Long An: Công khai số điện thoại cán bộ công đoàn để người lao động liên hệ khi cần giúp đỡ |
Chị Vân Thị Lệ Trang, 26 tuổi, quê ở Gia Lai, xuống Long An làm việc hơn 3 năm nay. Dịch bệnh khiến chị phải nghỉ làm ở công ty, lại đang mang bầu hơn 8 tháng, nuôi con nhỏ 4 tuổi, nên cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Khi biết tin LĐLĐ tỉnh Long An có triển khai đường dây nóng hỗ trợ công nhân lao động, chị Trang đã gọi điện nhờ công đoàn giúp đỡ. |
Đầu tháng 8/2021, LĐLĐ tỉnh Long An đã triển khai đường dây nóng để người lao động gọi điện nhờ hỗ trợ. Các số điện thoại được đặt công khai là Chủ tịch, Phó Chủ tịch của LĐLĐ các huyện, xã, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khi biết thông tin này, chị Lệ Trang (ở trọ tại Nhà trọ Cầu Đôi, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) đã liên hệ trực tiếp tới số điện thoại của Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để nhờ hỗ trợ. |
LĐLĐ tỉnh Long An công khai số điện thoại đường dây nóng để người lao động khó khăn liên lạc. |
Chị Trang kể rằng khu trọ của chị nằm trong khu phong tỏa đã một thời gian dài. Lúc đầu cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ, nhưng vì khu trọ này quá rộng, khoảng 1000 phòng trọ nên nhiều hộ vẫn cần được giúp đỡ trong đó có gia đình chị. Bản thân Trang đang mang thai hơn 8 tháng, có con nhỏ 4 tuổi và chồng làm cơ khí. Hơn 1 tháng nay chị nghỉ làm, tiền trọ đã được giảm nhưng vẫn phải trả, rồi các chi phí sinh hoạt, sữa cho con cái và tiền lãi ngân hàng... Không chỉ riêng phòng trọ nhà chị mà nhiều hộ gia đình trong dãy trọ này cũng lâm vào cảnh khốn khó. |
Người lao động khó khăn nhận hỗ trợ của LĐLĐ huyện Đức Hòa khi liên hệ qua đường dây nóng. |
“Tôi quê ở Gia Lai, xuống Long An làm việc được nhiều năm, hiện tại do dịch bệnh nên tạm ngừng việc. Công ty cũng hỗ trợ tiền lương nhưng cuộc sống nhiều thứ chi tiêu vẫn không đủ. Tôi lại đang mang thai đi lại khó khăn, hai tháng nay tôi không dám ra ngoài để đi siêu âm thai kỳ, sữa bầu cũng không uống nữa để tiết kiệm, dành tiền sinh đẻ. Không những thế cả nhà còn khoản nợ ngân hàng 30 triệu vay từ năm ngoái. Nên bây giờ được ai hỗ trợ gì là tôi vui lắm”, chị Trang tâm sự. Khi được đồng nghiệp tại công ty cho số điện thoại Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa, chị Lệ Trang đã gọi điện và nhờ giúp đỡ. Tại khu trọ của chị Trang có khoảng 45 hộ gia đình cũng thiếu nhu yếu phẩm nên khi gọi đến công đoàn, cả xóm đã được tặng nhu yếu phẩm. |
“Tôi không ngờ khi bản thân gọi điện đến nhờ công đoàn hỗ trợ thì lại giúp được mấy chục gia đình còn lại. Chị Kiều Oanh (Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa) đã hỏi thăm cuộc sống gia đình tôi và những hộ xung quanh. Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã nhận được hỗ trợ từ công đoàn. Mỗi phần quà là 5 kg gạo, mắm, muối, xì dầu và vitamin C… Chúng tôi mừng lắm, mừng vì lúc khó khăn nhất công nhân lao động đã được công đoàn sẻ chia, hỗ trợ”, chị Lệ Trang bộc bạch. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa cho biết, từ khi để công khai số điện thoại, rất nhiều trường hợp công nhân lao động, người lao động tự do, người về quê bị “kẹt” lại Long An cũng gọi để nhờ công đoàn hỗ trợ. Trước mắt, công đoàn huyện vẫn tiếp tục tiếp nhận thông tin cần được hỗ trợ từ phía người lao động để giúp đỡ. “Toàn huyện có khoảng 70.000 đoàn viên; khoảng 90.000 người lao động nên để hỗ trợ được hết những trường hợp khó khăn chúng tôi cần thời gian và nguồn lực. Hầu hết người lao động gọi đến số điện thoại của tôi đều mong muốn được hỗ trợ nhu yếu phẩm, bà bầu gọi đến nhờ hỗ trợ sữa, bỉm cho con nhỏ… Cán bộ công đoàn huyện luôn nỗ lực để giúp đỡ được nhiều nhất số lượng đoàn viên, người lao động khó khăn hiện nay”, bà Kiều Oanh cho hay. |
Từ khi triển khai đường dây nóng hỗ trợ người lao động mùa dịch, LĐLĐ huyện Đức Hòa đã hỗ trợ khoảng 800 phần quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi phần trị giá khoảng 250.000 đồng, chương trình đã tạo động lực động viên công nhân lao động cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid- 19. Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận những cuộc điện thoại, bà Kiều Oanh đã giúp đỡ một người thợ hồ là nam giới đi từ TP HCM về Đồng Tháp, nhưng vì Chỉ thị 16 của Thủ tướng anh phải ở lại Long An. Người đàn ông này không thể tìm được nhà trọ để thuê, phải ngủ ở ven đường và ăn trái bình bát (một thứ quả dại mọc ở bờ ruộng). Khi bà Kiều Oanh tìm đến người đàn ông này thì trong túi anh ta chỉ còn 30.000 đồng. Sau đó, nhờ sự liên hệ của mình, bà Kiều Oanh đã giúp được người đàn ông này có công việc và thuê trọ để sống qua mùa dịch. |
Cô giáo tận tâm với sự nghiệp giáo dục
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2008, cô Ngụy Thị Thái về công tác tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (Đống ... |
Công đoàn chăm lo cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp tại đây vẫn đang duy trì “3 tại chỗ” để ổn định ... |
Gần 200 người lao động quê Hà Giang gặp khó khăn đã được công đoàn hỗ trợ
Sau khi nhận được thông tin gần 200 công nhân lao động quê Hà Giang đang gặp khó khăn tại thị xã Tân Uyên, tỉnh ... |