Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Hơn 1 năm trước, tại cuộc đối thoại giữa người lao động và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị do LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị tổ chức, cô giáo Phan Thị Thi - giáo viên Trường Tiểu học Triệu An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) mạnh dạn cầm míc, trình bày ý kiến về chế độ cho giáo viên dạy người khuyết tật hòa nhập.

Cô giáo Thi chậm rãi kể câu chuyện, bắt đầu từ năm 2007 cho đến nay, hầu như năm học nào trong lớp của cô giáo Thi cũng có 1 hoặc 2 học sinh khuyết tật, khiến việc dạy học của cô vất vả hơn so các lớp khác.

Từ năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2012/NĐ-CP, quy định giáo viên dạy người khuyết tật được hưởng phụ cấp ưu đãi, nhưng không chỉ nữ giáo viên, mà các đồng nghiệp khác ở các địa phương của tỉnh Quảng Trị dạy người khuyết tật hòa nhập đều không có chế độ gì.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Cô giáo Phan Thị Thi - giáo viên Trường Tiểu học Triệu An trình bày ý kiến về chế độ cho giáo viên dạy người khuyết tật hòa nhập trong buổi đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị.

Nhiều giáo viên đã từng có ý kiến về vấn đề này, nhưng năm này sang năm khác vẫn chưa được giải quyết, cô giáo Thi nghĩ “chế độ đã ngủ quên”. Nhưng sau khi gặp các cán bộ Công đoàn tỉnh Quảng Trị, được sự động viên và hỗ trợ thêm các thông tin, cô giáo Thi mạnh dạn tham gia cuộc đối thoại giữa người lao động và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Từ đó, cô đã đề nghị xem xét, có chế độ cho giáo viên dạy người khuyết tật hòa nhập.

“Mình giảng dạy học sinh bao nhiêu năm, nhưng khi đứng ở hội trường có rất đông người lao động và lãnh đạo tỉnh tham dự, cũng có run run. Nhưng nhớ lời dặn của anh chị em cán bộ công đoàn, là cứ yên tâm, có cán bộ công đoàn sát cánh, nên mình nêu lên kiến nghị”, cô giáo Thi nhớ lại.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Chúng tôi trở lại gặp cô giáo Thi sau hơn 1 năm kể từ lúc có ý kiến nói trên, nữ giáo viên nói rằng, ban đầu cứ nghĩ “kiến nghị thì kiến nghị vậy thôi”. Nhưng năm học vừa rồi, Trường Tiểu học Triệu An yêu cầu thống kê số tiết của các giáo viên có dạy học sinh khuyết tật hòa nhập.

Cô giáo Thi và các đồng nghiệp có giảng dạy học sinh khuyết tật làm các hồ sơ theo hướng dẫn, rồi vừa đến kỳ nghỉ hè mới đây, cô nhận được thông tin cá nhân cô được hỗ trợ gần 10 triệu đồng, đồng nghiệp của cô có người nhận được nhiều tiền hơn.

“Mới có danh sách và quyết định nhận tiền hỗ trợ chứ chưa cầm tiền trong tay, nhưng tôi cảm thấy rất vui, khi ý kiến của mình được lắng nghe và không chỉ đem lại quyền lợi cho mình, mà cho cả các đồng nghiệp. Tôi cảm ơn tổ chức Công đoàn và lãnh đạo địa phương rất nhiều”, cô giáo Thi xúc động nói.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Cán bộ công đoàn của LĐLĐ tỉnh Quảng Trị ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để đề xuất lên cấp trên.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Ngồi ở “ghế nóng” của buổi đối thoại với người lao động hôm đó, sau khi cô giáo Thi có ý kiến nói trên, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị: “Vì sao chưa thực hiện chế độ này?”

Ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định, nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập được hưởng phụ cấp 0,2 nhân tổng số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật.

Vào ngày 8/11/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có thông báo kết luận số 178/TB-UBND, trong đó nêu rõ Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố, thị xã cùng phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP và các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, vẫn vướng mắc vì chưa có kinh phí để thực hiện.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành làm rõ việc chi trả chế độ cho giáo viên dạy người khuyết tật hòa nhập tại buổi đối thoại.

Ngay tại buổi đối thoại, ông Võ Văn Hưng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị hướng dẫn cho các đơn vị hoàn tất hồ sơ, giao Sở Tài Chính tỉnh Quảng Trị cân đối ngân sách và hướng dẫn Phòng Tài chính các huyện, thị xã, thành phố triển khai chi trả chế độ trên khi có đầy đủ hồ sơ.

Ông Nguyễn Thành Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay, khi nhận được kiến nghị của giáo viên, và chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Triệu Phong đã tranh thủ thêm ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, từ đó đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí cho giáo viên.

Mới đây, UBND huyện Triệu Phong đã có quyết định phân bổ kinh phí sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo năm 2024 để chi trả chế độ phụ cấp đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy người khuyết tật ở học kỳ II năm học 2023 - 2024, với tổng số tiền hơn 2,1 tỉ đồng.

Ngoài UBND huyện Triệu Phong, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã và đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để chi trả chế độ phụ cấp đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức hòa nhập.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lắng nghe những kiến nghị của người lao động trong khuôn khổ buổi đối thoại.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị nói rằng, khi biết chế độ của giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được thực hiện, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã chủ động tập hợp các thông tin, cho thấy có cơ sở để thực hiện. Vì thế, LĐLĐ tỉnh đã động viên người lao động nêu lên ý kiến tại buổi đối thoại giữa người lao động và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, để tranh thủ sự ủng hộ và đi đến thành công khi chế độ của người lao động được giải quyết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoài Lê, không chỉ ý kiến của giáo viên dạy người khuyết tật hòa nhập được lắng nghe, mà đơn vị cũng đã thành công trong việc “đánh thức” chế độ của người lao động làm công tác rà phá bom mìn bị “ngủ quên” nhiều năm qua.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Người lao động làm công tác rà phá bom mìn luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có khoảng 1.000 người lao động làm công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ ở các dự án phi Chính phủ như RENEW, MAG, Cây Hòa bình Việt Nam… Công việc này có tính chất nguy hiểm, đối diện với nhiều rủi ro, dù luôn áp dụng các biện pháp an toàn cũng như huấn luyện nghiêm ngặt, nhưng đã có trường hợp bị thiệt mạng trong quá trình làm nhiệm vụ.

Hằng ngày, những người lao động rà phá bom mìn, vật liệu nổ sẽ khoanh vùng 1 diện tích đất, dùng công cụ rà phá, khi phát hiện có tín hiệu, thì sẽ đào xuống lớp đất để tìm kiếm. Nếu phát hiện vật liệu nổ, sẽ có phương án xử lý. Nhiều loại bom, mìn có tính sát thương cao, di chuyển sẽ phát nổ thì được xử lý hủy nổ ngay tại hiện trường. Còn loại vật liệu nổ di chuyển được, thì các nhân viên sẽ đưa lên xe, đưa về bãi hủy nổ tập trung.

Công việc nguy hiểm như vậy, nhưng lại không nằm trong danh mục công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và lâu nay người lao động không được hưởng các chế độ này.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Công việc hằng ngày của những người lao động làm việc tại các dự án rà phá bom mìn.

Qua nắm tình hình và lắng nghe phản ánh, kiến nghị của đoàn viên, người lao động làm việc tại các dự án rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh, giữa năm 2023, cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Công đoàn Quảng Trị đã gửi kiến nghị bằng văn bản đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan về kiến nghị bổ sung công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

“Tin mừng đã đến với người lao động làm công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ vào giữa năm 2023; chúng tôi gửi kiến nghị đi, cuối năm 2023 thì kiến nghị được giải quyết”, bà Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết.

Theo đó, Thông tư số 19/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì nhiều nghề, công việc thuộc lĩnh vực xây dựng, vận tải, thương binh và xã hội đã được bổ sung.

Trong đó, có công việc “Trực tiếp rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; xử lý bom, mìn sau rà phá” đã được bổ sung trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại VI).

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Người lao động rà phá bom, mìn, vật liệu nổ an tâm công tác khi được hưởng các chế độ chính sách của công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Là cán bộ công đoàn cơ sở và cũng là một người lao động làm công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ, anh Hoàng Minh Phương - Chủ tịch Công đoàn cơ sở thành viên Dự án MAG Quảng Trị chia sẻ: “Sau khi nhận được tin công việc rà phá bom mìn đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung trong tại Thông tư số 19/2023/TT-BLĐTBXH, tôi và các anh chị em người lao động của dự án như vỡ òa”.

Theo anh Hoàng Minh Phương, từ nay, những người lao động làm công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ sẽ được hưởng các chế độ chính sách tốt hơn so với trước đây như: được nghỉ hưu sớm hơn đến 5 năm nếu đã làm việc được 15 năm; được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần; được khám bệnh nghề nghiệp; số ngày nghỉ phép nhiều hơn; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cũng nhiều hơn...

“Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến tổ chức Công đoàn và Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị đã sâu sát với cơ sở, lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi để kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, Trung ương, các ngành chức năng... để giải quyết kịp thời”, anh Phương chia sẻ.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Ông Nguyễn Thế Lập - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cho hay, tổ chức Công đoàn là cầu nối quan trọng, đưa tiếng nói, kiến nghị của đoàn viên, người lao động đến gần hơn với Đảng, Nhà nước. Việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động là nỗ lực của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại niềm tin cho người lao động, là cố gắng để người lao động không bị thiệt thòi.

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động và phối hợp với các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm đưa quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng đến với người lao động.

“Với tình cảm, trách nhiệm, nỗ lực của tổ chức Công đoàn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành trong việc thực hiện các chế độ chính sách cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn sẽ luôn được đảm bảo thực hiện tốt; từ đó đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động luôn ổn định và phát triển”, ông Lập nhận định.

Video: Đoàn viên, người lao động đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị do do LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị tổ chức, ngày 28/04/2023.

Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm… ngủ quên

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về “Công nhân và Công đoàn Quảng Trị” năm 2024.

Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY

Bài viết: THIÊN SƠN - TRẦN DIỄM - LY NA

Ảnh: Đ.V.C.C - T.S

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN