Đâu là cách phòng, chống dịch Covid-19 đúng tại nơi làm việc và ký túc xá của người lao động? |
Hiện nay, việc tiếp cận các khu công nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn khó khăn. Chuyên gia cách ly tại khách sạn di chuyển nhiều gây khó khăn cho công tác giám sát, truy vết. Nhiều tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhưng chưa thực hiện triển khai công tác phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ tại nơi làm việc, ký túc xá. Do đó, việc chủ động chấp hành thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và ký túc xá cho người lao động (NLĐ) là rất quan trọng. |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và đặc biệt có nguy cơ bùng phát trong các khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động, ngày 27/5/2020, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2194/QĐ-BYT về việc “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động". Trong đó bao gồm hướng dẫn về trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động và Ban Quản lý ký túc xá cho NLĐ, bộ phận y tế và người làm công tác y tế lao động tại doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ, suất ăn; hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; vệ sinh khử khuẩn tại nơi làm việc, ký túc xá; xử trí trường hợp ho, sốt, khó thở tại nơi làm việc; phân luồng, khử khuẩn khi có NLĐ mắc Covid-19. Về trách nhiệm của NLĐ: Trước khi đến nơi làm việc, NLĐ cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân (nước uống, cốc, vật dụng dùng riêng...); tự theo dõi sức khỏe hằng ngày (đo nhiệt độ); vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), súc miệng, họng bằng nước muối. Nếu có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì không đi làm. Hạn chế ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế/Bộ Y tế/thông báo cho Ban Quản lý ký túc xá. Đeo khẩu trang, tự cách ly, giữ khoảng cách 2m. Sử dụng riêng mọi đồ đạc, kể cả thùng rác. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn nơi ở, bề mặt tiếp xúc, phòng vệ sinh. |
PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế). Ảnh: CQLMTYT |
Tại nơi làm việc, NLĐ có trách nhiệm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người (kể cả giờ nghỉ). Sử dụng thông tin liên lạc từ xa. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung đồ cá nhân. Tạo và duy trì thói quen tốt gồm ăn chín, uống chín, thường xuyên rửa tay, bỏ rác đúng nơi quy định. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Sát khuẩn khi tiếp xúc với tay nắm cửa, nút thang máy... Nghiêm cấm khạc, nhổ bừa bãi. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi. Nếu mệt mỏi, sốt, ho, khó thở cần hạn chế tiếp xúc và báo ngay cho người quản lý/cán bộ y tế. Khi kết thúc thời gian làm việc: Đảm bảo vệ sinh, phòng, chống lây nhiễm bằng cách dọn vệ sinh (bỏ vật dụng đã sử dụng gồm túi chứa khăn giấy, khẩu trang vào đúng nơi quy định và rửa tay), thay đồ (gồm quần áo, giầy, ủng để trong túi kín) trước khi về nhà/ký túc xá. Giặt sạch với đồ tái sử dụng. Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người đã cách ly y tế hoặc đã khỏi bệnh hoặc đi công tác từ vùng dịch trở về. |
Các công đoàn cơ sở thuộc LĐLĐ TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân trước khi vào làm việc. Ảnh: CĐ |
Xử lý khi có trường hợp NLĐ hoặc khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc: Tổ chức tập huấn cho tất cả NLĐ. Tổ chức thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19. Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung nói trên. Đối với bộ phận y tế và người làm công tác y tế lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở. Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo, người phụ trách công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham mưu xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo ra thông báo, hướng dẫn NLĐ. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh khu công nghiệp và phòng, chống dịch bệnh. |
Đề xuất bố trí và bổ sung trang thiết bị, khẩu trang, xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, dung dịch khử khuẩn bề mặt. Phối hợp với tổ chức Công đoàn theo dõi sức khỏe NLĐ. Khi phát hiện các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở ở NLĐ thì cần tổ chức cách ly, hạn chế tiếp xúc, vệ sinh khử khuẩn, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Đồng thời đề xuất người sử dụng lao động phân công, thành lập tổ kiểm tra, giám sát. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch Covid-19 và tổng hợp báo cáo. Về công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn: Nguyên tắc phải sử dụng dung dịch 0,05% Clo hoạt tính hoặc cồn 70%. Dùng cồn 70% để lau các bề mặt dễ bị ăn mòn có tiết diện nhỏ. Thời gian cách ly sau khi khử khuẩn ít nhất 30 phút. Ưu tiên khử khuẩn bằng lau rửa. Làm sạch trước khi khử khuẩn. Sử dụng quần áo bảo hộ lao động khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn. |
Khi vệ sinh khu công nghiệp, vệ sinh chung tại nơi làm việc cần chú ý đối với nền nhà, tường, bàn ghế, phân xưởng ít nhất 01 lần/ngày. Với các vị trí công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang... 02 lần/ngày. Khu vệ sinh chung: Vệ sinh khử khuẩn 2 lần/ca làm việc hoặc trong 01 ngày. Tăng không khí tại các khu vực, vị trí làm việc, thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hằng ngày. |
Công ty TNHH Hearty Rise (huyện Thanh Miện) lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân và khử khuẩn trong nhà xưởng trước khi vào sản xuất. |
Trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời đáp ứng với nhu cầu thực tế của các địa phương, cơ sở sản xuất trong nước và các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài cần nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang phức tạp, Cục Quản lý Môi trường Y tế đã xây dựng các hướng dẫn về phòng, chống dịch tại nơi làm việc, các tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm, tiêu chí an toàn tại nơi làm việc, hướng dẫn cho chuyên gia vào làm việc và tổ chức tập huấn cho cán bộ ngành Y tế và ngành Lao động của 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành phố có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Kết quả kiểm tra đã giúp cho các tỉnh và các cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, khắc phục các vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc. Cục Quản lý Môi trường Y tế cũng đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương xây dựng các tài liệu truyền thông để tăng cường phổ biến thông tin về trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
|