câu chuyện của chị Nga và đề nghị được hỗ trợ, LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu đã chia sẻ rộng rãi câu chuyện của chị Nga trên tất cả các kênh mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ. Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện cũng xuống tận nơi để thăm và chia sẻ với gia đình chị Nga, làm việc với công đoàn bệnh viện và nhờ họ quan tâm, giúp đỡ thêm”. Ông Tô Văn Thắng – Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu thăm hỏi và động viên chị Cao Thị Tố Nga. Từ sự kêu gọi của LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu, các đoàn viên công đoàn trên địa bàn và trong toàn tỉnh đã hỗ trợ cho gia đình chị trực tiếp hoặc qua kênh của công đoàn. Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Minh An cũng sắp xếp những bác sĩ, điều dưỡng nhiều kinh nghiệm nhất để thăm khám cho chị, bố trí chị nằm ở một phòng riêng yên tĩnh để tiện cho người nhà ở lại săn sóc. Nắm bàn tay xanh xao của mẹ, Hoàng Anh không giấu nổi xúc động, em nói: “Nếu không có các cô, chú trong công đoàn thì em không biết phải xoay xở như thế nào. Em biết ơn tình cảm mà các cô, các chú đã dành cho mẹ con em vô cùng. Nếu một ngày nào đó, mẹ tỉnh dậy, nhất định mẹ sẽ rất hạnh phúc khi biết rằng mình được mọi người yêu thương và quan tâm như thế nào”. Công đoàn luôn lắng nghe và chia sẻ với gia đình người lao động. Niềm hạnh phúc mà Hoàng Anh nhắc đến, chị Hồ Thị Huệ hiểu hơn ai hết. Chính chị cũng nhận được những yêu thương, chia sẻ từ tổ chức Công đoàn khi trải qua những năm tháng khó khăn. Chị Huệ vốn là nhân viên thư viện của Trường Tiểu học Quỳnh Thạch. Với đồng lương ít ỏi và công việc bấp bênh, vợ chồng chị cùng con cái sống trong một phòng trọ cũ kỹ. Sóng gió ập đến khi chồng chị qua đời trong một vụ tai nạn. Trong tang lễ của anh, không ai cầm được nước mắt trước hình ảnh chiếc áo quan đặt ngoài trời, chị Huệ không có nổi nơi mai táng, thờ tự cho chồng. Trước tình cảnh của mẹ con chị, Công đoàn Trường Tiểu học Quỳnh Thạch đã huy động sự hỗ trợ từ đoàn viên công đoàn trong trường và chủ động nhờ LĐLĐ huyện đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ từ các CĐCS khác trên địa bàn. Từ sự kêu gọi này, tinh thần tương thân tương ái đã lan tỏa đến nhiều mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Chỉ một thời gian ngắn sau lời kêu gọi của LĐLĐ huyện, số tiền hỗ trợ cho mẹ con chị Huệ lên đến 570 triệu đồng, đủ để chị cất một căn nhà nhỏ trên mảnh đất ông bà ngoại cho và dư ra một ít để trang trải tiền ăn học cho con. Nhắc lại quãng thời gian khó khăn đó, cảm xúc biết ơn của chị Huệ vẫn vẹn nguyên: “Nếu không nhờ tổ chức Công đoàn thì tôi đã không được yêu thương, cưu mang, hỗ trợ nhiều như thế. Nhờ mái nhà chung công đoàn, mẹ con tôi đã có một mái nhà riêng ấm áp và cuộc sống ngày càng ổn định, an vui”. Những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã xúc động nghẹn ngào khi đón nhận sự sẻ chia về vật chất và tinh thần của tổ chức Công đoàn. |
Cũng giống như chị Huệ, tinh thần đùm bọc của các cấp công đoàn đã giúp chị Trần Thị Thanh Tâm, Trường THCS Quỳnh Hoa có được giấc mơ của mình từ trong tuyệt vọng. Ở tuổi 44, chị Tâm sống cùng chồng con trong một ki-ốt nhỏ, vừa là chỗ che mưa che nắng vừa là cửa hàng sửa chữa tivi của chồng chị. Mong mỏi lớn nhất đời chị là có một gian nhà nhỏ cho tuổi già và 10 triệu đồng hồi môn cho cô con gái. Ước muốn giản dị vậy thôi nhưng mãi mà anh chị vẫn chưa thể có được. Cuối năm 2018, khi bác sĩ cho biết chị mắc bệnh ung thư giai đoạn 4, cuộc sống của chị như sụp đổ. Trước ý định buông xuôi của chị Tâm, những người đồng nghiệp đã tìm mọi cách động viên chị nuôi hy vọng và tiếp tục điều trị. Cùng lúc, công đoàn trường cũng như LĐLĐ huyện kêu gọi, gấp rút cất cho chị một căn nhà, trong đó có 40 triệu đồng từ quỹ “Mái ấm Công đoàn”. Với gia đình chị, xây nhà thời điểm này là một quyết định hết sức liều lĩnh, bởi các thành viên đều đang vô cùng bối rối, chật vật. Thế mà sự liều lĩnh ấy cũng đã trở thành sự thật. Chị Tâm không dám tin rằng mình đã có được ngôi nhà mơ ước. Căn nhà hoàn thành, mang cùng lúc nhiều niềm vui gõ cửa: Tình trạng bệnh của chị Tâm thuyên giảm, chị đã có thể tự dò dẫm đi lại; chị được vào biên chế và cô con gái đầu đã xin được việc làm. Mọi người đều mừng cho chị, ai cũng gọi đó là phép màu trong cuộc sống. |
Lan tỏa yêu thương Không chỉ riêng hoàn cảnh của chị Nga, chị Huệ, chị Tâm, trong nhiều năm qua, rất nhiều đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Điều tôi đặc biệt ấn tượng là mặc dù địa bàn rộng, số lượng CĐCS không ít (158 CĐCS), số lượng đoàn viên đông, song anh Tô Văn Thắng – Chủ tịch LĐLĐ huyện cũng như các thành viên còn lại của LĐLĐ huyện đều có thể nhớ được tên cũng như hoàn cảnh của từng trường hợp đoàn viên cần giúp đỡ. Anh Thắng trăn trở: “Một khi nhận được thông tin của đoàn viên khó khăn, chúng tôi luôn trực tiếp đến tận nơi để động viên về tinh thần cũng như hỗ trợ cho họ về vật chất nhiều nhất có thể. Chúng tôi tâm niệm, mỗi một đoàn viên là một người anh em trong đại gia đình công đoàn, hỗ trợ họ vừa là câu chuyện tình người, vừa là câu chuyện trách nhiệm. Thời điểm hiện tại, LĐLĐ huyện đang nỗ lực kêu gọi quyên góp cho hoàn cảnh của cô Cao Thị Tố Nga. Các thành viên còn lại trong gia đình cô Nga đều không có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống và trang trải cho chi phí điều trị trong thời gian dài...”. Cùng quan điểm, anh Trần Sỹ Định - đồng nghiệp của chị Trần Thị Thanh Tâm cho biết: “Tôi đánh giá cao sự kịp thời của các cấp công đoàn trong việc hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Khi một lời kêu gọi được phát đi, ngay lập tức LĐLĐ huyện có sự phản hồi và xuống tận nơi để thăm hỏi. Tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia của công đoàn cấp trên đã ảnh hưởng đến tất cả các CĐCS. Khi đó, dù quen hay lạ, dù xa hay gần, tất cả đều cùng có chung một ý nguyện tốt đẹp". Theo dõi những hoàn cảnh khó khăn mà LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, chứng kiến sức mạnh “góp gió thành bão” của tổ chức Công đoàn, chị Trần Thị Thảo (tiểu thương, thị xã Hoàng Mai) xúc động: “Từ chia sẻ của mọi người, tôi biết và ủng hộ cho một số trường hợp là đoàn viên công đoàn LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu. Điều tôi cảm nhận được là LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu đã thương thật, làm thật, hỗ trợ thật cho đoàn viên của họ. Sự đoàn kết, trách nhiệm này đã lan tỏa đến nhiều tầng lớp xã hội và để lại ấn tượng đẹp trong chúng tôi về tổ chức Công đoàn”. |
Bài viết: Diệp Thanh Thiết kế: Duy Chương |
Triệu người vất vả - vài người “phá nát”!
Thật là trớ trêu khi hàng vạn chiến sĩ và lực lượng chức năng căng mình vô cùng vất vả trên các tuyến biên giới ... |
Nhân rộng hơn nữa doanh nghiệp an toàn tiêu biểu
Sáng ngày 5/5, tại trụ sở Công đoàn Dệt May Việt Nam, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức Chương trình ... |
Đông Anh, Hà Nội: Lập nhiều chốt kiểm soát do liên quan ca bệnh Covid-19
Lực lượng chức năng địa phương bố trí nhiều chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tại nhiều thôn của huyện Đông Anh, Hà Nội do ... |