e magazine
03/06/2022 18:32
Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

03/06/2022 18:32

Hiện tình trạng người lao động, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ăn ở tạm bợ, nay thuê chỗ này mai thuê chỗ kia đang diễn ra phổ biến; ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ, sự ổn định nguồn nhân lực của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề này đã được các ban, ngành Trung ương, địa phương mổ xẻ và quyết tâm tháo gỡ; song hiệu quả đến đâu vẫn còn phải chờ và để giải quyết rốt ráo có lẽ cần thời gian không ngắn.
Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

Hiện tình trạng người lao động, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ăn ở tạm bợ, nay thuê chỗ này mai thuê chỗ kia đang diễn ra phổ biến; ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ, sự ổn định nguồn nhân lực của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề này đã được các ban, ngành Trung ương, địa phương mổ xẻ và quyết tâm tháo gỡ; song hiệu quả đến đâu vẫn còn phải chờ và để giải quyết rốt ráo có lẽ cần thời gian không ngắn.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa năm 2021, số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu nhà ở là khoảng 4,2 triệu người, cần khoảng 33,6 triệu mét vuông sàn nhà ở; nhưng cả nước mới hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội với hơn 142.000 căn, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông, còn thiếu khoảng 26,5 triệu mét vuông.

Bộ Xây dựng nhận định: Số lượng nhà ở hiện nay vẫn cách khá xa so với các mục tiêu trong Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 20/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, hiện phần lớn công nhân, người lao động phải thuê nhà tại các khu nhà trọ cấp bốn, diện tích khoảng 9 đến 10 mét vuông/phòng, thiếu các điều kiện hạ tầng, không bảo đảm an toàn, vệ sinh, chất lượng sống.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển công nghiệp đứng đầu cả nước, có số lượng người lao động phải ở trọ cũng thuộc hàng nhiều nhất cả nước. Nhưng theo thống kê của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2021, số nhà lưu trú cho công nhân do doanh nghiệp xây chưa đạt đến 17% nhu cầu của công nhân; cho thấy vẫn còn tới hơn 80% công nhân buộc phải thuê nhà trọ.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao độngLãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước khảo sát khu nhà trọ của công nhân tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ảnh: NGUYỄN NGA.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2021, người lao động sống bấp bênh ở nhà trọ phải trả cho những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện nước sinh hoạt đều cao hơn hẳn so với người dân địa phương. Cụ thể, tiền điện trung bình mỗi công nhân thuê trọ phải trả hơn 3.000 đồng/kWh, cao hơn giá bán điện sinh hoạt bậc 1 gần 1.200 đồng/kWh. Đối với mỗi m3 nước sinh hoạt, người thuê nhà phải trả gần 15.000 đồng, gấp đôi giá bán nước sinh hoạt bậc 1 của Thành phố…

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân thông tin: Quận Bình Tân có gần 350.000 công nhân, chủ yếu sống ở các phòng trọ chật hẹp do dân tự đầu tư cho thuê. Còn ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh thì cho biết, tại huyện này cũng có hơn 130.000 công nhân chủ yếu sống trong các nhà trọ, ở ghép 2 đến 3 người một phòng.

Tình trạng trên cũng phổ biến ở Đồng Nai, một tỉnh phát triển công nghiệp trọng điểm phía Nam. Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào cuối năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai đang thiếu hơn 200 ngàn căn nhà ở xã hội cho người lao động. Hiện người lao động ở Đồng Nai phần lớn sống trong các khu nhà trọ, mỗi phòng từ 12-14 mét vuông, có 4 đến 5 người chung sống rất chật chội, bức bối.

Còn theo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh này hiện có hơn 42.000 công nhân đang làm việc tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, nhưng đến nay mới triển khai được 1 dự án nhà ở cho công nhân, người lao động, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhà ở cho công nhân.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

Bộ Xây dựng xác định: Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu về nhà ở công nhân khu công nghiệp trên toàn quốc là 163.500 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai 278 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

Khu nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh:Vilagcerayenphong.com.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đang có kế hoạch xây một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp có thể tiếp cận. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến tăng ít nhất 50 triệu mét vuông diện tích sàn nhà ở. Trong đó, nhà ở xã hội tăng khoảng 2,5 triệu mét vuông, diện tích nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 500.000 mét vuông sàn, chiếm 20% tổng diện tích nhà ở xã hội. Diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội khoảng 173,5 ha.

Riêng năm 2022, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 46.300 mét vuông sàn xây dựng với kinh phí đầu tư 698 tỷ đồng. Cũng trong năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại 12 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho người lao động thuê với quy mô hơn 11.000 căn hộ mà trước đó Sở Xây dựng Thành phố đã khảo sát và nhận thấy đang có rất nhiều vướng mắc do bất cập của chính sách xây dựng nhà ở xã hội.

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng vào cuối năm 2021, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn dành cho công nhân. Hiện tỉnh đang triển khai 13 dự án nhà ở xã hội có diện tích hơn 59 ha, khi hoàn thành sẽ có gần 8.200 căn nhà. Tỉnh này đang kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết việc xin chuyển đổi 132 ha đất thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp đang bỏ trống sang đất xây dựng nhà ở xã hội.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao động

Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đã ban hành các cơ chế thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, nên tình trạng thiếu nhà ở xã hội vẫn kéo dài. Mặt khác, quỹ đất phát triển dự án nhà ở cho công nhân hiện chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp, do các doanh nghiệp kinh doanh. Nếu dùng đất đó để xây nhà ở cho công nhân thì không có lợi nhuận, trong khi Chính phủ chưa có các chính sách ưu đãi để khuyến khích, nên doanh nghiệp không mặn mà.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao độngKhu nhà lưu trú công nhân Tập đoàn Phong Thái, Đồng Nai.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho rằng: Phải có chính sách riêng để phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà lưu trú dành cho công nhân, như ưu đãi về vốn, về quỹ đất… Cần sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó, phải ưu đãi và khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trước mắt, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương bố trí diện tích đất để xây nhà ở công nhân khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; tạo điều kiện về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin thêm: “Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay”.

Bức xúc vấn đề nhà ở cho người lao độngLãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm Khu nhà ở xã hội Becamex Định hòa, TP Thủ Dầu Một , tỉnh Bình Dương. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh Uỷ Bình Dương cung cấp

Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế kiến nghị, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới. Chính phủ cần có các gói tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Vào khoảng quý III năm 2021, do đại dịch Covid-19, hàng triệu công nhân buộc phải bỏ các thành phố, các trung tâm công nghiệp lớn phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để về quê do không vượt qua được các khó khăn về chi phí nhà trọ, chi phí sinh hoạt khi bị mất việc, hoãn việc. Không ít người đã ra đi không trở lại. Sự kiện trên là một lời cảnh tỉnh rất lớn đối với tình trạng công nhân không có nhà ở ổn định, thiếu gắn bó tại nơi làm việc. Vấn đề an cư vì thế càng trở nên vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước hiện nay, cũng như đối với việc cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Thiết nghĩ, bằng mọi giá, hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải một lần nữa cùng nhau giải quyết rốt ráo vấn đề này.

TẤN MÂN

Đồ họa: AN NHIÊN

Tăng nguồn cung nhà ở xã hội bằng vốn xã hội hóa là giải pháp khả thi Tăng nguồn cung nhà ở xã hội bằng vốn xã hội hóa là giải pháp khả thi

Vấn đề thiếu nhà ở xã hội (NƠXH) đã là vấn đề bức xúc, là nỗi buồn lo dai dẳng, là ước mơ của hàng ...

Nghệ An xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với tổng vốn đầu tư 6.880 tỷ đồng Nghệ An xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với tổng vốn đầu tư 6.880 tỷ đồng

Sáng 12/5, UBND tỉnh tổ chức Lễ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cho 2 dự án xây ...

Cần tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội Cần tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội

Ngày 4/5, Văn phòng UBND TP. HCM cho biết đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. HCM về việc xử lý ...

Xem phiên bản di động