e magazine
19/07/2022 09:45
“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

19/07/2022 09:45

Thời gian làm công tác công đoàn chưa lâu nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng (Hà Nội) là người có ảnh hưởng tích cực đối với cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, được đoàn viên tin tưởng, tín nhiệm với phong cách chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả.
“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

PV: Học ngành Nông nghiệp, có hàng chục năm công tác ở Hội Nông dân, cho đến tháng 10/2016 đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng. Tôi chưa thể hình dung được những khó khăn mà đồng chí gặp phải trên cương vị mới, ở thời điểm bấy giờ...

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng: Tôi tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp) năm 1996; sau đó về làm hợp đồng tại Trung tâm Giống gia súc Hà Tây một thời gian. Năm 1998, tôi được tuyển dụng trở thành chuyên viên của Hội Nông dân huyện Đan Phượng, gắn bó ở đó suốt 15 năm 3 tháng, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Đến năm 2013, tôi được điều động bổ nhiệm làm Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đan Phượng.

Năm 2016, thực hiện công tác sắp xếp, bố trí cán bộ cấp ủy, tôi được Huyện ủy phân công, giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch LĐLĐ huyện. Thú thực, thời điểm đó tôi cũng hơi lo lắng vì chưa có kinh nghiệm gì về hoạt động công đoàn. Khi đó còn vị trí Chủ tịch Hội Nông dân cần bố trí cấp ủy, tôi có thể đề xuất và có thể sẽ thuận lợi hơn cho tôi. Nhưng với suy nghĩ muốn thử sức với công việc mới, vị trí mới, tôi đã có quyết định mang tính bước ngoặt là trở thành cán bộ công đoàn.

Khi bắt đầu công việc mới, bất kỳ ai cũng sẽ có những khó khăn nhưng tôi muốn nói đến thuận lợi trước. Khi công tác tại Ban Tổ chức Huyện ủy, tôi được phân công, giao phụ trách thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm của cán bộ khối các ban Đảng, đoàn thể huyện nên cũng đã được tiếp cận chức năng, nhiệm vụ và vị trí, tính chất công việc của LĐLĐ huyện.

Nhưng thực tế khi bắt đầu công việc mới, là Chủ tịch Công đoàn huyện tôi mới hình dung ra được những khó khăn. Tôi chỉ xin nêu 2 cái khó: Đầu tiên là việc khó tiếp cận cơ sở, khó tiếp cận cán bộ CĐCS trực thuộc, nhất là khối doanh nghiệp, hầu như không tiếp cận được. Khi triển khai công việc, mời dự họp họ không đến họp, liên lạc trao đổi cũng khó khăn. Bạn hình dung, thực trạng đó làm sao có thể triển khai hoạt động được?

Thứ hai, cán bộ CĐCS trong doanh nghiệp đều kiêm nhiệm, họ là những người làm chuyên môn, những người lao động (NLĐ) nên không có thời gian để họ làm việc công đoàn, thậm chí không mặn mà với hoạt động công đoàn. Mặt khác, cán bộ công đoàn thay đổi thường xuyên, có bạn vừa được kiện toàn bầu làm Chủ tịch công đoàn 2 tháng lại chuyển công ty khác nên họ rất thiếu kinh nghiệm, thiếu kĩ năng trong công tác công đoàn. Thấy tôi rất ngạc nhiên, có cán bộ nói với tôi là “Công đoàn là thế, ai người ta dành thời gian cho mình!”, nghĩa là công đoàn chỉ là việc thêm thôi, không ai dành thời gian cho mình để mình triển khai công việc và hoạt động của công đoàn đâu.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

PV: Vậy đồng chí đã giải quyết những khó khăn đó bằng cách nào?

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy: Từ thực tế khó khăn, thách thức như vậy, với vai trò là người đứng đầu LĐLĐ huyện, tôi suy nghĩ bằng mọi cách phải triển khai các hoạt động của tổ chức Công đoàn đến từng cơ sở. Tôi xác định dù khó mấy cũng phải làm, cứ quyết tâm, kiên trì rồi cũng sẽ làm được.

Trước hết, chúng tôi thay đổi cách triển khai văn bản, thông tin từ công đoàn cấp trên tới các CĐCS. Thực hiện đúng chủ trương, phương châm hoạt động của tổ chức Công đoàn đã được Tổng Liên đoàn, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo hướng về cơ sở, mà quan tâm nhất là CĐCS khối doanh nghiệp. Chúng tôi không triển khai bằng văn bản dài dòng, nhiều nội dung, thông tin cùng một lúc mà lựa chọn cách làm gọn nhất, rõ nhất và phù hợp nhất để cơ sở có thể hiểu ngay, làm ngay, giảm bớt thời gian nghiên cứu. Đồng thời, chỉ đạo, phân công cán bộ thường xuyên liên lạc, hướng dẫn, trao đổi “cầm tay, chỉ việc” rất tỉ mỉ, thậm chí có những việc phải trực tiếp làm hộ cho họ. Thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, của NLĐ, từ đó kiên trì thuyết phục, để các doanh nghiệp, NLĐ hiểu rõ vai trò, vị trí cũng như trách nhiệm, lợi ích của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp.

Cũng thời điểm đó, năm 2017, khi triển khai văn bản chỉ đạo Đại hội CĐCS nhiệm kỳ 2017-2022, tôi có cơ hội được rà soát, tiếp cận nhiều hơn đến cơ sở thông qua các cuộc trao đổi, các hội nghị. Chúng tôi vừa chỉ đạo Đại hội, vừa tổ chức Hội nghị tư vấn pháp luật và nhiều hoạt động khác; các băn khoăn của doanh nghiệp và NLĐ được chúng tôi quan tâm trao đổi, giải thích, đề xuất tháo gỡ. Công nhân lao động khó khăn được quan tâm nhiều hơn, các CĐCS được tham gia các phong trào, các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, dần dần họ thấy được quan tâm, có nhiều lợi ích hơn từ những việc làm của tổ chức Công đoàn; doanh nghiệp thì thấy được sự phối hợp, đồng hành để tháo gỡ khó khăn, từ đó họ vui vẻ hưởng ứng các hoạt động, phong trào do công đoàn phát động.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"
Đoàn viên, NLĐ thi nhảy bao bố tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng năm 2022- Ảnh: NVCC

PV: Và kết quả là...?

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy: Các hoạt động của công đoàn được đoàn viên, NLĐ tham gia hưởng ứng hằng năm ngày một đông hơn. Như Chương trình Tết sum vầy; Ngày hội Văn hóa – Thể thao CNVCLĐ; hiến máu nhân đạo… do Công đoàn huyện Đan Phượng phát động, đều được lan tỏa, thu hút hàng nghìn công nhân lao động tham gia.

Vừa qua, nhân dịp Tháng Công nhân, chúng tôi tổ chức Chương trình Ngày hội Văn hóa - Thể thao CNVCLĐ với các môn nhảy dân vũ, kéo co, nhảy bao bố; số vận động viên, diễn viên và cổ động viên của các CĐCS đến tham gia, cổ vũ lên tới hàng nghìn người, chật kín sân vận động của huyện; hay Hội thi “Nữ CNVCLĐ duyên dáng, sáng tạo” đã có 27 đội tham gia trong đó có 09 đội của khối doanh nghiệp. Các bạn thí sinh dự thi của khối doanh nghiệp đều là công nhân lao động, chưa bao giờ lên sân khấu, chưa mặc áo dài để trình diễn nhưng vẫn rất hào hứng, tự tin trình diễn. Thí sinh và cổ động viên tham gia rất khí thế, chật kín như ngày hội.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

NLĐ thi kéo co tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao CNVCLĐ huyện Đan Phượng năm 2022 - Ảnh: NVCC

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"PV: Đồng chí từng gặp khó trong tiếp cận cơ sở nhưng lại là người đề ra sáng kiến nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, nhờ đó mà số đơn vị tham gia hoạt động công đoàn ở cơ sở và cấp trên tổ chức được tăng lên. Vậy nội dung cốt lõi của sáng kiến này là gì?

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy: Đúng vậy. Cũng từ khó khăn khi tiếp cận công việc mới và trực tiếp chỉ đạo hoạt động công đoàn tại đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của công đoàn cấp trên và của cấp ủy địa phương, hoạt động công đoàn bước đầu có kết quả.

Với mục tiêu cốt lõi đặt ra là phải nâng chất lượng hoạt động CĐCS, và chỉ có nâng chất lượng hoạt động CĐCS mới phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn; khi triển khai, tổ chức các hoạt động công đoàn mới thành công được.

Đặc thù các CĐCS trực thuộc LĐLĐ cấp huyện chúng tôi đang quản lý gọi chung là thuộc 04 khối, gồm: CĐCS khối doanh nghiệp; CĐCS cơ quan xã, thị trấn; CĐCS khối các cơ quan hành chính sự nghiệp huyện và CĐCS khối các trường học thuộc huyện. Hoạt động của từng khối cũng khác nhau. Cho nên, để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS thì trước hết, việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động phải xuất phát từ thực tiễn nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, phù hợp với từng khối chuyên môn, sát với tình hình thực tế mà CĐCS đó có thể tham gia, tránh hình thức, chung chung, để phát huy tối đa sự hưởng ứng, tham gia của đoàn viên, NLĐ.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Thứ hai, khi triển khai phát động các phong trào thi đua của công đoàn phải luôn gắn với các phong trào thi đua, hoạt động chuyên môn của các khối, các ngành một cách phù hợp, thiết thực và hiệu quả nhất, để đoàn viên, NLĐ cảm thấy được động viên, quan tâm, được đóng góp cho tập thể và doanh nghiệp.

Chẳng hạn, với khối trường học, tập trung vào phong trào “Thi đua dạy tốt”, “Giỏi việc nước, đảm việc trường”, “Nhà giáo tâm huyết”... Với khối doanh nghiệp thì đẩy mạnh quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc, lương, thưởng của NLĐ; tổ chức các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi, sáng kiến, sáng tạo… Và điều quan trọng là khi tổ chức mình phải kết nối, phát huy thế mạnh của từng khối trong hoạt động phong trào.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS, tạo dựng và xây dựng đội nhóm nòng cốt tại cơ sở.

Thứ tư, cần phải kiên trì tuyên truyền, vận động và liên tục đổi mới, sáng tạo công tác thông tin tuyên truyền.

Thứ năm, kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức Công đoàn khi có sự thay đổi.

Thứ sáu, là có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS để họ yên tâm công tác.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ trao đổi tại Hội nghị tập huấn đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực nhà nước, năm 2022 - Ảnh: NVCC

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"PV: Đoàn viên, NLĐ của chúng ta vừa trải qua những ngày tháng rất khó khăn do đại dịch Covid-19. Chắc hẳn đồng chí có nhiều điều có thể chia sẻ về quãng thời gian này?

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy:

(Trầm ngâm...). Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tới đời sống của Nhân dân, NLĐ. Đảng, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt, phù hợp, linh hoạt với tình hình dịch Covid-19 của nước ta, tuy nhiên tác động lớn nhất của đại dịch đó là làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều NLĐ mất việc làm; một số thay đổi công việc; nhiều doanh nghiệp lao đao, ngừng sản xuất, kinh doanh thời gian dài dẫn đến nợ lương, nợ đóng BHXH, đời sống của công nhân, NLĐ gặp rất nhiều khó khăn.

Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhiều công ty gặp khó khăn, lúng túng trong việc chấp hành, đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định của ban chỉ đạo các cấp. Công đoàn đã chủ động phối hợp hướng dẫn để các công ty có thể xây dựng phương án sản xuất phù hợp “1 cung đường, 2 điểm đến”, hoặc thực hiện “3 tại chỗ”, đảm bảo duy trì sản xuất an toàn, hiệu quả nhưng cũng phải an toàn cho NLĐ. Đặc biệt, công đoàn chúng tôi cũng đã hỗ trợ tích cực trong việc phối hợp tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân lao động ngay từ sớm. Khi ấy chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ (trái) trao hỗ trợ thiết bị thông minh cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em" - Ảnh: NVCC

Với chỉ đạo khẩn cấp của công đoàn cấp trên, luôn đồng hành với doanh nghiệp thực hiện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, LĐLĐ huyện Đan Phượng cũng đã triển khai “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng”, “Túi An sinh Công đoàn”, đã mang rau, củ, quả, thực phẩm đến các bếp ăn của doanh nghiệp để phục vụ công nhân lao động đang sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”; hỗ trợ công nhân lao động trong vùng phong tỏa, vùng cách ly y tế; kết nối cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của doanh nghiệp để họ tự nấu ăn do đơn vị cung cấp suất ăn không thực hiện được.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Công đoàn hỗ trợ rau xanh cho các bếp ăn tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh: NVCC

“Túi An sinh Công đoàn” khi đó không chỉ mang niềm vui ấm áp đến với đoàn viên, NLĐ trong các doanh nghiệp, mà cả những công nhân lao động tự do thuê trọ. Tôi nhớ mãi hình ảnh cặp vợ chồng công nhân rất trẻ mới xuống Hà Nội làm được vài tháng thì phải giãn cách trong phòng trọ. Tiền hết, gạo hết. Đứa con nhỏ mới sinh thiếu sữa. Sau khi trao “Túi An sinh Công đoàn” gồm gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, lạc nhân, rau xanh..., vợ chồng họ đã khóc khi nói lời cảm ơn công đoàn. Điều vui mừng và hạnh phúc là sau giãn cách, khi người chồng tìm được việc làm mới đã nhắn tin thông báo cho tôi, nói rằng cuộc sống gia đình đã ổn hơn.

Thông qua các hoạt động trong những ngày tháng khó khăn đó, NLĐ và doanh nghiệp cảm nhận rõ hơn vòng tay ấm áp của công đoàn.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

PV: Năm 2021 là một năm đầy biến động do Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, nhiều lao động mất việc, bằng cách nào mà LĐLĐ huyện Đan Phượng vẫn vượt chỉ tiêu kết nạp đoàn viên và thành lập CĐCS?

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy: Phải nói rằng Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Dịch bệnh khiến mọi người hạn chế tiếp xúc, việc tiếp cận các doanh nghiệp khó khăn. Rồi sau khi ổn định, họ tập trung lo khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh nên rất khó để họ tạo điều kiện cho công đoàn. Nhưng như tôi đã nói, trong khó khăn, các doanh nghiệp thấy rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đồng hành, hỗ trợ và chăm lo cho NLĐ.

Ở huyện Đan Phượng, ngay trong thời gian giãn cách xã hội đã triển khai tiêm vắc xin mũi 1 đồng loạt cho NLĐ và sau đó tiêm mũi 2, 3, cũng đều có sự phối hợp vận động, tuyên truyền của công đoàn, giúp NLĐ an tâm, tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp. Chính sự quan tâm sát sao đó, NLĐ, doanh nghiệp càng thêm tin tưởng, tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng (thứ 2, từ trái) tại cuộc thi Thợ giỏi - Ảnh: NVCC.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

PV: Được biết 5 năm liền đồng chí chỉ đạo tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo huyện và công nhân lao động, điều mà rất ít LĐLĐ cấp huyện làm được. Động lực nào khiến đồng chí quyết tâm thực hiện việc đó, và hiệu quả của nó như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy: Việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện và NLĐ thực ra là thực hiện theo tinh thần chỉ đạo rồi, nhưng để tổ chức thì cần có sự quyết tâm. Tôi nghĩ rằng mình đang đại diện cho tổ chức Công đoàn, có nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, mà muốn đại diện được thì phải nắm bắt, tập hợp được những băn khoăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của NLĐ, đề nghị đến cấp có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng; do vậy tôi đã tập trung chỉ đạo và quyết tâm thực hiện nội dung này.

Lần đầu tổ chức chúng tôi đã gặp khó khăn, làm sao để NLĐ nói ra được những tâm tư, kiến nghị của họ. Nhiều người còn tỏ ra nghi ngại, liệu rằng những đề xuất của họ có được chính quyền giải quyết không? Để tạo niềm tin cho NLĐ và mong muốn tổ chức phải khác với các cuộc tiếp xúc cử tri nên việc chuẩn bị hết sức cẩn thận, kỹ càng.

Quan trọng nhất, chúng tôi nghĩ rằng Hội nghị đối thoại phải tạo ra được bầu không khí thoải mái, mọi người dự Hội nghị có thể sẵn sàng hỏi, kiến nghị, đề xuất những vấn đề mà họ quan tâm…

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Kết quả là lần nào tổ chức, hội trường cũng chật kín hơn 300 chỗ ngồi. Có cuộc đối thoại còn có Bí thư Huyện ủy tham dự, vừa trao đổi, vừa chất vấn, rất thoải mái, quá 11h30 phút mà hội trường vẫn rất sôi nổi.

Có rất nhiều vấn đề được giải quyết sau các cuộc đối thoại, chẳng hạn việc đề xuất lắp thêm hệ thống đèn đường để thuận tiện cho công nhân đi làm về ban đêm; lắp thêm cây ATM để hạn chế cảnh xếp hàng rút tiền mỗi khi có lương; rồi mở thêm tuyến xe bus cho công nhân đi làm... Có những kiến nghị, thuộc thẩm quyền được lãnh đạo huyện giải quyết ngay tại hội trường, như trường hợp công nhân thuê trọ có con nhỏ đến tuổi đi mẫu giáo, băn khoăn việc phải đóng học phí trái tuyến và liệu con có được tiêm phòng hay không? Lãnh đạo huyện đề nghị Công an xã hỗ trợ gia đình anh này đăng ký tạm trú, tạm vắng, giúp con họ được đóng học phí đúng tuyến và được tiêm phòng.

Theo đồng chí, một cuộc đối thoại như thế nào được coi là thành công?

Theo tôi, cuộc đối thoại nào mà các kiến nghị, thắc mắc của NLĐ đều được chính quyền trả lời, giải quyết thỏa đáng; đoàn viên, NLĐ vui vẻ, thoải mái thì đó là một cuộc đối thoại thành công. Thông qua cuộc đối thoại, đoàn viên, NLĐ nắm được các chủ trương, chính sách đang triển khai trên địa bàn của mình. Có những vấn đề phức tạp, không thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn được lãnh đạo địa phương lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị rồi tiếp tục gửi lên cấp cao hơn giải quyết, đó cũng là thành công.

Và mấu chốt để đạt được thành công đó là gì?

Trước hết, công tác chuẩn bị phải chu đáo, từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ đến việc xác định nội dung trọng tâm phù hợp với thời điểm NLĐ quan tâm để tổ chức đối thoại mới đạt được yêu cầu.

Đồng thời quy trình tổ chức đối thoại cũng phải được đảm bảo, từ xây dựng kế hoạch, triển khai lấy ý kiến, tập hợp, phân loại nhóm vấn đề..., làm sao đảm bảo được nhiều nhất, rõ nhất những vấn đề mà cán bộ, đoàn viên, NLĐ quan tâm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, tập hợp nhóm vấn đề đề xuất, thống nhất nội dung, chúng tôi đề xuất với lãnh đạo huyện tổ chức chương trình đối thoại.

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"

Tôi được biết đồng chí từng đối thoại với hơn 200 người lao động khi họ đang có ý định tổ chức tụ tập đông người khiếu kiện?

Hôm đó là 27 tháng Chạp, chuẩn bị bước sang năm mới 2021. Đó cũng là ngày làm việc cuối cùng của NLĐ. Buổi sáng, khi tôi đang ngồi trong phòng làm việc, bác bảo vệ gọi lên nói có một người đàn ông đến nhờ công đoàn vào cuộc giúp đỡ do bị công ty nợ lương. Tôi mời anh này lên nói chuyện để nắm tình hình. Được biết anh ấy đại diện cho hơn 200 công nhân bị nợ lương, không có tiền về quê ăn Tết. Họ đang chuẩn bị khiếu kiện và biểu tình ở cơ quan Trung ương.

Lúc đó, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 3, rất phức tạp. Một mặt tôi thuyết phục họ tuân thủ quy định phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, đồng thời báo cáo với lãnh đạo UBND huyện về sự việc để có sự phối hợp, chỉ đạo các phòng chuyên môn nắm bắt có phương án giải quyết.

Mặt khác tôi tìm hiểu bản chất câu chuyện mà họ gặp phải. Thì ra người đàn ông này là giám đốc công ty, ký hợp đồng với một đơn vị để xây dựng công trình. Anh ta thuê hơn 200 công nhân là người dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... xuống làm việc. Nhưng do không có kinh nghiệm trong việc quản lý, lập biên bản nghiệm thu khối lượng từng hạng mục công trình xây dựng nên không thể thanh toán được tiền để trả cho công nhân.

Sau khi đã thuyết phục, giải thích cho người giám đốc nọ, động viên, khuyên họ tạm ứng cho công nhân ít tiền về quê ăn Tết. Sau đó phối hợp lập biên bản từng hạng mục xây dựng để bên đối tác có cơ sở thanh toán tiền công. Họ cũng nhất trí, ứng tiền cho NLĐ, không còn ý định tập trung khiếu kiện nữa. Vướng mắc được giải quyết trong không khí nhẹ nhàng, thoải mái cho các bên. Chúng tôi được nghỉ và đón Tết năm đó trong tâm trạng ấm áp, hạnh phúc hơn!

Chắc hẳn đó cũng là cảm xúc của chị khi biết mình là một trong 10 gương mặt được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh năm 2022 - một Giải thưởng cao quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam?

(Cười.....). Tôi thực sự rất xúc động và trân trọng. Ngay từ khi bắt đầu làm công tác công đoàn, tôi đã luôn ý thức và tự nhủ với bản thân rằng sẽ cố gắng hết mức có thể bằng sự nhiệt tình và tâm huyết trong mọi hoạt động. Tôi cứ làm, cứ dành tâm huyết cho công việc mà không bao giờ nghĩ mình làm để đạt được giải thưởng nào đó. Được đề xuất và được xét trao giải thưởng là niềm vui rất lớn đối với tôi nhưng đây cũng là động lực để tôi phải cố gắng hơn trên cương vị người cán bộ công đoàn được các cấp công đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ, được đoàn viên công đoàn gửi gắm niềm tin, được đồng nghiệp yêu quý.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là động lực để tôi cố gắng hơn"Cán bộ công đoàn huyện Đan Phượng hỗ trợ rau xanh cho công nhân lao động trong thời gian giãn cách xã hội (đồng chí Nguyễn Thị Thuỷ đứng thứ 2, từ phải) - Ảnh: NVCC

Thực hiện: MINH KHÔI - NGỌC TIẾN

Đồ họa: AN NHIÊN

Tổ chức xét chọn “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” lần thứ III, năm 2022 Tổ chức xét chọn “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” lần thứ III, năm 2022

Theo Kế hoạch tổ chức xét chọn “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” lần thứ III (sau đây viết tắt là Giải thưởng), năm 2022 của ...

10 cá nhân nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III 10 cá nhân nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III

Hội đồng xét chọn Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III, năm 2022 đã họp và thống nhất bỏ phiếu xét chọn 10 cá ...

Dấn thân bằng sự tâm huyết và đồng cảm Dấn thân bằng sự tâm huyết và đồng cảm

“Luôn tận tâm, tận tụy chăm lo cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của người lao động (NLĐ) trong Công ty, tràn ...

Xem phiên bản di động