|
Thỉnh thoảng, nỗi lo ấy lại ập về khiến tâm trí ông Tạo rối bời. Nhất là khi tập thể hơn 100 công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 (Hà Nội) nhiều lần đề nghị lãnh đạo giải quyết nợ BHXH nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. |
Ông Trịnh Văn Tạo, sinh năm 1969, đã làm việc tại bộ phận Bọc vỏ xe của Công ty CP Ô tô 1-5 được 27 năm. Ba năm trước (2018), trên đường đi làm về, ông bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, gãy xương nhiều vị trí trên cơ thể, hỏng một mắt, tỷ lệ thương tật 71%. Sau tai nạn, ông Tạo gắng gượng trở lại với công việc. Nhưng, cũng từ thời điểm đó công việc phập phù, có tháng chỉ làm 10-15 ngày. Lương được tính theo sản phẩm nên cũng chẳng ăn thua. Hơn ai hết, người đàn ông quê gốc Đông Anh, Hà Nội mong muốn được nghỉ hưu tại công ty, sau gần 30 năm cống hiến. Sức khoẻ của ông không còn tốt như trước, sổ hưu là vật cứu cánh cho những tháng ngày sắp tới khi hai đứa con vẫn đang tuổi ăn học. |
"Công ty cho tôi tạm nghỉ việc do Covid-19 nhưng không được hưởng bất cứ chế độ nào" Ông Trịnh Văn Tạo, công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 |
Hồi bị tai nạn, đơn vị giám định gợi ý sau sinh nhật năm 2021, ông cần đi giám định lần nữa để làm thủ tục về hưu. Bây giờ, dù bước qua sinh nhật tuổi 52 được gần bốn tháng, ông vẫn chưa thể làm được việc ấy. “Công ty không chốt sổ BHXH, tôi không thể đi giám định và làm thủ tục về hưu. Tôi có hỏi phòng Tổ chức thì họ bảo hiện công ty đang nợ BHXH, chưa thể chốt sổ. Thành ra vẫn cứ phải chờ đợi”, ông Tạo nói. Dù có tên trong danh sách công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 nhưng thực tế, ông được cho tạm nghỉ từ năm 2020. Hơn một năm qua, ai thuê gì ông làm nấy, đều là những công việc lặt vặt, “buổi đực, buổi cái”. “Không có sổ BHYT, tôi cũng chẳng dám đi khám bệnh. Tôi rất lo! Bây giờ sức khoẻ không có, chế độ thì chưa được hưởng. Tôi chẳng biết có sống để mà nhận được sổ hưu không”, người đàn ông buồn bã chia sẻ. Ông Tạo chưa thể đi giám định sức khoẻ để về hưu do công ty chưa chốt sổ BHXH Cùng tâm trạng như ông Tạo, chị Phan Thị Lan, 38 tuổi, cho biết mình được công ty thông báo cho tạm nghỉ việc từ tháng Tư năm ngoái do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng một, hai tháng trôi qua, dịch bệnh đã lắng xuống, chị vẫn không thấy công ty gọi đi làm trở lại. Sốt ruột, nữ công nhân tới công ty thì chỉ thấy quản đốc, tổ trưởng ở đó. Nhà xưởng vắng hoe. Gần 20 năm làm việc ở công ty, chị lấn cấn giữa hai lựa chọn: Ra đi hay ở lại? Mãi đến tháng 9/2020, khi ba đứa con vào năm học mới, gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” xồng xộc ập đến trước mắt, chị đánh liều vay mượn hơn chục triệu đồng, sắm đồ nghề đi bán bánh mỳ nơi ngã tư đường. |
Tập thể công nhân Công ty CP Ô tô 1-5 yêu cầu Ban lãnh đạo chi trả lương và BHXH hôm 30/6 |
Chị Lan là lao động chính trong gia đình từ 8 năm trước, khi chồng chị, một lao động tự do trong lúc làm việc bị ngã từ trên mái tôn xuống, hỏng một bên mắt, tổn hại 50% sức khỏe. Sau biến cố, nỗi lo cơm áo gạo tiền và chi phí ăn học cho ba đứa con đè nặng lên vai nữ công nhân. Cũng may, một người bà con thương cảm với hoàn cảnh và đã cho gia đình chị ở nhờ, bớt được khoản tiền thuê nhà hằng tháng. Bây giờ, chị Lan vẫn nằm trong danh sách công nhân lao động của công ty với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. “Tôi không được trợ cấp khi tạm nghỉ việc vì lý do dịch bệnh. Ốm đau không có BHYT. Gần 20 năm cống hiến, tôi không được hưởng bất cứ quyền lợi gì”, nữ công nhân quê Hà Tĩnh bức xúc khi trong thời gian làm việc, hằng tháng vẫn phải trích một phần lương để đóng bảo hiểm. “Hiện tại, tôi chỉ mong muốn công ty trả lời rõ rằng có hoạt động nữa hay không, và các chế độ có được đảm bảo cho công nhân hay không, nhất là chế độ BHXH”, chị Lan nói. Đó cũng là nguyện vọng của hơn 100 công nhân Công ty CP Ô tô 1-5. |
