Với tình hình làm ăn nhiều năm thua lỗ, Công ty CP Vận tải biển Phương Đông (OSTC) đề ra mục tiêu năm 2021 khắc phục tình trạng thiếu thuyền viên và đảm bảo lương cho người lao động. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của OSTC cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị tiếp tục gặp khó khăn. Lợi nhuận sau thuế trong năm nay “âm” so với cùng kỳ năm trước. Nếu gác lại những khoản lỗ khủng do sụt giảm giá trị tài sản cố định do vấn đề lịch sử để lại, công ty vẫn duy trì được các chi phí thường xuyên, đủ để hoạt động duy trì bộ máy, trả lương nhân viên và tiếp tục nuôi hy vọng phục hồi. Về thực lực của công ty, sau khi thanh lý tàu Hồng Lĩnh, đội tàu của OSTC chỉ còn 4 chiếc. Để ổn định hoạt động khai thác đội tàu, Ban lãnh đạo công ty phải chuyển đổi phương án kinh doanh. Theo kế hoạch khai thác, công ty sẽ cho thuê định hạn các tàu Phương Đông 5, Phương Đông 6 và Phương Đông 10, cho thuê tàu trần đối với tàu Oriental Glory. |
|
Để bổ sung đội tàu phục vụ kinh doanh, công ty có thể sẽ tiếp tục đầu tư thuê thêm tàu có trọng tải từ 5.000 đến 30.000 DWT, nhằm phát triển và mở rộng dịch vụ vận tải biển. Đồng thời tập trung vào thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu như gạo, hàng nông sản, các mặt hàng nội địa (than, clinker, sắt thép) cho các dự án lớn trong nước để tạo nguồn hàng ổn định cho đội tàu. Tuy nhiên, điều bất lợi hiện nay là thị phần vận tải của đội tàu Việt Nam đối với những mặt hàng này còn hạn chế do thời gian chờ xếp dỡ hàng lâu, hoặc không có hàng hai chiều nên hiệu quả khai thác thấp. |
Đại diện công ty báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020. Ảnh: CĐ
Các doanh nghiệp Trung Quốc hầu hết chuyển sang mua gạo chính ngạch (số lượng lớn) nên đội tàu Việt Nam khó cạnh tranh được với đội tàu của Trung Quốc… Do đó, OSTC vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn hàng chưa tốt, các tuyến hàng vẫn không có gì thay đổi, đa số là những loại hàng trị giá thấp. Cạnh tranh về giá cước giữa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục gay gắt. Giá cước vận chuyển ngày càng giảm khiến hoạt động tự khai thác trở nên kém hiệu quả. |
Quang cảnh Hội nghị Người lao động. Ảnh: CĐ
Đặc biệt, trong năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, thiên tai, bão lũ, nợ lũy kế với các ngân hàng tiếp tục tăng cao, đội tàu của công ty già, cũ đến hạn phải đại tu, bảo dưỡng, tình trạng thiếu thuyền viên, việc thay thế thuyền viên ở nước ngoài khó khăn, tốn kém…. khiến hoạt động sản xuất kinh doanh càng thêm khó khăn. Trước tình hình đó, công ty đã thực hiện tái cơ cấu lại bộ máy, tổ chức, tài chính, lấy khách hàng làm trung tâm, củng cố khách hàng truyền thống, tìm kiếm khách hàng mới, tìm kiếm nhà cung cấp vật tư, nhiên liệu uy tín, giá cả hợp lý, phát động phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo, tiết kiệm với tinh thần tự lực, tự cường góp phần tiết giảm chi phí, tăng doanh thu. Công ty đã phải thanh lý tàu do thiếu thuyền viên và tình trạng thua lỗ. Ảnh: ST Kết quả, công ty đạt sản lượng vận tải 1,3 triệu tấn (bằng 220% năm 2019); doanh thu đạt 285,85 tỷ đồng (bằng 344% năm 2019). Công ty đã cơ bản giải quyết được tình trạng nợ quỹ bảo hiểm xã hội kéo dài trước đây; từng bước trả nợ lương cũ. Trước dự báo về tình hình thị trường năm 2021, tại Hội nghị Người lao động, công ty đã thống nhất thông qua các chỉ tiêu cơ bản: Sản lượng vận tải đạt 1,32 triệu tấn, doanh thu đạt 162,7 tỷ đồng. Đồng thời tập trung đảm bảo chế độ tiền lương nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuyền viên. Theo đồng chí Phạm Văn Hải - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, năm 2021, các doanh nghiệp khối vận tải biển sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do bất ổn chính trị, an ninh các nước, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường. Do vậy, Công đoàn Tổng Công ty mong muốn, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra tại Hội nghị Người lao động, Công đoàn cơ sở cần đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền chế độ, chính sách, pháp luật lao động. Công đoàn phổ biến các nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể đến tất cả người lao động. Tham gia với doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách, tiền lương, an toàn lao động. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến lực lượng thuyền viên, gia đình họ; tham gia với chuyên môn thực hiện tốt Tuyên bố Đại Lải năm 2020 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |