“Công ty CP Ô tô 1-5 trừ lương công nhân mà không trích nộp BHXH là vi phạm PHÁP LUẬT" |
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của PV Cuộc sống an toàn về vụ việc nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra tại Công ty CP Ô tô 1-5. |
PV: Mặc dù hằng tháng công nhân vẫn khấu trừ lương để nộp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng Công ty CP Ô tô 1-5 hiện đang nợ BHXH 14,9 tỷ, người lao động chỉ được tính nộp BHXH đến tháng 8/2016. Như vậy, công ty này có vi phạm pháp luật? Xin ông cho biết cụ thể về hành vi vi phạm này? Ông Lê Đình Quảng: Theo quy định tại Điều 21, Điều 86 Luật BHXH 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng đóng BHXH bằng 3% vào Quỹ ốm đau và thai sản; 1% (từ 15/7/2020 là 0,5% hoặc 0,3%) vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Đồng thời, người sử dụng lao động trích từ tiền lương của người lao động theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Bên cạnh đó, Điều 17 Luật BHXH 2014 cũng quy định các hành vi trốn đóng, chậm đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN thuộc các hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, việc hằng tháng Công ty CP Ô tô 1-5 khấu trừ từ tiền lương của người lao động các khoản tiền BHXH, BHYT, BHTN nhưng không trích nộp lên cơ quan BHXH (từ tháng 9/2016 đến nay) là vi phạm quy định của pháp luật. Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam |
PV: Công ty CP Ô tô 1-5 chậm, nợ BHXH trong thời gian dài. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH TP Hà Nội tiến hành 2 đợt thanh, kiểm tra vào năm 2018 và 2019; hằng năm cơ quan BHXH đôn đốc nhắc nhở nhưng tình trạng nợ BHXH vẫn diễn ra. Vậy công ty này có thể bị quy vào trách nhiệm hình sự về hành vi trốn đóng BHXH hay không? Ông Lê Đình Quảng: Khoản 2, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này (trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động). Bên trong nhà xưởng Công ty CP Ô tô 1-5 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Theo đó, trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Như vậy, việc Công ty CP Ô tô 1-5 nợ đóng số tiền BHXH lớn, trong khoảng thời gian dài, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật. |
Công ty CP Ô tô 1-5 có địa chỉ tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội |
PV: Công ty CP Ô tô 1-5 phải có trách nhiệm như thế nào đối với trường hợp của chị Phạm Thị Dương, người lao động đang bị bệnh hiểm nghèo không có BHXH, BHYT hỗ trợ? Ông Lê Đình Quảng: Việc đóng BHXH, BHYT là cơ sở để cơ quan BHXH ghi nhận quá trình đóng BHXH, BHYT của người lao động. Từ đó làm căn cứ để giải quyết các chế độ đối với người lao động đủ điều kiện hưởng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT sẽ khiến các quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động bị ảnh hưởng. Cụ thể: Khoản 73 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của BHXH Việt Nam sửa đổi bổ sung Quyết định số 595/QĐ-BHXH đã quy định: Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 17 chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Do đó, nếu doanh nghiệp nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng. Khi đó, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám chữa bệnh. Chị Phạm Thị Dương (SN 1974), công nhân Công ty cổ phần Ô tô 1-5 bị mắc bệnh ung thư phổi nhưng không được hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT do công ty nợ BHXH. Thay vào đó, doanh nghiệp nợ tiền BHYT có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 49 Luật BHYT năm 2014. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH quy định: Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN), nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Căn cứ quy định trên, có thể thấy, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH có thể yêu cầu công ty đóng đủ các khoản BHXH để cơ quan BHXH giải quyết kịp thời các quyền lợi cho mình. Trong trường hợp này, người lao động có thể khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện trực tiếp đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở chính để đòi lại quyền lợi. Video: Chị Phạm Thị Dương chia sẻ mong muốn được thanh toán chế độ BHXH |
PV: Con trai chị Dương là lính nghĩa vụ quân sự, theo quy định thì chị sẽ được hưởng quyền lợi BHYT thân nhân quân nhân, tuy nhiên chị Dương đã tham gia bảo hiểm tại công ty. Trong hoàn cảnh công ty nợ BHXH, chị Dương bị bệnh hiểm nghèo, mất quyền lợi, có thể được xem xét cấp thẻ BHYT tư cách là thân nhân quân nhân hay không? Ông Lê Đình Quảng: Điều 12 Luật BHYT quy định có 05 nhóm đối tượng tham gia BHYT, gồm: (1) nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; (2) nhóm do tổ chức BHXH đóng; (3) nhóm do ngân sách nhà nước đóng; (4) nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; (5) nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ông Lê Đình Quảng tham gia chương trình Pháp luật & Công đoàn, do Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn thực hiện. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 13 Luật BHYT 2014 quy định: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này. Như vậy, chị Dương đang làm việc tại Công ty CP Ô tô 1-5 nên chị thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng. Đây là một trong những bất cập của pháp luật về BHYT với những tình huống cụ thể như trường hợp của chị Dương, và cần phải được nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi, bổ sung Luật BHYT sắp tới. Xin trân trọng cảm ơn ông! |
Thư ngỏ của nữ công nhân mắc bệnh hiểm nghèo gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Mang trong mình căn bệnh ung thư phổi với chi phí điều trị tốn kém nhưng chị Phạm Thị Dương, công nhân Công ty Cổ ... |
Công ty CP Ô tô 1-5 nợ BHXH: Công nhân mắc bệnh hiểm nghèo mòn mỏi chờ quyền lợi
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mang bệnh ung thư, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chị Phạm Thị Dương (sinh năm 1974), ... |
Công ty CP Ô tô 1-5 nợ gần 15 tỷ BHXH: Công nhân lo “chết vẫn chưa có sổ hưu”
Thỉnh thoảng, nỗi lo ấy lại ập về khiến tâm trí ông Tạo rối bời. Nhất là khi tập thể hơn 100 công nhân Công ... |