e magazine
16/11/2021 11:28
Đổi mới, sáng tạo, ứng phó tốt với dịch bệnh

16/11/2021 11:28

Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, yêu cầu bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh và bảo đảm chương trình học tập là bài toán khó đặt ra đối với ngành Giáo dục.
Đổi mới, sáng tạo, ứng phó tốt với dịch bệnh

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, yêu cầu bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh và bảo đảm chương trình học tập là bài toán khó đặt ra đối với ngành Giáo dục.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã phải tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Một loạt vấn đề như trang thiết bị phục vụ dạy và học; công tác quản lý học sinh và chất lượng giảng dạy; công tác chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe tinh thần của giáo viên... được đặt ra.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ với bạn đọc của Tạp chí Lao động và Công đoàn về những nội dung này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Ý NGHĨA TỪ

CHƯƠNG TRÌNH “Sóng và máy tính cho em”

PV: Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, xin ông cho biết Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) đã có những hoạt động gì để giúp cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) phát huy được tính sáng tạo, tinh thần vượt khó trong giảng dạy?

Ông Nguyễn Ngọc Ân: Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, CĐGDVN tiếp tục đẩy mạnh nội dung thi đua: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” với phương châm: “Mỗi giờ lên lớp có một đổi mới trong công việc, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc” được công đoàn các trường học hưởng ứng và triển khai đến từng đoàn viên. Cùng với đó, việc tổ chức các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” đã tạo cơ hội cho cán bộ, nhà giáo, người lao động trong trường hỗ trợ nhau ở tất cả các lĩnh vực đời sống, việc làm.

Đây còn là tiền đề cho những đổi mới sáng tạo đáp ứng với yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo, nhà trường khi phải ứng phó với dịch Covid-19. Đã có nhiều nhà giáo có những cách làm hiệu quả góp phần duy trì, tổ chức quản lý học sinh, sinh viên trong khi trường học phải đóng cửa dài ngày.

CĐGDVN cũng đã tổ chức những buổi livestream hướng dẫn giáo viên, giảng viên hiểu đúng và dạy học trực tuyến một cách hiệu quả, phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên dương những nhà giáo vượt qua những rào cản, khó khăn để dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, chia sẻ những cách làm hay để đông đảo CBNGNLĐ học tập ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đổi mới, sáng tạo, ứng phó tốt với dịch bệnh

CĐGDVN tổ chức Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2020-2025.

PV: Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT và CĐGDVN đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc triển khai chương trình này?

Ông Nguyễn Ngọc Ân: “Sóng và máy tính cho em” là một chương trình quyên góp do Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên không có thiết bị học tập trực tuyến. Chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, các tổ chức xã hội. Đội ngũ nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục cũng hưởng ứng chương trình thông qua việc đóng góp mua máy tính hỗ trợ cho chính học sinh của mình.

Đây là một chương trình mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Một mặt, giải quyết những khó khăn trong việc tổ chức, duy trì dạy học trực tuyến cho cả người dạy và người học. Mặt khác, chương trình thúc đẩy môi trường số trong giáo dục, trong xã hội tiến tới một xã hội số trong tương lai gần đáp ứng với nhu cầu tất yếu đặt ra hiện nay.

Phóng sự chương trình "Chuyến xe yêu thương" do CĐGDVN khởi xướng.

Chăm lo, hỗ trợ

đội ngũ CBNGNLĐ

PV: Xin ông cho biết, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, CĐGDVN đã chăm lo, hỗ trợ đội ngũ CBNGNLĐ như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Ân: CĐGDVN luôn xác định việc bảo vệ, chăm lo cho đội ngũ CBNGNLĐ trong dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động chăm lo thường niên những lúc ốm đau, tai nạn, rủi ro... Đặc biệt là những khó khăn CBNGNLĐ trong lao động nghề nghiệp, trong tìm kiếm cơ hội việc làm, trong bảo đảm việc làm, thu nhập và sự an toàn của họ.

