adhajd

Công nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: “Chỉ cầu sức khoẻ, thế là đủ”

Rời nhà từ sáng sớm, vợ chồng anh Phạm Đức (37 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ), công nhân may, tới đền Hùng với mong ước về sức khoẻ, thu nhập ổn để nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học.

Ngồi tạm ở gốc cây bên đường trên hành trình tìm về với đất Tổ, anh Phạm Đức hồ hởi chia sẻ: “Anh làm công nhân may được hơn 10 năm rồi. Cuộc sống cũng không mấy dư dả, nhưng được cái gần nhà, gần vợ con”.

Vừa nói, anh vừa chỉ vào vợ và ba đứa nhỏ đang ngồi bên cạnh: “Vợ và ba đứa con là tài sản lớn nhất đối với anh. Chỉ cần vợ con được khoẻ mạnh, các con chăm ngoan là anh mừng em ạ”.

adhajd

Cả gia đình anh Phạm Đức đến dự lễ từ sáng sớm.

Ban đầu quyết định làm công nhân anh Đức chỉ nghĩ rằng đó là công việc tạm thời, mong có đồng ra đồng vào trong những ngày nông nhàn. Ngoảnh đi ngoảnh lại, anh đã gắn bó được hơn 10 năm. Anh Đức chia sẻ, chị Yến (vợ anh) cũng làm công nhân và cùng làm trong lĩnh vực may mặc giống anh. Hiểu và thông cảm cho nhau là động lực giúp hai anh chị gắn bó với cái nghề này.

"Nhiều lúc cũng muốn bỏ đi làm công việc khác nhưng nhìn đàn con đang tuổi ăn học nên lại thôi em ạ. Anh chị may mắn hơn các công nhân khác là được ở gần nhà, được cậy nhờ bố mẹ trông nom mấy đứa nhỏ", chị Yến bộc bạch.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi vào giữa tuần nên chỉ được nghỉ đúng 1 ngày. Với quỹ thời gian ít ỏi, anh Đức bàn với vợ đưa ba con cùng đi lễ tại đền Hùng, vừa để gia đình có thời gian gắn kết, vừa giúp các con có trải nghiệm và nhớ về cội nguồn, những người có công dựng nước thuở xa xưa.

adhajd

Con trai lớn của anh Đức và chị Yến.

Ngồi tạm nghỉ chân bên thảm cỏ ven đường, vừa dỗ dành cho cháu gái mới được 2 tuổi uống hộp sữa, bà Tạ Thị Sơn (52 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ: "Hôm nay là chính hội, nhà tôi có 4 người (hai vợ chồng, con dâu và cháu nội) đi lễ. Năm nào cũng vậy, cứ chính hội là gia đình lại thu xếp lên đây, cốt để cầu sức khoẻ, bình an thôi".

Vừa trò chuyện, bà Sơn lại nhìn sang đứa cháu gái đang cầm trên tay mấy món đồ chơi xếp hình, miệng cười nói: "Đây là đứa cháu gái đầu lòng của tôi. Bố mẹ cháu đều làm công nhân ở Khu công nghiệp Trung Hà (Phú Thọ). Đồng lương công nhân vốn không mấy dư dả, lại hay làm ca kíp nên tôi và chồng cố gắng hỗ trợ cho các con. Chăm cháu cũng có nhiều niềm vui mà".

adhajd

Bà Sơn dỗ dành cháu gái uống sữa trong lúc nghỉ chân.

“Mọi năm, gia đình tôi còn có cả hai vợ chồng con trai thứ đi cùng. Năm nay hai cháu đi làm công nhân ở Bắc Ninh nên không về được. Nghỉ một ngày nên đi lại cũng bất tiện. Đến với đền Hùng năm nay, tôi chỉ mong gia đình luôn mạnh khoẻ, các con chịu khó làm ăn, các cháu hay ăn chóng lớn, thế là mừng!”, bà Sơn chia sẻ.

adhajd

Cháu gái của bà Sơn tròn xoe mắt khi thấy người lạ hỏi chuyện.

Rảo bước lên khu vực mấy bạn trẻ đang chụp ảnh lưu niệm, chúng tôi vô tình gặp chị Cao Thị Hồng, một người phụ nữ có nụ cười tươi và dáng vẻ trẻ trung. Chị Hồng chia sẻ, chị và một người bạn cùng công ty (tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đi xe máy tới đền Hùng từ sáng sớm.

Chuyến đi kéo dài 1 giờ 40 phút, phần vì nắng nóng, phần vì thấm mệt, chị Hồng vừa trò chuyện vừa lấy tay lau vội mấy giọt mồ hôi trên trán.

“Nắng nóng khiến người mệt mỏi nhưng vui vì được về với đất Tổ em ạ. Dù đây là lần thứ hai chị được về đền Hùng, nhưng cảm giác vẫn hệt như lần đầu. Háo hức, vui và hạnh phúc vì mình được đặt chân tới đây trong một ngày đặc biệt”, chị Hồng cho biết.

adhajd

Chị Cao Thị Hồng tránh nắng trước giờ lên đền Thượng.

Làm công nhân được hơn 5 năm, rời mảnh đất ở Hoà Bình với mong ước kiếm được tiền để trang trải cho gia đình, chị Hồng bộc bạch: “Làm công nhân đúng là không dễ dàng, nhưng vì miếng cơm manh áo, chị vẫn quyết bám trụ với nghề em ạ”.

Chị kể, trước dịch Covid-19, thu nhập của chị dao động từ 9 - 10 triệu đồng/tháng nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng. Số tiền đó, một phần chị dùng trả tiền phòng trọ, phí sinh hoạt, còn lại gửi về quê cho ông bà để chăm sóc ba đứa con nhỏ.

“Mong ước thì nhiều lắm, nhưng chị nghĩ quan trọng nhất vẫn là sức khoẻ. Có nó rồi, chị và chồng có thể lao động, tiếp tục kiếm tiền lo cho gia đình và tương lai của ba đứa nhỏ”, chị Hồng chia sẻ trước khi lên đền Thượng.

adhajd

Chị Nguyễn Thị Tỵ, bạn đồng hành cùng chị Hồng trong chuyến hành hương về đất Tổ.

Công nhân lao động từ khắp mọi miền đổ về đền Hùng, người mang theo lễ, người về với cái tâm nhưng tất cả đều chung một tâm nguyện hướng về nguồn cội và cầu mong một cuộc sống an bình, nhiều sức khoẻ.

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tập trung vào phần lễ, không tổ chức phần hội. Dự kiến trong ngày hôm nay, đền Hùng đón khoảng hơn 20.000 người tới dự lễ.

adhajd

Bài viết & ảnh: Ngọc Châm - Minh Hằng

Tấm vé của lòng trắc ẩn Tấm vé của lòng trắc ẩn

Nghe tin hai con gái bị tai nạn giao thông, một cháu nằm viện, một cháu qua đời, anh Hải tức tốc bắt xe từ ...

Một địa chỉ thân thương Một địa chỉ thân thương

Ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, không mấy người không biết “mái ấm” Bà Rá của ông Bùi Quang Ánh và công đoàn cơ ...

Hà Nội: Không để ùn tắc giao thông kéo dài quá 15 phút trong dịp nghỉ lễ Hà Nội: Không để ùn tắc giao thông kéo dài quá 15 phút trong dịp nghỉ lễ

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản ...