e magazine
25/05/2022 13:51
Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?

25/05/2022 13:51

Tình trạng nợ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) của doanh nghiệp kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, chế độ của người lao động. Mặc dù vậy, nhiều năm qua, con số doanh nghiệp nợ đóng BHXH không ngừng gia tăng. Cần có giải pháp nào cho thực trạng này?
Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực lao động - doanh nghiệp ở Pháp, chưa bao giờ tôi thấy người lao động bị ảnh hưởng bởi việc doanh nghiệp nợ BHXH. Nhưng đây lại là vấn đề đang diễn ra với mức độ báo động ở nước ta.

Một loạt hệ lụy kéo theo như: người lao động khốn đốn khi chuyển nơi làm việc hoặc cần chốt lại thời gian để được hưởng chế độ chính sách; các cơ quan bảo hiểm và quản lý lao động khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch, quy định và quyền lợi cho người lao động.

Từ cách làm của một số nước châu Âu

Đặt ra ngoài những ưu điểm có tính chất khép kín của hệ thống an sinh xã hội ở một số nước châu Âu (như Cộng hòa Pháp, Liên bang Thụy Sĩ, Vương quốc Bỉ, …) - điều mà chúng ta không thể xây dựng trong ngày một ngày hai, thì cách thức liên kết của các lĩnh vực an sinh, quy định, chế tài đối với doanh nghiệp của họ có nhiều điều để chúng ta tham khảo và thực thi.

Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?
Sảnh đón tiếp của cơ quan BHXH ở Metz (Cộng hòa Pháp). Ảnh minh họa: Marc WIRTZ

Theo quy định chung của các nước nêu trên, bất luận trong trường hợp nào, một khi thuê lao động làm việc, kể cả lao động thời vụ, người thuê lao động phải nộp BHXH cho lao động (Điều 12 LAVS và Điều 11 al. 1 LPP - Luật BHXH của Liên bang Thụy Sĩ, Điều L311-1 và L311-11 - Luật BHXH của Cộng hòa Pháp năm 1985, sửa đổi năm 1994; các điều khoản thuộc Chương 1 - Luật Lao động và BHXH năm 1994, sửa đổi năm 1999 của Vương quốc Bỉ).

Khi thỏa thuận xong về chế độ làm việc, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển thông tin từ đơn vị cũ hoặc đăng ký hồ sơ mới (đối với người lần đầu đi làm hoặc lao động thời vụ) cho người lao động.

Sau đó, ngay khi doanh nghiệp ký hợp đồng làm việc với người lao động, bên sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai thông tin cá nhân người lao động và nộp các khoản bảo hiểm cho họ với các tổ chức liên quan: BHXH; Bảo hiểm tai nạn lao động; trợ cấp nhà ở, giao thông; Bảo hiểm y tế (BHYT).

Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?

Sảnh đón tiếp của cơ quan BHXH ở Metz (Cộng hòa Pháp). Ảnh minh họa: Marc WIRTZ

Đây là bốn nhánh an sinh thường trực mà người lao động cần có để hưởng các quyền lợi tối thiểu trong xã hội. Người lao động không thể bắt đầu làm việc nếu thiếu các điều kiện này. Nếu không kê khai và nộp các khoản này hoặc kê khai và nộp chậm, doanh nghiệp bị buộc xem như là tổ chức bảo lãnh thay thế để thực hiện trách nhiệm đối với người lao động về các nhánh an sinh này thông qua tổ chức bảo hiểm trong khoảng thời gian mà hồ sơ của người lao động “chưa ở đâu”.

Đây là điều mà không doanh nghiệp nào muốn vì có thể họ phải trả những khoản tiền lớn gấp cả trăm lần so với việc nộp phí BHXH cho người lao động đúng hạn. Tất cả các bước đều được đồng bộ hóa bằng dữ liệu tin học và có tính trình tự. Nghĩa là, chẳng hạn, nếu doanh nghiệp thiếu một trong các bước trên, họ không thể nộp thuế hoặc không thể làm thủ tục hóa đơn điện tử.

Để tránh tình trạng những người sử dụng lao động thiếu hiểu biết trốn tránh nộp BHXH gây ra những rắc rối cho người lao động và các tổ chức an sinh, chế tài của các nước này đủ mạnh để răn đe các doanh nghiệp. Tỷ lệ % nộp phạt tăng lên theo thời gian chậm. Đặc biệt, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và truy thu số tiền doanh nghiệp không đóng.

Các biện pháp trên được cho là quyết liệt và “truy đến cùng”. Lấy ví dụ, doanh nghiệp A đã từng nộp chậm khoản BHXH cho công nhân B, khi công nhân B xin trợ cấp thất nghiệp, tùy theo thời gian doanh nghiệp A nộp chậm cho công nhân B trước đây mà họ phải trả tỷ lệ % trợ cấp thất nghiệp cho công nhân B thông qua tổ chức BHXH nhà nước.

Các chính sách trên, theo tôi, là sự cụ thể hóa của quan điểm xem BHXH là một phần hữu cơ, gắn liền với lương, không thể tách biệt, xét theo cả "trục dọc" (mặt thời gian tuyến tính) và "trục ngang" (tính đồng bộ).

Đến thực tế ở nước ta

Trong lúc đó, hiện tại, ở nước ta, các quy định, hoạt động của doanh nghiệp, các nhánh an sinh xã hội khác nhau hoạt động độc lập, không ràng buộc lẫn nhau.

Một doanh nghiệp nợ BHXH vẫn hoạt động sản xuất và kinh doanh bình thường, được cấp hóa đơn điện tử và được nộp thuế. Người lao động chưa được nộp BHXH vẫn có thể sử dụng BHYT tự nguyện.

Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?

Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đại diện cho công nhân lao động tranh luận tại phiên tòa kiện doanh nghiệp nợ lương, BHXH. Ảnh minh họa: nld.com.vn

Trước đây, nếu doanh nghiệp nợ đóng BHXH, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và truy thu khoản nợ. Nhưng với Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nếu doanh nghiệp nợ hay chậm nộp BHXH thì cơ quan BHXH không có quyền khởi kiện doanh nghiệp về hành vi nợ.

Nghĩa là, hành lang pháp lý của cơ quan BHXH trong việc thu hồi nợ bị thu hẹp. Một khi cơ quan BHXH chỉ được xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp không nộp hoặc nộp chậm thì việc thu hồi nợ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Phương án cơ quan BHXH phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thiết lập hồ sơ các doanh nghiệp vi phạm để chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 theo Điều 214, 215, 216 gặp phải những khó khăn như: nếu doanh nghiệp đang hoạt động và người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp thì họ không dám “ủy quyền” (thủ tục ủy quyền của công đoàn cơ sở cho Liên đoàn Lao động cấp tỉnh); nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tài sản thế chấp hoặc giải thể, ngừng hoạt động thì việc thu hồi nợ sẽ còn khó khăn hơn kể cả khi bản án có hiệu lực.

Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?Các cấp Công đoàn thành phố Đà Nẵng luôn kiên trì và đồng hành với người lao động trong việc đòi quyền lợi về lương, BHXH khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. Ảnh: XH

Một điều đáng lưu ý là, Điểm b, Khoản 1, Điều 54 của Luật phá sản hiện hành quy định khi thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau: khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động. BHXH thuộc thứ tự ưu tiên thứ 3. Lại một lần nữa chúng ta tạo ra quan niệm cho người lao động rằng BHXH là khoản tách biệt so với lương và tạo ra tâm lý "lương chưa có, nói gì đến BHXH".

Cũng tương tự, Công văn 2266/BHXH-BT của BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết việc chốt sổ BHXH cho người lao động khi doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản, tại Điểm b, Điều 2 nêu "Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết”.