Nhiều cơ sở giáo dục khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhiều trường đại học thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập, nâng cấp các viện đào tạo, các khoa, phòng, ban tạo nên sự biến động về định mức biên chế, tác động đến việc làm và đời sống thu nhập của NLĐ. Bên cạnh đó, xu thế tăng cường tính tự chịu trách nhiệm, các trường chủ động trong việc xác định và giao khoán định mức lao động cũng dẫn đến những khó khăn. Một số cơ sở giáo dục ngoài công lập đứng bên bờ vực phá sản... Do đó, có nhiều việc phải làm có tính chất rất mới khi thực hiện chức năng chăm lo và bảo vệ trong bối cảnh hiện nay.

Bởi vậy, việc hỗ trợ, tăng cường năng lực cho đội ngũ CBNGNLĐ được CĐGDVN đặt ra thường xuyên. Trong đó, CĐGDVN hỗ trợ năng lực cho các Chủ tịch công đoàn cơ sở là thành viên đương nhiên trong các Hội đồng trường, giúp cho đội ngũ CBNGNLĐ có được sự đảm bảo về năng lực, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển bền vững của mỗi đơn vị, trường học – điều kiện để duy trì các hoạt động Công đoàn.

Đổi mới, sáng tạo, ứng phó tốt với dịch bệnh

Chương trình "Chuyến xe yêu thương" do CĐGDVN khởi xướng đã đến với khu vực thầy cô giáo đang bị cách ly như ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam.

PV: CBNGNLĐ hiện gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, CĐGDVN đã làm gì giúp họ về mặt tâm lý để họ truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả?

Ông Nguyễn Ngọc Ân: Trong chiến lược hỗ trợ CBNGNLĐ ứng phó với dịch bệnh, CĐGDVN đã chỉ đạo và hỗ trợ Công đoàn các trường học tạo các sân chơi để giáo viên nhận diện vấn đề và sáng tạo trong xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống cần đến kỹ năng sống, cần đến kỹ năng ứng xử sư phạm. Việc CĐGDVN tổ chức các cuộc thi: “Gặp gỡ giáo viên lớp 1”, “Thầy cô trong mắt em”, hoặc giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” do CĐGD Hà Nội tổ chức đã tập hợp và lan tỏa những giải pháp hay, những cách làm hiệu quả để can thiệp kịp thời tới người dạy và người học trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế dịch Covid – 19 đã để lại hậu quả rất nặng nề cho xã hội, trong đó có nhà trường, có giáo viên và học sinh. Một trong những hậu quả có tính chất âm thầm, dai dẳng và tác động lớn tới cuộc sống, tác động lớn tới công tác giảng dạy và học tập, đó là những chấn thương về mặt tâm lý xuất phát từ những căng thẳng, lo âu, stress kéo dài của CBNGNLĐ.

CĐGDVN đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng nhà giáo” có nội dung hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho giáo viên trong mùa dịch. Mục đích của chương trình giúp nhà giáo, người lao động biết cách tự chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân, cho đồng nghiệp và cho học sinh, biết điều chỉnh cảm xúc và tự chăm sóc cuộc sống, ứng phó hiệu quả với các các vấn đề xã hội, với áp lực công việc và với dịch bệnh trong mọi tình huống.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Tạp chí Lao động và Công đoàn cuộc trao đổi bổ ích này!

Đổi mới, sáng tạo, ứng phó tốt với dịch bệnh

CĐGDVN đã trao quà hỗ trợ đến sinh viên 3 trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

"Sóng và máy tính cho em": Những tiết học trọn vẹn đã không còn là giấc mơ "Sóng và máy tính cho em": Những tiết học trọn vẹn đã không còn là giấc mơ

Nhận được phần quà hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Nguyễn Trần Mỹ Duyên không giấu được niềm vui. Từ ...

Chương trình“Sóng và máy tính cho em” tiếp nhận hơn 25 tỷ đồng khi phát động Chương trình“Sóng và máy tính cho em” tiếp nhận hơn 25 tỷ đồng khi phát động

Vừa qua, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Lễ phát động trực tuyến triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa ...

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công đoàn trong ngành Giáo dục Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công đoàn trong ngành Giáo dục

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác công đoàn ...

Mai Chi thực hiện

Xem phiên bản di động