Hôm 11/5, tập thể công nhân gửi đơn tới các cơ quan chức năng và Công ty CP Ô tô 1-5. Trong đơn, họ “khẩn thiết đề nghị” công ty chi trả lương, đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. “Công ty không thực hiện đóng BHXH, không thực hiện việc mua bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Vì vậy trong suốt quá trình làm việc tại công ty, khi ốm đau, bệnh tật, kể cả bệnh nghề nghiệp, chúng tôi đều phải tự bỏ tiền túi để điều trị”, tập thể công nhân ký vào đơn đề nghị giải quyết thực trạng trên. Ông Trần Thành Nam, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Ô tô 1-5 xác nhận với PV Cuộc sống an toàn rằng doanh nghiệp này ngoài nợ lương người lao động 3,4 tỷ thì còn nợ BHXH trên 14,9 tỷ, trong đó có trên 8,1 tỷ nợ gốc và trên 6,8 tỷ nợ lãi. Về lý do của việc nợ lương và BHXH, ông Nam cho biết, 2 năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị đình trệ, không tiêu thụ được sản phầm dẫn đến mất cân đối tài chính. Ngoài ra, công ty còn chưa thu hồi được khoản công nợ khoảng 129 tỷ đồng do cùng hợp tác đầu tư dự án Happy Land với Công ty CP Phát triển đô thị Đông Anh. “Bên cạnh đó, từ 2014, khi chuyển sang cổ phần hóa, công ty kế thừa khoản nợ BHXH 9,6 tỷ từ thời kỳ còn 100% vốn nhà nước nên mặc dù sau này có đóng nhưng bị trừ vào nợ cũ. Kết quả là người lao động trong công ty mới chỉ được tính nộp BHXH đến tháng 8/2016”, ông Nam phân trần. Vị Phó Tổng giám đốc nói: “Lãnh đạo công ty thừa nhận vấn đề nợ lương, nợ BHXH của người lao động, không bàn cãi. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề cấp bách nhất là lương cho người lao động xong trước 15/9, còn BHXH cũng sẽ đàm phán để có lộ trình đóng sao cho phù hợp nhất”. |
Ông Đào Minh Châu, Giám đốc BHXH huyện Đông Anh cho hay: “Vừa qua, chúng tôi đề nghị công ty cho biết lộ trình trả BHXH nhưng Công ty CP Ô tô 1-5 không trả lời được. Họ cho biết sau khi trả được lương người lao động mới tính tiếp đến việc thanh toán BHXH”. Ông Châu nói thêm: “Hằng năm chúng tôi liên tục đôn đốc công ty đóng BHXH”. Đánh giá về vụ việc, Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: “Vụ việc đã quá rõ ràng. Công ty đã có hành vi vi phạm pháp luật khi không trả lương và đóng BHXH cho người lao động”. Luật sư Hà nói, có 2 cách để giải quyết đòi quyền lợi của người lao động: Thứ nhất, từng cá nhân người lao động khởi kiện, buộc công ty phải chốt, trả BHXH và trả lương. Nếu công ty có tài sản, thi hành án sẽ kê biên các tài sản của công ty để đấu giá, thi hành bản án mà tòa án đã tuyên. Thứ hai, công đoàn cơ sở có thể khởi kiện vụ án tập thể, buộc công ty phải đóng và chốt trả BHXH, trả lương cho người lao động. “Nhưng vấn đề này phụ thuộc vào việc công ty có tài sản hay không, tài sản ấy đã đem đi thế chấp hay chưa”, ông Hà cho hay. Hôm 9/7, các sở, ban ngành của TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty CP Ô tô 1-5, đề nghị đơn vị khẩn trương tập trung vào việc lên danh mục thanh lý hàng tồn kho, giải quyết công nợ để có nguồn tài chính trả lương, nợ BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin |
Công ty CP Ô tô 1-5 có trụ sở tại Cụm công nghiệp Ô tô Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội |
|
Những trường hợp F1 được giảm cách ly xuống 14 ngày, F0 được điều trị tại nhà
Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn quản lý điều trị F0 tại nhà, đồng thời giảm thời gian cách ly chuyên ... |
“Pháo đài 3 tại chỗ" giúp bảo vệ doanh nghiệp, NLĐ an toàn trong mùa dịch
Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi đã xây dựng “pháo đài 3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm an toàn ... |
Công nhân vệ sinh môi trường: Nụ cười trở lại khi công ty trả hết nợ lương
Hơn 4 tỷ đồng là số tiền mà Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội trả cho các công nhân vệ sinh môi trường ... |