Cần nhận thức rõ, khó khăn của doanh nghiệp là bao hàm cả việc họ không đóng BHXH cho người lao động. Đừng xem BHXH là khoản tách biệt với lương, khi doanh nghiệp đang khó khăn thì có thể nộp sau. Đừng để đến lúc phá sản thì doanh nghiệp mới "cam kết", cơ quan BHXH mới "xem xét".

Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta cần thay đổi một cách căn bản về mặt quan niệm.

Làm gì để hạn chế doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội?

Người lao động Công ty TNHH MTV TBO VINA (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhận tiền lương và BHXH từ đại diện Chi cục Thi hành án Dân sự quận Liên Chiểu sau khi doanh nghiệp này bị phá sản. Ảnh: XH

Vừa qua, có nhiều vụ kiện doanh nghiệp nợ đóng BHXH do cán bộ công đoàn hỗ trợ pháp lý và tổ chức Công đoàn cấp tỉnh nhận uỷ quyền đã bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là trong các vụ kiện này hầu hết là những vụ kiện doanh nghiệp vừa nợ lương và vừa nợ BHXH. Nếu không bị nợ lương, người lao động sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều đời sống thường ngày thì có thể họ chưa quyết tâm đi đòi quyền lợi.

Mặt khác, như đã nêu ở trên, người lao động sẽ không dám "ủy quyền" một khi họ đang làm việc trong doanh nghiệp. Nếu không bị nợ lương thì có thể người lao động không hề biết việc doanh nghiệp đang nợ BHXH. Vì thực tế, có nhiều doanh nghiệp vẫn thu tiền bảo hiểm của người lao động đầy đủ nhưng không đóng cho cơ quan BHXH địa phương.

Quy định doanh nghiệp phải cập nhật thông tin hằng tháng nghĩa vụ của họ đến người lao động, tạo ra sự ràng buộc lẫn nhau, tính trình tự của các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp một cách thường xuyên là yếu tố cơ bản trong trường hợp này. Chẳng hạn, nếu không nộp BHXH cho người lao động tháng trước hoặc quý trước thì tháng này hoặc quý này, doanh nghiệp sẽ có một loạt hệ lụy kéo theo.

Vấn đề cuối cùng là ở nhận thức của người lao động: cần tuyên truyền cho họ những lợi ích của BHXH với các dẫn chứng cụ thể bằng các con số chi tiết. Còn nhớ, vào năm 2006, khi đoàn kiểm tra chuyên ngành phát hiện, lập biên bản một doanh nghiệp ở Long An đã không đóng BHXH cho người lao động, doanh nghiệp đã trình các giấy cam kết của tập thể người lao động với nội dung họ đồng ý không đóng BHXH.

Khi chưa hoàn thiện được hệ thống pháp luật để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật thì việc người lao động ủy quyền cho tổ chức Công đoàn để kiện doanh nghiệp đòi tiền BHXH như ở Long An hay Tiền Giang mới đây sẽ gặp nhiều khó khăn và nan giải trong quá trình xử lý vi phạm.

Không để các nhánh an sinh của người lao động và các nghĩa vụ khác nhau của doanh nghiệp hoạt động độc lập có thể là một cách làm để hạn chế việc doanh nghiệp nợ BHXH.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong trường hợp này tức là tạo ra tính trình tự, sự ràng buộc lẫn nhau giữa các quy trình, là cụ thể hóa quan niệm.

QUỐC THẮNG

Bảo hiểm cho tương lai và mối âu lo hiện tại Bảo hiểm cho tương lai và mối âu lo hiện tại

Con số hơn 200.000 lao động chọn thôi việc, rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong ba tháng đầu năm 2022, theo thống ...

Công đoàn hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội Công đoàn hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội

Trước tình trạng số người lao động (NLĐ) rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động ...

Đà Nẵng: Đối thoại giải đáp về lợi ích khi không chọn Bảo hiểm xã hội một lần Đà Nẵng: Đối thoại giải đáp về lợi ích khi không chọn Bảo hiểm xã hội một lần

Chiều 24/5, Cổng thông tin điện tử thành phố phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực ...

Xem phiên bản di động